Thủ tướng dự khai trương Cảng container quốc tế Hải Phòng, thăm nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast
Khai trương Cảng container quốc tế Hải Phòng
Cùng dự khai trương Cảng container quốc tế Hải Phòng có ông Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, lãnh đạo TP. Hải Phòng, Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân; các doanh nghiệp, hiệp hội...
Cảng do liên doanh giữa Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn (giữ 51% vốn), Công ty TNHH MITSUI O.S.K Lines Nhật Bản, Công ty Wan Hai Lines Đài Loan và Tập đoàn Itochu Nhật Bản đầu tư.
Cảng (HICT) nằm ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng - cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía bắc, tiếp nhận tàu container sức chở 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.
Cảng HICT đi vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm thiểu chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam; tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía bắc và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cảng HICT cách thành phố Hải Phòng khoảng 25 km về phía đông bắc, được xây dựng trên diện tích 44,9 ha bãi, độ sâu trước bến 16 m; vũng quay tàu rộng 660 m, độ sâu luồng tàu 14 m (chưa tính thủy triều). Sản lượng hàng hóa thông qua cảng 1,1 triệu TEU/năm.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của chủ đầu tư với 4 thành viên liên doanh, các nhà thầu thi công, các bộ, ngành và TP. Hải Phòng, người lao động, sự chia sẻ của người dân thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án, đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sau đúng 2 năm 1 ngày kể từ khi khởi công dự án.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ và hợp tác chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án, góp phần khẳng định tình hữu nghị và mối quan hệ hợp tác quốc tế bền vững Việt Nam-Nhật Bản.
Thời gian tới, để khai thác và vận hành cảng an toàn và hiệu quả cao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Công ty TNHH Cảng Container quốc tế Hải Phòng có giải pháp hiện đại hóa trong tổ chức sản xuất, giao nhận hàng hóa, phục vụ hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu với chất lượng cao. Cùng với đó là tổ chức dịch vụ logistic tốt và hiệu quả để góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp. Công ty cũng cần xây dựng trở thành cảng hiện đại, tự động hóa, áp dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các bộ, ngành, địa phương phát triển đồng bộ các phương thức vận tải, kết nối với khu bến cảng Lạch Huyện, đáp ứng vai trò là Cảng container quốc tế. Tập trung cải tạo nâng cấp đường thủy nội địa, tuyến đường sắt vận tải hàng hóa từ các trung tâm kinh tế kết nối với bến cảng, nhằm tăng lượng hàng hóa thông qua Cảng Container quốc tế Hải Phòng nói riêng và khu vực các cảng Hải Phòng nói chung, qua đó, nâng cao tính cạnh tranh quốc gia về dịch vụ cảng biển. Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo Công ty quản lý cảng cần phối hợp tốt hơn với các cảng lớn khác ở Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh…
Thủ tướng đề nghị Lãnh đạo và nhân dân TP. Hải Phòng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, phát huy hiệu quả dự án, nhất là về hạ tầng giao thông, nguồn nhân lực, đảm bảo an ninh, trật tự trên đia bàn; khuyến khích nhà đầu tư hạ tầng, dịch vụ logistics tham gia đầu tư vào khu vực Đình Vũ-Cát Hải và vùng phụ cận, đảm bảo phát triển đồng bộ Cảng Lạch Huyện.
Thủ tướng yêu cầu nhà đầu tư cảng cần tích cực hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, sớm triển khai các hợp phần còn lại của dự án, đáp ứng xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các nhà thầu thi công nỗ lực bảo đảm tiến độ các tiến độ công việc còn lại, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong thi công và chất lượng thi công.
Tạo điều kiện để thương hiệu VinFast thành công
Cũng trong chiều 13-5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, làm việc tại Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast.
Lãnh đạo Tập đoàn Vingroup cho biết VinFast sẽ cho ra mắt xe máy điện vào quý III/2018; hai mẫu ô tô động cơ đốt trong (dòng Sedan 5 chỗ và SUV 7 chỗ) vào quý II/2019; một mẫu ô tô điện và một mẫu ô tô động cơ đốt trong cỡ nhỏ vào cuối năm 2019.
Hiện tại, VinFast đang làm việc với các đối tác quốc tế uy tín để bảo đảm cho ra đời những dòng sản phẩm chất lượng cao, thân thiện với môi trường. Để tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, VinFast thành lập một khu nội địa hóa (chiếm khoảng 30% diện tích khu Tổ hợp) để sản xuất linh kiện, phụ kiện ô tô, xe máy. Ngoài những hạng mục tự đầu tư, VinFast đưa ra các hình thức kêu gọi nhà đầu tư vào khu nội địa hóa.
Tổ hợp nhà máy sản xuất ô tô, xe máy điện VinFast được triển khai trên khu đất rộng 335 ha tại khu công nghiệp Đình Vũ- Cát Hải (Hải Phòng). Sau hơn 8 tháng kể từ ngày khởi công (2/9/2017), khu nhà điều hành dự án dự kiến sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2018…
Hiện VinFast đã đàm phán và thỏa thuận xong hợp đồng với các công ty uy tín hàng đầu thế giới trong việc cung cấp dây chuyền sản xuất, thiết bị và máy móc cho 5 phân xưởng (xưởng dập, xưởng hàn thân xe, xưởng sản xuất động cơ, xưởng sơn và xưởng lắp ráp, hoàn thiện và kiểm tra xe). Ngoài ra, VinFast còn có một khu công nghiệp phụ trợ riêng để đầu tư và thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất linh kiện, phụ kiện ô tô, xe máy, nhằm tăng tỷ lệ nội địa hoá sản phẩm.
Đến nay, đã có 8 nhà máy sản xuất linh kiện đang trong giai đoạn ký kết hợp đồng và thiết kế xây dựng nhà xưởng tại khu nội địa hóa của VinFast. Trong đó, dự kiến có 4 nhà máy VinFast tự đầu tư; hai nhà máy liên doanh và hai nhà máy 100% vốn của nhà cung cấp.
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng khi chứng kiến tiến độ bứt phá ngoạn mục của Vingroup trong việc sản xuất ô tô mang thương hiệu Việt Nam- VinFast.
Đánh giá cao quyết tâm của Vingroup và sự chỉ đạo của TP. Hải Phòng, Thủ tướng cho rằng chỉ trong thời gian ngắn các bên liên quan đã san lấp xong mặt bằng rộng 335 ha và nay đạt 500.000 m2 nhà xưởng.
Theo Thủ tướng, những kết quả ban đầu này là tin vui với Chính phủ, với TP. Hải Phòng và người dân Việt Nam vì lần đầu tiên chúng ta có thương hiệu ô tô Việt Nam sản xuất trong nước với công nghệ hiện đại, trong đó có các thiết bị rất quan trọng như động cơ, trục khuỷu cùng các các thiết bị quan trọng khác của ngành ô tô.
Nhấn mạnh việc xây dựng nền kinh tế tự chủ là định hướng quan trọng, Thủ tướng nhìn nhận Vingroup đi đầu trong việc thực hiện định hướng này, qua đó, thúc đẩy mạnh mẽ các công ty, đơn vị trong nước đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
“Các bạn đã đi đúng hướng, không những có khả năng, nguồn lực lớn mà còn có đội ngũ chuyên gia giỏi toàn cầu để áp dụng khoa học công nghệ hiện đại, cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất ô tô”, Thủ tướng nói và đánh giá cao việc VinFast đã dành công sức đào tạo công nhân Việt Nam để vận hành hệ thống. Cùng với đó, VinFast đã xây dựng hệ sinh thái sản xuất công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam khi dự kiến dành 70 ha để phát triển công nghiệp phụ trợ, một khâu còn yếu của Việt Nam.
Thủ tướng tin tưởng VinFast sẽ thành công và đề nghị các bộ, ngành, TP. Hải Phòng tạo điều kiện cho thương hiệu VinFast thành công bởi “đây là mong mỏi của tất cả chúng ta”./.
TP. Hồ Chí Minh tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Bác Hồ  (13/05/2018)
Chủ tịch nước gửi thư nhân ngày truyền thống phòng, chống thiên tai  (13/05/2018)
Toàn quyền New Zealand ủng hộ hợp tác phát triển bền vững với Việt Nam  (13/05/2018)
Hội nghị Trung ương 7: Nhân lên niềm tin của nhân dân với Đảng  (13/05/2018)
Tổng Bí thư: “Ai đã chót ít, nhiều nhúng chàm thì tự gột rửa đi”  (13/05/2018)
Thủ tướng giải đáp nhiều băn khoăn của cử tri TP. Hải Phòng  (13/05/2018)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay