Lễ hội Đền Đô - Âm vang hào khí Thăng Long
TCCSĐT - Hằng năm từ ngày 14 đến ngày 16-3 Âm lịch, du khách tấp nập về Đền Đô (phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) trảy hội để cùng hướng về cội nguồn, sống dậy hào khí Thăng Long.
Theo Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Nguyễn Đức Thìn (Đình Bảng, thị xã Từ Sơn), người đã có hàng chục năm gắn bó với mảnh đất Đền Đô, đây là lễ hội lớn của quê hương Bắc Ninh - Kinh Bắc. Lễ hội được tổ chức nhằm kỷ niệm ngày Vua Thái tổ Lý Công Uẩn đăng quang, khai mở vương triều hưng thịnh, tạo dựng, phát triển quốc gia và nền văn hóa Đại Việt rực rỡ; đồng thời tưởng nhớ công lao to lớn của các vị vua triều Lý. Qua đó, lễ hội góp phần giáo dục thế hệ trẻ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tái hiện thời kỳ lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Trước đây, lễ hội thường do các vị quan đứng ra tổ chức. Ngày nay, chính quyền và người dân xã hội hóa tổ chức.
Điểm chính của lễ hội là lễ rước. Ông Nguyễn Thế Phú - Trưởng Ban Quản lý di tích Đền Đô cho biết: Lễ rước hội Đền Đô thu hút hàng nghìn người tham dự. Chiều 14-3 Âm lịch, diễn ra lễ rước 9 kiệu tượng trưng cho 9 vị vua triều Lý đến chùa Ứng Tâm (hay còn gọi là chùa Cổ Pháp), thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn. Đây là nơi thờ bà Phạm Thị, người sinh ra vua Lý Công Uẩn. Sáng 15-3, đám rước thu hút hàng vạn người tham gia từ chùa Ứng Tâm về Đền Đô, gồm 1 long đình, 1 kiệu mẫu và 9 kiệu vua về đền Ðô với độ dài khoảng 3 km. Ði đầu đám rước gồm đội múa rồng thể hiện hùng khí Thăng Long; đoàn cờ, trống, đoàn tướng võ, cởi trần, đóng khố, tay cầm trùy đồng và hàng trăm quân sĩ đi theo. Tiếp đến là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Ði đầu là kiệu của Thánh Mẫu có 18 nữ tướng theo sau rồi đến kiệu các vua, mỗi kiệu một con ngựa và có 16 nam tướng mặc áo đỏ. Sau cùng đoàn rước là các vị mặc sắc phục lễ hội, hương lão và dân làng dự hội, cờ lọng che rợp đồng nội, tiếng trống vang trời thị uy hào khí Thăng Long. Đến ngày 17-3, sẽ tổ chức lễ rước kiệu mẫu về chùa Ứng Tâm.
Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của đất nước, năm nay, lễ hội thu hút hàng nghìn du khách thập phương đến trảy hội. Bà Ngô Thị Lâm (65 tuổi), người dân phường Đình Bảng cho biết: Đây là năm thứ 7 bà vinh dự được tham gia lễ rước tại Đền Đô. Ông Lý Thừa Vĩnh, Chủ tịch dòng họ Lý Hoa Sơn (Hàn Quốc) đời 28 cho biết: Hơn 20 năm, kể từ năm 1995, năm nào ông cũng về dự hội Đền Đô. Từ nhỏ ông đã được gia đình giáo dục cội nguồn là người Việt Nam. Ông coi Đền Đô như nhà thờ của tổ tiên.
Đến với lễ hội Đền Đô, du khách có cơ hội được tìm hiểu sâu sắc hơn về lịch sử dân tộc, đặc biệt lịch sử triều Lý. Bà Hoàng Thị Hương, quê huyện Vĩnh Tường - Vĩnh Phúc cho biết: Biết đến Đền Đô đã lâu, năm nay bà cùng gia đình đến Đền Đô trảy hội. Ấn tượng đầu tiên bà về được tìm hiểu Chiếu dời đô. Qua đó, thấy được tầm nhìn thời đại của vị vua triều Lý hơn 1000 năm về trước khi ông chọn Đại La làm kinh đô mới. Thông qua khu trưng bày các hiện vật thời Lý nằm trong khuôn viên di tích lịch sử Đền Đô giúp du khách tìm hiểu lịch sử.
Lễ hội Đền Đô gắn với di tích lịch sử Đền Đô. Đền còn có tên gọi là Cổ Pháp Điện, đền Lý Bát Đế, nằm ở xóm Thượng thuộc phường Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là di tích lịch sử, có kiến trúc theo kiểu thành cổ cung điện. Đền được khởi dựng từ thời Lý, do Lý Công Uẩn chọn đặt xây dựng thái miếu ở phủ Thiên Đức (tức Cổ Pháp Điện ở Đình Bảng). Khi các vua nhà Lý lần lượt qua đời, đều được an táng và thờ chung ở đây nên được gọi là đền Lý Bát Đế. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Đền Đô bị giặc chiếm đóng và phá hủy hoàn toàn. Sau khi đất nước thống nhất, năm 1989, nhân kỷ niệm 980 năm ngày vua Lý Thái Tổ khởi nghiệp nhà Lý, trên cơ sở dấu tích kiến trúc và những tài liệu cũ còn lại, nhân dân Đình Bảng đã quyên góp để khôi phục Đền Đô nhằm giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ về sau. Đền Đô được khôi phục theo đúng bản vẽ và ảnh chụp do Viện Viễn đông bác cổ còn lưu giữ được.
Ngoài khu đền, di tích lăng mộ hay còn gọi là “Sơn lăng cấm địa” nằm ở khu ao sen thuộc cánh đồng phường Đình Bảng gồm 11 lăng là nơi an nghỉ cuối cùng của các vị vua triều Lý cũng là một trong những di tích lịch sử có ý nghĩa tâm linh sâu sắc bao gồm Lăng vua Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông, Lý Huệ Tông, Lý Chiêu Hoàng, lăng Phát tích (thờ bà Phạm Thị) và lăng bà Nguyên Phi Ỷ Lan.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, năm 2014, di tích lịch sử khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Lý được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Hiện nay, công tác bảo tồn và phát triển giá trị di tích đang được các cơ quan chức năng tăng cường. Theo ông Nguyễn Thế Phú, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Đô: Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền trên loa truyền thanh, tại điểm di tích đều có hướng dẫn viên hướng dẫn du khách tìm hiểu di tích. Công tác trùng tu, tôn tạo cũng đang được triển khai. Ban Quản lý di tích đã tiến hành xây dựng hệ thống tường bao lăng tẩm các vị vua. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục trùng tu, tôn tạo các nhà thờ và các hạng mục khác xứng tầm Di tích Quốc gia đặc biệt.
Khai hội Đền Đồng Cổ, Thanh Hóa
Ngày 15-3 Âm lịch, tại xã Yên Thọ, Yên Định, Thanh Hóa đã diễn ra Lễ hội đền Đồng Cổ để tưởng nhớ thần Trống đồng - vị thần có công hộ dân bảo quốc.
Đền Đồng Cổ nằm bên bờ hữu sông Mã, thuộc làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Đây là ngôi đền có lịch sử lâu đời nhất xứ Thanh, đã được xếp hạng Di tích lịch sử - Văn hóa cấp Quốc gia năm 2001. Theo truyền thuyết, xưa kia, một vị vua khi đi đánh giặc qua đây đã nghỉ lại một đêm. Trong giấc chiêm bao, vua được một vị thần báo mộng rằng dưới chân núi có trống đồng cổ, hãy đào lên dùng tiếng trống làm linh khí đuổi giặc. Nhà vua làm theo, quả nhiên, quân giặc nghe tiếng trống đồng âm vang đã sợ khiếp vía và rút chạy. Từ đó, nơi ba ngọn núi đá chụm đầu vào nhau, tạo thế đoàn kết như kiềng ba chân đã trở thành một địa điểm linh thiêng.
Tưởng nhớ thần Trống đồng, từ thời Hùng Vương, năm 2569 - trước Công nguyên, miếu Đồng Cổ đã được khởi dựng. Đến thời Lý miếu được sửa sang lại, sang thời Lê - Trịnh, miếu được xây dựng khang trang, to đẹp hơn. Vào thế kỷ XI, vua Lý Thái Tông cho rước thần Ðồng Cổ về lập đền thờ trên đất Thăng Long. Đền Đồng Cổ là nơi được nhiều triều vua lựa chọn để tiến hành nhiều nghi lễ quan trọng của quốc gia. Vì vậy, ngày nay, tại đền vẫn còn những bản sắc phong, thần tích có gía trị. Trải qua thời gian và sự tàn phá của chiến tranh, đền Đồng Cổ đã bị phá hủy. Năm 2007, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử, văn hóa núi và đền Đồng Cổ. Năm 2010, với ý nghĩa lịch sử và giá trị tâm linh sâu sắc, di tích đền Đồng Cổ đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội gắn biển công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Hằng năm, cứ đến ngày 14 và ngày 15-3 Âm lịch, du khách thập phương lại nô nức về trẩy hội đền Đồng Cổ để được thưởng ngoạn không gian sơn thủy hữu tình với những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại. Hy vọng, trong tương lai không xa, cùng với Thành nhà Hồ, Khu di tích Lam Kinh, Đền Đồng Cổ sẽ trở thành điểm du lịch tâm linh, điểm đến hấp dẫn trong hành trình du lịch xứ Thanh./.
Trung tâm dữ liệu của Tập đoàn VNPT đạt chuẩn Uptime Tier III  (11/04/2017)
Việt Nam - Lào tăng cường tình hữu nghị, hợp tác giữa các địa phương  (11/04/2017)
Tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa Romania - Việt Nam  (11/04/2017)
Những cống hiến sáng tạo của đồng chí Lê Duẩn trong chỉ đạo xây dựng đường lối đối ngoại của Đảng  (11/04/2017)
Khai trương Khu trưng bày tượng sáp văn nghệ sĩ đầu tiên tại Việt Nam  (11/04/2017)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam