Sao cứ đòi hâm nóng Chiến tranh Lạnh?

Nguyễn Sơn
11:01, ngày 25-08-2009

TCCSĐT - Càng đến gần dịp kỷ niệm 70 năm ngày chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ (ngày 1-9-1939), những kẻ luyến lưu với chiến tranh lạnh càng ra sức chĩa mũi nhọn công kích vào Nga, người kế thừa di sản của Liên Xô. “Lịch sử nóng” đang được sử dụng vào mục đích chính trị nhãn tiền là hâm nóng chiến tranh lạnh.

70 năm trước, quân đội Đức Quốc xã tràn vào Ba Lan, khai mào chiến tranh thế giới thứ hai, gây ra thảm họa khủng khiếp nhất trong lịch sử nhân loại. Giờ đây, một số thế lực phương Tây đang muốn xét lại nguyên nhân dẫn tới cuộc chiến tranh đẫm máu đó. Họ cho rằng, chính Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức (Hiệp ước Mô-lô-tốp – Ri-ben-tơ-rốp) ký ngày 23-8-1939 đã “khuyến khích” Hít-le tấn công Ba Lan, dẫn đến chiến tranh thế giới thứ hai.

Sự thực là Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau giữa Liên Xô và Đức chỉ được ký sau các Hiệp ước Mu-ních ngày 30-9-1938 giữa Anh và Pháp với Đức và Ý nhằm loại Liên Xô ra khỏi bàn cờ châu Âu, cũng như sau các Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau mà Anh và Pháp lần lượt ký với Đức (vào tháng 8-1938 và tháng 12-1938). Tuy nhiên, người ta dễ quên các hiệp ước hoà bình trước đó, dễ quên thành tích “đáng tự hào” của nền ngoại giao Anh, Pháp trong việc hướng mũi nhọn chiến tranh của nước Đức Quốc xã về phía đông, nơi có Liên Xô xã hội chủ nghĩa đang nổi lên như một lực lượng sắp “đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản”. Việc ký hoà ước giữa Liên Xô và Đức chỉ được diễn ra sau khi Anh và Pháp hủy bỏ hoà đàm Mát-xcơ-va, nơi Liên Xô đề nghị ký một hiệp ước đoàn kết chống Đức phát-xít. Động thái nói trên của Anh và Pháp khiến Liên Xô rơi vào thế bị cô lập hoàn toàn, hết sức nguy hiểm trước giông tố chiến tranh tổng lực đang vần vũ trên bầu trời châu Âu lúc đó.

“Việc ký Hiệp ước không xâm phạm với Đức là biện pháp tự vệ duy nhất khả thi lúc đó của Liên Xô. - Người phát ngôn Cục Tình báo đối ngoại Nga phát biểu trong lễ giải mật các tài liệu liên quan đến cuộc chiến tranh 70 năm trước như vậy. – Các tài liệu tình báo thu thập được trong giai đoạn 1935-1945 đã làm sáng tỏ chủ định thực sự của các nhà lãnh đạo các cường quốc châu Âu và Mỹ, giúp các nhà lãnh đạo Liên Xô hiểu được tuyệt đối chính xác về cách tiếp cận vấn đề thay đổi cục diện quân sự châu Âu trước chiến tranh của các nguyên thủ các nước châu Âu và Mỹ. Vì thế, biện pháp tự vệ duy nhất có thể làm được lúc đó của Liên Xô là ký với Đức một Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau ngày 23-8-1939”.

Lật lại những trang “lịch sử nóng” 70 năm trước, những kẻ đánh trống thổi kèn cho cuộc chiến tranh lạnh đang hy vọng bôi nhọ Liên Xô, đánh đồng chủ nghĩa xã hội với chủ nghĩa phát-xít, mở lại một cuộc chiến tranh lạnh nữa nhằm vào nước Nga đang hồi sinh. Không phải vô cớ mà trước đó, hồi tháng 7-2009, Tổ chức An ninh châu Âu đã thông qua một nghị quyết đồng lên án chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản khiến dư luận thế giới nổi giận. Tiếp đó, nhân kỷ niệm một năm xảy ra cuộc chiến tranh 5 ngày Nga – Gru-di-a, trên báo chí phương Tây lại rộ lên những bình luận, phân tích về một nước Nga hùng cường đe dọa châu Âu. Đi xa hơn nữa, ba nhà lãnh đạo về hưu là cựu Tổng thống Séc Ha-ven, cựu Tổng thống Ba Lan Kva-xnép-xky và cựu Tổng thống Lát-vi-a Vi-kê Phrây-béc còn ký chung một bức thư ngỏ gửi Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma kêu gọi nước Mỹ hãy bảo vệ châu Âu trước mối hiểm họa từ nước Nga (!). Lật lại lịch sử 70 năm trước chỉ là một mắt xích trong liên hoàn kế của họ nhằm làm nước Nga suy sụp, cả về tinh thần lẫn thể chất.

Té ra sự tan vỡ của Liên Xô chưa đủ để những kẻ thành danh nhờ chiến tranh lạnh hài lòng. Họ còn muốn nước Nga không bao giờ có thể phục hồi được. Để làm được việc đó, họ sẵn sàng bóp méo lịch sử, bôi nhọ những chiến công, biện minh cho những tên tội phạm chiến tranh, bênh vực những kẻ ly khai đang ra sức làm nước Nga suy yếu, bỏ tiền vào những dự án có hiệu quả hết sức đáng ngờ để ngăn chặn nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí của Nga. Nước Nga trong mắt họ là một thực thể không thể nào chấp nhận được.

Nhưng những cố gắng của họ đi ngược lại xu hướng chung của thời đại, không kiếm được một chỗ đứng ở châu Âu đang mong mỏi một sự hoà dịu lâu dài, gây bất bình sâu sắc trong lòng người. Thiên không có thời, địa không có lợi, nhân không có hoà, họ chỉ gõ được những tiếng trống thủng phập phùng trước nấm mồ chiến tranh lạnh đã xanh cỏ từ lâu./.