Tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2007 đạt được nhiều kết quả tích cực, mở ra khả năng đạt tốc độ tăng trưởng cả năm là 8,5%.

I. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH KINH TẾ - XÃ HỘI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2007

1. Tốc độ tăng trưởng GDP

6 tháng đầu năm 2007 tốc độ tăng ước đạt 7,87% - là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 5 năm gần đây (năm 2003: 6,9%; năm 2004: 7,03%; năm 2005: 7,6%; năm 2006: 7,36%).

- Khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 2,67%; công nghiệp và xây dựng tăng 9,88%; dịch vụ tăng 8,41% . Đáng chú ý là GDP quý II đạt 8,02% tăng cao hơn quý I (đạt 7,75%), tạo đà cho tăng trưởng cao trong các quý còn lại và đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra cho cả năm.

- Giá trị gia tăng của ngành công nghiệp tăng gần 10% . Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,9%, trong đó khu vực nhà nước tăng 8,5% (trung ương tăng 11,3%; địa phương tăng 2,8%); khu vực kinh tế ngoài nhà nước tăng 20,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 19,3% (dầu mỏ và khí đốt giảm 4%, các sản phẩm khác tăng 24,3%). Giá trị sản xuất ngành công nghiệp chế biến chiếm tỷ trọng lớn, tăng 18,8%, góp phần quan trọng làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp; khai thác mỏ chỉ tăng 1,5%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của ngành chế biến như thép cán, bia, thuốc trừ sâu, gạch lát, máy công cụ, động cơ điện, máy biến thế, ô tô lắp ráp, xe máy lắp ráp có tốc độ tăng cao hơn mức tăng chung. Vĩnh Phúc là địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp trên địa bàn cao nhất so với mức tăng trưởng bình quân chung của toàn ngành: tăng 52,8%, tiếp đến là các tỉnh Bình Dương: 23,7%; Đồng Nai: 22,4%; Hà Tây: 22,1%, Hà Nội: 21,3%; Hải Phòng: 18,4%; Cần Thơ: 18,1%...

- Khu vực dịch vụ có mức gia tăng ấn tượng: 8,41%, góp phần nâng mức tăng trưởng chung cho kinh tế cả nước. Thị trường trong nước 6 tháng qua có mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 336 nghìn tỉ đồng, tăng 22,9% so với cùng kỳ năm 2006. Để đẩy mạng công tác tuyên truyền, quảng bá, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép quảng bá du lịch Việt Nam trên kênh truyền hình CNN. Đây là cơ hội lớn để thu hút khách du lịch quốc tế. Lượng khách du lịch quốc tế tới Việt Nam trong 6 tháng đầu năm đạt 2,2 triệu lượt, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoạt động vận tải về cơ bản đã và đang đáp ứng được nhu cầu vận chuyển hàng hóa và yêu cầu đi lại của người dân với chất lượng cao. Các dịch vụ bưu chính viễn thông giữ vững nhịp độ tăng trưởng nhanh. Riêng trong tháng 6, ngành bưu chính đã phát triển mới 1,85 triệu máy thuê bao điện thoại, tăng 160% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số thuê bao trong 6 tháng đầu năm lên 8,55 triệu máy. Đến hết tháng 6-2007, tổng số thuê bao trên toàn mạng đạt hơn 36 triệu máy; đạt mật độ thuê bao 42 máy/100 dân, vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm (2005-2010) đề ra là 35 máy/100 dân.

2. Xuất, nhập khẩu hàng hoá 6 tháng đầu năm 2007 ước đạt 49,69 tỉ USD, tăng 25,2% so cùng kỳ năm trước

Tính chung cả 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 22.455 triệu USD, tăng 19,4%. Trong đó có 6 mặt hàng xuất khẩu đạt trên 1 tỉ USD là: dầu thô (3,76 tỉ USD), dệt may (3,4 tỉ USD), giày dép (1,9 tỉ USD), thủy sản (1,6 tỉ USD), cà phê (1,2 tỉ USD) và sản phẩm gỗ (1,1 tỉ USD).

Về thị trường xuất khẩu, thị trường Mỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn, chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng 23% so với cùng kỳ. Tiếp đến là thị trường EU: 19,2%; thị trường Nhật Bản: 11,5%.

Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22.232 triệu USD, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 9.890 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Do nhập khẩu tăng mạnh so với tốc độ tăng xuất khẩu nên nhập siêu 6 tháng đầu năm nay đã ở mức 4,78 tỉ USD, cao hơn mức nhập siêu của 6 tháng đầu năm trước là 2,8 tỉ USD và bằng 21,3% kim ngạch xuất khẩu.

3. Đầu tư phát triển

Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước đạt 195 nghìn tỉ đồng, bằng 43,2% kế hoạch năm và bằng 39,5% GDP. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước: 42,4 tỉ đồng; vốn tín dụng đầu tư: 10,3 nghìn tỉ đồng; vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài: gần 34 nghìn tỉ; vốn đầu tư của khu vực tư nhân: 68 nghìn tỉ đồng.

Tổng giá trị vốn ODA giải ngân 6 tháng đầu năm 2007 ước đạt 795 triệu USD, bằng 42% kế hoạch giải ngân của cả năm 2007. Trong đó, vốn vay đạt: khoảng 698 triệu USD, vốn ODA: khoảng 97 triệu USD. Nguồn vốn ODA được hợp thức hóa thông qua việc ký kết các Hiệp định với các nhà tài trợ đạt khoảng 1.458 triệu USD. Riêng trong tháng 6-2007, hai Hiệp định viện trợ không hoàn lại đã được ký kết với giá trị khoảng 5 triệu USD cho hai dự án: “Cải cách hành chính gắn với chương trinh giảm nghèo tỉnh Hậu Giang” và “Chăm sóc - giáo dục mầm non tỉnh Bình Định”.

Vốn FDI tăng khá. Trong 6 tháng đầu năm, số vốn cấp phép mới và tăng thêm đạt 5.218 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ. Trong đó, số vốn cấp phép mới là 4.348 triệu USD với 575 dự án tăng 6,4% về vốn và 69,6% về số dự án so với cùng kỳ năm trước.

Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng ước đạt 2.230 triệu USD, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 7,7%).

4. Thu - chi ngân sách nhà nước

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2007 ước đạt 129.985 tỉ đồng, bằng 46,1% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2006 và bằng 26,3% GDP. Trong đó, thu nội địa đạt 73.825 tỉ đồng, bằng 48,6% dự toán, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2006; thu cân đối ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 27.000 tỉ đồng, bằng 48,7% dự toán, tăng 27,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thưc hiện cam kết thành viên của WTO và các thỏa thuận tự do mậu dịch (FTA) đã ký kết với các nước, từ đầu năm 2007 đã có 26 nhóm hàng, gồm 1.812 dòng hàng được điều chỉnh giảm thuế suất thuế nhập khẩu; đồng thời giảm thuế theo cam kết (từ 90% xuống còn 80%) đối với mặt hàng ô-tô chở người nói chung và ô-tô nguyên chiếc nhập khẩu từ Trung Quốc nói riêng.

Ngoài việc thực thi các cam kết về thuế quan, trong 6 tháng đầu năm 2007, Chính phủ đã thực hiện điều chỉnh hợp lý thuế suất, thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu như xăng dầu, sắt thép... nhằm hạn chế tác động tiêu cực của biến động giá cả tới sự phát triển của nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cạnh trạnh cho các doanh nghiệp trong nước. Tổng chi ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm ước đạt 163.710 tỉ đồng, bằng 45,8% dự toán, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm.

5. Hoạt động của thị trường chứng khoán sôi động

Tính đến đầu tháng 6-2007, đã có 193 công ty niêm yết đăng ký giao dịch tại các Trung tâm Giao dịch chứng khoán (tăng 4,7 lần so với thời điểm cuối năm 2005) với tổng giá trị cổ phiếu niêm yết tính theo giá thị trường đạt 304,4 nghìn tỉ đồng (tăng 20 lần so với năm 2005), chiếm 31% GDP năm 2006; có trên 201 nghìn tài khoản giao dịch của các nhà đầu tư, tăng gần 2 lần so với cuối năm 2006.

Hiện nay, thị trường chứng khoán đang trong giai đoạn điều chỉnh, đây là kết quả của việc triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế sự biến động lớn của giá cả chứng khoán, giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư.

6. Một số mặt hoạt động xã hội có tiến bộ

- Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đây là kỳ thi đầu tiên thực hiện cuộc vận động “hai không”, do vậy, kỷ luật phòng thiđã được nâng cao hơn nhiều so với các năm trước.

- Số người được giải quyết việc làm trong 6 tháng đầu năm 2007 ước đạt 78 vạn lượt người, xấp xỉ 59% kế hoạch cả năm. Nhiều hoạt động hỗ trợ giải quyết việc làm đã được triển khai như tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu lao động; xây dựng nhiều mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp đa dạng, khôi phục và phát triển các làng nghề... tạo khả năng giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng nghìn lao động nông thôn.

