Một Đảng duy nhất cầm quyền - sản phẩm tất yếu của thực tiễn chính trị - xã hội ở Việt Nam
TCCS - Trong những năm gần đây, có ý kiến cho rằng, để có dân chủ, phải đa nguyên về chính trị; thực hiện phát triển kinh tế thị trường mà vẫn duy trì chế độ nhất nguyên về chính trị, một đảng duy nhất cầm quyền sẽ là một mâu thuẫn lớn gây bi kịch cho dân tộc. Từ đó, những người theo quan điểm này đề nghị phải xác lập chế độ đa đảng đối lập, phải xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp... Trước thềm Đại hội XI của Đảng, vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng càng cần phải được hiểu đúng, và được củng cố, tăng cường.
Có học giả cho rằng, mọi sự vật đều được tạo thành từ nhiều nhân tố, bản chất sự vật là "đa nguyên". Cho nên, mọi hiện tượng xã hội, mọi lĩnh vực xã hội cũng là đa nguyên. Cố tình cưỡng lại tính tất yếu “thép” đó là vi phạm quy luật khách quan, là ngoan cố và nhất định phải trả giá (?!)...
Theo chúng tôi, đa nguyên về chính trị là khái niệm được xác định chặt chẽ hơn, nó không phải là khái niệm dùng để chỉ trong xã hội có tồn tại nhiều tổ chức, thiết chế chính trị khác nhau, mà là khái niệm dùng để chỉ một xã hội có nhiều đảng chính trị đối lập, đấu tranh với nhau để chia sẻ quyền lãnh đạo chính trị đối với toàn xã hội.
Với cách hiểu này, một chế độ đa đảng chưa hẳn đã là chế độ đa nguyên về chính trị. Chẳng hạn, ở Trung Quốc hiện nay ngoài Đảng Cộng sản Trung Quốc còn có 8 đảng dân chủ. Tám đảng này đều thừa nhận Đảng Cộng sản Trung Quốc là người duy nhất lãnh đạo nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, đều lấy mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc làm lý tưởng cao cả nhất của mình. Đó là chế độ đa đảng mà nhất nguyên về chính trị. Ở Mỹ hiện nay, tuy Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa thay nhau cầm quyền, nhưng nếu xem đó là chế độ đa nguyên về chính trị thì chưa hẳn đúng. Bởi lẽ, hai đảng chỉ đối lập nhau trên một số phương diện không cơ bản; xét về bản chất giai cấp - xã hội, hai đảng là đồng nhất, có mục tiêu căn bản giống nhau: củng cố và phát triển thể chế tư bản chủ nghĩa ở Mỹ...
Một chế độ nhất nguyên hay đa nguyên về chính trị do một loạt nhân tố quy định, trong đó, đáng quan tâm nhất là: tương quan lực lượng giữa các giai cấp; bối cảnh xác lập vị trí lãnh đạo, vai trò cầm quyền của đảng; những thành tựu mà nhân dân đạt được trong thực tiễn phát triển xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng đó. Vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam trong thời kỳ lịch sử cận - hiện đại, có thể thấy ở nước ta, bối cảnh xác lập vị trí duy nhất lãnh đạo xã hội, xác lập vai trò duy nhất cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam như sau:
Một là, tương quan lực lượng giữa các giai cấp
Đây là nhân tố hoàn toàn khách quan, độc lập với ý chí của mọi chủ thể hoạt động chính trị. Khi tương quan lực lượng khách quan buộc phải đa nguyên về chính trị mà không thực hiện đa nguyên về chính trị là sai lầm. Chẳng hạn, năm 1946, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong tình trạng "ngàn cân treo sợi tóc" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra, về mặt sách lược, chúng ta chấp nhận sự tồn tại hợp pháp của hai đảng đối lập (Việt Nam quốc dân đảng, Việt Nam cách mạng đảng) và trao cho hai đảng này 72 ghế trong Quốc hội, cùng chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Lúc đó, ở Việt Nam có đa nguyên về chính trị. Ngược lại, khi tương quan lực lượng cho phép giữ nhất nguyên về chính trị mà lại chủ động tạo ra thể chế chính trị đa nguyên cũng là sai lầm, góp phần đẩy nhanh quá trình suy yếu và tan rã đảng cầm quyền. Tình hình Liên Xô (cũ) và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu vào những năm cuối của thập niên 80 thế kỷ trước là minh chứng rõ nét.
Hai là, bối cảnh xác lập vị trí lãnh đạo, vai trò cầm quyền của Đảng
Trong điều kiện cụ thể Việt Nam, chúng ta thấy rõ điều này qua một số bước ngoặt của lịch sử xã hội Việt Nam thời kỳ cận - hiện đại. Cụ thể là:
- Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Trước đó, các phong trào cứu nước của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học... thất bại do chưa xác định đúng đối tượng, lực lượng cách mạng và phương thức đấu tranh, để tìm ra đúng con đường và cách thức giải quyết vấn đề cấp bách của dân tộc: độc lập và dân chủ. Thực tiễn đặt ra yêu cầu phải có sự thống nhất giữa độc lập dân tộc và tự do, ấm no, hạnh phúc cho quảng đại quần chúng nhân dân. Điều đó chỉ đạt được, khi đặt cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc trong quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội, trên lập trường xã hội chủ nghĩa. Chính Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm ra con đường đó, và bằng nỗ lực của mình, Đảng, Bác Hồ chứng minh tính đúng đắn của sự lựa chọn như vậy không phải bằng lý luận trừu tượng, mà bằng thực tiễn cách mạng. Nhờ đó, cuộc khủng hoảng đường lối cứu nước, giải phóng dân tộc đã được giải quyết. Thành công đó tạo thành cơ sở thực tiễn quan trọng nhất xác lập vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.
- Đảng Cộng sản Việt Nam là người duy nhất lãnh đạo kháng chiến giữ vững nền độc lập dân tộc, đưa sự nghiệp đó đến thắng lợi hoàn toàn
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 chưa bao lâu, thực dân Pháp quay lại xâm chiếm Đông Dương, xác lập trở lại chế độ thuộc địa, nửa phong kiến ở Việt Nam. Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ bị đặt trước tình thế mất còn. Để thoát khỏi tình thế hiểm nghèo đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi dậy sức mạnh của toàn dân tộc để tháo gỡ những khó khăn về kinh tế, xã hội, phá thế bao vây của các thế lực thù trong, giặc ngoài; thực hiện đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, tự lực cánh sinh là chính; vừa kháng chiến vừa kiến quốc. Phát huy truyền thống toàn dân đánh giặc, Đảng động viên sức mạnh toàn dân tộc bằng nhiều hình thức, biện pháp phong phú phù hợp để tổ chức cả nước thành một mặt trận thống nhất, đẩy mạnh kháng chiến toàn diện trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao...
Như trên đã đề cập, năm 1946 ở nước ta có tồn tại hai đảng đối lập - Việt Nam quốc dân đảng và Việt Nam cách mạng đảng, nhưng trước cuộc chiến đấu vô cùng khó khăn gian khổ chống lại thực dân Pháp xâm lược, hai đảng đó đã không trụ vững. Khi quân Tưởng Giới Thạch rút khỏi Việt Nam, hai đảng đó cũng cuốn gói chạy theo. Sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam được xác lập trở lại. Như vậy, vai trò độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam khi đó là một sản phẩm khách quan của lịch sử mà không phải do ai đó áp đặt cho xã hội.
Đường lối kháng chiến của Đảng thể hiện sự đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng; là ngọn cờ dẫn dắt, động viên và tổ chức nhân dân đấu tranh giành thắng lợi trong những năm kháng chiến lâu dài, gian khổ, từ chiến cuộc Đông Xuân 1953 - 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, đến thắng lợi của Hiệp định Giơ-ne-vơ... cho đến khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đánh dấu sự hoàn thành một cách vẻ vang cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên phạm vi cả nước dưới sự lãnh đạo duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam.
- Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết thành công con đường phát triển đất nước sau ngày 30-4-1975
+ Con đường tiến lên của Việt Nam sau ngày 30-4-1975 nên như thế nào? Trong khi tìm lời giải đáp cho câu hỏi đó, đã xuất hiện những ý kiến khác nhau.
Một số người cho rằng do hai miền còn những khác biệt đáng kể về kinh tế - xã hội, chưa nên thống nhất ngay. Hãy để miền Nam làm tiếp nhiệm vụ còn lại của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Khi kinh tế và các mặt khác của xã hội có sự hòa đồng, sẽ thống nhất đất nước, tiến lên làm cách mạng xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước.
Cũng cần lưu ý rằng, ngay từ giữa những năm 70 của thế kỷ XX, sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở một số nước Đông Âu đã bộc lộ nhiều vấn đề. Từ đó, một số người ở nước ta có sự phân vân nhất định về con đường tiến lên của miền Nam. Đưa miền Nam tiến lên chủ nghĩa xã hội, hay để miền Nam phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, hay nên xác lập chế độ dân chủ nhân dân một cách triệt để, thực hiện hòa bình trung lập để tranh thủ sự giúp đỡ của cả hai phe?
Dù ý kiến như trên không nhiều, nhưng cũng làm cho một số người phân vân ở mức độ nhất định. Về sau, khi đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, số người này trở lại quan điểm đó nhằm chứng minh rằng chính vì chúng ta vội vàng, đốt cháy giai đoạn nên đã gây ra hậu quả như vậy. Để ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, phải quay trở lại cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân (!), "hãy thực hiện chế độ dân chủ nhân dân với nền kinh tế đa thành phần và nền dân chủ đa nguyên"; còn định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề của tương lai (!).
Sự tan rã của Liên bang Xô-viết đã làm nảy sinh ở một số người tư tưởng cho rằng Cách mạng Tháng Mười là một sai lầm của lịch sử nên đã đổ vỡ; rằng, Việt Nam lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa là sai lầm, cần chuyển sang con đường phát triển tư bản chủ nghĩa cho phù hợp với quy luật của lịch sử (!)...
Một số khác cực đoan hơn cho rằng, giờ đây loài người đang bước vào nền văn minh trí tuệ. Chủ nghĩa tư bản và nhân loại nói chung đang chuyển sang "văn minh hậu công nghiệp", không còn vấn đề xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa; kiên trì con đường xã hội chủ nghĩa là bảo thủ, sai lầm. Theo họ, "đổi mới" không gì khác hơn là hoặc quay trở lại chế độ dân chủ nhân dân, hoặc chuyển sang quỹ đạo tư bản chủ nghĩa, hoặc bước vào xã hội hậu công nghiệp không tư bản chủ nghĩa, cũng không xã hội chủ nghĩa...
Hiện nay, các thế lực thù địch không ngừng tiến hành nhiều biện pháp chống phá chế độ xã hội chủ nghĩa nước ta, kêu gọi đa nguyên, đa đảng... Vì vậy, nhiệm vụ giữ vững và bảo vệ, phát triển những thành quả xã hội chủ nghĩa chúng ta gây dựng được luôn là yêu cầu bức thiết, đặc biệt là giữ vững độc lập dân tộc và thống nhất đất nước. Chỉ như thế, mới tạo ra nền tảng vững chắc góp phần thúc đẩy vị thế của nước ta trên trường quốc tế và khu vực.
Trong thời đại ngày nay, độc lập dân tộc và thống nhất đất nước chỉ có thể được bảo đảm vững chắc trên nền tảng của chủ nghĩa xã hội, bởi nó tạo ra những điều kiện cần thiết về mọi mặt cho việc củng cố sự thống nhất đó. Một trong những tiền đề quan trọng là nó bảo đảm sự hài hòa giữa sự phát triển của cá nhân và sự phát triển của cộng đồng, giữa thống nhất Tổ quốc, độc lập dân tộc với cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của tất cả mọi người dân, đó cũng là nguyện vọng chính đáng của những người dân Việt Nam yêu nước chân chính, nó xa lạ với tình trạng độc lập, thống nhất đất nước nhưng mang lại sự giàu có cho một thiểu số, sự bần cùng hóa tương đối và tuyệt đối của đa số như trong thể chế tư bản chủ nghĩa.
+ Đảng Cộng sản Việt Nam đã giải quyết thành công cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội vào những năm 80, đưa đất nước vững bước trên con đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiệnđại.
Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, bên cạnh một số thành tựu bước đầu đã giành được trong giai đoạn đầu xây dựng lại đất nước, chúng ta có tư tưởng say sưa với thắng lợi, chủ quan, nóng vội, muốn tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội trong một thời gian ngắn. Đất nước lại bị các thế lực thù địch bao vây, cấm vận; chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc xảy ra,... Những khuyết điểm của mô hình kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp cũng bộc lộ ngày càng gay gắt. Chúng ta đứng trước những khó khăn, thách thức mới, đất nước dần dần lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng. Đưa đất nước thoát khỏi tình trạng đó là vấn đề sống còn của cách mạng nước ta. Muốn vậy, trước hết phải thay đổi mạnh mẽ, cơ bản cách nghĩ, cách làm. Từ nhu cầu đó, ở nước ta bắt đầu có những tìm tòi, thử nghiệm cách làm ăn mới, đưa ra những lời giải đáp mới cho những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra. Qua những thành công đạt được trong quá trình tìm tòi, thử nghiệm đó, Đảng và nhân dân ta thấy không còn sự lựa chọn nào khác, ngoài việc tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội với những cách thức mới, những quan niệm mới, thực chất là đổi mới tư duy lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta để có những đột phá căn bản đưa đất nước tiến lên. Hội nghị Trung ương 6 khóa IV (tháng 8-1979) với chủ trương và quyết tâm làm cho sản xuất "bung ra" là bước đột phá đầu tiên của quá trình đó nhằm khắc phục những yếu kém trong quản lý kinh tế và cải tạo xã hội chủ nghĩa; điều chỉnh những chủ trương, chính sách kinh tế, phá bỏ rào cản, mở đường cho sản xuất phát triển. Tiếp theo, Đảng ta đã thừa nhận sản xuất hàng hóa và những quy luật của sản xuất hàng hóa. Đây được xem như một trọng điểm trong đổi mới nhận thức về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Trên tiền đề đó, chúng ta đã tiến tới khẳng định sự cần thiết phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Đại hội IX của Đảng.
Đại hội VI đã đánh dấu một bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đã tạo ra bước đột phá lớn và toàn diện đem lại luồng sinh khí mới trong xã hội, làm xoay chuyển tình hình, đưa đất nước tiến lên. Những thành tựu đã đạt được cho phép Đại hội VIII của Đảng (tháng 6-1996) khẳng định nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa với mục tiêu phấn đấu Việt Nam cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020...
