Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục ở Việt Nam

TS. Trương Thị Thanh Quý Trường Đại học Y Hà Nội
22:28, ngày 15-12-2017

TCCSĐT - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với việc robot sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực, đang tác động mạnh mẽ tới nguồn nhân lực quản lý giáo dục. Cuộc cách mạng này cũng làm thay đổi yêu cầu và phương pháp đào tạo nguồn nhân lực nói chung và nguồn nhân lực quản lý giáo dục nói riêng.

Tác động đối với việc phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0) tác động mạnh mẽ tới nguồn nhân lực các nước trên thế giới. Nhờ có trí tuệ nhân tạo, robot làm việc ngày càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi ngày càng tăng. Robot làm việc 24/24 giờ, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… điều này đang đe dọa và cạnh tranh với con người. Khi robot làm việc tốt, nó sẽ thay thế con người không chỉ trong nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những lĩnh vực lao động giản đơn, nặng nhọc, mà còn có khả năng thay thế con người trong cả lĩnh vực hoạt động phức tạp. Vì vậy, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ đe dọa việc làm của những người lao động trình độ thấp, mà còn đe dọa việc làm của người lao động có kỹ năng bậc trung. Cuối năm 2015, Ngân hàng Anh đưa ra một dự báo rằng, sẽ có khoảng 95 triệu lao động truyền thống ở Anh và Mỹ bị mất việc trong khoảng 20 năm tới (chiếm 50% số lao động ở hai nước này). Ở các quốc gia khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. Thị trường lao động sẽ phân hóa mạnh mẽ giữa nhóm lao động có kỹ năng thấp và nhóm lao động có kỹ năng cao. Lao động ở trình độ thấp sẽ rất bất lợi và đối mặt với nguy cơ thất nghiệp.

Hơn bao giờ hết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 cũng đặt ra yêu cầu mới đối với nguồn nhân lực quản lý giáo dục Việt Nam, với sứ mệnh tư vấn cho các nhà hoạch định chiến lược, đội ngũ này cần nâng tầm từ “kỹ năng” lên “tài năng”. Họ cần có năng lực vượt trội, có năng lực chuyên môn, có khả năng làm việc với công nghệ thông minh và khả năng ngoại ngữ để có thể tiếp cận với thế giới nhằm tận dụng tốt các cơ hội của cuộc cách mạng này. Khi cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển theo cấp số nhân, những thay đổi về công nghệ diễn ra hằng ngày ảnh hưởng trực tiếp đến lĩnh vực giáo dục (đến việc chọn ngành, nghề, đến phương pháp, cách thức giảng dạy…) thì nó càng đòi hỏi cán bộ quản lý giáo dục phải có khả năng thích ứng và khả năng giải quyết các vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo. Đây được coi là chìa khóa cho sự thành công của cán bộ quản lý giáo dục. Cụ thể, những kỹ năng cần có ở người làm công tác quản lý giáo dục trong việc đáp ứng được cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là: giải quyết các vấn đề phát sinh trong các hoạt động giáo dục một cách logic, làm việc theo nhóm, kỹ năng thích nghi nhanh, khả năng tự nâng cao trình độ, khả năng làm việc liên tục, kỹ năng sử dụng công nghệ thông minh, kỹ năng giao tiếp xã hội và năng lực sáng tạo trong môi trường toàn cầu…. Như vậy, trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đòi hỏi nguồn cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao với các kỹ năng bậc cao mà robot không thể thay thế được.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần này cũng đòi hỏi thay đổi phương pháp đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục. Đặc biệt sẽ dẫn đến sự phổ biến và phát triển các khóa học trực tuyến trong thời gian tới. Theo đó, các lớp học không diễn ra tại các giảng đường mà có thể học thông qua video, theo đó, với cách học thông minh này có thể cá thể hóa kế hoạch học tập cho người học ngồi trước màn hình. Rõ ràng, cách học này sẽ đòi hỏi cán bộ quản lý giáo dục cần phải cập nhật, có kỹ năng ứng phó, quản lý và phân tích cũng như chỉ ra được những mặt mạnh, mặt yếu của phương pháp này nhằm tìm ra những giải pháp để quản lý và định hướng sự phát triển của giáo dục của đất nước.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực quản lý giáo dục ở Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0

Một là, ưu tiên phát triển những cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục nhằm phục vụ cho sự nghiệp giáo dục nói chung trong thời đại của cách mạng công nghiệp 4.0. Trước cuộc cách mạng công nghiệp phát triển trên nền tảng của trí tuệ nhân tạo, Việt Nam cần có những chính sách ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế bằng cách Nhà nước đưa ra những chính sách ưu tiên và đầu tư đối với học viên ngành quản lý giáo dục. Hiện nay, thực tế phổ biến ở nước ta là những sinh viên giỏi thường hay chọn các trường kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng mà không chọn các trường đào tạo ngành giáo dục nói chung và quản lý giáo dục nói riêng. Điều này đã dẫn đến sự thiếu hụt nhân sự quản lý giáo dục chất lượng cao, cản trở ngành giáo dục trong việc bắt kịp và tiến vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà nước cần ưu tiên đầu tư nguồn lực và có những cơ chế đặc thù để xây dựng các trường đại học đào tạo nhân lực quản lý giáo dục, cần có những chính sách hỗ trợ cho giảng viên của ngành quản lý giáo dục, những tài năng trẻ, những nhà khoa học quản lý giáo dục để họ tham gia vào các chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu ở các nước tiên tiến.

Hai là, đổi mới nội dung đào tạo cán bộ quản lý giáo dục. Các nhà hoạch định chính sách cần xem xét nội dung, yêu cầu, xu hướng của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư để xác định những kỹ năng cần có của người cán bộ quản lý giáo dục, đó chính là cơ sở để xây dựng chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục. Một số những kỹ năng cần thiết đối với nguồn nhân lực trong tương lai là kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng tiếng Anh, sáng tạo, thích nghi, kỹ năng nắm bắt được xu thế phát triển của xã hội, từ đó tham mưu cho các nhà hoạch định chính sách về giáo dục…Vì vậy, cần đổi mới việc xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục trong các cơ sở đào tạo phục vụ cho ngành này. Các nhà quản lý cần xây dựng chuẩn đầu ra trong chương trình học quản lý giáo dục, nhất là chuẩn công nghệ mới và cần thiết trên thế giới. Các chương trình đào tạo nhân lực quản lý giáo dục phải bảo đảm hướng tới việc xây dựng năng lực sáng tạo, thích nghi và tự học. Đây chính là những năng lực cần thiết để đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Để xây dựng được những năng lực này, cần kết hợp đổi mới chương trình đào tạo với đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra.

Ba là, phát triển hạ tầng kỹ thuật cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục để các cơ sở đó có thể áp dụng những công nghệ mới nhất của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Ưu tiên bố trí cho việc hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa, hệ thống thiết bị ảo mô phỏng, thiết bị dạy học các phần mềm mô phỏng… Các cơ sở đào tạo nhân lực quản lý giáo dục cần lấy người học làm trung tâm và ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thiết kế bài giảng theo hướng nâng cao năng lực sáng tạo, tự học, thích nghi của người học. Những phương pháp phát huy tính chủ động, sáng tạo, tư duy phản biện, làm việc nhóm cần được sử dụng trong việc đào tạo cán bộ quản lý giáo dục.

Bốn là, tăng cường tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo cán bộ quản lý giáo dục. Vấn đề tự chủ cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực đã được đặt ra để đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, các ngành, nghề đào tạo trong xã hội sẽ thay đổi liên tục với những yêu cầu kiến thức và kỹ năng khác nhau. Khi đó, vấn đề tự chủ lại càng đặt ra cấp thiết, nhất là tự chủ về mặt học thuật và tự chủ về mặt tài chính. Trên cơ sở Nhà nước dự báo nhu cầu nhân lực cán bộ quản lý giáo dục, các cơ sở đào tạo ngành này bám sát nhu cầu nhân lực của xã hội và khả năng đáp ứng, khả năng đào tạo của nhà trường trong việc chủ động xây dựng chương trình đào tạo, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, năng lực của ngành quản lý giáo dục, đồng thời chủ động về mặt tài chính để đầu tư những khoản kinh phí phù hợp với yêu cầu đào tạo.

Năm là, gắn kết cơ sở đào tạo nhân lực quản lý giáo dục với các cơ quan trong Bộ Giáo dục và Đào tạo, bởi những cơ quan này chính là nơi sử dụng sản phẩm của cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục. Các cơ quan này phải thực sự là cánh tay nối dài hoạt động đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, giúp những cơ sở này đào tạo ra những cán bộ quản lý giáo dục mà “thị trường” đang cần, đồng thời giúp sinh viên bắt nhịp ngay với công việc sau khi ra trường, việc này có lợi cho cả Nhà nước khi khai thác được nguồn nhân lực đã được đào tạo.

Sáu là, ưu đãi giảng viên công tác tại các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục. Mọi cuộc đổi mới trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo luôn bắt đầu từ giảng viên, để có những giảng viên có khả năng đáp ứng được yêu cầu của việc đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục chất lượng cao thì cần phải xây dựng đội ngũ giảng viên có đủ năng lực đào tạo nguồn nhân lực theo yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ, ưu tiên đặc biệt cho giảng viên ở các cơ sở này. Bên cạnh đó, có những chính sách trong tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ cho giảng viên trong các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục, cũng như tăng tính tự chủ cho các cơ sở đào tạo có quyền chấm dứt hợp đồng đối với những giảng viên không đáp ứng được yêu cầu của ngành, nghề, chủ động đưa ra những cơ chế thu hút nhân tài thay thế.

                                                                            *
                                                                         *     *

Đào tạo cán bộ quản lý giáo dục là một trong những yêu cầu cần thiết, cấp bách trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi phải có những cán bộ quản lý giáo dục có năng lực, trình độ, kỹ năng cao. Chính vì vậy, chúng ta phải thay đổi, đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo trong các cơ sở đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc ban hành những chính sách nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các cơ sở đào tạo này trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo nguồn nhân lực quản lý giáo dục, đáp ứng cho cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.

--------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Hà Phương, “Ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư lên xã hội”, Tạp chí Công nghệ thông tin và truyền thông, 2016, số 7

2. Nguyễn Ngọc Lam, “Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và yêu cầu với lãnh đạo chiến lược”, Tạp chí Lý luận chính trị, 2017, số 4

3. http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghien-cuu-trao-doi /2017/43245/ Cach- mang- cong- nghiep- lan- thu- tu- Co- hoi- va- thach- thuc. Aspx

4. http/laodongxahoi.net// Cuoc- cach- mang- cong- nghiep- 4.0- va- nhung- van – de – dat- ra – doi- voi- he- thong- giao- duc- nghe- nghiep- 1305754.html

5. http//www.tuyengiao.vn/Home/giaoduc/92446/Cuoc- cach- mang-cong-nghiep-lan-thu-tu- Thoi-co-phat-trien-va-cac-thach-thuc-an-ninh-phi-truyen-thong

6. http//dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/giai-phap-nao-giup-truong-dai-học-don-nhan-cuoc-cach-mang-cong-nghiep- 4.0-20161203220811106.htm