TCCSĐT - Ngày 15-9-2016, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp với Viện Liên kết toàn cầu (Hoa Kỳ), Trung tâm Nghiên cứu pháp luật và tôn giáo quốc tế và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Tọa đàm “Góp ý Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo”.

Tham dự Tọa đàm, về phía Việt Nam có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Hoàng Thị Hoa; TS. Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện một số ban, ngành ở Trung ương và địa phương. Về phía khách mời quốc tế có ông David Best, Phó Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Thụy Sỹ tại Việt Nam; ông David Muelke, cán bộ chính trị Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, cùng các chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn trong nước và nước ngoài.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, TS. Nguyễn Đình Quyền khẳng định: Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (năm 1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đã được ghi nhận, và được kế thừa, phát triển trong những bản Hiến pháp tiếp theo, thể hiện sự tôn trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Đến Hiến pháp năm 2013, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận là quyền cơ bản của con người, chứ không chỉ là quyền cơ bản của công dân. Thể chế hóa quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Quốc hội khóa XIII đặt ra nhiệm vụ xây dựng Luật Tín ngưỡng, tôn giáo trên cơ sở Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua ngày 18-6-2004, đồng thời, tiếp thu các chuẩn mực quốc tế, quan điểm lập pháp tiến bộ của thế giới về tự do tín ngưỡng, tôn giáo, đáp ứng được nhu cầu tâm linh của nhân dân và hiệu quả quản lý nhà nước trong tình hình mới. Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo sau nhiều lần tiếp thu, chỉnh lý, đã có nhiều điểm tiến bộ, tuy nhiên, do tính chất phức tạp của Dự thảo Luật nên một số nội dung còn có ý kiến khác nhau. Do vậy, buổi Tọa đàm lần này sẽ là cơ hội tốt để các chuyên gia quốc tế và Việt Nam trao đổi, thảo luận, cùng làm rõ những vướng mắc trong Dự thảo Luật, giúp cho cơ quan soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra hoàn thiện Dự thảo.

Với những ý kiến trao đổi thẳng thắn, sôi nổi, các đại biểu tham dự Tọa đàm đã tập trung làm rõ nhiều nội dung của Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, như: Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo quy định tại Điều 6 đã đầy đủ và bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc về tự do tín ngưỡng, tôn giáo trong các điều ước quốc tế hay chưa; quyền được tiếp cận tín ngưỡng, tôn giáo của quân nhân trong lực lượng vũ trang, của những người bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang chấp hành hình phạt tù; có cần thiết phải tách quy trình đăng ký và công nhận tổ chức tôn giáo; việc quy định “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại” có hợp lý với thực tiễn không, khi mà hiện nay nhiều cơ sở, tổ chức tôn giáo cũng tiến hành các hoạt động thương mại, như kinh doanh các sản phẩm tôn giáo; có nên cho phép tổ chức tôn giáo thành lập cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân, nếu cho phép thì nên quy định ở đâu - trong luật này hay Luật Giáo dục./.