TCCSĐT - Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 12-6-2018 tại Singapore đã đánh dấu sự khởi đầu một tiến trình mới, đó là tiến trình định hình lại chiến lược an ninh của Mỹ ở khu vực Đông Bắc Á. Đây là nhận định của nhiều chuyên gia, nhà phân tích bởi chưa đầy hai tuần sau sự kiện lịch sử trên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã có chuyến công du Đông Bắc Á từ ngày 26 đến 30-6 tới Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản.

 
 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.


Quan hệ Mỹ và Triều Tiên sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều đã có sự chuyển hướng mạnh mẽ theo chiều hướng hòa dịu. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo quyết định ngừng cuộc tập trận chung thường niên Mỹ - Hàn quy mô lớn mang tên “Người bảo vệ tự do Ulchi”, đồng thời chỉ trích cuộc tập trận này là “tốn kém” và mang tính “khiêu khích”, đã thể hiện quan điểm của chính phủ Mỹ mong muốn tạo dựng một môi trường tin cậy để khuyến khích Triều Tiên nhanh chóng thực hiện cam kết về một tiến trình phi hạt nhân hóa “toàn diện, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng”. Ngăn chặn năng lực hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vốn là một trọng tâm trong chiến lược an ninh quốc phòng của liên minh quân sự ba nước Mỹ - Nhật - Hàn. Vì vậy, việc Triều Tiên đồng ý từ bỏ năng lực vũ khí hạt nhân là một yếu tố quyết định để thay đổi định hướng quốc phòng của liên minh quân sự này.

Trung Quốc-Mỹ: Nhất trí mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên

Trong xu thế này, việc phối hợp với Trung Quốc, đồng minh lớn của Triều Tiên, đồng thời là một đối tác trong tiến trình đàm phán sáu bên, chắc chắn sẽ đóng một vai trò quan trọng. Việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong một thời gian ngắn thực hiên liên tiếp ba chuyến thăm Trung Quốc đã chứng tỏ sự liên kết chặt chẽ giữa hai quốc gia này. Đó chính là lý do hàng đầu để Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lần đầu tiên có chuyến công du Trung Quốc.

Ngày 27-6, trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và các nhà lãnh đạo Trung Quốc, hai bên đều có giọng điệu công khai tích cực, khi tán dương sự hợp tác quân sự gia tăng và khởi động đối thoại giữa hai cường quốc thế giới, bất chấp căng thẳng an ninh và nguy cơ cuộc chiến thương mại ngày càng hiện hữu. Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc của ông Mattis kể từ khi ông nắm giữ chức vụ người đứng đầu Lầu Năm Góc. Ông đã có cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình và Bộ trưởng Quốc phòng Ngụy Phụng Hòa.

Trong các bình luận công khai, hai bên tránh nhắc tới các chủ đề vốn gây ra căng thẳng cho mối quan hệ song phương, gồm vấn đề Đài Loan, hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông và chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Thay vào đó, hai bên tập trung thảo luận tầm quan trọng của mối quan hệ quân sự Mỹ-Trung, mối quan hệ mà theo Chủ tịch Tập Cận Bình, cũng là Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, cơ quan chỉ huy cao nhất của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA), đây là “thành tố điển hình trong một mối quan hệ song phương toàn diện.”

Các quan chức Mỹ mô tả các cuộc đối thoại thẳng thắn nhưng thành công. Ông Randy Schriver, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ chuyên trách về an ninh châu Á-Thái Bình Dương, thành viên trong phái đoàn Mỹ gặp giới chức Trung Quốc, cho biết: “Các lĩnh vực bất đồng đã được xác định song không nhất thiết phải xoáy sâu vào.”

Theo ông, khi các lĩnh vực bất đồng được nêu lên, ông Mattis đã nói rõ lập trường của Mỹ, trong đó có sự phản đối công khai đối với hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ông Schriver cho biết vấn đề Triều Tiên được nêu lên trong mỗi cuộc gặp, với việc hai bên nhất trí mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, cũng như sự cần thiết phải ủng hộ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trừng phạt Triều Tiên.

Tuyên bố của cả hai bên sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mattis cho thấy hai nước đều muốn hướng tới “tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tăng cường sự hợp tác và quản trị các rủi ro để đưa quan hệ quân sự giữa hai nước trở thành một yếu tố quan trọng cho sự ổn định trong quan hệ song phương”. Giới chuyên gia nhận định chuyến thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã thể hiện sự chuyển hướng của Washington đối với Bắc Kinh, từ “đối thủ cạnh tranh chiến lược” sang tìm kiếm khả năng hợp tác nhằm mục tiêu “phát triển quan hệ quân sự song phương Mỹ - Trung theo cách thức ổn định, vì lợi ích chung của hai nước”.

Trấn an các đồng minh Hàn Quốc, Nhật Bản

Đối với hai đồng minh an ninh truyền thống của Mỹ tại Đông Bắc Á là Hàn Quốc và Nhật Bản, chuyến thăm của ông Mattis được đánh giá là nhằm khẳng định lại rằng các cam kết an ninh mà Mỹ dành cho hai quốc gia này không thay đổi sau hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Việc Washington tuyên bố ngừng cuộc tập trận “Người bảo vệ tự do Ulchi” đã khiến Nhật Bản và Hàn Quốc bất ngờ và lo ngại tính bền vững trong các cam kết an ninh của Mỹ, đẩy hai nước này rơi vào tình thế bất lợi trước Triều Tiên và Trung Quốc. Trước sự kiện thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản có chung quan ngại về việc Mỹ trong khi chỉ chú trọng đến vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo tầm xa sẽ bỏ qua sự nguy hiểm của tên lửa đạn đạo tầm ngắn của Triều Tiên, loại vũ khí mà Hàn Quốc và Nhật Bản nằm trong “tầm ngắm”. Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, mối quan ngại về sự suy yếu của liên minh quân sự ba bên càng gia tăng khi ông Trump đột ngột thông báo ngừng tập trận chung Mỹ - Hàn, động thái mà Seoul và Tokyo đánh giá có thể là tiền đề cho việc Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc, bởi vấn đề này đã có lần được ông Trump đề cập. Sự quan ngại này có nguy cơ làm suy giảm sự tin cậy mà hai đồng minh truyền thống tại Đông Bắc Á dành cho Mỹ, ảnh hưởng đến uy tín và vị thế quốc phòng của Washington tại khu vực này nói riêng và châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Chính vì vậy, với tư cách là người đứng đầu lực lượng quân đội Mỹ, ông Mattis đã trấn an hai đồng minh bằng sự khẳng định rằng Washington không thay đổi các cam kết an ninh của Mỹ và tiếp tục duy trì sự hiện diện của quân đội Mỹ tại các quốc gia này. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa nhấn mạnh Hàn Quốc và Nhật Bản là các đồng minh tin cậy của Mỹ tại Đông Bắc Á.

Mỹ tái khẳng định với Hàn Quốc về mục tiêu phi hạt nhân

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã tái khẳng định mục tiêu của Washington là phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược (CVID) bán đảo Triều Tiên, cũng như sẽ duy trì số lượng binh sỹ Mỹ hiện nay tại Hàn Quốc. Tuyên bố này được ông Mattis đưa ra khi bắt đầu cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo tại thủ đô Seoul.

Ông Mattis nói: "Cam kết của Mỹ đối với Hàn Quốc vẫn duy trì kiên định và Washington sẽ tiếp tục vận dụng toàn bộ năng lực ngoại giao và quân sự để duy trì cam kết này. Điều này còn bao gồm cả việc duy trì quy mô lực lượng Mỹ trên bán đảo Triều Tiên."

Ngoài ra, ông còn đề cập đến quyết định gần đây của hai nước đồng minh Mỹ-Hàn ngừng một cuộc tập trận chung lớn, coi đó là một nỗ lực để tạo điều kiện thuận lợi cho chiến lược ngoại giao phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Về phần mình, Bộ trưởng Song Young-moo đã nhấn mạnh cuộc hội đàm với người đồng cấp Mattis diễn ra "đúng lúc", đồng thời cho rằng hai nước đồng minh này đang ở thời điểm bước ngoặt quan trọng có thể khép lại lịch sử đen tối của đối đầu và hướng đến một trang sử mới về hòa bình và hợp tác.

Bộ trưởng Song nói: "Hàn Quốc và Mỹ sẽ dốc sức để đảm bảo rằng cơ hội quý giá này chắc chắc sẽ dẫn đến hòa bình và ổn định không chỉ trên Bán đảo Triều Tiên mà còn ở khu vực Đông Bắc Á và toàn thế giới".

Các Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc và Mỹ cũng cho biết các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc nhằm vào Triều Tiên vẫn nên duy trì cho đến khi Bình Nhưỡng có những bước đi cụ thể và không thể đảo ngược hướng tới phi hạt nhân hóa. Đồng thời, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và người đồng cấp Hàn Quốc Song Young-moo cũng nhất trí nghiên cứu thêm những biện pháp xây dựng lòng tin chừng nào Bình Nhưỡng tiếp tục đối thoại "một cách có thiện ý".

Khẳng định quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật đóng vai trò quan trọng

 
 Thủ tướng Nhật Bản Abe tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.

Sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera nhân chuyến thăm nước này, ông Mattis cho biết: "Quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản là hòn đá tảng đối với sự ổn định của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cam kết của chúng tôi đối với liên minh này vẫn vững như bàn thạch."

Còn Bộ trưởng Onodera bày tỏ hy vọng "Mỹ và Nhật Bản có thể chia sẻ quan điểm về việc phối hợp hành động nhằm ủng hộ các nỗ lực ngoại giao hiện nay liên quan đến vấn đề Triều Tiên."

Đáp lại, Bộ trưởng Mattis nhấn mạnh rằng "các cuộc tham vấn sâu sắc giữa hai đồng minh đáng tin cậy" Mỹ - Nhật sẽ được duy trì và Mỹ "rất mong muốn tham gia vào mọi vấn đề mà Nhật Bản đưa ra cũng như các vấn đề an ninh khu vực rộng hơn."

Tại buổi tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, Thủ tướng Abe đánh giá quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ không chỉ mang lại hòa bình và an toàn cho Nhật Bản, mà còn là trụ cột cho hòa bình và ổn định của khu vực. Ông bày tỏ vui mừng trước những bước tiến trong quan hệ hai nước năm qua, cho rằng mối quan hệ này đã trở nên vững chắc hơn bao giờ hết.

Nhà lãnh đạo Nhật Bản đề nghị phía Mỹ tiếp tục hợp tác, liên kết chặt chẽ để cùng thực hiện chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

Về phần mình, Bộ trưởng Mattis khẳng định Washington luôn coi quan hệ đồng minh với Nhật Bản là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Ông cũng bày tỏ mong muốn mối quan hệ song phương sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa.

Như vậy, chuyến công du đến Đông Bắc Á của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho thấy sự xoay chuyển một cách nhanh chóng tình hình an ninh tại khu vực. Các biện pháp ngoại giao đang đóng vai trò chủ đạo tại Đông Bắc Á và đang ngày càng chứng tỏ hiệu quả trong việc tạo ra những chuyển biến tích cực theo xu thế tạo dựng hòa bình./.