Di sản văn hóa - Một nguồn vốn đặc biệt cho phát triển bền vững
1. Nguồn vốn trong phát triển bền vững: mấy vấn đề lý luận
Ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu và thành phương thức phát triển chung của toàn thế giới. Đây là lựa chọn chiến lược không thể khác, không thể đảo ngược của nhân loại để sửa chữa những sai lầm của chính loài người tích tụ từ hàng nghìn năm nay, để tạo nên một thế giới đáng sống hơn, an toàn hơn cho các thế hệ người hiện tại và để bảo đảm một tương lại hạnh phúc hơn, ít rủi ro hơn cho các thế hệ tương lai. Từ năm 2015 Liên hợp quốc đã công bố 17 Mục tiêu của Phát triển bền vững (SDGs)(1). Từ đó đến nay, hằng năm Liên hợp quốc đều công bố bản Báo cáo về phát triển bền vững. Việt Nam và hầu hết các quốc gia đều có cam kết thực hiện các giải pháp chiến lược để đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs)(2) hay các mục tiêu phát triển bền vững.
Một điều đáng ngạc nhiên là trong số 8 “mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” trước kia và 17 Mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc công bố vào năm 2015 đều không có mục tiêu về văn hóa hoặc trực tiếp liên quan đến những vấn đề cốt yếu của văn hóa(3).
Chắc hẳn điều ngạc nhiên này đã dẫn đến một điều còn đáng kinh ngạc hơn: nhiều trường phái tiếp cận khác nhau đối với phát triển bền vững, trong nghiên cứu khoa học cũng như trong hoạch định, triển khai chính sách, họ cũng buộc phải đưa ra những mô hình, những khung mẫu định vị và phân loại các nguồn vốn khác nhau cho phát triển bền vững. Và trong hầu hết các mô hình định vị và phân loại đó, nguồn vốn văn hóa đều hoàn toàn vắng bóng.
Xin dẫn ra đây hai cách tiếp cận với hai mô hình định vị và phân loại các nguồn vốn trong phát triển bền vững được cho là có ảnh hưởng rộng rãi nhất.
Mô hình thứ nhất được đề xuất bởi một học giả nổi tiếng người Anh Jonathon Porritt vào năm 2005 như sau:
Hình 1: Năm nguồn vốn cho phát triển bền vững(4)
https://www.forumforthefuture.org/the-five-capitals
Porritt đã rất sáng tạo khi trình bày các nguồn vốn cho phát triển bền vững trong một mô hình cấu trúc gồm các vòng tròn chồng lấp lên nhau: lớn nhất là nguồn vốn tự nhiên (natural capital), tiếp theo là một vòng tròn nhỏ hơn, được chia làm hai nửa, một nửa là nguồn vốn con người (human capital) và nửa kia là nguồn vốn xã hội (social capital). Ở trong cùng là một vòng tròn cũng được chia đôi thành nguồn vốn sản xuất (manufactured capital) và nguồn vốn tài chính (financial capital).
Rõ ràng là ở đây, trong số các nguồn vốn cho phát triển bền vững theo lý thuyết của Jonathon Porritt hoàn toàn vắng bóng nguồn vốn văn hóa. Cả trong giải trình chi tiết của ông (được cập nhật năm 2020) về mô hình này thì các yếu tố văn hóa cũng không hề được nhắc tới(5).
Mô hình thứ hai chúng tôi muốn dẫn ra ở đây là mô hình về sinh kế bền vững của do Bộ Phát triển Quốc tế (Department for International Development - DFID) của Vương quốc Anh đề xuất vào cuối thế kỷ XX và được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về sinh kế bền vững (sustainable livelihood). Mô hình tổng thể của DFID như sau:
Hình 2: Mô hình tổng thể về lựa chọn chiến lược sinh kế bền vững của DFID(6)
Trong mô hình nói trên, khi biểu đạt về các nguồn vốn cho phát triển bền vững, từ tiếp cận sinh kế bền vững, người ta đã dùng một sơ đồ hình ngũ giác để biểu đạt các “tài sản sinh kế bền vững” (sustainable livelihood asset), với 5 nguồn vốn cơ bản tương tự như mô hình của Jonathon Porritt. (xem Hình 3).
Một lần nữa chúng ta lại thấy yếu tố văn hóa hoàn toàn vắng bóng trong mô hình cấu trúc các nguồn vốn cho phát triển bền vững của DFID, tiếp cận từ nghiên cứu sinh kế. Người ta có thể biện hộ, rằng yếu tố văn hóa được “lồng ghép” vào trong nguồn vốn con người hay nguồn vốn xã hội, hoặc “tan chảy”, hòa tan vào trong tất cả năm nguồn vốn nói trên. Thực tế là trong những lý thuyết có ảnh hưởng mạnh nhất về phát triển bền vững, yếu tố văn hóa và nguồn vốn văn hóa đã không được quan tâm đúng mức, thậm chí hoàn toàn bị bỏ qua.
Hình 3: Mô hình “tài sản sinh kế” của DFID(7)
Nhận ra hạn chế nghiêm trọng của các lý thuyết và mô hình nói trên, từ hơn 10 năm nay, trong nghiên cứu và trong đào tạo, chúng tôi đã đề xuất một cách tiếp cận mới với mô hình hoàn chỉnh hơn về các nguồn vốn cho phát triển bền vững, trong đó nguồn vốn văn hóa được biểu đạt như một trong các nguồn vốn chính(8).
Hình 4: Mô hình nguồn vốn cho phát triển bền vững
Quan điểm trên đây của chúng tôi bước đầu tiệm cận với quan điểm sau này đã được hoàn chỉnh, ghi nhận chính thức vào trong đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước CHXHCN Việt Nam: coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là một mục tiêu, vừa là một nguồn lực nội sinh quan trọng của quá trình phát triển bền vững ở Việt Nam(9). Đây cũng là quan điểm được giới nghiên cứu cũng như hoạch định chính sách ở Việt Nam và trên thế giới tán đồng, chia sẻ mạnh mẽ.
2. Nguồn vốn văn hóa: từ tài nguyên đến tài sản và vốn văn hóa
Ngay cả khi đã chấp thuận nguồn vốn văn hóa là một trong những nguồn lực cho phát triển bền vững thì vấn đề cũng còn rất nan giải.
Thứ nhất, cần lưu ý là trong giới nghiên cứu có ít nhất hai cách khái niệm khác nhau về khái niệm nguồn vốn văn hóa (cultural capital). Cách thứ nhất do các nhà khoa học người Pháp Pierre Bourdieu và Jean Claude Passeron đề xuất từ thập kỷ thứ 7 của thế kỷ trước. Tiếp cận từ góc độ tâm lý học và giáo dục học, họ coi “vốn văn hóa” ở cấp độ cá nhân và cấp độ cộng đồng chỉ là những giá trị, phẩm chất cấu thành nên nhân cách cá nhân và chi phối, vận hành các quan hệ liên nhân cách (interpersonal relations) mà thôi(10).
Trong khi đó, từ cách tiếp cận phát triển bền vững, phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo hiện nay thì nguồn vốn văn hóa nhìn chung được hiểu là toàn bộ các giá trị di sản văn hóa được đầu tư vào quá trình phát triển bền vững nói chung, tạo nên nền “kinh tế văn hóa” (cultural economy) hoặc đầu tư vào các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo nói riêng. Rõ ràng là hai cách tiếp cận khác nhau đã đưa đến hai quan niệm và hai cách định nghĩa hoàn toàn khác nhau về nguồn vốn văn hóa.