7. Cải cách hành chính đã đã được đẩy mạnh hơn, hướng vào các trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và phân cấp

Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cải cách hành chính đã có bước chuyển rõ rệt. Nguyên nhân dẫn đến thủ tục hành chính gây khó khăn, phiền hà cho người dân được xác định rõ, nhất là nguyên nhân từ thể chế để có những giải pháp phù hợp. Gắn liền với cải cách thủ tục hành chính là thực hiện phân cấp mạnh hơn cho các bộ, chính quyền địa phương, từng bước tạo ra sự chuyển biến thực sự trong hoạt động của bộ máy hành chính. Kết quả nổi bật trong 6 tháng đầu năm là một số thủ tục hành chính tồn tại từ nhiều năm, nay đã được giải quyết dứt điểm gắn với phân cấp thẩm quyền cho các bộ, chính quyền địa phương và đơn vị sự nghiệp, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; cũng như sự tự chủ của đơn vị sự nghiệp.

II. MỘT SỐ HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC

1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) 6 tháng đầu năm mới đạt gần 7,9%, thấp hơn mục tiêu của kế hoạch là 8,5%. Để đạt được tốc độ tăng trưởng GDP cả năm là 8,5%, tốc độ tăng trưởng 6 tháng cuối năm sẽ phải đạt trên 9%, đây là một thách thức, đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm cao từ các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp.

2. Tốc độ tăng giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp khá cao trong khi các sản phẩm công nghiệp chính có tốc độ tăng chưa tương xứng. Một số sản phẩm công nghiệp có giá trị sản xuất công nghiệp lớn nhưng tăng trưởng thấp hơn kế hoạch của toàn ngành, thậm chí giảm so với cùng kỳ như điện sản xuất tăng 11,6%, khí đốt thiên nhiên tăng 7,7%; xi măng tăng 11,6%, vải lụa thành phẩm tăng 11,4%.

3. Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng đến kết quả sản xuất của ngành nông nghiệp; tốc độ tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn cùng kỳ cả về giá trị sản xuất và giá trị gia tăng.

4. Tốc độ tăng xuất khẩu thấp hơn tốc độ tăng cùng kỳ năm trước, trong khi tốc độ tăng nhập khẩu ở mức cao (30,4%). Do vậy, 6 tháng đầu năm 2007 đã nhập siêu gần 4,8 tỉ USD (riêng tháng 6 nhập siêu gần 1 tỉ USD, cao nhất từ trước đến nay), bằng 21,3% kim ngạch xuất khẩu, cao hơn cùng kỳ năm 2006 cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với kim ngạch xuất khẩu (6 tháng đầu năm 2006, nhập siêu 1,98 tỉ USD, bằng 10,6% tổng kim ngạch xuất khẩu).

5. Thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp, 6 tháng đầu năm mới đạt 43,2% kế hoạch và 39,5% GDP.

6. Thị trường trong nước còn tiềm ẩn những yếu tố gây biến động giá, nhất là giá xăng dầu và những vật tư phục vụ sản xuất và giá lương thực, thực phẩm, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

7. Một số vấn đề về xã hội còn nhiều khó khăn, nhất là giải quyết việc làm; đáp ứng nhu cầu lao động có tay nghề cho nền kinh tế và doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài; yêu cầu về cải thiện điều kiện lao động.

8. Tình hình tai nạn giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp; nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng vẫn liên tiếp xảy ra.

III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU CẦN TẬP TRUNG TRIỂN KHAI ĐỀ HOÀN THÀNH KẾ HOẠCH NĂM 2007

1. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh; nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế.

2. Tăng cường các giải pháp để đẩy mạnh xuất khẩu, kiềm chế nhập siêu.

3. Điều hành mặt bằng giá bình ổn ở mức hợp lý, phù hợp với tín hiệu khách quan của thị trường.

4. Đẩy mạnh huy động vốn và tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn.

5. Thực hiện tốt nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước

6. Tiếp tục chấn chỉnh hoạt động của thị trường chứng khoán, tăng cường vai trò của Nhà nước trong giám sát và định hướng phát triển thị trường, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh, minh bạch.

7. Tiếp tục tạo bước chuyển biến quan trọng trong thực hiện chủ trương xã hội hóa, huy động nguồn lực cho phát triển các sự nghiệp xã hội.

8. Giải quyết hiệu quả một số vấn đề xã hội bức xúc, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm và đẩy mạnh hoạt động xóa đói, giảm nghèo.

9. Đẩy mạnh cải cách hành chính; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng.

P.V