Sáng 15-3, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ QH đã bắt đầu phiên họp thứ 29 với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và các Phó Chủ tịch QH. Dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh và đại diện các cơ quan nhà nước hữu quan.

 
Mở đầu phiên họp, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe đồng chí Nguyễn Văn Son, Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Ðối ngoại của QH báo cáo kết quả chuyến thăm Ấn Ðộ và In-đô-nê-xi-a của Ðoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam từ ngày 24-2 đến 3-3 vừa qua. Báo cáo cho biết, đây là một nội dung trong chương trình hoạt động đối ngoại năm 2010 của lãnh đạo Ðảng và Nhà nước ta. Trong thời gian thăm và làm việc tại hai nước nói trên, Ðoàn đã kết hợp tổ chức Ngày văn hóa Việt Nam tại Ấn Ðộ, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Ðộ và Việt Nam - In-đô-nê-xi-a theo kế hoạch của Chính phủ.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ QH đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày dự thảo báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thụ, chỉnh lý dự án luật Thuế nhà, đất. Ðây là dự án luật đã được QH cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu. Dự thảo báo cáo đề cập mười vấn đề lớn của dự án luật này, đó là: sự cần thiết ban hành luật; tên gọi của dự thảo luật; đối tượng chịu thuế; người nộp thuế; căn cứ tính thuế; việc áp dụng hạn mức đất ở; chu kỳ tính thuế; trường hợp có quyền sử dụng nhiều đất ở; việc miễn, giảm thuế và thời điểm có hiệu lực của luật. Ðáng chú ý là, về sự cần thiết ban hành luật, đa số ý kiến đại biểu QH tán thành ban hành luật này; một số ý kiến đề nghị chưa nên ban hành tại thời điểm hiện nay. Cần khảo sát, đánh giá cụ thể và cân nhắc tính hợp lý của việc ban hành luật. Mặt khác, các quy định chưa cụ thể, nhiều nội dung giao Chính phủ quy định chưa phù hợp về thẩm quyền... Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, cần ban hành luật thuế áp dụng đối với đất theo đúng chương trình xây dựng luật mà QH đã thông qua. Về việc ban hành luật áp dụng đối với nhà, trước mắt chưa nên đưa nhà vào diện chịu thuế. Do đó, bỏ các quy định về thuế đối với nhà trong dự thảo luật đã trình QH và chỉ giữ lại các quy định về áp dụng thuế đối với đất. Ðồng thời, bỏ các quy định giao Chính phủ và quy định cụ thể trong luật về quy định hệ số phân bổ, diện tích đất để tính hệ số phân bổ đối với loại nhà chung cư; cụ thể hóa tối đa các trường hợp được miễn, giảm thuế trong luật.

Xuất phát từ việc chưa đưa nhà vào diện chịu thuế, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị, để bảo đảm tính thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật, nên sửa tên luật là "Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp".

Về người nộp thuế, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, đó là: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có quyền sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế là người nộp thuế. Trường hợp chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì người đang sử dụng đất là người nộp thuế. Ðối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì người thuê đất là người nộp thuế (quy định trên bảo đảm thống nhất với Luật Ðất đai, đồng thời bảo đảm công bằng giữa người thuê đất với người được giao đất, người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất).

Một vấn đề được nhiều người quan tâm là căn cứ tính thuế: Dự thảo luật quy định diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp chưa có giấy chứng nhận là diện tích thực tế đang sử dụng.

Một số ý kiến cho rằng, việc căn cứ vào diện tích trên giấy chứng nhận để tính thuế là không hợp lý vì hiện tượng cơi nới, lấn chiếm hiện nay là phổ biến. Ðề nghị thu thuế cả đối với diện tích lấn chiếm, cơi nới.

Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, quy định diện tích chịu thuế căn cứ vào diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa chặt chẽ vì trên thực tế không phải khi nào diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng bằng diện tích thực tế. Tình trạng cơi nới, lấn chiếm nhà, đất vẫn đang xảy ra và phần diện tích này không nằm trong phần diện tích ghi trong giấy chứng nhận. Có nhiều trường hợp diện tích lấn chiếm còn lớn hơn diện tích ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Vì vậy, để quy định của luật phù hợp thực tiễn, tránh sơ hở dẫn đến thất thoát nguồn thu ngân sách Nhà nước, không công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế, xin tiếp thu theo hướng quy định: diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế; đồng thời bổ sung quy định về mức thuế suất riêng (0,15%) đối với đất lấn chiếm do đây là hành vi bất hợp pháp; việc thu thuế đối với diện tích lấn chiếm không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích này.

Qua thảo luận, nhiều ý kiến đề cập về đất lấn chiếm; theo đó, một số ý kiến cho rằng, đất lấn chiếm là vi phạm pháp luật, phải thu hồi và có thể còn phải xử phạt. Nếu thu thuế đất lấn chiếm thì người ta có thể hiểu là Nhà nước thừa nhận việc lấn chiếm, không nên đưa vào luật. Một số ý kiến khác nêu vấn đề đất lưu không ở các khu tập thể hiện nay đã bị lấn chiếm, cần được thu hồi. Tuy nhiên, trong khi chưa thu hồi được thì trước mắt vẫn phải thu thuế. Có ý kiến cho rằng, đất lấn chiếm đang đặt ra nhiều vấn đề, phải xem xét từng trường hợp cụ thể: trường hợp nào thì cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, trường hợp nào phải thu hồi.

Trong ngày làm việc này, Ủy ban Thường vụ QH còn cho ý kiến về dự án Luật Thuế môi trường.

Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ QH dự kiến làm việc đến hết ngày 19-3.