Năm APEC 2017 là sự kiện đối ngoại quan trọng nhất của Việt Nam trong năm nay. Việc một lần nữa đăng cai Năm APEC (sau Năm APEC 2006) là đóng góp quan trọng của Việt Nam với Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương nhằm thúc đẩy các quan tâm chung của Diễn đàn trong bối cảnh mới.

Bên lề Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp (SOM2) Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Hà Nội từ ngày 09 đến ngày 21-5, đại biểu từ các nền kinh tế thành viên có những nhận xét tốt đẹp dành cho chủ nhà Việt Nam trong công tác chuẩn bị Hội nghị, ngợi khen Thủ đô Hà Nội mến khách, thân thiện.

Ấn tượng về công tác chuẩn bị

Ông Malcolm Greening, Trợ lý Thư ký Vụ chiến lược công nghiệp và quốc tế Australia đánh giá, công tác chuẩn bị cho Năm APEC 2017 của Việt Nam rất tốt. Đội ngũ tổ chức, hậu cần được trang bị đầy đủ kiến thức về APEC và các nền kinh tế thành viên. Địa điểm tổ chức Hội nghị SOM 2 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (Hà Nội) là một không gian có thiết kế đẹp, hiệu quả sử dụng cao, xứng tầm với nhiều địa điểm tổ chức hội nghị trên thế giới.

Ông Malcolm Greening cho biết tại Hội nghị SOM 2, ông có cơ hội làm việc với một số đồng nghiệp người Việt Nam và rất ấn tượng với phong cách làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả của họ.

Đại biểu Yang Zifeng (Viện Khoa học Trung Quốc) nhận xét: “Công tác tổ chức APEC 2017 rất chu đáo. Ban Tổ chức và tình nguyện viên của chủ nhà Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả các đại biểu tham dự Hội nghị SOM2. Mọi việc đang tiến triển tốt. Tôi tin rằng, đây sẽ là một năm APEC thành công của Việt Nam”.

Theo bà Mari Pangetsu, nguyên Bộ trưởng Thương mại Indonesia, với khối lượng công việc nhiều như vậy, Việt Nam đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Bà Mari Pangetsu đã nhìn thấy sự thay đổi của Việt Nam từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2006 đến nay. Điều này phần nào phản ánh những lợi ích mà APEC đem lại cho một nền kinh tế, đồng thời là những đóng góp mà APEC muốn đem lại cho những nền kinh tế khác.

Điểm đến tuyệt vời

Bà Alison Mann, Giám đốc Điều hành Phòng Hội nhập khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand) cho biết đã đến Việt Nam vài lần và luôn ấn tượng với đất nước, con người nơi đây đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.

Bà Alison Mann chia sẻ: “Tôi rất yêu thành phố Hà Nội và luôn mong chờ dịp trở lại thành phố này để ngắm nhìn màu sắc, kiến trúc, đường phố nơi đây. Ẩm thực Hà Nội cũng là điều tuyệt vời với tôi khi đến với thành phố này. Những món ăn đa sắc màu, mùi vị độc đáo, tốt cho sức khỏe cũng luôn níu bước chân tôi mỗi khi đến đây”. Trong dịp này, bà Alison Mann dự định tham quan một số danh lam thắng cảnh của Hà Nội và thử những món ăn nổi tiếng như bún chả, phở...

Đã vài lần đến Việt Nam nhưng đây là lần đầu tiên đến Thủ đô Hà Nội, bà Nina Azrah Razali, Vụ trưởng Vụ các vấn đề quốc tế, Học viện Khoa học Malaysia cho biết bà đã tranh thủ thời gian rảnh thăm thú một vài điểm du lịch của Hà Nội như Hồ Gươm, chợ Đồng Xuân, khu phố cổ và rất ấn tượng với đời sống sinh hoạt của người dân Hà Nội.

Bà Nina Azrah Razali cho biết: “Tôi rất thích ngắm nhìn kiến trúc khu phố Cổ Hà Nội với những ngõ nhỏ đan xen và các sản phẩm du lịch độc đáo nơi đây. Tôi đã thử uống càphê trứng và thấy rất ngon. Việt Nam nên tạo thêm nhiều sản phẩm du lịch từ những nét thú vị này”.

Đại biểu Mohamad Iqbal Djamil đến từ Indonesia cho biết, Hà Nội là một thành phố tuyệt đẹp với nhiều cây xanh, những con phố nhỏ, con người thân thiện, món ăn tuyệt vời. Bên cạnh những khu phố cổ xinh đẹp, giờ đây, Hà Nội đã ngày càng hiện đại hơn với những Trung tâm thương mại sầm uất.

Ông Mohamad Iqbal Djamil cho rằng Việt Nam cần tận dụng những điều này để quảng bá, phát triển ngành du lịch không chỉ ở khu vực mà còn trên toàn cầu. Dịp này, ông Mohamad Iqbal Djamil đã quyết định ở lại Hà Nội thêm vài ngày để khám phá vẻ đẹp nơi đây, đặc biệt là những món ăn đường phố độc đáo đã nổi tiếng khắp thế giới./.