Thứ hai, trong nghiên cứu cũng như trong hoạch định chính sách, kể cả trong hoạt động thực tiễn, người ta còn chưa phân biệt tương đối rõ ràng giữa ba thuật ngữ dùng để chỉ ba dạng thức tồn tại khác nhau của di sản văn hóa, tiếp cận từ phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Đó là các khái niệm “nguồn lực văn hóa” hoặc “tài nguyên văn hóa” (cultural resources), “tài sản văn hóa” (cultural assets) và “vốn văn hóa” (cultural capital). Mặc dù ba dạng thức nói trên, xét từ góc độ phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo, hoàn toàn khác nhau về bản chất, nhưng về mặt hình thức chúng lại hầu như không có sự khác biệt nào. Vì vậy, trong thực tiễn người ta luôn luôn nhầm lẫn giữa các dạng thức tồn tại nói trên của di sản văn hóa. Và đó chính là một trong những nguyên nhân chính khiến cho người ta gặp khó khăn, thậm chí phạm sai lầm trong quá trình quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của đi sản văn hóa, gây ra những sự cố nghiêm trọng.
“Tài nguyên văn hóa” (cultural resources), hiểu theo nghĩa chung nhất là toàn bộ các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà các thế hệ trước đã để lại cho chúng ta. Đồng thời, các thế hệ người hiện tại cũng đang không ngừng tác tạo ra các vật phẩm văn hóa mới (vật thể và phi vật thể), với những giá trị mới. Đặc điểm quan trọng nhất của tài nguyên văn hóa là: chúng là các di sản hoặc các hợp phần của di sản văn hóa mà chúng ta chưa biết tới, chưa đánh giá và định vị được giá trị của chúng (như các hiện vật ở dưới lòng đất chưa được khai quật, hoặc các di sản khác còn đang bị khuất lấp bởi những lý do nào đó). Sự tồn tại của những tài nguyên văn hóa này là khách quan, không lệ thuộc vào việc chúng ta có biết hay không biết về sự tồn tại của chúng. Lại có những tài nguyên văn hóa khác không còn bị khuất lấp, chúng ta đã biết, thậm chí đã hiểu và đánh giá giá trị của chúng, nhưng vì lý do gì đó mà chúng ta chưa khám phá đầy đủ giá trị của chúng, chưa định vị đúng giá trị của chúng. Trong số những tài nguyên văn hóa này có nhiều cái đang được chúng ta tác tạo ra trong đời sống hằng ngày.
“Tài sản văn hóa” (cultural asset) là tất cả những tài nguyên văn hóa đã được chúng ta biết đến, khám phá, đánh giá và định vị được giá trị.
Trong khi đó, “vốn văn hóa” (cultural capital) là tất cả các tài sản văn hóa được chúng ta đem đầu tư vào sự phát triển của công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Chỉ khi được đem vào đầu tư ở đây thì tài sản văn hóa mới trở thành “vốn đầu tư”, tạo nên “giá trị gia tăng” tích hội trong các sản phẩm của công nghiệp văn hóa dưới hai dạng thức chính là các vật phẩm văn hóa (cultural artifacts) và các dịch vụ văn hóa (cultural services).
Con đường để đưa các di sản văn hóa đi từ dạng thức “tài nguyên văn hóa” đến “tài sản văn hóa” và “vốn văn hóa” chính là con đường tất yếu mang tên “vốn hóa các nguồn tài nguyên văn hóa” (capitalization of cultural resources). Con đường này có thể rất dài, do có những di sản không dễ gì được phát hiện, được khám phá, đánh giá và định vị đầy đủ giá trị, nhưng cũng có thể rất ngắn, như những bản nhạc hay vừa được sáng tác xong thì đã được trình diễn ngay và được công chúng yêu thích.
Hình 5: Lược đồ quá trình vốn hóa các di sản văn hóa trong phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo
Quá trình vốn hóa các nguồn tài nguyên văn hóa hướng tới hai mục đích cơ bản sau:
Thứ nhất, nó tạo nên giá trị gia tăng cho các di sản khi được đưa vào phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Bản thân mỗi di sản văn hóa đã có giá trị tự thân, hay giá trị gốc của nó. Ngay cả lớp giá trị này không dễ gì đã được khám phá đầy đủ và đánh giá cho đúng. Bên cạnh đó mỗi di sản còn có thể có nhiều lớp nghĩa phái sinh nhờ quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, phát huy nó trong những bối cảnh và những phương thức khác nhau. Một câu chuyện cổ tích có thể là nền tảng để người ta sáng tác truyện tranh, kịch, bài hát, phim... Một công cụ bắt cá quen thuộc trước kia, như cái nơm, có thể giờ đây được “cải tiến” thành những vật phẩm trang trí nội thất...
Quá trình tạo nên giá trị gia tăng cho các di sản cũng bao gồm cả việc phát triển và bảo hộ thương hiệu của di sản trong quá trình phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Thứ hai, quá trình vốn hóa các tài nguyên văn hóa còn hướng tới việc xác định những phương thức phù hợp với từng di sản để bảo tồn, phát huy chúng thông qua phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá các lớp giá trị của toàn bộ di sản hoặc của từng hợp phần của di sản, người ta sẽ xác định được di sản nào, hợp phần nào của di sản phải được bảo tồn nguyên vẹn và bảo tồn như thế nào, di sản nào, hợp phần nào của đi sản có thể bảo tồn theo nguyên tắc phát triển và di sản nào, hợp phần nào của di sản thì có thể và cần phải luôn luôn thích ứng, luôn luôn sáng tạo. Đây chính là những công việc có ý nghĩa nhất, không thể bỏ qua khi chúng ta muốn “khai thác” các giá trị của di sản văn hóa vào việc phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Một vấn đề thường xuyên xuất hiện trong quá trình đưa di sản vào phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo là vấn đề bảo vệ, bảo hộ bản quyền, nhất là bảo đảm chủ quyền và an ninh văn hóa. Đây là điều chúng tôi đã có dịp trình bày khá cụ thể(12). Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nói thêm về vấn đề chủ nhân của di sản.
Bất kỳ sản phẩm văn hóa nào, di sản vật thể hay phi vật thể, đều có chủ nhân đã tạo ra chúng. Họ chính là chủ nhân tác tạo, hay chủ nhân đích thực của di sản. Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều di sản không còn thuộc sở hữu của chủ nhân tác tạo, vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chủ nhân sở hữu là những cộng đồng dân cư và chính quyền địa phương nơi di sản đang tồn tại. Họ sở hữu và chiếm hữu, quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản theo quy định của pháp luật hiện hành, nhưng nhiều khi không có mối liên hệ nào với chủ nhân tác tạo, vì họ có thể sống cách nhau nhiều thế kỷ và không hề có mối quan hệ huyết thống hay thừa kế nào. Vì vậy, khi bảo đảm an ninh văn hóa là vừa phải bảo đảm những giá trị của di sản do chủ nhân tác tạo gửi gắm vào di sản, nhưng đồng thời lại phải bảo đảm cả quyền và lợi ích của chủ nhân sở hữu di sản theo các quy định pháp lý hiện hành.
Vì vậy, quá trình vốn hóa các tài nguyên văn hóa cũng giúp cho việc lựa chọn những phương thức phù hợp để kết nối hai loại chủ nhân của di sản với nhau. Đó chính là một trong những cơ sở quan trọng để vừa phát triển thành công công nghiệp văn hóa và sáng tạo lại vừa bảo tồn và phát huy tốt giá trị các di sản văn hóa.