Ba là, nhờ những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đạt được dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng Cộng sản Việt Nam được nhân dân suy tôn là người duy nhất có đủ phẩm chất và năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền ở Việt Nam
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Cách mạng Tháng Tám 1945 đã nổ ra và giành thắng lợi huy hoàng, dẫn tới sự ra đời của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; đưa người dân Việt Nam từ thân phận thảo dân một nước thuộc địa, nửa phong kiến trở thành công dân một nước độc lập, tự do. Thắng lợi đó là sự minh chứng sinh động khẳng định tài thao lược của Đảng, năng lực sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình hoạch định, bổ sung, phát triển và hoàn thiện đường lối cách mạng giải phóng dân tộc; đồng thời, khẳng định năng lực của Đảng trong việc vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Việc cuối năm 1945 Đảng tuyên bố tự giải tán (mà thực chất là rút vào hoạt động bí mật); việc người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước tự phê bình, xin lỗi nhân dân về sai lầm trong cải cách ruộng đất; việc Đảng công khai tự phê phán những khuyết điểm, sai lầm trong lãnh đạo xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cũng như những năm đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước và quyết tâm sửa chữa những thiếu sót, sai lầm đó nói lên tinh thần phụ trách hết sức cao của Đảng trước nhân dân, trước dân tộc ta; chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự vì nhân dân. Điều đó càng củng cố niềm tin son sắt của nhân dân vào Đảng.
Trong khi một loạt nước xã hội chủ nghĩa có lịch sử xây dựng chủ nghĩa xã hội dài hơn lần lượt sụp đổ, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam vẫn đứng vững và nhờ đổi mới đúng đắn, nhân dân ta còn đạt thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử được nhiều nước ca ngợi. Kinh tế những năm qua tăng trưởng liên tục nhiều năm đạt trên 7%; nhiều vấn đề văn hóa - xã hội bức xúc từng bước được giải quyết; an ninh - quốc phòng được tăng cường và giữ vững; hội nhập quốc tế có hiệu quả cao; quan hệ đối ngoại không ngừng được rộng mở... Điều đó chứng tỏ Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ tài tình trong lãnh đạo tiến hành chống chiến tranh xâm lược mà còn thực sự xứng đáng là người lãnh đạo xây dựng đất nước trong thời bình, ngay cả khi bối cảnh quốc tế có những biến động khôn lường. Song, cội nguồn sâu xa nhất của mọi thành tựu mà nhân dân ta đạt được trong những năm qua là nhờ nhân dân tin ở Đảng, quyết tâm thực hiện và cụ thể hóa những quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng. Bằng lao động sáng tạo của mình, nhân dân biến chủ trương, đường lối của Đảng thành hiện thực sinh động trong cuộc sống.
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tồn tại, phát triển và trưởng thành trong cuộc đấu tranh của nhân dân, có mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân; qua thực tiễn hoạt động với những thành tựu to lớn có thể thực chứng một cách dễ dàng, nhân dân nhìn thấy ở Đảng Cộng sản Việt Nam thực sự là người có đủ phẩm chất, năng lực để nhân dân giao phó sứ mệnh lãnh đạo, sứ mệnh cầm quyền vì dân. "Đảng ta" từ lâu đã trở thành lời nói thân thương đối với mỗi người dân mỗi khi nhắc đến Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân dân thấy được sự thống nhất hữu cơ giữa lợi ích của mình và lợi ích của Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam, do đó, không chỉ là chính đảng của giai cấp công nhân Việt Nam, mà còn là của nhân dân lao động, của cả dân tộc Việt Nam. Bằng thực tế, nhân dân đã trao cho Đảng quyền duy nhất lãnh đạo, duy nhất cầm quyền ở nước ta. Hiến pháp không tạo ra vị trí đó của Đảng, mà chỉ là sự ghi nhận một thực tiễn chính trị - xã hội đã được xác lập trong thực tế. Vì là sự phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan, nên không một tất yếu nào buộc chúng ta phải loại bỏ Điều 4 khỏi Hiến pháp - đạo luật cơ bản của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mọi suy nghĩ và hành động nào khác đi, đều không hợp lòng dân, đều bị nhân dân chối bỏ./.
Mục lục Hồ sơ sự kiện số 129 (20-8-2010)  (19/08/2010)
Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với công cuộc đổi mới  (19/08/2010)
Việt Nam là điển hình thành công về phát triển đất nước  (19/08/2010)
Thủ tướng phê chuẩn nhân sự mới của chín tỉnh  (19/08/2010)
Bài học của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với công cuộc đổi mới  (19/08/2010)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay