Hôm qua 20-8, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội bắt đầu phiên họp thứ 33 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng. Phiên họp dự kiến làm việc đến hết ngày 25-8 với nội dung chủ yếu là cho ý kiến vào sáu dự án Luật và xem xét một số vấn đề quan trọng khác.
 
Ngay sau khi khai mạc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KHCNMT) của Quốc hội Ðặng Vũ Minh trình bày báo cáo về những vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ðây là dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII. Báo cáo đề cập năm vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau, đó là: Vị trí và tính thống nhất của dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hệ thống pháp luật hiện hành; trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ chế và hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh.

Qua thảo luận, nổi lên một số vấn đề đáng chú ý là, về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Có một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật quy định chưa rõ, chưa cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về vấn đề này, Ủy ban KHCNMT cùng Ban soạn thảo giải trình như sau: trong Dự thảo cũ đã thể hiện trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong cả ba giai đoạn: trước, trong và sau khi giao dịch với người tiêu dùng. Tuy nhiên, để thể hiện tập trung và thống nhất hơn các trách nhiệm này, Dự thảo Luật đã được chỉnh sửa lại bằng cách gộp ba chương 2, 3, 4 thành một chương: Chương 2: Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng.

Về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh. Có ý kiến cho rằng, vì hiện nay các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, không phải đăng ký kinh doanh rất phổ biến, cho nên cần có biện pháp cụ thể để bảo vệ người tiêu dùng khi mua, sử dụng dịch vụ hàng hóa của các cá nhân này, nhất là ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu tiếp thu ý kiến nêu trên, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa lại theo hướng bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh do UBND cấp xã, ban quản lý các chợ, khu thương mại có trách nhiệm thực hiện các biện pháp cần thiết theo các điều kiện cụ thể trên địa bàn quản lý của mình. Ngoài ra, căn cứ quy định tại Luật này và điều kiện kinh tế-xã hội trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ quy định cụ thể việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.

Về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhìn chung, các đại biểu Quốc hội nhất trí về sự cần thiết phải xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, song có hai loại ý kiến khác nhau về quy định cụ thể. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, UBND các cấp, trong các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; việc phân công, phân cấp của Chính phủ trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Loại ý kiến thứ hai đề nghị chỉ xác định nội dung quản lý nhà nước, trách nhiệm cụ thể của cơ quan thay mặt Chính phủ và trách nhiệm chung của các bộ, ngành, địa phương trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Thường trực Ủy ban KHCNMT và Ban soạn thảo cho rằng, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không nên đi theo hướng quy định trách nhiệm của từng cơ quan trong hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà chỉ quy định chung về cơ quan đầu mối cũng như nguyên tắc trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một vấn đề khác, còn nhiều ý kiến khác nhau là vai trò, địa vị pháp lý, quyền hạn, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Có ý kiến cho rằng, không nên quy định về tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vì không phù hợp với thông lệ và truyền thống lập pháp ở nước ta, cân nhắc việc hỗ trợ kinh phí cho tổ chức này như trong dự thảo Luật.

Loại ý kiến khác đề nghị cần tăng cường vai trò của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần quy định cụ thể quyền hạn, nghĩa vụ và hạn chế một số hoạt động mà tổ chức này không được tham gia.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban KHCNMT và Ban soạn thảo cho rằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là công tác chung của toàn xã hội, ngoài việc Nhà nước giữ vai trò trung tâm trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, việc tham gia của các tổ chức xã hội vào hoạt động này là hết sức cần thiết để xã hội hóa việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay đã và đang có sự tham gia của nhiều tổ chức xã hội (như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng,...).

Liên quan đến cơ chế và các hình thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhiều ý kiến cho rằng, không nên quy định phương thức giải quyết khiếu nại bằng biện pháp hành chính vì lo ngại việc giao thẩm quyền cho cơ quan nhà nước dễ dẫn đến "hành chính hóa" quan hệ dân sự.

Theo Trưởng Ban dân nguyện Trần Thế Vượng, bản chất quan hệ giữa người tiêu dùng và người sản xuất, kinh doanh là quan hệ dân sự, mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Dự thảo quy định tới năm phương thức giải quyết tranh chấp nhưng chưa rõ ràng, chi tiết, cụ thể. Ðây hoàn toàn là quan hệ mang tính dân sự, thường được giải quyết thông qua tố tụng dân sự, không phải việc của chính quyền do đó không nên đưa biện pháp hành chính vào. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba đồng tình ý kiến này, cho rằng, không nên đặt ra phương thức giải quyết tranh chấp thông qua hành chính bởi dễ kéo cơ quan hành chính trở thành tâm điểm khiếu nại.

Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị bảo lưu quy định nói trên, vì nếu đưa việc giải quyết tất cả các tranh chấp ra tòa án thì sẽ rất nhiều. Theo tính toán của Ban soạn thảo, phòng công thương các quận, huyện sẽ là nơi trực tiếp tiếp nhận xử lý các tranh chấp. Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, phòng công thương các quận, huyện không có khả năng xử lý việc này. Quan trọng hơn, đây không phải là việc của cơ quan hành chính, không nên biến cơ quan hành chính thành cơ quan tài phán, giải quyết những tranh chấp trong dân sự, không đúng bản chất vấn đề, nhất là trong khi nước ta đang xây dựng nhà nước pháp quyền./.