Hà Nội cùng cả nước chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện “Chiến lược quốc gia phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
TCCS - Xu thế biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và phức tạp, nguy cơ xảy ra thiên tai ngày càng gia tăng, bất thường, gây thiệt hại ngày càng nghiêm trọng tới sản xuất - kinh doanh và tính mạng của người dân, đặt ra yêu cầu phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới cần được quan tâm toàn diện hơn, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Hà Nội cũng như các bộ, ngành, các địa phương phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch và bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn.
Kết quả và hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua
Năm 2020, thiên tai diễn biến phức tạp, bất thường, cùng với tác động của đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân. Theo thống kê đã có 576 đợt thiên tai, trong đó có 14 cơn bão, 265 trận dông lốc, 120 trận lũ quét, đặc biệt là lũ bão lịch sử “lũ chồng lũ, bão chồng bão”, sạt lở đất tại một số tỉnh miền Trung, gây ra thiệt hại rất lớn về người và tài sản; thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 3.400 nhà sập, trên 330.000 nhà bị hư hại, tốc mái, 198.000ha lúa và hoa màu bị thiệt hại, tổn thất rất lớn về kinh tế.
Công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất được chú trọng, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, ứng phó quyết liệt, kịp thời, các tầng lớp nhân dân chủ động, tích cực tham gia góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai; công tác khắc phục hậu quả được tổ chức triển khai khẩn trương, nhanh chóng ổn định đời sống của nhân dân. Nhân dân luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai. Cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức xã hội, đặc biệt là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ, ngành, địa phương, các lực lượng quân đội, công an, các cơ quan thông tấn, báo chí và toàn thể nhân dân đã có nhiều nỗ lực, cố gắng góp phần giảm thiểu thấp nhất những hậu quả do thiên tai gây ra trong năm vừa qua.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vẫn còn một số yếu kém, hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn lúng túng, bị động, chưa kịp thời, thiếu toàn diện, trách nhiệm chưa cao, chưa rõ ràng. Công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai còn hạn chế, nhất là dự báo, cảnh báo về mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất. Lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn chưa chuyên nghiệp, kinh nghiệm và năng lực chuyên môn còn hạn chế. Cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa có thiết bị, công nghệ hiện đại để hỗ trợ công tác dự báo, đánh giá nhanh nhằm đưa ra các giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả nhất; thiếu những phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng để ứng phó các tình huống phức tạp. Nguồn lực đầu tư cho công tác phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn chưa đáp ứng được yêu cầu; khả năng chống chịu của kết cấu hạ tầng và công trình phòng, chống thiên tai còn yếu; thiệt hại do thiên tai còn lớn. Công tác xử lý hỗ trợ, khắc phục hậu quả phục hồi tái thiết sau thiên tai còn chậm, thiếu nguồn lực, thủ tục rườm rà, kéo dài. Việc hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất sau thiên tai tại một số địa phương còn chậm.
Những yếu kém, hạn chế nêu trên là do tác động của biến đổi khí hậu làm cho thiên tai ngày càng bất thường, cực đoan, khó dự báo. Bên cạnh đó, sự lãnh đạo, chỉ đạo có lúc, có nơi chưa kịp thời, quyết liệt. Một số nơi cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về tầm quan trọng, tính phức tạp và sự nguy hiểm của thiên tai, còn chủ quan trước tác động của thiên tai, lúng túng, bị động trong ứng phó thiên tai. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn còn hạn chế. Vai trò của đoàn thể nhân dân và cộng đồng dân cư, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở chưa được phát huy đầy đủ. Để chủ động trong công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cần tập trung cho công tác giám sát, dự báo thiên tai, bảo đảm công tác dự báo đủ độ tin cậy và ngày càng chính xác hơn. Triệt để thực hiện phương châm “4 tại chỗ” và phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp trong toàn bộ quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Tập trung đầu tư nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai đủ mạnh, cả về bộ máy, con người và trang thiết bị.
Chủ động ứng phó có hiệu quả với phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu
Đại hội XIII của Đảng đặt ra yêu cầu: Chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biển đổi khí hậu; phát triển nền kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, các bon thấp. Tăng cường chia sẻ thông tin, minh bạch, xây dựng cơ chế liên kết vùng trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu, xây dựng phương pháp, quy trình dự báo, cảnh báo thiên tai, động đất, sóng thần, biển đối khí hậu, nước biển dâng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chủ động phòng, chống, hạn chế tác động của triều cường, xâm nhập mặn, lún sụt, sạt lở bờ sông, bờ biển ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, ven biển miền Trung; lũ ống, lũ quét, sạt lở ở các khu vực trung du, miền núi.
Theo dự báo, những tháng còn lại của năm 2021, thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, bất thường, dự báo có 12 đến 14 cơn bão hoạt động trên Biển Đông, trong đó 5 - 7 cơn bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Vì vậy, phải chủ động hơn nữa, quyết tâm cao nhất để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, lấy sự an toàn của người dân, làm thước đo cho kết quả các hoạt động của phòng, chống thiên tai; phòng, chống thiên tai phải lấy phòng ngừa là chính, từ cơ sở là chính, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Các bộ, ngành, cơ quan ở trung ương và các địa phương phải chú trọng, quan tâm hơn đến công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp, đặt nhiệm vụ bảo vệ tính mạng của người dân lên hàng đầu, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2021. Khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp từ trung ương tới cơ sở; phân công trách nhiệm từng thành viên, từng cơ quan, tổ chức. Rà soát, hoàn thiện phương án ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể có thể xảy ra trên từng địa bàn, đặc biệt cần rà soát phương án sơ tán dân phù hợp trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp để bảo đảm an toàn trong chỉ đạo, ứng phó với thiên tai, đồng thời bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh. Tập trung nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, bảo đảm kịp thời, chính xác, chú trọng, ưu tiên đầu tư cho công tác nghiên cứu về thiên tai, dự báo khí tượng thủy văn, theo dõi, giám sát thiên tai; triển khai các biện pháp hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến từng tình huống thiên tai, sự cố, dự báo đúng tình hình, tham mưu, chỉ đạo ứng phó kịp thời, hiệu quả, khắc phục khẩn trương hậu quả thiên tai, sự cố gây ra. Tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho các lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn các cấp, nhất là lực lượng trực tiếp làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tại cơ sở; ưu tiên bố trí ngân sách các cấp cho công tác phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung mua sắm bổ sung các phương tiện, trang thiết bị chuyên dùng phù hợp, đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đầu tư xử lý dứt điểm các trọng điểm về đê điều, hồ đập, nhất là các tuyến đê xung yếu, các công trình chống sạt lở bờ sông, bờ biển; xây dựng bản đồ phân bổ dân cư ở các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai, từng bước di dời dân cư, chuyển đổi nghề cho người dân ở các khu vực nguy hiểm. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm với các nước trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hóa, công nghệ viễn thám, đầu tư trang thiết bị công nghệ quan trắc, theo dõi, giám sát, công cụ hỗ trợ phục vụ chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm an toàn, hiệu quả nhất. Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng, triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hướng dẫn kỹ năng ứng phó thiên tai, sự cố cho người dân, hướng tới xây dựng cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai. Chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình cụ thể để để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từng bước triển khai đầu tư nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai, ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn nhằm đạt được yêu cầu, tiến độ. Tiếp tục tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, các quy định pháp luật có liên quan đến phòng, chống thiên tai, đặc biệt là quy trình, thủ tục liên quan tới công tác khắc phục hậu quả, tái thiết sau thiên tai để bảo đảm công tác khắc phục hậu quả thiên tai được minh bạch, nhanh chóng, kịp thời, khắc phục tình trạng chậm trễ trong khắc phục hậu quả thiên tai.
Trước mắt, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cùng với các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện tốt chủ đề năm 2021 là "Chung tay xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai". Theo đó, Hà Nội tổ chức rà soát, lập phương án phòng, chống lũ tuyến sông có đê, phương án phát triển hệ thống đê điều trong quy hoạch Thủ đô, trong đó xác định phương án quản lý, sử dụng đất ở bãi sông, số công trình nhà ở trong phạm vi bảo vệ đê điều, trên bãi sông phải di dời và xây dựng kế hoạch di dời, bảo đảm khả thi để tổ chức thực hiện. Triển khai cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ đê điều, bảo vệ bờ sông, phạm vi được phép xây dựng ở bãi sông, bảo vệ các công trình đê điều, thủy lợi theo quy định. Các công ty thủy lợi tăng cường kiểm tra, phát hiện và thực hiện biện pháp ngăn chặn kịp thời, đồng thời kiến nghị xử lý hành vi vi phạm pháp luật về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương giải tỏa vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông về công tác phòng, chống thiên tai tới các cấp chính quyền và người dân trên địa bàn thành phố./.
Thành ủy Hà Nội tiếp tục chỉ đạo 12 biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố  (03/08/2021)
Tăng cường độ, mật độ kiểm tra, giám sát để duy trì 15 ngày giãn cách  (28/07/2021)
- Phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Thành phố Hồ Chí Minh qua gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng
- Hoàn thiện hệ thống chính sách hỗ trợ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo đối với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội
- Một số vấn đề cơ bản về phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực nhà nước trong xây dựng nhà nước pháp quyền
- Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, thúc đẩy đối ngoại quốc phòng, góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng các biện pháp hòa bình
- Tỉnh Quảng Nam tích cực chuẩn bị tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2025 - 2030
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên