Chính phủ trình Quốc hội dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)
TCCSĐT - Tiếp tục chương trình Kỳ họp, ngày 29-5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Tờ trình, Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Bảo đảm công bằng trong việc phân bổ nguồn vốn đầu tư công trung hạn
Sáng 29-5, Quốc hội nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình về phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Theo báo cáo của Chính phủ tại Kỳ họp thứ 6, tổng số vốn kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương được giao hằng năm trong cả giai đoạn để thực hiện và giải ngân ước đạt 964,95 nghìn tỷ đồng, bằng 86,16% tổng số vốn ngân sách trung ương dự kiến trong kế hoạch trung hạn (1 triệu 120 nghìn tỷ đồng, bao gồm cả dự phòng chung).
Để giải quyết phần thiếu hụt (155,05 nghìn tỷ đồng), Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thu ngân sách; chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh hợp lý kế hoạch trung hạn, hằng năm và tiến độ thực hiện các dự án của đơn vị mình; ưu tiên bổ sung cho đầu tư từ các nguồn dự phòng ngân sách trung ương hằng năm, tăng thu, tiết kiệm chi... để thực hiện.
Trong trường hợp không bù đắp đủ, phần còn lại sẽ được tiếp tục cân đối trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, nhằm bảo đảm quá trình đầu tư công được liên tục.
Đồng thời, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch đầu tư nguồn ngân sách trung ương năm 2019 và năm 2020, điều chuyển vốn kế hoạch giữa các dự án, xây dựng phương án phân bổ hợp lý để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo nguồn để thực hiện các dự án sử dụng nguồn dự phòng chung khi đủ thủ tục đầu tư theo quy định.
Liên quan đến nội dung cân đối giữa việc tăng kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn ODA lên 60 nghìn tỷ đồng và giảm tương ứng kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn vốn trái phiếu Chính phủ theo báo cáo đánh giá giữa kỳ, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ ước thực hiện của cả giai đoạn 5 năm đạt khoảng 196,76 nghìn tỷ đồng.
Số vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến không thực hiện hết của kế hoạch trung hạn là khoảng 63,24 nghìn tỷ đồng, cao hơn số vốn ODA đã được Quốc hội cho phép bổ sung tại Nghị quyết số 71/2018/QH14.
Bên cạnh việc điều chỉnh ngay từ khâu lập kế hoạch vốn hằng năm giữa 2 nguồn vốn này, Chính phủ sẽ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, nhất là các đơn vị sử dụng nhiều vốn trái phiếu Chính phủ triển khai rà soát khả năng thực hiện và giải ngân của các dự án lớn để có sự điều chỉnh phù hợp. Như vậy, việc đảm bảo đủ vốn ODA theo kế hoạch là khả thi và không ảnh hưởng đến việc sử dụng nguồn dự phòng chung của kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Do vậy, Chính phủ đề xuất hướng xử lý là trình Quốc hội xem xét, quyết nghị giao Chính phủ triển khai rà soát, hoàn thiện phương án phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; thông báo phương án phân bổ và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương liên quan hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án theo đúng quy định; khẩn trương triển khai tổng hợp, giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với các dự án đúng quy định; cân đối nguồn lực trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển năm 2020 và các nguồn khác như tăng thu, tiết kiệm chi... để bố trí thực hiện các dự án; tổng hợp báo cáo lại Quốc hội để giám sát.
Đối với các dự án không kịp hoàn thiện thủ tục đầu tư thực hiện trong năm 2020, sẽ có điều kiện để thực hiện sớm ngay trong năm đầu tiên của chu kỳ kế hoạch trung hạn mới và các năm tiếp theo.
Báo cáo thẩm tra việc phân bổ, sử dụng nguồn dự phòng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 của Ủy ban Tài chính - Ngân sách thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc chủ động rà soát, sắp xếp, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm, phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án và sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi… để bổ sung thêm nguồn bù đắp thiếu hụt khả năng cân đối vốn.
Tuy nhiên, với thực tế cân đối nguồn vốn như số liệu Chính phủ trình, việc cân đối đủ nguồn vốn để bố trí cho nhu cầu là rất khó khăn, nếu phân bổ sẽ phải tìm nguồn cân đối bổ sung có tính khả thi để không gây áp lực đến cân đối ngân sách, tránh dàn trải, nhiều công trình dở dang phải chuyển sang giai đoạn sau.
Đánh giá kỹ tác động khi điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu
Cũng trong sáng nay, Quốc hội thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Đây là dự án Bộ luật được lấy ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 7 và được dư luận đặc biệt quan tâm trong thời gian qua.
Dự án Bộ luật Lao động sửa đổi 162 điều, bổ sung 29 điều, bãi bỏ 49 điều ở tất cả các chương, đồng thời sửa đổi 2 Điều của Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự thảo Bộ luật trình Quốc hội những vấn đề còn ý kiến khác nhau, như việc mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa; các phương án điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu; về tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở; thời gian nghỉ Tết âm lịch; về bổ sung ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ; về thời gian làm việc của công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan hành chính, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.
Lấy ý kiến rộng rãi đối tượng chịu tác động
Đáng chú ý nhất của dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) là đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu. Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất mức tăng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam, 60 tuổi đối với nữ và có lộ trình cụ thể.
Theo đó, Chính phủ đã quy định nội dung này trong dự thảo Bộ luật theo hai phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Phương án 1, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Đồng thời, dự thảo Bộ luật cũng quy định, quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt. Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.
Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với phương án 1, tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021). Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn phương án 1: Tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026 và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).
Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1 vì đây là phương án có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các phương án cụ thể được Chính phủ báo cáo Quốc hội vẫn chưa thực sự thuyết phục.
Nêu quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại phiên họp thẩm tra chính thức dự án Bộ luật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho rằng, việc tăng tuổi nghỉ hưu phải quan tâm đến đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và mức tăng. “Chúng ta cần phát huy thời cơ thời kỳ dân số vàng, đồng thời cũng đang là thời kỳ già hóa dân số. Đối tượng lao động trực tiếp của một số ngành nghề và những ngành nghề đặc thù cần tính toán cân nhắc kỹ lưỡng về tuổi nghỉ hưu”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Ngô Trung Thành nêu rõ: Cơ quan trình dự án Bộ luật cần báo cáo giải trình rõ hơn cơ sở lý luận và thực tiễn của đề xuất trong điều kiện của Việt Nam; lý do của việc điều chỉnh khoảng cách độ tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ từ chênh nhau 5 tuổi trong Bộ luật hiện hành xuống chỉ còn 2 tuổi là gì?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Tạ Văn Hạ đề nghị Chính phủ xem xét độ tuổi về hưu đối với một số ngành, nghề đặc thù như giáo viên, diễn viên múa, xiếc…
Việc cho nghỉ hưu phải đi liền với bậc lương, để không thiệt thòi quyền lợi cho người lao động trong những ngành nghề này. “Chỉ một số ngành nghề có nhu cầu được kéo dài thời gian lao động, trong khi nhiều người lao động vẫn mong muốn được nghỉ hưu sớm”, đồng chí Tạ Văn Hạ nêu rõ.
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đặt ra hàng loạt vấn đề yêu cầu cơ quan trình dự án Bộ luật cần tiếp tục phân tích, làm rõ.
Theo đó, cơ quan soạn thảo phân tích rõ hơn sự phù hợp của việc đề xuất mức tuổi nghỉ hưu 62 tuổi với nam, 60 tuổi với nữ, trên các yếu tố tuổi nghỉ hưu so với tuổi thọ trung bình và tuổi thọ mạnh khỏe; mối quan hệ giữa việc tăng tuổi nghỉ hưu và bảo hiểm xã hội; các yếu tố ảnh hưởng khác; đánh giá toàn diện các tác động tích cực và tiêu cực khi ghi nhận “có quyền nghỉ hưu” thay cho việc “có thể nghỉ hưu”.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ cần lấy ý kiến rộng rãi, nhất là của đối tượng chịu sự tác động để lựa chọn được phương án tối ưu, có phương án truyền thông chính sách căn cơ, nhất quán; đồng thời rà soát, thống kê những công việc, ngành nghề có sự khác biệt lớn giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu, bổ sung dự thảo danh mục các công việc, ngành nghề, vị trí việc làm có thể được nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn hoặc cao hơn 5 năm.
Xem xét thấu đáo, thận trọng
Mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa là một trong 6 nhóm vấn đề lớn của dự án Bộ luật được Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội. Theo Tờ trình, Chính phủ đề xuất mở rộng khung thỏa thuận về giờ làm thêm tối đa trong một số trường hợp đặc biệt từ 300 giờ/năm lên 400 giờ/năm (tăng thêm 100 giờ/năm).
Đi cùng với đề xuất này, Chính phủ cũng đưa ra một số biện pháp nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của việc điều chỉnh chính sách tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người lao động.
Đó là, chỉ áp dụng trong một số trường hợp đặc biệt, với một số ngành, nghề sản xuất, kinh doanh có tính thời vụ theo quy định của Chính phủ; dựa trên nguyên tắc thỏa thuận; số giờ làm thêm một ngày không quá 50% số giờ làm việc bình thường; tổng thời gian làm việc trong ngày không quá 12 giờ; trả lương và đãi ngộ hợp lý khi làm thêm giờ; có biện pháp quản lý nhà nước bảo đảm kiểm soát được việc làm thêm giờ ở doanh nghiệp.
Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cơ quan chủ trì thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhấn mạnh, đề xuất chính sách này cần được xem xét thấu đáo, thận trọng trên cơ sở kế thừa, phát triển quan điểm lập pháp qua các thời kỳ, xem xét toàn diện mối quan hệ giữa kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa trên các yếu tố tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, năng suất lao động, thất nghiệp, an toàn lao động, tác động xã hội, năng lực giám sát và xử lý vi phạm, bảo đảm việc làm bền vững, hài hòa lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động, hướng tới việc chấm dứt “nhân công giá rẻ,” “lương không đủ sống” ở các ngành nghề thâm dụng lao động.
Ủy ban đề nghị Chính phủ đánh giá đầy đủ các khía cạnh tác động, lấy ý kiến người lao động, cân nhắc kỹ lưỡng đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về trả lương lũy tiến khi làm thêm giờ, bổ sung danh mục về những “trường hợp đặc biệt” thuộc diện có thể làm thêm giờ đến mức 400 giờ/năm; đồng thời, đánh giá tác động của việc bỏ quy định về giới hạn giờ làm thêm tối đa trong tháng, tác động của việc mở rộng thời gian làm thêm 100 giờ đối với khu vực công và nguồn lực ngân sách để chi trả.
Trước đó, Quốc hội nghe Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình bày Báo cáo thuyết minh Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể; Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể.
* Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Việc gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể và dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Đối với việc gia nhập nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể: Thảo luận về nội dung này, các ý kiến phát biểu đều tán thành về sự cần thiết gia nhập Công ước số 98, cho rằng việc gia nhập Công ước số 98 là phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội; khẳng định quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiến tới ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về một số nội dung cụ thể sau: Việc tuân thủ trình tự, thủ tục đề xuất xem xét, quyết định gia nhập Công ước số 98; tính hợp hiến và mức độ phù hợp của Công ước số 98 với luật, nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; khả năng áp dụng trực tiếp, toàn bộ hoặc một phần Công ước số 98; yêu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành luật, nghị quyết của Quốc hội và pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện Công ước số 98…
Đối với dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi): Trong quá trình thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về sự cần thiết xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, toàn diện các quan điểm chỉ đạo của Đảng và tinh thần Hiến pháp năm 2013 về bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong lĩnh vực lao động, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung thảo luận về các nội dung như: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng; thời giờ làm việc bình thường; việc mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên không quá 400 giờ (tăng thêm 100 giờ); căn cứ xác định, điều chỉnh tiền lương tối thiểu; tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm; nghỉ lễ, tết; việc nghỉ bù thời gian nghỉ Tết Âm lịch; việc bổ sung thêm ngày nghỉ lễ là Ngày Thương binh, Liệt sỹ (ngày 27-7 Dương lịch); độ tuổi, lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; việc thay đổi từ quy định người lao động “có thể nghỉ hưu” bằng quy định người lao động “có quyền nghỉ hưu” ở tuổi thấp hơn hoặc cao hơn; công việc, nơi làm việc cấm sử dụng người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi; quyền của thanh tra viên lao động; hợp đồng lao động và hình thức hợp đồng lao động; quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động; thử việc, kết quả thử việc; việc thành lập, tổ chức và hoạt động của ban hợp tác hai bên tại nơi làm việc; thương lượng tập thể; thỏa ước lao động tập thể; tổ chức đại diện của người lao động; về tổ chức đại diện của người sử dụng lao động; đình công và giải quyết tranh chấp lao động; việc bỏ thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, bổ sung thẩm quyền giải quyết của Hội đồng trọng tài lao động…/.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Nga, Na Uy và Thụy Điển  (29/05/2019)
Tiếp tục củng cố quan hệ láng giềng tốt đẹp Việt Nam - Campuchia  (29/05/2019)
Hoạt động trong ngày của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh  (29/05/2019)
Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận huyện Gia Bình và Quế Võ đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018  (29/05/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển