Định hướng phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam
TCCSĐT - Chiều 15-01, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông; tiếp ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Mitsui (Nhật Bản) và ông Seiji Kuraishi, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Honda Motor (Nhật Bản).
* Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Con đường đi lên, đi nhanh của Việt Nam phải là công nghệ và doanh nghiệp công nghệ cao của Việt Nam. Thủ tướng “đặt hàng”, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông phải “đưa Việt Nam có thứ hạng cao về ICT bởi vì ICT là nền tảng của mọi lĩnh vực, nền tảng của kinh tế số”.
Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Năm 2018, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông; nghiên cứu quy hoạch tần số để triển khai thử nghiệm công nghệ 5G trong năm 2019. Tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng duy trì sử dụng và thuộc top 10 tên miền mã quốc gia có số lượng đăng ký sử dụng cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Công nghiệp phần mềm tiếp tục là ngành duy trì tốc độ tăng trưởng khá cao (13,8%) với doanh thu ước đạt 4,3 tỷ USD, xuất khẩu ước đạt 3,5 tỷ USD. Số doanh nghiệp phần mềm đạt khoảng 10.000 cơ sở với lực lượng nhân lực 120.000 người.
Trong công tác quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành sắp xếp, quy hoạch cơ quan báo chí thuộc các bộ, các hội, doanh nghiệp thuộc quản lý của Bộ theo lộ trình, đúng quy hoạch. Bộ đã triển khai một số giải pháp quyết liệt nhằm đấu tranh với các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vi phạm pháp luật tại Việt Nam.
Bộ cũng đã đẩy mạnh thực hiện thanh tra, kiểm tra các trang thông tin điện tử có dấu hiệu đăng bài như cơ quan báo chí, đặc biệt là hành vi vi phạm có tính phổ biến như thông tin sai sự thật, thông tin gây tác động tiêu cực trong dư luận xã hội, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia. Chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Bộ cũng đã thiết lập các đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin khiếu nại, tố cáo, phản ánh các vi phạm trong lĩnh vực báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai tốt 25 nhiệm vụ được thống nhất tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9-2018 vừa qua.
Bày tỏ ấn tượng về cụm từ: “sáng tạo và khát vọng Việt Nam” được dùng trong hội nghị, Thủ tướng cho rằng những người làm công nghệ, người làm báo cần có khát vọng vươn lên, phát triển hơn nữa để đưa đất nước Việt Nam tiến lên.
Thủ tướng nhìn nhận, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông đã đóng góp lớn cho đất nước về doanh thu, lợi nhuận, hình thành được đội ngũ doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin có thương hiệu và tạo ra một lượng lớn việc làm cho người lao động. Lĩnh vực báo chí góp phần quan trọng vào việc tạo ra sự đồng thuận xã hội, tiếp tục đóng góp cho sự nghiệp của Đảng, Nhà nước. Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định lại đúng vai trò, sứ mạng của lĩnh vực bưu chính, viễn thông, thông tin, tuyên truyền và làm tốt công tác định hướng chiến lược cho sự phát triển của các lĩnh vực này.
Khẳng định rằng thành quả tốt đẹp, toàn diện của đất nước 2018 có sự đóng góp to lớn của Bộ thông tin truyền thông, Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo Bộ đã đoàn kết, quyết tâm, đổi mới trong công tác.
Chỉ ra những tồn tại của Bộ thời gian qua mà điển hình là vụ AVG, Thủ tướng cho rằng vụ việc này đã làm chậm đi sự phát triển của ngành. “Bộ phải coi đây là bài học đắt giá và từ đây mạnh mẽ vươn lên”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng bày tỏ không hài lòng trước việc thứ hạng ICT của Việt Nam còn thấp, thậm chí tụt hạng. “ICT, đáng lẽ là đầu tàu cả nước thì những năm gần đây chậm lại rất nhiều”, Thủ tướng nói và cho biết, WEF vẫn đánh giá Việt Nam tụt hạng do sự sẵn sàng về cách mạng công nghiệp 4.0 chưa tốt. Đây chính là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Ngoài ra, vai trò của một số Sở Thông tin và Truyền thông còn mờ nhạt, chưa đóng góp nhiều vào lĩnh vực công nghệ; mạng xã hội còn nhiều bất ổn. Cả nước có 17 nghìn nhà báo nhưng chưa thực sự đồng tâm hiệp lực, xây dựng, phát triển đất nước.
Tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đồng ý đề xuất để Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo sửa đổi các luật về viễn thông, tần số, báo chí; đồng ý với đề xuất của Bộ Tài chính về cơ chế tiền lương đối với Cục Tần số, Cục Phát thanh Truyền hình cho đến khi có luật mới. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng dự thảo trình Chính phủ Nghị định về chia sẻ cơ sở dữ liệu; Nghị định về sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán các dịch vụ nội dung số... qua đó nâng cao môi trường cạnh tranh theo tinh thần của Nghị quyết 02 của Chính phủ.
Thủ tướng cũng giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất ưu đãi thuế cho các đơn vị sự nghiệp lĩnh vực tuyên truyền. Cùng với đó là nghiên cứu mô hình trung tâm tổ hợp báo chí nhà nước.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến khâu xây dựng thể chế và nhiệm vụ đào tạo cán bộ trong lĩnh vực công nghệ thông tin và lưu ý đây là nhiệm vụ quan trọng của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Định hướng công tác của Bộ trong thời gian tới, Thủ tướng “đặt hàng”, yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông “Đưa Việt Nam có thứ hạng cao về ICT bởi vì ICT là nền tảng của mọi lĩnh vực, nền tảng của kinh tế số”; ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ; khắc phục những tồn tại và tăng cường vai trò quản lý báo chí phục vụ sự nghiệp đổi mới của đất nước.
Lo ngại về nạn sim rác, Thủ tướng yêu cầu xử lý triệt để vấn đề này; đồng thời đề nghị lãnh đạo các doanh nghiệp viễn thông phải chịu trách nhiệm cá nhân về sim rác. “Chỉ có Việt Nam mua sim dễ dàng như vậy thôi, có nước nào mua sim dễ dàng như Việt Nam?”, Thủ tướng nói.
Hoan nghênh Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã “bật đèn xanh” cho 5G ở Việt Nam, trước hết là ở thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng đặt chỉ tiêu nâng cao thứ hạng Việt Nam về Chính phủ điện tử để đến 2020 phải tăng ít nhất 15 bậc so với 2018. Trong lĩnh vực này, Bộ Thông tin và Truyền thông là chủ công, nhất là vấn đề công nghệ.
Trong lĩnh vực an toàn thông tin, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cần phát triển các doanh nghiệp an ninh mạng để Việt Nam trở thành “một cường quốc về an ninh mạng”. Không được để mạng các cơ quan nhà nước bị tấn công thông tin. Thủ tướng chỉ rõ, đây là vấn đề cấp bách, các bộ, ngành, địa phương cần chủ động bố trí ngân sách đảm bảo an toàn an ninh mạng.
Quan tâm sâu sắc đến nhiệm vụ phát triển công nghiệp ICT, Thủ tướng chỉ đạo cần phát triển doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này trở thành một phong trào cách mạng. Chú trọng hình thành một số doanh nghiệp lớn, có thứ hạng để vươn ra mạnh mẽ hơn trên thị trường thế giới.
Đặc biệt, Thủ tướng chỉ đạo đẩy mạnh phải sản xuất các thiết bị viễn thông. “Các nhà mạng Việt Nam phải dùng thiết bị Việt Nam”, Thủ tướng mong muốn.
Thủ tướng mong muốn công tác quản lý nhà nước về báo chí phải huy động báo chí góp phần tạo sự đồng thuận, niềm tin xã hội, không được làm giảm sức mạnh quốc gia. Bộ Thông tin và Truyền thông cần triển khai nghiêm túc quy hoạch phát triển và quản lý báo chí theo tinh thần của Ban Chấp hành Trung ương đã thông qua, không để kéo dài nhiều năm. Cùng với đó là xử lý vấn đề tạp chí, trang tin quá nhiều, quá lớn. Phải sử dụng công nghệ để quản lý báo chí, cùng với củng cố, tăng cường đạo đức người làm báo, Thủ tướng chỉ đạo.
Tại Hội nghị, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường làm việc đối với các mạng xã hội nước ngoài nhằm đảm bảo tuân thủ pháp luật Việt Nam vì Việt Nam là quốc gia có chủ quyền, có Hiến pháp, pháp luật rõ ràng. Bộ Thông tin và Truyền thông phải sử dụng đồng bộ các biện pháp về pháp lý, kỹ thuật để xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật Việt Nam.
Nhắc đến mạng xã hội “Zalo”, một sản phẩm do một doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam xây dựng với 45 triệu người dùng, Thủ tướng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh xây dựng mạng xã hội ở Việt Nam để có số người dùng không kém những mạng xã hội nước ngoài bởi Việt Nam là quốc gia có 60% người dân sử dụng mạng internet.
** Cùng chiều, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Mitsui (Nhật Bản) và ông Seiji Kuraishi, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Honda Motor (Nhật Bản).
Tại buổi tiếp ông Tatsuo Yasunaga, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Công ty Mitsui (Nhật Bản), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ ấn tượng về việc Mitsui có nhiều đóng góp với Việt Nam, tiêu thụ nhiều hàng hóa của Việt Nam.
Ông Tatsuo Yasunaga cảm ơn Thủ tướng đã dành thời gian tiếp; vui mừng thông báo Mitsui đầu tư 100 triệu USD vào Tập đoàn Minh Phú để phát triển xuất khẩu tôm, trong đó có việc đầu tư kho đông lạnh. Hiện nay, xuất khẩu tôm của Minh Phú đạt 700 triệu USD/năm, hy vọng sau khi hợp tác với Mitsui, kim ngạch xuất khẩu của Tập đoàn Minh phú sẽ đạt một tỷ USD. Lãnh đạo Tập đoàn Mitsui bày tỏ cảm ơn Chính phủ Việt Nam đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, đầu tư tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Mitsui là tập đoàn lớn trên thế giới, sự thành công doanh nghiệp này sẽ dẫn dắt các tập đoàn lớn của thế giới vào Việt Nam. Thủ tướng cho biết, Tập đoàn Minh Phú là doanh nghiệp lớn về nuôi tôm ở Việt Nam và trên thế giới. Việt Nam đang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu tôm 10 tỷ USD. Do đó, việc Mitsui hợp tác với Tập đoàn Minh Phú là hướng đi đúng và Chính phủ hết sức hoan nghênh sự hợp tác này.
Thủ tướng cũng khẳng định, với việc hai nước đã ký kết các hiệp định, nhất là Hiệp định CPTP, thì Mitsui hoàn toàn yên tâm về cơ sở pháp lý khi đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cũng mong muốn Mitsui tăng cường tiêu thụ nhiều hơn nữa các sản phẩm của Việt Nam; đồng thời làm hết sức mình để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh thành công tại Việt Nam.
Tiếp ông Seiji Kuraishi, Phó Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Công ty Honda Motor (Nhật Bản), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc Honda có nhiều sản phẩm chất lượng, đóng thuế tốt tại Việt Nam và có nhiều hoạt động xã hội tích cực. Thủ tướng đề nghị Honda đóng góp nhiều hơn nữa vào việc phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam; tiêu thụ nhiều sản phẩm phụ tùng do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.
Ông Seiji Kuraishi cảm ơn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ để Honda kinh doanh thành công tại Việt Nam trong suốt thời gian qua; cảm ơn người dân Việt Nam đã dành sự tín nhiệm đối với sản phẩm Honda. Lãnh đạo Honda cũng cho biết, doanh nghiệp này đang mở rộng sang lĩnh vực sản xuất ô tô vì Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng. Do đó, Honda mong tiếp tục nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Việt Nam.
Bên cạnh hoạt động thúc đẩy lái xe an toàn, Honda đang thúc đẩy phong trào tặng mũ bảo hiểm cho trẻ em Việt Nam. Đến nay, Honda Việt Nam đã tặng hai triệu mũ bảo hiểm với mong muốn nâng cao hơn nữa ý thức người tham gia giao thông.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến sự kiện Hiệp định CPTPP có hiệu lực và cho biết, Việt Nam hiện có nhiều nhà sản xuất phụ tùng lớn như Thaco Trường Hải, Toyota... Thủ tướng tin tưởng rằng, khi thu nhập tăng lên thì số lượng người dân Việt Nam mua ô tô cũng sẽ tăng lên. Thủ tướng khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có Honda, kinh doanh thành công tại Việt Nam./.
Thông tin kinh tế đáng chú ý trong tuần (từ ngày 07 đến 13-01-2019)  (15/01/2019)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Thủ tướng Campuchia  (15/01/2019)
Hoạt động đối ngoại nổi bật tuần qua (từ ngày 07 đến ngày 13-01-2019)  (15/01/2019)
Nhà máy sản xuất Xơ sợi polyester Đình Vũ nâng công suất lên 10 dây chuyền sản xuất sợi DTY  (15/01/2019)
Chủ tịch Quốc hội dự Khai mạc Hội nghị thường niên APPF-27  (15/01/2019)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên