Quốc hội thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước 2018
Với 86,56% đại biểu tán thành, sáng 13-11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Bội chi ngân sách 3,7% tổng sản phẩm trong nước
Quốc hội quyết nghị tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.319.200 tỷ đồng. Tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.523.200 tỷ đồng.
Mức bội chi ngân sách nhà nước là 204.000 tỷ đồng, tương đương 3,7% tổng sản phẩm trong nước (GDP), gồm: bội chi ngân sách trung ương là 195.000 tỷ đồng, tương đương 3,54% GDP; bội chi ngân sách địa phương là 9.000 tỷ đồng, tương đương 0,16% GDP.
Tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay để bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước là 363.284 tỷ đồng.
Điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước năm 2017
Quốc hội quyết nghị giảm dự toán vốn trái phiếu Chính phủ 14.033,79 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh tăng dự toán vốn ngoài nước 14.033,79 tỷ đồng để bố trí dự toán cho các dự án đã giải ngân nhưng chưa được bố trí dự toán theo quy định từ năm 2016 trở về trước. Bổ sung các dự án này vào danh mục dự án trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và được sử dụng từ nguồn dự phòng chung vốn ngoài nước trung hạn.
Bổ sung 245,814 tỷ đồng dự toán chi đầu tư phát triển từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại năm 2017 cho Tập đoàn Điện lực và 8 địa phương theo Tờ trình số 349/TTr-CP của Chính phủ.
Bổ sung 77,66 tỷ đồng dự toán chi sự nghiệp bảo vệ môi trường từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho tỉnh Thừa Thiên - Huế theo Tờ trình số 403/TTr-CP của Chính phủ.
Siết chặt kỷ luật tài chính ngân sách
Quốc hội giao Chính phủ điều hành thận trọng chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Siết chặt kỷ luật tài chính - ngân sách, chấp hành dự toán ngân sách nhà nước đúng quy định của pháp luật; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước.
Chính phủ chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các luật thuế, phí và lệ phí; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách pháp luật về thuế theo hướng cơ cấu lại nguồn thu, bảo đảm tính trung lập của thuế, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương và công tác quản lý thu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế; tạo môi trường thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tạo chuyển biến rõ nét trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế; phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng thuế xuống dưới 5% tổng thu ngân sách nhà nước.
Trong giai đoạn 2018 - 2020, tiếp tục thực hiện điều tiết 100% số thu thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm xăng, dầu của Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn về ngân sách trung ương; giữ ổn định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia số thu thuế bảo vệ môi trường đối với sản phẩm xăng, dầu trong nước và nhập khẩu như đối với năm 2017. Thu vào ngân sách nhà nước 72% số tiền lãi dầu, khí nước chủ nhà, lợi nhuận được chia từ Liên doanh Việt - Nga “Vietsovpetro” và tiền đọc tài liệu phát sinh trong năm 2018; số tiền còn lại (28%) đầu tư trở lại cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đầu tư theo quy định của pháp luật.
Quốc hội giao Chính phủ điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao. Tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên của từng bộ, cơ quan trung ương và địa phương; giảm mạnh kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài; bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị chặt chẽ, đúng quy định; đẩy mạnh việc thực hiện khoán sử dụng xe công. Tiếp tục cải cách hành chính và mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin đi đôi với tăng cường giám sát trong quản lý thu, chi ngân sách nhà nước. Chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước khi thật sự cần thiết và có nguồn bảo đảm. Thực hiện nghiêm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Quốc hội giao Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước bảo đảm) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở, thời điểm thực hiện từ ngày 01-7-2018. Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương và các địa phương tiếp tục thực hiện các quy định về chính sách tạo nguồn cải cách tiền lương kết hợp triệt để tiết kiệm chi gắn với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, bảo đảm tự cân đối nhu cầu tăng chi do điều chỉnh mức tiền lương cơ sở trong phạm vi dự toán ngân sách được giao.
Cũng tại Nghị quyết này, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện nghiêm chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp, tổ chức bộ máy hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đẩy nhanh việc thực hiện đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính, tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập; trên cơ sở đó, thực hiện cơ cấu lại ngân sách trong từng lĩnh vực, giảm hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách cho các đơn vị sự nghiệp công lập, dành nguồn để tăng chi hỗ trợ các đối tượng chính sách trong sử dụng dịch vụ sự nghiệp công, tạo nguồn cải cách tiền lương và tăng chi đầu tư, mua sắm để nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công. Đổi mới cơ chế hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị sự nghiệp công lập trên cơ sở kết quả đầu ra. Thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý giá theo hướng sát với giá thị trường, bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh hợp lý, thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.
Quốc hội quyết nghị tổng mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2018 không quá 50.000 tỷ đồng, bao gồm cả số chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ sang năm 2018 (nếu có) để đầu tư cho các công trình, dự án đủ thủ tục đầu tư theo quy định. Chính phủ thực hiện nghiêm kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết số 26/2016/QH14 của Quốc hội. Quản lý chi đầu tư phát triển từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Tăng cường huy động các nguồn lực trong nước và ngoài nước cho đầu tư phát triển, hoàn thiện cơ sở pháp lý để đẩy mạnh hợp tác công tư (PPP), tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và lĩnh vực du lịch. Quản lý chặt chẽ việc ứng trước dự toán ngân sách nhà nước, chi chuyển nguồn theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước. Rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong hệ thống pháp luật về đầu tư công, sớm phân bổ vốn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân.
Chính phủ bám sát và thực hiện đúng Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020. Kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách địa phương và mức vay nợ của ngân sách địa phương. Bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn quy định./.
Việt Nam và Trung Quốc nhất trí thúc đẩy phát triển cân bằng  (13/11/2017)
Botswana đánh giá cao phát triển kinh tế, giảm nghèo của Việt Nam  (13/11/2017)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt đại biểu chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2017  (13/11/2017)
Truyền thông Malaysia đánh giá cao công tác tổ chức APEC của Việt Nam  (13/11/2017)
Thủ tướng làm việc với Thủ tướng Lào và Campuchia bên lề ASEAN 31  (13/11/2017)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên