Các hoạt động trong ngày của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
TCCSĐT - Ngày 19-02, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, nói chuyện với tập thể cán bộ, công chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư; làm việc với một số bộ, ngành về việc tạm trữ lúa gạo, bàn giải pháp đẩy mạnh thu mua lúa, giúp tạo thu nhập tốt hơn cho nông dân; tiếp huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam Park Hang Seo.
* Sáng 19-02, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm, nói chuyện với tập thể cán bộ, công chức Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Cơ quan tham mưu chiến lược của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội.
Cách đây tròn 3 năm, ngay đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, ngày 21-4-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng là cơ quan đầu tiên của Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, đến làm việc trong nhiệm kỳ.
Theo báo cáo của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Trí Dũng, sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã có nhiều chuyển biến rất tích cực, có nhiều nỗ lực, cố gắng, vượt lên chính mình, đạt nhiều kết quả đổi mới về tư duy và hành động, tiên phong, đi đầu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, phát huy được tinh thần cải cách, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, khẳng định được vai trò là cơ quan tổng tham mưu trưởng của Chính phủ về kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội.
Xác định nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này là xây dựng thể chế, pháp luật, Bộ đã đổi mới mạnh mẽ; quyết tâm tháo gỡ những nút thắt, khó khăn, vướng mắc; chủ động nghiên cứu, xây dựng, kiến tạo những cơ chế, thể chế, động lực mới vượt trội, hiệu quả hơn, đón bắt được những xu hướng tiến bộ mới của thế giới, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, giải phóng nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.
Để hoàn thiện hơn nữa cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua chủ trương, cho phép Bộ Kế hoạch và Đầu tư triển khai nghiên cứu, xây dựng đề án về mô hình tổ chức cơ quan Bộ theo hướng hình thành một cơ quan có chức năng chủ yếu về cải cách và phát triển.
Nói chuyện với tập thể cán bộ, công chức, viên chức của Bộ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Bộ phải không ngừng đổi mới tư duy, khắc phục những tồn tại, bất cập, nỗ lực, phấn đấu trong công tác bám sát định hướng của Đảng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, mô hình tăng trưởng, mục tiêu tăng trưởng cả về số lượng và chất lượng trong 3 năm gần đây là tương đối toàn diện, cần được phát huy; ngày càng củng cố niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Chính phủ. Trong thành tích đó, có sự đóng góp quan trọng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Đánh giá kết quả năm 2018, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò tham mưu trưởng phát triển kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ đã kịp thời đánh giá rủi ro kinh tế - xã hội trong bối cảnh quốc tế có nhiều biến động phức tạp. Một thành công nữa của Bộ là công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, sửa đổi bổ sung nhiều đạo luật, bãi bỏ những văn bản là rào cản phát triển; huy động tốt các nguồn lực, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thủ tướng cũng ghi nhận thành tích của Bộ trong việc chủ động cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm chi phí, tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong doanh nghiệp trong quá trình hội nhập.
Thủ tướng hoan nghênh Đề án về Khu vực kinh tế chưa quan sát ở Việt Nam mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và một số Đề án về thống kê các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Bộ cũng có thành tích lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài với 36 tỷ USD một cách có chọn lọc với nhiều dự án công nghệ, không ảnh hưởng đến môi trường và nâng cao năng suất lao động, giải quyết nhiều việc làm cho người dân và giải quyết nhiều vấn đề xã hội.
Nêu các thách thức, các “bài toán” đối với sự phát triển của đất nước trước mắt và dài hạn, Thủ tướng cũng định hướng nhiệm vụ Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần triển khai trong thời gian tới. Thủ tướng chỉ đạo, không chấp nhận giải pháp cũ đã nêu không khả thi, đã đưa ra nhưng không triển khai tốt.
Thủ tướng chỉ ra một số yếu kém, tồn tại của Bộ và yêu cầu Bộ không chỉ bám sát thực tiễn mà phải đi tắt đón đầu trong công tác tham mưu chiến lược, cập nhật thường xuyên xu hướng công nghệ trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế xã hội. Công tác đánh giá quản lý đầu tư công tuy đã có nhiều cải thiện, nhưng còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư công. Các dự án luật được giao nhưng chậm triển khai, trong đó có Luật Đầu tư công sửa đổi. Chưa có nghiên cứu một cách hệ thống nhiều vấn đề xã hội trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Thủ tướng nhắc nhở Bộ không được ngủ quên trên “vòng nguyệt quế” để nâng cao hơn nữa trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời nêu một số thách thức tác động đến sự phát triển của đất nước. Trong đó, bối cảnh thế giới có nhiều phức tạp, mức độ cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt. Chính sách tài chính của một số nước thắt chặt... Do vậy, Bộ cần có tham mưu chiến lược, sâu sắc, kịp thời, giúp khai thông và phát huy tốt nhất tiềm năng, tiềm lực còn rất lớn của đất nước.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ phải tham mưu giải pháp giải một số “bài toán” cơ bản của đất nước: “Với tư cách là Bộ Tổng tham mưu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hãy hiến kế làm sao để các mục tiêu kinh tế xã hội 2019 có thể tạo bứt phá không những năm nay mà cả các năm tiếp theo”, Thủ tướng đề nghị.
Thủ tướng cũng cho rằng, Bộ cần tham mưu để Việt Nam tránh các bẫy thu nhập trung bình, bẫy lao động giá rẻ, bẫy gia công giá trị thấp, bẫy rác thải công nghệ. Nhắc lại, một trong những động lực quan trọng là đô thị hóa, Thủ tướng yêu cầu Bộ tham mưu chính sách để triển khai chủ trương này.
Nhấn mạnh việc duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế liên tục khoảng 7%/năm trở lên là rất quan trọng để đến 2030 - 2045 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tương đương các nước, Thủ tướng cho rằng, đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa vào thời điểm 100 năm thành lập Đảng, 100 năm thành lập đất nước. Do đó, về định hướng phát triển đất nước trong dài hạn.
Nhân dịp này, Thủ tướng nêu lên tầm nhìn Việt Nam để chung tay xây dựng hiện thực khát vọng 10 - 20 năm tới, trong đó, tầm nhìn 2030, xây dựng một xã hội thịnh vượng hơn. Muốn vậy cần có cơ chế thị trường hiện đại, đảm bảo cạnh tranh, công bằng giữa các thành phần kinh tế. Phát triển các ngành công nghiệp hiện đại và phát triển nền kinh tế dựa trên trí thức được đặt trong mạng lưới hiệu quả. Những đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tương tác với các thành phố lớn toàn cầu. Cùng với đó là cần có một tầm nhìn về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đây là một nội hàm quan trọng thể hiện bản chất tốt đẹp của dân tộc ta, cần được cụ thể hóa với những nguyên tắc, tiêu chí, mục tiêu, giải pháp cụ thể phù hợp từng thời kỳ phát triển của đất nước.
Theo đó, Thủ tướng nêu mục tiêu cụ thể, Việt Nam phải trở thành quốc gia phồn vinh, hạnh phúc, gia nhập quốc gia thu nhập cao; Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế tri thức cạnh tranh nằm trong 20 quốc gia đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu cũng như chỉ số môi trường kinh doanh thuận lợi; Việt Nam hướng đến chất lượng giáo dục tốt nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương; xây dựng đất nước có hệ thống chăm sóc sức khỏe con người đẳng cấp thế giới, đảm bảo cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến 100% người dân.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành, cần nỗ lực, sáng tạo hơn nữa, cần đánh giá, định hướng rõ mục tiêu, định hướng chiến lược, các lĩnh vực cần cải cách đổi mới sáng tạo. Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải luôn phấn đấu, xứng đáng là cơ quan tham mưu chiến lược, tổng hợp về phát triển kinh tế xã hội quan trọng nhất cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
** Chiều 19-02, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với một số bộ, ngành về việc tạm trữ lúa gạo; bàn giải pháp căn cơ để đẩy mạnh thu mua lúa, giúp nâng giá thu mua và tạo thu nhập tốt hơn cho nông dân.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, năm 2018, cả nước xuất khẩu 6,1 triệu tấn gạo với doanh số 3 tỷ USD. Thông thường thị trường thế giới, mỗi năm có nhu cầu từ 38 - 45 triệu tấn gạo.
Tuy vậy, năm nay nhu cầu chỉ từ 38 - 40 triệu tấn do nhiều nước đẩy nhanh tự chủ lương thực. Một thị trường quan trọng khác là châu Âu và Mỹ thì năm nay thời tiết lạnh hơn nên được mùa lúa mì.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, hiện cả nước đã xây dựng một kế hoạch sản xuất lương thực với diện tích 7,5 triệu ha, giảm 200.000ha so với năm 2018. Nhưng bằng các tiến bộ kỹ thuật thì khả năng vẫn đạt sản lượng 43,5 triệu tấn, đủ nhu cầu trong nước và vẫn có thể xuất khẩu từ 6 - 7 triệu tấn gạo.
Gạo xuất khẩu chủ yếu là từ vùng Đồng bằng sông Cửu Long và hiện vùng đã thu hoạch được khoảng 20%. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu ra khó khăn do tình hình giá lúa năm nay không cao bằng năm ngoái và các giao dịch của giữa doanh nghiệp với người dân rất ít.
Điều này dẫn đến câu chuyện những tỉnh như Đồng Tháp, An Giang lúa đã chín nhưng không gặt đúng tiến độ được, vì không có giao dịch mua bán.
Đánh giá cao các giải pháp các bộ, ngành, doanh nghiệp nêu ra tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến giải pháp mở cửa thị trường, tìm các thị trường mới để xuất khẩu gạo. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp tìm thị trường mới, lớn, dài hơi hơn.
Trước mắt, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ theo kế hoạch Nhà nước giao; các doanh nghiệp lương thực Nhà nước thực hiện đúng Nghị định 107/2018 của Chính phủ, theo đó, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải thường xuyên duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu tương đương 5% số lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó.
Cùng với đó là tiếp tục thực hiện sớm kế hoạch xuất khẩu 200 nghìn tấn gạo sang Philippines và 100 nghìn tấn sang thị trường Trung Quốc.
Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc với Bộ Tài chính thống nhất chủ trương, biện pháp để mua gạo, phát triển trồng rừng, nhất là các tỉnh miền núi.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm xem xét tăng hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp, coi đây là chủ trương của Chính phủ nhằm có đủ vốn thu mua tạm trữ.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và hai Tổng công ty lương thực 1,2 có chủ trương cụ thể, huy động nguồn lực mua kịp thời lúa gạo, với tư cách là vai trò của Nhà nước để làm gương.
Ngay trong đầu tuần tới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì họp với lãnh đạo các tỉnh và các cơ quan khác để thúc đẩy mua lúa cho nông dân. Các địa phương có trách nhiệm giám sát việc thu mua lúa để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người nông dân.
Nhấn mạnh việc bảo đảm an ninh lương thực, phát triển lúa gạo còn gắn với ổn định xã hội, gia tăng giá trị và đảm bảo sinh kế cho người dân, Thủ tướng cho rằng, lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường toàn cầu.
Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các địa phương phải triển khai mạnh mẽ đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để có gạo ngon, tốt, chất lượng cao, gạo dược liệu, có thương hiệu.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm điểm đánh giá, báo cáo Thủ tướng về kết quả hội nghị lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long để tiếp tục giải quyết các vấn đề đặt ra.
Thủ tướng yêu cầu Hiệp hội lương thực cần nắm tình hình, đề xuất giải pháp kịp thời với cơ quan quản lý, tránh bị động xảy ra, không để trung gian ép cấp, ép giá và có những hành vi không lành mạnh trong thu mua lúa gạo.
** Cùng chiều, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp huấn luyện viên trưởng Đội tuyển bóng đá nam Việt Nam Park Hang Seo và Phu nhân.
Tại buổi tiếp, vui mừng gặp lại huấn luyện viên Park Hang Seo và Phu nhân nhân dịp đầu Xuân Kỷ Hợi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh huấn luyện viên Park Hang Seo đã đem đến niềm vui to lớn cho người dân Việt Nam về những thành tựu trong bóng đá; cho rằng, huấn luyện viên Park Hang Seo là cầu nối quan trọng của tình hữu nghị hai nước Việt Nam và Hàn Quốc. Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ, nhân dân Việt Nam luôn thể hiện thể hiện tình cảm trân trọng, sự cảm ơn đối với đóng góp của huấn luyện viên Park Hang Seo thời gian qua cho bóng đá Việt Nam.
Thủ tướng cho rằng, huấn luyện viên Park Hang Seo đã đặt nền tảng lớn cho bóng đá Việt Nam phát triển. Thủ tướng tin tưởng, huấn luyện viên Park Hang Seo sẽ tiếp tục có những đóng góp lớn lao cho bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ thời gian tới.
Huấn luyện viên Park Hang Seo cho biết, trong năm 2018 và đầu năm 2019, ông và các thành viên Đội tuyển bóng đá Việt Nam đã nhận được nhiều tình cảm, sự yêu thương của người dân Việt Nam.
Để có được điều đó, đội bóng đã nỗ lực cống hiến, đồng thời luôn nhận được sự giúp đỡ của các bộ, ngành, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF). Năm 2019 này, đội tuyển sẽ có nhiều chương trình thi đấu quan trọng. Toàn đội sẽ nỗ lực hết sức để đáp lại tình cảm của người dân Việt Nam. huấn luyện viên người Hàn Quốc hứa sẽ nỗ lực hết sức mình để không phụ lòng mong mỏi của người hâm mộ Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ cảm ơn Phu nhân huấn luyện viên Park Hang Seo đã hết lòng phục vụ sự nghiệp của huấn luyện viên Park Hang Seo; đồng thời tin tưởng, những điều mà huấn luyện viên kiến nghị, Chính phủ và VFF sẽ cố gắng đáp ứng để bóng đá Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn với tinh thần tạo mọi điều kiện để huấn luyện viên hoàn thành trọng trách ở đội tuyển quốc gia. Bóng đá không chỉ là thể thao mà còn là tinh thần đoàn kết, thể hiện khát vọng của người dân.
Thủ tướng cho biết sẽ bố trí thời gian để cùng với VFF trực tiếp gặp để lắng nghe ý kiến của huấn luyện viên; yêu cầu các bộ, ngành liên quan có những hình thức khen thưởng để động viên đội tuyển kịp thời.
Thủ tướng mong huấn luyện viên tập trung sức lực cho Đội tuyển bóng đá quốc gia; mong VFF kịp thời báo cáo mọi kiến nghị của huấn luyện viên Park Hang Seo; đồng thời cho biết, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng thường xuyên nhắc đến huấn luyện viên Park Hang Seo trong các cuộc gặp với Thủ tướng Chính phủ Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng chúc huấn luyện viên Park Hang Seo tiếp tục gạt hái nhiều thành công hơn nữa với bóng đá Việt Nam trong thời gian tới./.
Tăng cường kiểm soát quyền lực trong tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị bảo đảm thực hiện tốt quyền lực của nhân dân  (19/02/2019)
Nhận diện và hoàn chỉnh cơ chế kiểm soát việc trao, thực thi quyền lực ở nước ta hiện nay  (19/02/2019)
Biết ơn các thế hệ cha anh  (18/02/2019)
Thủ tướng phát động ‘Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ’  (18/02/2019)
Việt Nam và Nga trao đổi kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng, xây dựng Chính phủ điện tử, bảo đảm an ninh mạng  (18/02/2019)
Tri ân liệt sỹ, cựu chiến binh ở Hà Giang  (18/02/2019)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay