Phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
TCCS - Quảng Ninh có tiềm năng lớn để khai thác phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa và các ngành thủ công mỹ nghệ từ hệ thống làng nghề đa dạng, phong phú. Tuy nhiên, hiện nay, việc phát triển các làng nghề của Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn và tương xứng với tiềm năng, đòi hỏi cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ đổi mới nhận thức; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; huy động đa dạng nguồn lực đến xây dựng thương hiệu, xây dựng mô hình phát triển… để phát huy cao nhất giá trị của làng nghề truyền thống trong phát triển kinh tế địa phương.
Di sản văn hóa làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế di sản
Làng nghề truyền thống là di sản văn hóa quý báu của dân tộc. Đó là nơi kết tinh những giá trị văn hóa vật thể, như các sản phẩm nghề, các công trình di tích lịch sử, kiến trúc gắn với việc thờ cúng tổ nghề và các giá trị văn hóa phi vật thể, như các tri thức, bí kíp, kỹ năng, kỹ xảo nghề, các nghi lễ, tín ngưỡng dân gian và các sinh hoạt văn hóa dân gian, như lễ hội, trò chơi, trò diễn…
Làng nghề truyền thống chính là biểu trưng của kinh tế truyền thống gắn liền với nông thôn Việt Nam. Xưa kia, làng nghề truyền thống đóng vai trò là cơ sở kinh tế quan trọng, tạo việc làm và thu nhập nuôi sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Hiện nay, làng nghề truyền thống đã trở thành di sản văn hóa quý báu, nơi chứa đựng truyền thống, hồn cốt của dân tộc, bản sắc của địa phương. Về giá trị kinh tế, làng nghề truyền thống được coi là nguồn tài nguyên nhân văn giàu giá trị có thể khai thác, phát huy, phục vụ phát triển các ngành kinh tế di sản.
Di sản văn hóa làng nghề truyền thống có tiềm năng to lớn trong phát triển du lịch. Trong xã hội hiện đại, khi mà con người không khó để có thể tìm kiếm các trung tâm vui chơi, giải trí, du lịch hiện đại, sang trọng, thì loại hình du lịch văn hóa với các sản phẩm, dịch vụ được tạo ra trên cơ sở tài nguyên văn hóa nói chung, di sản văn hóa nói riêng nhằm giúp du khách tham quan, tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống của các quốc gia, địa phương, dân tộc lại có sức hấp dẫn riêng, thu hút được đông đảo khách du lịch. Trong đó, du lịch làng nghề hấp dẫn du khách không chỉ ở kỹ nghệ của các nghệ nhân và các sản phẩm thủ công lưu niệm, đặc sản ẩm thực địa phương, mà đến với các làng nghề du khách còn được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên, các công trình di tích, lịch sử văn hóa của làng, được trải nghiệm trực tiếp thực hiện những công đoạn sản xuất nghề truyền thống… Vì vậy, các làng nghề truyền thống cần được tổ chức, khai thác hợp lý để tạo ra những sản phẩm du lịch mang đặc trưng của kinh tế di sản vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hỗ trợ “xuất khẩu tại chỗ” sản phẩm làng nghề; vừa góp phần quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống địa phương đặc sắc đến khắp mọi miền Tổ quốc và ra thế giới, góp phần bảo tồn, giữ gìn bền vững các nghề truyền thống của dân tộc.
Các sản phẩm của làng nghề truyền thống, như đồ trang sức, đồ lưu niệm, đồ mỹ nghệ trang trí bằng nhiều chất liệu, như gỗ, đá, ngọc, mây, tre, đồng, bạc… được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo, óc thẩm mỹ và sáng tạo của các nghệ nhân còn là cơ sở, nguồn tài nguyên để phát triển ngành thủ công mỹ nghệ - một trong các ngành công nghiệp văn hóa có thể mạnh của địa phương. Nếu được tổ chức, khai thác, phát triển hợp lý, các sản phẩm được tạo ra không chỉ đáp ứng nhu cầu khách du lịch mà còn có thể xuất khẩu, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.
Phát triển du lịch làng nghề, làm cho làng nghề truyền thống trở thành giá trị đặc trưng của dân tộc là mô hình đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện rất thành công, tiêu biểu như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Các nước này đã xây dựng được các làng nghề thành các điểm thăm quan nổi tiếng và mang thương hiệu riêng. Nhằm khuyến khích người dân tận dụng những lợi thế của địa phương, phát huy sức mạnh cộng đồng và bảo tồn, phát triển các nghề truyền thống, từ năm 1979, quận Oita (Nhật Bản) đã khởi xướng ý tưởng mỗi làng nghề một sản phẩm (OVOP). Sau đó, nhiều nước châu Á đã áp dụng mô hình này như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, indonesia… Trong đó, Thái Lan là nước áp dụng thành công nhất mô hình này với tên gọi OTOP. Hiện nay, ở Thái Lan có khoảng hơn 30.000 mô hình OTOP. Nhờ vậy, nghề truyền thống ở Thái Lan đã được duy trì, nhiều làng nghề truyền thống phát triển trở thành những điểm tham quan, du lịch nổi tiếng thu hút khách du lịch.
Ở Việt Nam, từ năm 2018, Chính phủ đã ban hành chương trình OCOP (One Commune One Product - OCOP) - Mỗi xã một sản phẩm với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị. Phát triển sản phẩm OCOP có thương hiệu, theo chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu, văn hóa và tri thức địa phương, đặc biệt là các đặc sản, sản vật, sản phẩm làng nghề và dịch vụ du lịch của làng, xã, cộng đồng theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững.
Hiện nay, khai thác và phát huy giá trị di sản làng nghề truyền thống tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang đặc trưng kinh tế di sản được coi là một chiến lược phát triển bền vững gắn với cộng đồng địa phương.
Giá trị làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
Tiềm năng nghề và làng nghề truyền thống tỉnh Quảng Ninh cho phát triển kinh tế di sản
Quảng Ninh là một vùng đất có lịch sử lâu đời. Với sự đa dạng về địa hình và điều kiện tự nhiên, Quảng Ninh là nơi hội tụ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của nhiều vùng, miền và thành phần dân tộc. Trong quá trình xây dựng và phát triển, con người nơi đây đã sáng tạo và lưu giữ được nhiều nghề và làng nghề mang đậm bản sắc văn hóa địa phương để đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển của người dân.
Với đặc điểm cư trú đa dạng địa hình gồm cả đồng bằng, miền biển, đồi núi, các nghề truyền thống của cư dân nơi đây cũng khá đa dạng với các nhóm chính, như nghề gốm sứ, thủy tinh, điêu khắc than đá, nghề mây tre đan, tiểu thủ công đồ gỗ, dệt, thêu ren, đánh bắt hải sản, chế biến nông - lâm - thủy, hải sản, nghề đóng và sửa chữa tàu… Theo thống kê, ở Quảng Ninh hiện nay, đang duy trì và phát triển khoảng 20 nghề khác nhau, trong đó, nhiều nghề có lịch sử lâu đời, như nghề đánh bắt hải sản xuất hiện từ thời văn hóa Hạ Long, nghề đan ngư cụ Hưng Học và nghề đóng thuyền vỏ gỗ Đò Chanh (Quảng Yên) có lịch sử hơn 400 năm gắn liền với cuộc sống mưu sinh của cư dân miền biển, nghề làm bánh gio Phong Cốc gắn liền với truyền thống, phong tục thờ cúng lâu đời của cư dân vùng đảo Hà Nam (Quảng Yên), nghề làm bún Hiệp Hòa (Quảng Yên) với lịch sử hơn 400 năm, nghề gốm sứ xuất hiện từ thời cổ đại thời kỳ văn hóa Hạ Long và được lưu truyền và phát triển qua nhiều thời kỳ lịch sử, đến nay vẫn tồn tại ở các địa phương ở Đông Triều… Mỗi một nghề đều chứa đựng những tri thức, những bí kíp, kỹ năng, kỹ xảo riêng thể hiện tài năng, sự khéo léo và sáng tạo của những người thợ nơi đây.
Bên cạnh đó, Quang Ninh còn có một số nghề mới xuất hiện trong hơn nửa thế kỷ cũng mang đậm bản sắc, giá trị văn hóa của người dân vùng biển, mỏ. Đó là nghề điêu khắc than đá được du nhập từ Pháp, xuất hiện khoảng đầu thế kỉ XX. Bằng nguyên liệu sẵn có của địa phương là than đá qua bàn tay khéo léo và óc sáng tạo của người thợ đã tạo ra đa dạng những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc sắc, giàu giá trị thẩm mỹ, văn hóa và giá trị kinh tế. Hiện nay, nghề điêu khắc than đá phát triển mạnh ở thành phố Hạ Long và Cẩm Phả. Một nghề mà Quảng Ninh cũng có nhiều lợi thế để phát triển đó là nghề nuôi cấy ngọc trai. Với lợi thế về diện tích mặt nước biển, và có những loài trai quý như trai Mã Thị, trai vỏ dày, trai cánh dài và loài trai Jamson nhập khẩu, ngọc trai được tạo ra thuộc loại rất quý, có giá trị xuất khẩu cao. Hiện nay, nghề nuôi cấy ngọc trai phát triển mạnh ở huyện đảo Vân Đồn và thành phố Hạ Long.
Hiện nay, Quảng Ninh được biết đến với những làng nghề lâu đời tiêu biểu, như làng nghề đóng tàu thuyền vỏ gỗ Cống Mương (phường Phong Hải, thị xã Quảng Yên); làng nghề đóng, sửa chữa thuyền Hà An (Quảng Yên); làng nghề đan ngư cụ Hưng Học (Quảng Yên); làng gốm sứ Cầu Đất - Đức Chính, gốm sứ Vĩnh Hồng - Mạo Khê (Đông Triều); làng nghề làm mắm ở Vân Đồn, nuôi cấy ngọc trai ở Vân Đồn, Hạ Long; than đá mỹ nghệ ở Hạ Long, Cẩm phả… Trong đó, hai làng nghề là làng nghề đan ngư cụ Hưng Học và làng nghề đóng tàu vỏ gỗ Cống Mương đã được công nhận là làng nghề truyền thống. Với quy mô phát triển của những làng nghề đã giúp đem lại công việc cho khoảng 15.000 lao động địa phương, chiếm khoảng 5% tổng số lao động nông thôn. Giá trị sản xuất của những làng nghề đạt bình quân trên 250 tỷ đồng/năm, chiếm tỷ trọng khoảng 29% giá trị sản xuất công nghiệp bình quân của các địa phương.
Các nghề truyền thống không chỉ là công cụ mưu sinh hằng ngày, đáp ứng nhu cầu sinh tồn và phát triển của người dân, mà hiện nay đã trở thành những di sản văn hóa, là sự kết tinh, phản ánh những giá trị văn hóa, con người Quảng Ninh trong tiến trình phát triển, cần tiếp tục được duy trì và phát triển, lưu truyền cho các thế hệ sau.
Mặc dù so với các địa phương khác trên cả nước, nghề và làng nghề truyền thống của tỉnh Quảng Ninh có số lượng không nhiều, nhưng chúng chứa đựng những giá trị và nét đặc sắc riêng không đâu có được, chẳng hạn như sản phẩm thuyền ba vát buồm cánh dơi có khả năng đi ngược nước, ngược gió, là kiểu thuyền độc đáo nhất trong nước và trên thế giới chỉ có ở thị xã Quảng Yên. Kỹ thuật xảm xơ dừa là kỹ thuật đặc biệt, là “độc nhất vô nhị”, là “đặc sản” chỉ có ở làng đóng và sửa chữa tàu Hà An (Quảng Yên), kỹ thuật xảm xơ dừa đạt tầm thẳng đẹp như một đường ván, chắc rắn tới mức đưa khoan vào khoan sẽ ra những phoi như phoi gỗ... chính nhờ kỹ thuật đó mà những con tàu ở Hà An đóng vang danh khắp chốn, hút khách khắp nơi. Kỹ thuật làm bánh tro Phong Cốc (Quảng Yên) cũng đặc sắc riêng, để tạo màu tro, người thợ dùng cây giá (chỉ có ở vùng cửa sông Bạch Đằng) đốt rồi lấy tro ngâm với gạo để làm bánh; các làng gốm ở Đông Triều có bí quyết pha chế đất, chế tác dòng gốm “nặng lửa” phải nung ở nhiệt độ 1.3000C. Hay nghề nuôi cấy ngọc trai, nghề điêu khắc than đá phát triển dựa trên những lợi thế về nguyên liệu, về điều kiện tự nhiên riêng không phải nơi nào cũng có được… Những điều này đã tạo nên giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm nghề truyền thống tỉnh Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các làng nghề lại nằm trong một hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đa dạng, đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh và thuộc những địa phương đang phát triển mạnh mẽ về du lịch và nằm trên các tuyến du lịch trọng điểm của Tỉnh là Hạ Long, Uông Bí - Đông Triều - Quảng Yên, Vân Đồn - Cô Tô, Móng Cái. Vì vậy, các làng nghề tỉnh Quảng Ninh có tiềm năng lớn để khai thác, phát huy phát triển các loại hình kinh tế di sản như phát triển du lịch văn hóa làng nghề, tạo ra những sản phẩm du lịch mang đặc trưng văn hóa riêng của cư dân bản địa, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch địa phương để hấp dẫn du khách. Những nghề như điêu khắc than đá, nghề mây tre đan, sản xuất ngọc trai… là cơ sở để Quảng Ninh phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là một hướng đi quan trọng vừa tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đồng thời vừa có tác dụng quảng bá về văn hóa, con người Quảng Ninh khắp mọi miền đất nước và ra thế giới, góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản văn hóa làng nghề truyền thống của địa phương, dân tộc.
Thực trạng phát huy giá trị làng nghề truyền thống với phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
Trong xu thế phát triển bền vững hiện nay, tỉnh Quảng Ninh đang đẩy mạnh thực hiện chính sách phát triển kinh tế “chuyển từ nâu sang xanh”, trong đó, một trong những chính sách được tỉnh tập trung nghiên cứu, đẩy mạnh thực hiện là gắn phát triển kinh tế - xã hội với bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đẩy mạnh phát triển loại hình kinh tế di sản. Trong đó, tỉnh chú trọng khai thác, phát huy giá trị của các nghề và làng nghề truyền thống của địa phương trong phát triển kinh tế thông qua việc phát triển du lịch làng nghề, phát triển các ngành thủ công mỹ nghệ vừa giúp tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người dân, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, vừa tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của các làng nghề, giúp bảo tồn, duy trì, phát triển các nghề và làng nghề truyền thống của tỉnh.
Năm 2018 - 2019, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp tỉnh “Mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch Quảng Ninh” do Trường Đại học Hạ Long chủ trì để tìm kiếm những giải pháp khai thác, phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển du lịch. Nghiên cứu đã thực nghiệm xây dựng mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch ở làng nghề sản xuất ngư cụ Hưng Học (Quảng Yên); mô hình ở làng nghề gốm sứ Đức Chính (Đông Triều) và đã chuyển giao cho địa phương quản lý, vận hành.
Bên cạnh, đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, hằng năm, tỉnh Quảng Ninh còn thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ cho nhiều làng nghề, như triển khai thực hiện chương trình OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới; tư vấn thiết kế mẫu mã sản phẩm, trong đó có các mẫu sản phẩm phục vụ du lịch; tổ chức các hội chợ, triển lãm, lễ hội để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP độc đáo của các làng nghề tiêu biểu; tổ chức ngày càng hiệu quả hơn việc liên kết sản xuất - tiêu thụ để nâng cao giá trị thương hiệu của các sản phẩm làng nghề; nhân rộng các mô hình du lịch văn hóa gắn kết với xây dựng thương hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ ở một số làng nghề.
Bên cạnh những chính sách hỗ trợ của tỉnh, bản thân các địa phương cũng nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để duy trì và phát triển các làng nghề, như Thị xã Quảng Yên đã xây dựng “Đề án phát triển làng nghề thị xã Quảng Yên (2020 - 2025)” và chủ trương xây dựng Nam Hòa với làng nghề sản xuất ngư cụ truyền thống trở thành điểm đến du lịch độc đáo. Ban Quản lý Vịnh Hạ Long tổ chức hoạt động truyền dạy kỹ thuật đan ngư cụ tại Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn, để phục vụ khách du lịch đến tham quan tìm hiểu về đời sống sinh hoạt của cư dân làng chài. Các địa phương đã chủ động phối hợp với các công ty lữ hành tổ chức đưa các đoàn khách du lịch trong và ngoài nước đến thăm quan trải nghiệm tại các làng nghề, như trải nghiệm làm gốm ở Đông Triều, trải nghiệm đan ngư cụ ở Quảng Yên, trải nghiệm làm miến dong ở Bình Liêu, hay trải nghiệm cuộc sống thực tế của ngư dân địa phương… Các nghệ nhân cũng rất tâm huyết với nghề, quyết tâm giữ gìn nghề truyền thống, không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm, ứng dụng công nghệ hiện đại mở rộng sản xuất, chuyển đổi các sản phẩm truyền thống của làng thành những sản phẩm lưu niệm đẹp mắt bán cho khách du lịch; và là những người trực tiếp hướng dẫn khách du lịch trải nghiệm thực hiện các công đoạn sản xuất nghề truyền thống… vừa thu lợi nhuận vừa là những “đại sứ” giúp quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa địa phương.
Sản phẩm của các làng nghề ngày càng khẳng định được thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường và hấp dẫn khách du lịch, như miến dong Bình Liêu, mắm sá sùng Vân Đồn, nem chua Quảng Yên, hải sản khô Cô Tô, gốm sứ mỹ nghệ Đông Triều, ngọc trai Vân đồn, Hạ Long… Từ năm 2017, sản phẩm ngọc trai Vân Đồn đã đạt tiêu chuẩn 5 sao, đạt tiêu chuẩn quốc tế. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ của Quảng Ninh đã được xuất khẩu tại chỗ qua du lịch và xuất khẩu ra nước ngoài, như nhiều sản phẩm điêu khắc từ than đá của làng nghề Quảng Ninh đã chiếm được chỗ đứng ở một số quốc gia, như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Anh, Mỹ, Áo, Đức,… Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng thủ công mỹ nghệ năm 2023 của Quảng Ninh đạt gần 8.160 tỷ đồng. Hiện nay, nhiều công ty lữ hành đã đưa các làng nghề truyền thống của tỉnh vào các tuyến du lịch nội, ngoại vùng, thu hút được đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế, như du lịch làng nghề gốm sứ ở Đông Triều; du lịch làng nghề đan ngư cụ, đóng tàu vỏ gỗ ở Quảng Yên; du lịch tham quan nghề nuôi cấy ngọc trai ở Vân Đồn, Hạ Long. Mỗi ngày, mỗi điểm thăm quan, mua bán ngọc trai đã đón tiếp hàng nghìn lượt khách du lịch.
Giá trị và tiềm năng của làng nghề truyền thống Quảng Ninh đối với phát triển kinh tế nói chung và kinh tế di sản nói riêng là điều đã được khẳng định. Quá trình khai thác, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống trong phát triển loại hình kinh tế di sản đã đạt được những kết quả tích cực bước đầu, tuy nhiên, hoạt động của các làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng: Một là, Quảng Ninh hiện nay có hơn 20 làng nghề, nhưng mới chỉ được công nhận 5 nghề truyền thống và 2 làng nghề truyền thống. Trong khi thực tế, có nhiều nghề và làng nghề truyền thống đạt đủ tiêu chí để được công nhận, như gốm sứ Đức Chính, gốm sứ Vĩnh Hồng, nuôi cấy ngọc trai, điêu khắc than đá mỹ nghệ, trồng hoa Hoành Bồ, miến dong Bình Liêu... nhưng các địa phương này chưa thực sự quan tâm đến việc công nhận các nghề truyền thống hay làng nghề truyền thống. Điều này, xuất phát từ việc chính quyền địa phương và người dân chưa ý thức được vai trò của việc bảo tồn, phát huy giá trị của làng nghề truyền thống với sự phát triển kinh xã hội của địa phương; cơ chế, chính sách, vốn vay ưu đãi cho làng nghề truyền thống vẫn còn hạn chế. Hai là, đa phần các làng nghề hoạt động quy mô nhỏ, theo hộ gia đình, chưa có sự liên kết giữa các nhóm hộ với nhau, số lượng các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề lớn còn hạn chế. Phần lớn, họ chưa có sự liên kết, chưa chú trọng việc xây dựng thương hiệu chung cho làng nghề. Ba là, nguồn nhân lực chính của làng nghề chủ yếu là những người lớn tuổi, phần lớn bộ phận thanh niên không thiết tha gắn bó với nghề truyền thống. Bốn là, sản phẩm làng nghề chưa đa dạng về chủng loại, mẫu mã và kiểu dáng, chưa có sự cập nhật cho phù hợp với nhu cầu của thị trường, ví dụ, sản phẩm của nghề sản xuất ngư cụ Hưng Học vẫn là những công cụ đánh, bắt thủy sản thô sơ như lờ, đó, dậm…ngọc trai ở Vân Đồn, Hạ Long là loại ngọc quý nhưng vẫn xuất khẩu thô với giá trị kinh tế chưa cao.... Năm là, số lượng các làng nghề tham gia vào phát triển du lịch chưa nhiều, kinh nghiệm làm du lịch vẫn còn hạn chế, chưa có sự kết nối chặt chẽ với các công ty lữ hành…
Một số giải pháp phát huy giá trị nghề truyền thống trong phát triển kinh tế di sản tỉnh Quảng Ninh
Để phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển kinh tế di sản, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh cần chú trọng thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, cụ thể hóa và tổ chức, triển khai thực hiện sớm trong thực tiễn Nghị quyết số 17/NQ-ĐU, ngày 30-10-2023, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh bền vững. Trong đó, Nghị quyết đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu là: xây dựng Đề án phát triển các làng nghề truyền thống trở thành sản phẩm văn hóa du lịch và sẽ phát huy hơn nữa giá trị văn hóa của từng địa phương qua mô hình OCOP; xác định sản phẩm OCOP là sản phẩm văn hóa và quan tâm đầu tư nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp cho từng sản phẩm, mang đậm giá trị văn hóa bản địa.
Thứ hai, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy, chính quyền địa phương và người lao động về vai trò, ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề truyền thống đối với cuộc sống của người dân và phát triển kinh tế địa phương. Khơi dậy niềm tự hào về truyền thống và ý thức trách nhiệm giữ gìn và phát triển giá trị văn hóa làng nghề truyền thống cho người dân địa phương, nhất là thế hệ trẻ. Từ đó, mới thúc đẩy người dân phát triển rộng rãi các nghề truyền thống và lập hồ sơ công nhận nghề và làng nghề truyền thống tạo cơ sở cho khai thác, phát huy giá trị làng nghề truyền thống trong phát triển kinh tế chuyên nghiệp và bền vững.
Thứ ba, đẩy mạnh công tác nghiên cứu lập hồ sơ công nhận nghề và làng nghề truyền thống đạt tiêu chuẩn, vừa để tôn vinh ghi nhận những đóng góp của cộng đồng địa phương làng nghề, đồng thời xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh. Bên cạnh đó, cần có chính sách quan tâm, tôn vinh công lao, đóng góp của các nghệ nhân - “những báu vật nhân văn sống” trong việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Thứ tư, tăng cường các nguồn lực hỗ trợ duy trì và phát triển các làng nghề truyền thống. Hiện tại, các làng nghề truyền thống của Quảng Ninh cũng đang được hưởng một số chính sách về phát triển ngành nghề nông thôn theo chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới… tuy nhiên, mức hỗ trợ còn thấp, nguồn vốn vay ưu đãi cho các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất làng nghề hạn chế. Vì vậy, để phát triển các làng nghề, tỉnh cần có những chính sách hỗ trợ nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất thấp, hạn mức cao để họ có thể mở rộng, phát triển sản xuất; đồng thời đầu tư cho công tác marketing sản phẩm, xây dựng khu trưng bày, giới thiệu sản phẩm vừa phục vụ khách du lịch, tham quan mua sắm, vừa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh nguồn lực về tài chính thì phát triển nguồn nhân lực làng nghề truyền thống cũng rất quan trọng, cần tổ chức các lớp dạy nghề, truyền nghề để các nghệ nhân lâu năm trao truyền lại những tri thức, ki năng nghề cho các thế hệ tiếp theo, giúp bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống tránh nguy cơ mai một. Bên cạnh đó, cần tổ chức các lớp tập huấn về kĩ năng, nghiệp vụ làm du lịch cho các nghệ nhân, kĩ năng giao tiếp, quảng bá giá trị văn hóa bản địa thông qua các sản phẩm nghề với khách du lịch, để phát triển du lịch văn hóa làng nghề mang tính bài bản, chuyên nghiệp, bền vững hơn.
Thứ năm, tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống; đẩy mạnh kết nối làng nghề truyền thống với các chương trình, tuyến du lịch văn hóa, tăng cường trải nghiệm văn hóa cho du khách ngay tại các cơ sở sản xuất sản phẩm làng nghề. Xây dựng các sản phẩm du lịch làng nghề mang bản sắc văn hóa riêng của từng địa phương. Tiếp tục thúc đẩy và nâng cao chất lượng các hoạt động kết nối xuất khẩu, giao thương, xúc tiến thương mại, quảng bá văn hóa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề truyền thống Quảng Ninh ra mọi miền đất nước và ra quốc tế.
Thứ sáu, chú trọng xây dựng thương hiệu hàng hóa làng nghề và định vị thương hiệu du lịch làng nghề của tỉnh Quảng Ninh. Nâng cao nhận thức của các làng nghề, tăng cường sự liên kết giữa các hộ sản xuất trong làng nghề để xây dựng một thương hiệu chung. Nghiên cứu, xác định, lựa chọn thị trường mục tiêu, định vị thương hiệu hàng hóa sản phẩm, tạo ra bản sắc thương hiệu cho sản phẩm thông qua đặt tên thương hiệu; biểu trưng và biểu tượng của thương hiệu; khẩu hiệu của thương hiệu”.
Thứ bảy, hiện nay, ở Việt Nam, phát triển du lịch làng nghề được đầu tư, phát triền theo hai mô hình chính là phát phát triển du lịch trên cơ sở khai thác giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tồn tại từ xưa của làng; các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các khu du lịch rồi đưa mô hình làng nghề vào đó và phục dựng không gian làng nghề truyền thống để khai thác các giá trị văn hóa. Đây là hai mô hình mà tỉnh Quảng Ninh có thể nghiên cứu, tổ chức, phát triển; khắc phục hạn chế tình trạng có những làng nghề truyền thống giàu giá trị văn hóa nhưng lại không thuộc những tour, tuyến du lịch phát triển; ngược lại có những khu du lịch rất phát triển nhưng không phải quê hương của các nghề truyền thống. Làm như vậy vừa đa dạng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, vừa tăng cường quảng bá, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương, là giải pháp thiết thực gắn bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Khai thác và phát huy giá trị di sản làng nghề truyền thống tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang đặc trưng văn hóa, bản sắc địa phương tỉnh Quảng Ninh là một chiến lược, hướng đi đúng đắn theo hướng phát triển bền vững. Vì vậy, tỉnh Quảng Ninh cần có một chiến lược dài hạn, triển khai các giải pháp đồng bộ, thiết thực và hiệu quả. Để thực hiện thành công, đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực không chỉ bản thân các làng nghề mà cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp hỗ trợ của các cơ quan, ban, ngành và các hiệp hội nghề nghiệp./.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng ủy Quảng Ninh: Nghị quyết số 17/NQ-ĐU, ngày 30-10-2023, về “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh bền vững”.
2. Nguyễn Dung - Xuân Hòa: “Gìn giữ, bảo tồn nghề truyền thống”, https://baoquangninh.vn/phat-huy-gia-tri-du-lich-lang-nghe-gom-su-o-dong-trieu-3255293.html, cập nhật 8-10-2023.
3. Từ Thị Loan (chủ biên): Phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam, Nxb. Dân tộc, Hà Nội, 2017
4. Hải Sơn: “Xây dựng mô hình du lịch văn hóa tại các làng nghề tỉnh Quảng Ninh”, https://www.tapchicongsan.org.vn, cập nhật 24/10/2023
5. “Quảng Ninh: Đưa thủ công mỹ nghệ trở thành sản phẩm du lịch”, Theo quangninh.gov.vn, 2024
Phát triển kinh tế di sản gắn với môi trường và bền vững  (06/12/2024)
“Biến di sản thành tài sản” - Định hướng phát triển du lịch bền vững ở tỉnh Quảng Ninh hiện nay  (06/12/2024)
Liên kết vùng cho phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hộp nhập quốc tế  (06/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm