Phiên họp thứ 56 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
TCCS - Ngày 27-5-2021, tại nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc Phiên họp thứ 56.
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phiên họp lần này cho ý kiến vào hai nhóm vấn đề. Thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026. Thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về 3 báo cáo của Chính phủ, gồm: Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; báo cáo tài chính nhà nước năm 2019; báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.
Về báo cáo sơ bộ kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trên cơ sở báo cáo nhanh, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sơ bộ, đặc biệt là đánh giá khái quát về kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử, cho ý kiến về những nội dung còn phải tiếp tục thực hiện, những yêu cầu đối với Hội đồng Bầu cử quốc gia, đối với Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia để hoàn thiện chính thức báo cáo này và tổ chức các bước tiếp theo theo quy định của Luật Tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân.
Về báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, trên căn cứ báo cáo của Chính phủ, kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và việc tổ chức một số đoàn giám sát đi các địa phương; trên tinh thần tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, tất cả những vấn đề liên quan đến tài chính, ngân sách phải được xem xét và quyết định trên cơ sở quy định của pháp luật và Quốc hội là cấp có thẩm quyền thông qua hay không thông qua báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước. Về báo cáo tài chính nhà nước năm 2019, Ủy ban thường Quốc hội đã nhiều lần cho ý kiến và kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tập trung phân tích sâu về việc thực hiện các kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này, đưa vấn đề về tài chính ngày càng đi vào nền nếp, thực chất.
Về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, bên cạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là một nhiệm vụ quan trọng. Tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung phân tích kết cấu, nội dung báo cáo này xem đúng quy định hay chưa, có bám sát chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ thay mặt Chính phủ ký ban hành hay chưa; những kết quả cụ thể, những hạn chế, tồn tại cần khắc phục…; bảo đảm công tác này ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra.
Do đó, trước khi trình ra Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải tập trung cho ý kiến vào những nội dung, như: Tình hình thực hiện các chỉ tiêu trong dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội thông qua; những tồn tại, hạn chế, yếu kém và những nội dung liên quan đến vấn đề lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước; những vấn đề liên quan đến việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, bao gồm cả vấn đề xử lý các điều kiện tài chính, trách nhiệm của các cơ quan hữu quan trong việc tiếp thu, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật; xử lý trách nhiệm của các tổ chức và cá nhân gắn với trách nhiệm của người đứng đầu...
Tiếp theo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia trình bày báo cáo sơ bộ về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí (được cập nhật đến ngày 5-5-2021), có 117 cơ quan, đơn vị (34 bộ, ngành; 63 tỉnh, thành, 20 tập đoàn, tổng công ty nhà nước) đã tiết kiệm được hơn 84.635 tỷ đồng. Trong đó, tiết kiệm kinh phí ngân sách, vốn nhà nước là 50.628 tỷ đồng, còn tiết kiệm vốn tại doanh nghiệp là hơn 34.000 tỷ đồng.
Trong số 117 cơ quan này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam là đơn vị tiết kiệm được nhiều nhất với 15.755 tỷ đồng. Hà Nội đứng ở vị trí thứ 2 với tổng số tiền tiết kiệm là hơn 10.287 tỷ đồng. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đứng thứ 3 với tổng số tiền tiết kiệm được hơn 6.558 tỷ đồng. Tiếp đến là Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội tiết kiệm được hơn 3.999 tỷ đồng, Bộ Quốc phòng tiết kiệm được hơn 3.703 tỷ đồng, Bộ Tài chính cũng tiết kiệm được hơn 2.059 tỷ đồng…
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đánh giá, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần khắc phục. Cụ thể, vẫn còn địa phương chưa gửi báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Một số báo cáo còn hình thức, chưa đánh giá đầy đủ kết quả. Một số bộ, ngành chưa thực hiện chấm điểm theo quy định.
Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý, tiến độ thực hiện một số dự án chậm, không giải ngân hết kế hoạch vốn được giao (kế hoạch vốn nước ngoài năm 2020 chưa giải ngân khoảng 30 nghìn tỷ đồng; vốn trong nước khoảng 81,2 nghìn tỷ đồng); phân bổ, thẩm định, giao, điều chỉnh dự toán chi đầu tư còn chậm. Đáng lưu ý, tiến độ giải phóng mặt bằng, giải ngân một số dự án đầu tư trọng điểm rất chậm. Đơn cử như dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành; dự án xây dựng nhà ga T3 Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự án cao tốc Bắc - Nam phía đông.... Số dư kinh phí không còn nhiệm vụ chi của một số đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải từ nguồn phí, lệ phí được để lại lớn hơn 1.222 tỷ đồng, gây lãng phí nguồn lực…
Bên cạnh đó, còn khá nhiều quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước đang hoạt động, trong khi pháp luật về mô hình tổ chức, cơ chế tài chính thiếu đồng bộ. Đặc biệt, tại một số cơ quan còn xảy ra vi phạm trong đấu thầu mua sắm tài sản công. Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội cũng nêu lên tình trạng có bộ, cơ quan trung ương được đầu tư trụ sở mới nhưng vẫn giữ trụ sở cũ để bố trí cho đơn vị thuộc phạm vi quản lý tiếp tục sử dụng mà chưa nêu rõ lý do. Một số quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất còn chưa cụ thể hoặc không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn...
Vì vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Quốc hội đề nghị kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị trong việc không gửi, chậm gửi chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra để bảo đảm tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công, ngân sách nhà nước, đánh giá lại các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc phòng, chống COVID-19 bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, tránh tình trạng lợi dụng chính sách./.
Nguyễn Thùy (tổng hợp)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bầu cử  (19/05/2021)
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh  (18/05/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với Ban Dân nguyện  (18/05/2021)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt, giao nhiệm vụ và phát lệnh ra quân bảo đảm an ninh, trật tự ngày bầu cử  (13/05/2021)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam