TCCSĐT - Theo hướng dẫn mới ban hành, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh sẽ chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.


Hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân vận động bầu cử

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân vừa ký ban hành hướng dẫn tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân vận động bầu cử.

Theo hướng dẫn, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân ở đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.

Thành phần tham dự hội nghị tiếp xúc cử tri gồm đại diện các cơ quan, tổ chức, đơn vị (các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, đơn vị quân sự, công an...) và cử tri ở địa phương.

Trường hợp đặc biệt, do điều kiện khách quan mà Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh không thể trực tiếp chủ trì hội nghị tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử nào thì phải có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp huyện chủ trì, tuy nhiên, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh vẫn phải cử cán bộ tham dự hội nghị tiếp xúc nhằm chủ động nắm tình hình và bảo đảm cho hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử được thực hiện an toàn, đúng luật.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện, cấp xã chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp tại đơn vị bầu cử tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cho những người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp mình.

Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần phối hợp với Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri; thông báo kịp thời bằng văn bản ít nhất trước bảy ngày cho những người ứng cử về thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để người ứng cử chủ động sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương đến dự; tổ chức hội nghị để đại diện Ủy ban nhân dân cùng cấp thông báo với những người ứng cử những nội dung cơ bản về tình hình kinh tế - xã hội ở địa phương để người ứng cử xây dựng, dự kiến chương trình hành động của mình trước khi tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri.

Trong trường hợp người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có nhu cầu nghe Ủy ban nhân dân cấp huyện thuộc đơn vị bầu cử của mình giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của các huyện, thị xã, thành phố cần tổ chức để Ủy ban nhân dân các đơn vị bầu cử này báo cáo cho người ứng cử nghe.

Việc tổ chức tuyên truyền phải bằng các hình thức phù hợp, bảo đảm công bằng giữa những người ứng cử để cử tri và nhân dân nơi tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri có điều kiện hiểu rõ hơn về người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Người ứng cử có thể gửi chương trình hành động của mình cho các cử tri dự hội nghị tiếp xúc. Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần chú ý tạo không khí dân chủ, cởi mở; tránh gò ép nhưng cũng không trao đổi vượt ra ngoài mục đích, yêu cầu của hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc.

Việc tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri cần bảo đảm để người ứng cử có điều kiện tiếp xúc rộng rãi với đại diện cử tri ở các xã, phường, thị trấn thuộc đơn vị bầu cử. Thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri để người ứng cử vận động bầu cử được tiến hành từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử (ngày 27-4) và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 21-5).

Đánh giá về chất lượng các ứng cử viên sau khi trải qua ba vòng hiệp thương, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhận định tại Trung ương, Hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã thông qua danh sách 197 người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương. Tất cả các ứng cử viên này đều có trình độ đại học trở lên, trong đó có 83 tiến sỹ (chiếm 42%). Qua các hội nghị hiệp thương, các ứng cử viên được giới thiệu và chọn lọc khá cao.

Theo tổng hợp cả nước, sau ba vòng hiệp thương có 879 ứng cử viên để bầu 500 đại biểu Quốc hội; trong đó trình độ đại học trở lên chiếm 97%, cao đẳng chỉ chiếm 3%. Như vậy, qua các vòng hiệp thương, những ứng viên được lập danh sách giới thiệu sang Hội đồng bầu cử Quốc gia đều có trình độ chuyên môn cao, phản ánh sự phát triển đi lên của đất nước. Danh sách này sẽ được công bố chính thức vào ngày 27-4.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, để hội nghị hiệp thương các cấp thảo luận, bỏ phiếu giới thiệu người được ứng cử hoặc tự ứng cử vào danh sách chính thức, cần căn cứ vào tiêu chí và các điều kiện khách quan.

Thực tế cho thấy, ở nơi nào còn ý kiến khác hoặc trái ngược nhau sẽ được biểu quyết riêng. Điều này do hội nghị hiệp thương quyết định. Vừa qua, việc tổ chức các hội nghị hiệp thương cho thấy quá trình lựa chọn các ứng viên đều bảo đảm tính khách quan, nghiêm túc, không để tâm lý đám đông ảnh hưởng. Không có sự phân biệt giữa các ứng viên, bảo đảm sự dân chủ.

Quá trình hiệp thương là để lập danh sách nhưng từ danh sách 879 ứng cử viên, chỉ bầu 500 người (số dư gần 400 người) là rất khó. Vì vậy việc lựa chọn này là rất quan trọng. Để làm tốt việc lựa chọn, bước tiếp theo là cần tổ chức tốt các hội nghị tiếp xúc cử tri, để thực hiện vận động bầu cử. Nhân dân mỗi một xã, một phường nơi ứng viên ứng cử phải được thông tin đầy đủ về các ứng viên để có đủ cơ sở lựa chọn. Đây là vấn đề nguyên tắc nhưng thực hiện không phải dễ. Ba bước hiệp thương là rất quan trọng nhưng các ứng viên cần phải gặp gỡ cử tri để cử tri có đầy đủ thông tin lựa chọn được những đại biểu Quốc hội xứng đáng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Nâng cao kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên dân tộc thiểu số

Trong đợt bầu cử này, có các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 là người dân tộc thiểu số ở các địa phương miền núi, vùng dân tộc thiểu số phần lớn tham gia lần đầu, hoạt động kiêm nhiệm, điều kiện tiếp cận, thu thập, trao đổi thông tin và kỹ năng vận động tranh cử, nhất là việc xây dựng chương trình hành động, vận động, thuyết phục, lôi cuốn cử tri, thuyết trình trước công chúng... còn nhiều hạn chế. Để tạo điều kiện cho các ứng cử viên tiềm năng người dân tộc thiểu số tham gia ứng cử, trở thành đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Hội đồng Dân tộc đã tổ chức hội nghị tập huấn “Kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 là người dân tộc thiểu số”.

Hội nghị là hoạt động có ý nghĩa, giúp các ứng cử viên người dân tộc thiểu số nâng cao kiến thức, nhận thức về lý luận, thực tiễn và trách nhiệm là đại biểu của cử tri.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng lưu ý, để thực hiện tốt việc vận động tranh cử, các ứng cử viên cần nghiên cứu Hiến pháp, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và trách nhiệm của đại biểu, tiêu chuẩn đại biểu. Ngoài kiến thức cơ bản, các ứng cử viên phải có kỹ năng và bản lĩnh nhất định.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Tòng Thị Phóng cũng lưu ý, quá trình vận động tranh cử, các ứng cử viên cần lắng nghe và giải đáp những ý kiến của cử tri; có phong cách giản dị, thái độ khiêm nhường, tôn trọng cử tri. Cùng với đó, các ứng cử viên cần quán triệt sâu sắc sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với đồng bào dân tộc, trong đó không chỉ việc đầu tư phát triển kinh tế mà luôn gắn phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội với con người; chăm lo sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí các đồng bào dân tộc; phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Ngoài ra, các ứng cử viên cần phát huy bản sắc văn hóa của chính dân tộc mình trong quá trình tranh cử; bản thân và gia đình luôn phải gương mẫu để làm gương trước đồng bào, cử tri.

Tại hội nghị, đại biểu nghe các chuyên gia, người có kinh nghiệm trong các cơ quan dân cử truyền đạt những kỹ năng và kiến thức cơ bản về kỹ năng xây dựng và trình bày chương trình hành động của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; kỹ năng vận động tranh cử, xây dựng hình ảnh, thuyết trình trước công chúng của ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân người dân tộc thiểu số.

Cùng với đó, các ứng cử viên sẽ được giới thiệu về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; các chính sách, chương trình, dự án đối với miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các ứng cử viên sẽ làm việc theo nhóm, thực hành về thuyết trình chương trình hành động trước cử tri, trả lời phỏng vấn báo chí trên truyền hình./.