Ngày 18-5, tại thành phố Quý Dương, tỉnh Qúy Châu, Trung Quốc, ASEAN và Trung Quốc đã tổ chức Cuộc họp các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN-Trung Quốc liên quan đến việc triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 14.
Cuộc họp do Bí thư trường trực Bộ Ngoại giao Singapore Chee Wee Kiong và Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân chủ trì. Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng SOM ASEAN Việt Nam, đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hoạt động này.

Tại cuộc họp, hai bên đã trao đổi về tình hình Biển Đông, việc triển khai DOC và tiến trình xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

ASEAN và Trung Quốc nhắc lại cam kết của Lãnh đạo Cấp cao tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và đánh giá cao kết quả triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa trên biển, cụ thể là vận hành trên thực tế Đường dây nóng giữa các Bộ Ngoại giao ASEAN và Trung Quốc về các tình huống khẩn cấp trên biển và áp dụng Bộ quy tắc tránh va chạm bất ngờ trên biển (CUES) ở Biển Đông, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông.

Về xây dựng COC, các bên ghi nhận kết quả của Nhóm Công tác DOC/COC về dự thảo khung COC, đồng thời nhất trí sẽ trình dự thảo này để Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Trung Quốc (PMC+) vào tháng 8 tới xem xét, thông qua.

Cuộc họp diễn ra trong không khí cởi mở và thẳng thắn. Các nước đóng góp tích cực và mang tính xây dựng, khẳng định tiếp tục tăng cường đối thoại và tham vấn để thúc đẩy tiến trình DOC/COC nhằm duy trì đối thoại, hợp tác vì hòa bình, ổn định trong khu vực nói chung và Biển Đông nói riêng. Trong đó, các quan tâm của Việt Nam đã được các nước trao đổi và ghi nhận tích cực.

Tham dự cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng đã phát biểu về tình hình Biển Đông, nhấn mạnh việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, cũng như đóng góp xây dựng các nội dung cụ thể của dự thảo khung COC.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh các bên cần tiếp tục thực hiện kiềm chế, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, từ đó đóng góp thực chất vào việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông./.