Ngược dòng thời gian – trở về quá khứ vùng đất mỏ anh hùng
Trong đợt Kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh - địa đầu Tổ quốc; nơi có dòng sông Bạch Đằng, ghi dấu ấn lịch sử hào hùng của dân tộc với ba lần chiến thắng quân xâm lược; nơi được mang danh Vùng mỏ, là cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam và ngành công nghiệp khai khoáng; nơi khởi đầu của phong trào “vô sản hóa”… toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã cùng hướng về, ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của quân và dân trong tỉnh, để một lần nữa khẳng định những giá trị cốt lõi, cùng phát huy trong công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh hiện nay.
Ngược thời gian trở về quá khứ
Thời kỳ 2 cuộc kháng chiến, trải qua những năm tháng oanh liệt xây dựng và bảo vệ quê hương, đồng bào các dân tộc Quảng Ninh và những người công nhân mỏ các thế hệ đã xây dựng nên truyền thống đoàn kết, cần cù, sáng tạo, bất khuất, kiên cường, dũng cảm của con người và quê hương Quảng Ninh. Lịch sử đã ghi dấu ấn trên vùng đất này, làm nên những sự kiện không thể quên trên vùng đất Quảng Ninh đối với con người Quảng Ninh nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Một trong các sự kiện đó là ngày 5/8/1964 quân và dân tỉnh Quảng Ninh đã làm nên Chiến thắng trận đầu - bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống giặc lái Mỹ đầu tiên trên miền Bắc. Đến năm 1972, trong bối cảnh chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, toàn tỉnh thi đua bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 200. Đã gần 60 năm trôi qua, hằng năm vào dịp tháng 8, tại Đài tưởng niệm Chiến thắng trận đầu nằm bên bờ Cửa Lục (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long), rất đông các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, thanh niên, người dân... lại thành kính dâng hương, thả hoa, tưởng niệm các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đã anh dũng chiến đấu, hy sinh, làm nên Chiến thắng trận đầu.
Hiện nay, tại Bảo tàng Quảng Ninh, nhiều hiện vật và tư liệu như Mũ phi công, giầy và tư trang của viên Trung úy phi công Mỹ E.Alvarez; mảnh xác của máy bay Mỹ bị bắn rơi ở Hòn Gai ngày 5/8/1964; tổng đài điện thoại của đồng chí Vi Thị Mến, nữ điện báo viên Bưu điện Bãi Cháy, dũng cảm bảo vệ mạch máu thông tin liên lạc trong trận Mỹ bắn phá Hòn Gai ngày 5/8/1964; thùng đạn 14,55mm mà Binh nhất Đổng Quốc Bình dùng để tiếp tế đạn cho các đồng đội chiến đấu trên tàu 124 Hải quân; hộp đầu nổ đạn dùng trong trận đánh ngày 5/8/1964 tại Hòn Gai... về Chiến thắng trận đầu tại Quảng Ninh vẫn được lưu giữ, bảo quản, mỗi ngày thu hút nhiều lượt du khách đến tham quan, tìm hiểu.
Một dấu ấn lịch sử ghi nhận là sự kiện quan trọng thành lập Lữ đoàn 170 ngày 12/2/1979. Lữ đoàn có nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ với các lực lượng của Vùng 1 Hải quân, đơn vị liên quan tổ chức tuần tiễu, quản lý, bảo vệ vững chắc vùng biển và chi viện cho các đảo phía Bắc của Tổ quốc. Các đơn vị tiền thân của Lữ đoàn 170 là Hải đội 1 và Đại đội 8 Công binh Hải quân, đều là nòng cốt trong cuộc chiến đấu, bảo vệ vùng sông, biển miền Bắc, bẻ gãy âm mưu phong tỏa bằng thủy lôi, bom từ trường của đế quốc Mỹ cách đây 50 năm về trước (năm 1973). Truyền thống Anh hùng của các đơn vị tiền thân Lữ đoàn 170 đã và đang được các thế hệ sau tiếp bước, trở thành động lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Những năm gần đây, trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông nói chung, trên phạm vi vùng biển được giao nói riêng, Lữ đoàn luôn nắm chắc tình hình, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng vào thực tiễn, có nhiều biện pháp kiên quyết, mưu trí, linh hoạt, mềm dẻo nhằm xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống trên biển. Đơn vị chú trọng phối hợp chặt chẽ cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ven biển, các lực lượng liên quan thực hiện tốt công tác dân vận, hỗ trợ ngư dân cả trên biển và trên bờ.Câu chuyện về Binh đoàn Than đã trở thành một phần ký ức lịch sử, được ghi nhận và luôn sống mãi trong ký ức con người Vùng mỏ. Chiến tranh đã lùi xa, song những tháng năm xông pha nơi trận mạc, sẵn sàng hy sinh tuổi xuân để bảo vệ đất nước vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của các chiến sĩ Binh đoàn Than. Tháng 7/1967 tỉnh Quảng Ninh huy động lực lượng thanh niên của tỉnh từ Móng Cái đến Đông Triều ở mọi ngành, mọi nghề bổ sung cho chiến trường miền Nam ruột thịt với phong trào “Tất cả vì tiền tuyến”. Công nhân ngành Than tại TX Hòn Gai, TX Cẩm Phả viết đơn tình nguyện vào Nam chiến đấu. Sau thời gian huấn luyện tại Yên Tử rồi Hòa Bình, các chiến sĩ Binh đoàn Than gồm Tiểu đoàn 385, Tiểu đoàn 386, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 42, Sư đoàn 320, tổng quân số khoảng 2.000 người, hành quân vào chiến trường miền Nam.
Quảng Ninh cũng là địa danh ghi dấu ấn nhiều sự kiện được lưu truyền trong lịch sử, các dấu tích còn lưu giữ đến ngày nay cũng trở thành những di tích được đông đảo người dân Việt Nam ghi nhớ và mỗi người đều mong muốn một lần được ghé thăm. Đó là sự kiện quân và dân nhà Trần đã lập nên chiến thắng lẫy lừng - Chiến thắng Bạch Đằng đánh tan quân Nguyên Mông năm 1288. Quần thể di tích Bạch Đằng nằm trên địa bàn TX Quảng Yên, TP Uông Bí là nơi ghi dấu sự kiện. Nay đã và đang bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị Khu di tích lịch sử Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Khi di tích đã được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, từ thời Trần (1225 - 1400) Yên Tử được đầu tư xây dựng với quy mô lớn. Khởi đầu là vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh) đã đến Yên Tử tháng 4/1236. Vua Trần Nhân Tông, sau 2 lần chiến thắng quân Nguyên Mông vào các năm 1285 và 1288, khi đất nước thái bình thịnh trị, Ngài đã nhường ngôi cho con để tìm đến Yên Tử tu hành, chuyên tâm nghiên cứu Phật giáo. Năm 1299, vua Trần Nhân Tông sáng lập nên dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, bằng cả một hệ thống lý thuyết và hành động gắn Đạo với Đời. Nối tiếp ông là Pháp Loa và Huyền Quang, họ đã trở thành 3 vị tổ của dòng thiền này. Từ đó, Yên Tử trở thành kinh đô tư tưởng của Phật giáo Trúc Lâm và tiếp tục được xây dựng, phát triển vào các đời sau. Quần thể các di tích chùa, am, tháp, mộ, bia, tượng... trải qua quá trình lịch sử đã gắn kết hài hoà với cảnh quan núi rừng hùng vĩ, thơ mộng trải dài hàng chục km của Yên Tử. Các giá trị văn hóa của Phật giáo Trúc Lâm từ đây cũng được nhiều thế hệ nối tiếp kế thừa, ngày một phát triển, lan tỏa tới nhiều vùng miền của cả nước và nhiều quốc gia khác trên thế giới cho tới ngày nay.
Quảng Ninh sở hữu kho tàng văn hoá khổng lồ hơn 600 di sản văn hoá vật thể gồm những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh và hơn 2.800 hồ sơ di sản văn hoá phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian…
Đặc biệt, những điều kiện tự nhiên phong phú được kiến tạo trong hàng ngàn năm, là những trầm tích vừa mang tính lịch sử, vừa phản ánh nét văn hóa đặc sắc riêng vùng đất trước đây vốn là đồng bằng đã tạo cho Quảng Ninh những thắng cảnh nổi tiếng mà ít địa phương nào trong cả nước có được. Trong đó, dạng địa hình biển đảo là dạng địa hình đặc trưng, chi phối, tạo cho Quảng Ninh hình ảnh tự nhiên kỳ vĩ, không thể lẫn lộn, là nền tảng tạo nên Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, quần đảo Cô Tô, bãi tắm Trà Cổ, Vườn quốc gia Bái Tử Long… Dạng địa hình trung du có hồ Yên Lập (Hoành Bồ), hồ Yên Trung (Uông Bí), thác Lựng Xanh (Uông Bí), thác Mơ (Yên Hưng), rừng thông (Yên Hưng)... Dạng địa hình đồi núi có rừng nguyên sinh Yên Tử, Khu Bảo tồn Đồng Sơn - Kỳ Thượng...
Đây là những kết tinh văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử. Từ thời đại kim khí mà đỉnh cao là Văn hoá Đông Sơn là một trong những giai đoạn phát triển rực rỡ của lịch sử Việt Nam. Các dấu tích khảo cổ đã chứng minh Quảng Ninh giai đoạn đó là một trong các “nôi văn hoá” phát triển, gắn kết chặt chẽ với thời đại Hùng Vương.
Cùng giai đoạn với Văn hóa Hạ Long, các nhà khảo cổ đã phát hiện dấu tích cư trú của người Việt cổ tương tự ở vùng núi phía Bắc là Văn hóa Mai Pha (Lạng Sơn) và Hà Giang (Hà Giang, Tuyên Quang), Bàu Tró (Quảng Bình), Văn hóa Lung Leng (Kon Tum), Biển Hồ (Gia Lai) và Buôn Triết (Đắk Lắk - Đắk Nông). Cho đến giai đoạn phát triển cực thịnh, cư dân cổ Văn hoá Hạ Long đã phân bố khá rộng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh ngày nay, tập trung chủ yếu ở ven biển và các đảo trên Vịnh Hạ Long.
Khái niệm thời đại kim khí chính là chỉ giai đoạn lịch sử Việt Nam kéo dài khoảng 3.500 năm - 2.000 năm cách ngày nay (chi tiết hơn, các nhà khảo cổ còn chia ra các giai đoạn hậu kỳ kim khí, sơ kỳ đồ sắt). Đây là giai đoạn tiếp nối hậu kỳ đá mới của người Việt cổ với những truyền thuyết chinh phục tự nhiên, chống giặc ngoại xâm và nhất là sáng tạo ra một nền văn hoá mang dấu ấn rõ nét trong lịch sử dân tộc.
Riêng đối với vịnh Hạ Long các nhà nghiên cứu đã chứng minh những giá trị lịch sử lớn. Là một trong cái nôi của người Việt cổ, với ba nền văn hóa tiền sử kế tiếp nhau, cách ngày nay từ 18.000 đến 3.500 năm đó là: Văn hóa Soi Nhụ, văn hóa Cái Bèo và văn hóa Hạ Long. Những kết quả nghiên cứu, thám sát khảo cổ học và văn hóa học cho thấy sự hiện diện của những cư dân tiền sử trên vùng vịnh Hạ Long từ khá sớm, đã tạo lập những hình thái văn hóa cổ đại tiếp nối nhau bao gồm văn hóa Soi Nhụ trong khoảng 18.000-7.000 năm trước Công Nguyên, văn hóa Cái Bèo trong 7.000-5.000 năm trước Công Nguyên và văn hóa Hạ Long cách ngày nay khoảng từ 3.500-5.000 năm.
Ngay tại khu vực trung tâm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện khá nhiều dấu tích còn lại của những cư dân thời tiền sử Hạ Long tại động Mê Cung, hang Tiên Ông, hang Bồ Nâu, động Thiên Long... Đặc biệt là, các di chỉ khảo cổ học thuộc thời tiền sử Hạ Long, đã được phát hiện, có mặt hầu hết các nơi trên Vịnh, chứng tỏ một quy mô rộng khắp, thể hiện sự phát triển rực rỡ, liên tục của một nền văn hóa mang đậm sắc thái của cư dân vùng biển đảo, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào quá trình hình thành nền văn minh Việt cổ.
Ngay tại khu vực trung tâm di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện khá nhiều dấu tích còn lại của những cư dân thời tiền sử Hạ Long tại động Mê Cung, hang Tiên Ông, hang Bồ Nâu, động Thiên Long... Đặc biệt là, các di chỉ khảo cổ học thuộc thời tiền sử Hạ Long, đã được phát hiện, có mặt hầu hết các nơi trên Vịnh, chứng tỏ một quy mô rộng khắp, thể hiện sự phát triển rực rỡ, liên tục của một nền văn hóa mang đậm sắc thái của cư dân vùng biển đảo, có ý nghĩa quan trọng góp phần vào quá trình hình thành nền văn minh Việt cổ.
Vịnh Hạ Long chứa đựng biết bao điều kỳ diệu và đến nay nhiều điều vẫn là bí ẩn. Hạ Long xưa được ví như một pho sử lớn, ghi nhận nhiều sự kiện lịch sử - văn hóa nổi tiếng của dân tộc đã từng diễn ra ở đây suốt từ thời kỳ phong kiến cho đến thời kỳ cận hiện đại. Từ câu chuyện huyền thoại về đàn rồng mẹ, rồng con xuống trần gian giúp người Việt đánh giặc ngoại xâm, đến những chiến công oanh liệt của cha ông ta trong các cuộc chiến đấu giành và giữ gìn nền độc lập của đất nước.
Giữa năm 1997 và đầu năm 2018, qua hai cuộc khai quật di chỉ núi Đầu Rằm -hai dãy núi đá vôi nằm gần đối nhau như cung lông mày (nên dân gian gọi núi Đầu Rằm) thuộc xã Hoàng Tân (nay thuộc TX Quảng Yên), tiếp giáp Vịnh Hạ Long trên diện tích hơn 100m2 phần lưng chừng và dưới chân núi, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hiện vật. Về đồ đá có rìu đá, bàn mài, vòng tay, khuyên tai. Đồ gốm có các mảnh vò, nồi, “chì lưới”. Đồ đồng có giáo, lao, lưỡi câu các kích cỡ.Từ đó, làm rõ Đầu Rằm là điểm cư trú của cư dân Việt cổ với hai giai đoạn diễn tiến văn hóa: Giai đoạn sớm cách ngày nay khoảng 3.300 năm và giai đoạn muộn cách ngày nay khoảng 2.700 năm. So với giai đoạn trước đó, đến thời điểm này, người Việt cổ ở Quảng Ninh khi đó đã có những phát triển vượt bậc về phương thức sống, kỹ thuật chế tác rèn công cụ, vũ khí, công cụ săn bắn. Họ đã tiếp nối tổ tiên sống dựa vào khai thác biển. Ngoài hái lượm, họ đã săn bắt cá, thú. Bằng chứng là trong các di vật đã phát hiện nhiều “chì lưới” bằng đất nung, mũi lao bằng xương, các loại lưỡi câu bằng đồng. Họ đã săn các loài thú, đặc biệt, qua các tàn tích thức ăn cho thấy rùa là một trong các món ăn khoái khẩu của cư dân cổ Đầu Rằm. Đồng thời, qua đó cũng cho thấy môi trường sinh thái Vịnh Hạ Long vào thời gian ấy phong phú, đa dạng mức nhường nào.Thậm chí khia quật còn cho thấy, trong kỹ thuật chế tác, người Việt cổ ở Đầu Rằm đã phát triển đến mức đỉnh cao các kỹ thuật khoan, mài đá ngọc Nephrit để chế tác các vòng, hạt chuỗi đeo cổ, chân, tay. Họ đã giao thoa văn hoá với cư dân Việt cổ ở các vùng, nhất là vùng Đồng bằng Sông Hồng để chịu ảnh hưởng trong chế tác đồ gốm, đồ đá, trao đổi hàng hoá đồ đồng, kể cả trong tín ngưỡng, tâm linh.
Quảng Ninh còn là một vùng đất giàu có về di sản văn hoá phi vật thể với hơn 2.800 hồ sơ. Đó là 64 lễ hội truyền thống mang đặc trưng của từng vùng miền; là hàng loạt những di sản khác nhau, bao gồm: Ngữ văn dân gian (gồm có: Sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đối, truyện cổ tích, truyện trạng...); nghệ thuật trình diễn dân gian (gồm: Âm nhạc, múa hát, sân khấu..); tập quán xã hội (bao gồm luật tục hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác); tri thức dân gian (bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục); nghề thủ công truyền thống… Đặc biệt, các lễ hội ở Quảng Ninh là những giá trị văn hoá phi vật thể quý báu tồn tại trong đời sống văn hoá tinh thần của người Quảng Ninh. Trong đó, phải kể đến những lễ hội rất độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số như: Hội làng của đồng bào Dao ở xã Bằng Cả (Hoành Bồ); lễ hội Soóng Cọ; lễ hội đình Lục Nà của đồng bào Tày xã Lục Hồn (Bình Liêu), lễ hội đình Trà Cổ (Móng Cái), lễ hội Vân Đồn (xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn), lễ hội Tiên Công, lễ hội Bạch Đằng (TX Quảng Yên), hội chùa Quỳnh Lâm, hội đền An Sinh (huyện Đông Triều)…
Quảng Ninh của thời kỳ đổi mới và hội nhập
60 năm qua, Quảng Ninh đã giành được những thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng đổi mới và phát triển đất nước. Từ một tỉnh còn yếu kém phải dựa vào hỗ trợ của Trung ương, Quảng Ninh đã “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” - như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá khi về thăm, làm việc năm 2022.
Đạt được đà tăng trưởng hai con số trong 7 năm liên tiếp (2017-2022), kể cả trong những giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng, cao gấp 103 lần so với năm 1986; GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân cả nước, đứng đầu ở khu vực phía Bắc là do sự hỗ tợ từ Trung ương về cơ chế, chính sách, do tỉnh đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt, do sự đồng lòng của nhân dân trong tỉnh.
Quá trình đổi mới là quá trình thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn thách thức chưa từng có; đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng trong và sau đại dịch. Giữ vững đà tăng trưởng (GRDP) cao, ổn định trên 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016-2022); Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 đạt gần 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng ở khu vực phía Bắc), ước cả năm 2023 đạt 312.420 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh luôn vượt chỉ tiêu Trung ương giao, đứng ở tốp đầu cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quảng Ninh cũng là tỉnh tạo được bước đột phá mới về phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông chiến lược, dựa chủ yếu vào nguồn lực xã hội, kết hợp với vai trò dẫn dắt bởi nguồn lực nhà nước.
Hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, thông tin truyền thông chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy; nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo; có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội được chăm lo phát triển. Trong phong trào văn hóa, thể thao của thợ mỏ cũng có những nét văn hóa rất riêng. Ngay cả những danh hiệu như “Nghệ sĩ Vùng mỏ”, “Thợ mỏ vẻ vang”, “Người thợ mỏ - người chiến sĩ”... cũng rất đặc biệt mà chẳng nơi nào, ngành nào có được. Văn hóa của thợ mỏ nói riêng và Vùng mỏ nói chung có nhiều nét đặc biệt. Với đội ngũ công nhân lớn mạnh lên đến hàng chục vạn người, các thế hệ thợ mỏ đã nối tiếp nhau lao động, lập nghiệp trên Vùng mỏ. Nhiều nơi lập thành những làng mỏ, những khu tập thể công nhân đông đúc. Thợ mỏ đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau cùng với những người dân gốc tại Quảng Ninh đã cùng chung sống hài hòa, tạo nên sự giao thoa đặc biệt về văn hóa. Đó là sự đa dạng, phong phú, nhiều sắc màu. Nhiều nhà nghiên cứu về văn hóa cho rằng, sự phong phú, đa dạng của văn hóa Vùng mỏ có được là do có sự giao thoa kỳ diệu giữa nhiều vùng văn hóa với nhau. Quảng Ninh là vùng đất tụ hội dân cư nhiều nơi về sinh sống, làm ăn từ thời kỳ Pháp thuộc cho đến tận ngày nay. Trong đó chủ yếu là các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, từ Nghệ An, Hà Tĩnh ra các tỉnh phía Bắc. Ngày nay còn có nhiều người đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Qua thời gian được học tập, làm việc, tôi luyện qua môi trường công tác có tính kỷ luật cao, có trình độ kỹ thuật hiện đại, đã từng bước trở thành những công nhân lành nghề, sản xuất hiệu quả, làm giàu cho bản thân và xã hội.
Với những thành tựu hết sức to lớn đó, 60 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng một huân chương Sao vàng, hai huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý khác.
Những thành tựu đó không chỉ có ý nghĩa đối với địa phương mà còn đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng chung cho toàn Đảng và đất nước. Trong thời gian tới, Quảng Ninh đặt mục tiêu hướng đến năm 2030 trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 10.000 USD, đến năm 2030 đạt 19.000 - 20.000 USD. Để hoàn thành toàn diện mục tiêu nêu trên đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, khát vọng vươn lên mạnh mẽ theo quan điểm Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh./.
Một thế kỷ du lịch vịnh Hạ Long  (30/09/2023)
Xây dựng con người Quảng Ninh phát triển toàn diện theo tinh thần các nghị quyết của Đảng  (30/09/2023)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng tặng nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh  (30/09/2023)
Triết lý phát triển mạnh mẽ, bền vững và nhân văn Quảng Ninh  (30/09/2023)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên