TCCSĐT - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đang diễn ra ở Davos (Thụy Sĩ), nhiều lãnh đạo thế giới đã nêu ra nhiều vấn đề cần thảo luận.

Siết chặt quản lý dữ liệu

Chủ đề quản lý dữ liệu đã được đưa ra thảo luận ngày 23-01, trong đó các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Nam Phi, Đức và Trung Quốc đồng loạt kêu gọi các nước trên thế giới giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực này.

Phát biểu tại WEF, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe cho biết quản lý dữ liệu sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) do Nhật Bản đăng cai vào tháng 6 tới. Tại đây, chính quyền của ông sẽ thúc đẩy một hệ thống quốc tế mới nhằm giám sát việc sử dụng dữ liệu.

Phát biểu của ông S. Abe đã được nhiều lãnh đạo khác tại WEF ủng hộ. Tổng thống Nam Phi C. Ramaphosa cho biết nội dung giám sát chặt chẽ hơn lĩnh vực công nghệ cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của các lãnh đạo Liên minh châu Phi (AU) khi hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra vào tháng tới tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia. Ông C. Ramaphosa nhấn mạnh an ninh mạng là một trong những ưu tiên hàng đầu, đồng thời bày tỏ ủng hộ thành lập một cơ quan phụ trách đặt ra các tiêu chuẩn liên quan đến công nghệ.

Tương tự, Thủ tướng Đức A. Merkel nhấn mạnh sự cần thiết phải giám sát việc sử dụng dữ liệu trên thế giới, đồng thời kêu gọi thiết lập một “thị trường số hóa chung” tại Liên minh châu Âu (EU). Thủ tướng A. Merkel nêu rõ 3 lĩnh vực cần đặc biệt quan tâm bao gồm các tiêu chuẩn đạo đức trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và công nghệ gien, cũng như xử lý và sở hữu dữ liệu.

Về phần mình, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng khẳng định các nước trên thế giới cần phối hợp trong việc giám sát lĩnh vực công nghệ. Tuy nhiên, ông Vương Kỳ Sơn cho rằng “cần tôn trọng sự lựa chọn độc lập mô hình quản lý công nghệ và chính sách công của mỗi nước, cũng như quyền bình đẳng tham gia vào hệ thống quản trị công nghệ toàn cầu”.

Những tuyên bố trên cho thấy ngày càng có nhiều nước nhận ra những lợi ích của hoạt động giám sát dữ liệu trong lĩnh vực công nghệ. Tháng 5-2018, EU ban hành Quy chế Bảo vệ dữ liệu chung (GDPR) nhằm siết chặt chính sách bảo mật. Theo quy chế có hiệu lực từ ngày 25-5-2018, các công ty phải thận trọng hơn khi xử lý dữ liệu khách hàng, nếu không sẽ đối diện với các hình thức xử phạt nghiêm ngặt khi vi phạm các quyền bảo mật. Tại Đức, Luật về quản lý mạng xã hội (NetzDG) đã được Quốc hội thông qua năm 2017 và có hiệu lực từ năm 2018 nhằm quản lý các hoạt động của mạng xã hội, bảo đảm môi trường lành mạnh nhất có thể cho người dùng. Theo luật này, những dịch vụ mạng xã hội tại Đức nếu để xảy ra tình trạng người dùng lăng mạ, gây thù oán hay phát tán các tin tức giả mạo sẽ đối mặt với án phạt rất nặng, có thể lên đến 50 triệu euro.

Cảnh báo nguy cơ thế giới thất bại trong “cuộc đua” chống biến đổi khí hậu

Thế giới sẽ thất bại trong “cuộc đua” chống tình trạng biến đổi khí hậu. Lời cảnh báo trên được Tổng Thư ký Liên hợp quốc A. Guterres đưa ra khi kêu gọi chính phủ các nước cần có những cam kết mạnh mẽ hơn trong vấn đề biến đổi khí hậu và tình trạng nóng lên toàn cầu.

Phát biểu bên lề WEF 2019, Tổng Thư ký A. Guterres đã phải thừa nhận nguy cơ cộng đồng quốc tế “sẽ thất bại trong cuộc đua” chống biến đổi khí hậu trong bối cảnh hiện không còn nhiều thời gian để cứu “Hành tinh Xanh”, do đó điều cốt yếu là phải “đảo ngược chiều hướng này”. Mặc dù không quá hy vọng rằng các nước sẽ nhanh chóng tìm kiếm được giải pháp, song ông A. Guterres nhấn mạnh: “Chúng ta cần một quyết tâm chính trị và cần các chính phủ hiểu được ưu tiên quan trọng nhất của thời đại chúng ta”.

Người đứng đầu Liên hợp quốc cũng cho rằng những cam kết được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 là “không đủ”. Theo ông A. Guterres, nếu những gì đã nhất trí trong Hiệp định Paris được cụ thể hóa, nhiệt độ Trái đất sẽ tăng hơn 3 độ C. Do đó, ông kêu gọi các nước cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ và táo bạo hơn, cũng như triển khai những biện pháp để giảm nhẹ và tăng tính thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, cũng như hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo.

Việc Mỹ - một trong những quốc gia có lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính hàng đầu thế giới - tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận Paris 2015 là một “cú sốc” đối với những nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Liên hợp quốc trước đó từng cảnh báo thế giới đang chậm chân trong cuộc chiến toàn cầu mang tính cấp bách này.

Theo một báo cáo về nỗ lực chống biến đổi khí hậu của các quốc gia được công bố tại Hội nghị của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP24) diễn ra ở Katowice (Ba Lan) hồi năm ngoái, mặc dù thế giới đã đạt được kết quả nhất định thông qua các hành động để ngăn chặn tình trạng nóng lên của Trái Đất, tuy nhiên, mức tăng nhiệt độ vẫn còn rất cao. Cụ thể, với các chính sách hiện hành, vào cuối thế kỷ XXI nhiệt độ Trái đất sẽ tăng 3,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Trong khi đó, theo Hiệp định Paris 2015, mức tăng nhiệt độ vào cuối thế kỷ XXI chỉ là 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Liên hợp quốc khẳng định mục tiêu tăng 1,5 độ C - ngưỡng an toàn đối với Trái đất, vẫn có thể thực hiện được, song đòi hỏi những hành động ngay lập tức và ở mức độ chưa từng thấy của con người.

Đàm phán về thương mại điện tử

Các Bộ trưởng đến thứ 75 nước trên thế giới đã bắt đầu cuộc đàm phán hướng tới đề ra các quy định toàn cầu về thương mại điện tử trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời kêu gọi về quy định chặt chẽ hơn trên toàn cầu đối với công nghệ này. Ủy viên Thương mại của EU C. Malmstrom ngày 25-01 thông báo cuộc đàm phán trên bên lề WEF 2019.

Trong một tuyên bố, bà C. Malmstrom nhấn mạnh: “Thương mại điện tử đã trở thành hiện thực ở phần lớn các khu vực trên thế giới, vì vậy, chúng ta có trácch nhiệm đối với các công dân và giới doanh nghiệp trong việc đề ra môi trường trực tuyến an toàn, hiệu quả cho thương mại”.

Các cuộc đàm phán chính thức về thương mại điện tử sẽ bắt đầu vào tháng 3 tới nhằm cố gắng đạt được một khuôn khổ với sự đồng thuận quốc tế để hoạt động mua, bán và kinh doanh trên mạng được dễ dàng và an toàn hơn. Tuyên bố cho biết việc xúc tiến các cuộc đàm phán này cho thấy Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vẫn đóng vai trò chính trong việc đưa ra các quy định toàn cầu.

Các cuộc đàm phán này diễn ra sau khi Thủ tướng Đức A. Merkel trong bài phát biểu tại WEF đã kêu gọi các tổ chức đa phương như WTO kiểm soát thế giới số./.