3. Một vài gợi ý để vốn hóa tài nguyên di sản văn hóa cho phát triển bền vững công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở tỉnh Quảng Ninh
Tỉnh Quảng Ninh được mệnh danh là “Việt Nam thu nhỏ” với nguồn tài nguyên rất phong phú và đặc sắc. Từ khoảng 20 năm nay, Quảng Ninh đang nỗ lực chuyển đổi mô hình tăng trưởng, từ “tăng trưởng nâu” sang “tăng trưởng xanh” trên nền tảng của những nguyên tắc phát triển bền vững. Trong quá trình đó, nguồn tài nguyên văn hóa của tỉnh đã và đang được bảo tồn và phát huy giá trị khá tốt và hiệu quả, đang trên đà trở thành một trong những nguồn lực phát triển chủ đạo. Để góp phần giúp cho tỉnh Quảng Ninh phát huy tốt hơn nữa, hiệu quả và bền vững hơn nữa giá trị các nguồn tài nguyên văn hóa trong quá trình phát triển bền vững của tỉnh trong kỷ nguyên mới của dân tộc, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp chiến lược sau đây:
Một là, sớm có kế hoạch và lộ trình đưa các thành phố của tỉnh gia nhập vào các mạng lưới đô thị đổi mới sáng tạo trên thế giới, đặc biệt là Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO (UNESCO Creative Cities Network - UCCN)(13) và hệ thống các thành phố toàn cầu (Global Cities) và đô thị đổi mới sáng tạo (Innovation Cities)(14). Theo đó, trên nền tảng phát triển bền vững, các đô thị thuôc các hệ thống trên đều hướng quá trình phát triển bền vững đô thị dựa trên những nguyên tắc của đô thị thông minh, đô thị kết nối, đặt mục tiêu phát triển xanh và phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển. Hạ Long, Uông Bí, Quảng Yên và Vân Đồn là những thành phố của Quảng Ninh đã cơ bản hội đủ những điều kiện cơ bản, cần được đặt trong lộ trình này để tiếp tục cất cánh và phát triển bền vững.
Hai là, tỉnh Quảng Ninh cần sớm thể chế hóa và chuyên nghiệp hóa công tác quản trị di sản. Đây chính là công việc trước sau cũng phải làm, nhất là khi tỉnh mong muốn tiếp tục phát triển bền vững, hiệu quả các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo trong bối cảnh toàn cầu hóa tăng tốc và cách mạng công nghiệp mới diễn ra như vũ bão. Đây cũng chính là giải pháp tốt nhất để bảo đảm cho quá trình vốn hóa các nguồn tài nguyên văn hóa của Quảng Ninh được diễn ra đúng với yêu cầu của phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo, đúng với các nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị di sản vừa được luật hóa trong bộ luật di sản (sửa đổi). Tất nhiên, công việc quản trị di sản rộng lớn hơn, cụ thể hơn, nhưng cốt lõi, nền tảng vẫn luôn là quá trình vốn hóa các di sản văn hóa để phục vụ cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa ở địa phương.
Ba là, tỉnh cần có quy hoạch và tập trung tổ chức đào tạo phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp phục vụ công tác quản trị di sản văn hóa và phát triển công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Hiện nay, theo chúng tôi, việc thiếu hụt nguồn nhân lực này chính nút thắt lớn nhất. Trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa, nhu cầu đối với đội ngũ này càng đặt ra cấp bách hơn./.
-----------------------
(1). https://sdgs.un.org/goals. Truy cập ngày 23-11-2024. Xem thêm: https://en.wikipedia.org/wiki/Sustainable_Development_Goals; https://vietnam.un.org/vi/sdgs. Truy cập ngày 23-11-202
(2). https://en.wikipedia.org/wiki/Millennium_Development_Goals. Truy cập ngày 23-11-2024. Xem thêm: Nguyễn Thế Phương, “Việt Nam thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ”, in trong: Tạp chí Cộng sản, 8-10-2015. Tại: https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/35539/viet-nam-thuc-hien-cac-muc-tieu-phat-trien-thien-nien-ky.aspx. Truy cập ngày 23-11-2024.
(3). tám Mục tiêu thiên niên kỷ là: 1) Để xóa bỏ tình trạng nghèo đói cùng cực; 2) Để đạt được phổ cập giáo dục tiểu học; 3) Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; 4) Để giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; 5) Để cải thiện sức khỏe bà mẹ; 6) Để chống lại HIV/AIDS , sốt rét và các bệnh khác; 7) Để bảo đảm tính bền vững của môi trường; 8) Để phát triển quan hệ đối tác toàn cầu cho phát triển. Còn 17 Mục tiêu phát triển bền vững là: Không đói nghèo ( SDG 1 ), Không còn nạn đói ( SDG 2 ), Sức khỏe và hạnh phúc tốt ( SDG 3 ), Giáo dục chất lượng ( SDG 4 ), Bình đẳng giới ( SDG 5 ), Nước sạch và vệ sinh ( SDG 6 ), Năng lượng sạch và giá cả phải chăng ( SDG 7 ), Việc làm tử tế và tăng trưởng kinh tế ( SDG 8 ), Công nghiệp, đổi mới và cơ sở hạ tầng ( SDG 9 ), Giảm bất bình đẳng ( SDG 10 ), Thành phố và cộng đồng bền vững ( SDG 11 ), Tiêu dùng và sản xuất có trách nhiệm ( SDG 12 ), Hành động vì khí hậu ( SDG 13 ), Cuộc sống dưới nước ( SDG 14 ), Cuộc sống trên cạn ( SDG 15 ), Hòa bình, công lý và các thể chế mạnh mẽ ( SDG 16 ), và Quan hệ đối tác vì các mục tiêu ( SDG 17 ). Xem: https://en.wikipedia.org/wiki/Sustainable_Development_Goals; https://sdgs.un.org/goals. Truy cập ngày 23-11-2024.
(4). Nguồn: Porritt, Jonathon, Capitalism as if the World Matter, Routledge, 2007, Part 2.
(5). https://www.forumforthefuture.org/the-five-capitals. Truy cập ngày 23-11-2024
(6). Nguồn: DFID, 2023. http://www.methodfinder.net/principles89.html. Truy cập ngày 23-11-2024
(7). Nguồn: https://www.researchgate.net/figure/Asset-Pentagon-as-the-Core-of-Livelihood-Base-The-Sustainable-Livelihood-Framework-SLF_fig2_316284404. Truy cập ngày 23-11-2024
(8). Phạm Hồng Tung, “Bài giảng chuyên đề Việt Nam học”, IVIDES, VJU, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2011
(9). Xem: Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khóa XI), Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 9-6-2014 về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1909/QĐ-TTg, ngày 12-11-2021 về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030
(11). Theo đó thì có ba loại hình “vốn văn hóa” cơ bản là: “(i) embodied capital (vốn hiện thân hay vốn nhân cách), (ii) objectified capital (vốn vật phẩm), and (iii) institutionalised capital (vốn thể chế). Xem: https://en.wikipedia.org/wiki/Cultural_capital. Truy cập ngày 23-11-2024
(12). Xem: Phạm Hồng Tung, “An ninh văn hóa trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc - tiếp cận từ phương diện lịch sử - văn hóa”, in trong: Tạp chí Công an nhân dân, số 9-2023 - kỳ 2, tr. 21-27
(13). Thành lập từ năm 2004, hiện nay mạng lưới này đã có trên 350 thành phố thành viên. Ở Việt Nam, Hà Nội gia nhập mạng lưới này từ năm 2019. Năm 2023 Đà Lạt và Hội An đã gia nhập. Về tôn chỉ, mục đích, tiêu chuẩn của mạng lưới, xem: https://www.unesco.org/en/creative-cities
(14). Hệ thống đô thị đổi mới sáng tạo hay hệ thống đô thị thế giới là tổ chức đánh giá và xếp hạng các đô thị theo nguyên tắc đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Xem: https://innovation-cities.com/worlds-most-innovative-cities-2022-2023-city-rankings/26453/
Tỉnh Quảng Ninh: Chú trọng công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân  (08/12/2024)
Kinh nghiệm của tỉnh Thừa Thiên Huế trong phát triển kinh tế di sản  (07/12/2024)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Việt Nam trên đường đổi mới
Những thành tựu cơ bản về phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam từ khi đổi mới đến nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm