Làm giàu quan hệ truyền thống Việt Nam - Mông Cổ
Nhận lời mời của Tổng thống Mông Cổ N. Ên-khơ-bai-a, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân thăm chính thức Mông Cổ từ ngày 30 đến 31-10-2008. Đây là chuyến thăm nhằm đưa quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống Việt Nam - Mông Cổ vào giai đoạn phát triển toàn diện hơn, đặc biệt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế - thương mại.
Tình anh em từ hơn 50 năm trước
Kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 11-1954 đến nay, quan hệ truyền thống Việt Nam - Mông Cổ đã trải qua hơn nửa thế kỷ. Mở đầu là chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tới Mông Cổ vào tháng 7-1955. Có thể nói, mối bang giao quốc tế hữu nghị của Việt Nam cũng được mở đầu bằng chuyến thăm này với ba nước anh em (Liên Xô, Trung Quốc, Mông Cổ). Tiếp đó, các đồng chí Phạm Văn Đồng (năm 1973), đồng chí Trường Chinh (năm 1984) cũng đã dẫn đầu các đoàn đại biểu Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam sang thăm Mông Cổ. Năm 1959 và 1979, các đồng chí Iu.Xê-đen-ban và Gi.Bat-mơn-khơ với cương vị là người đứng đầu Đảng và Nhà nước Mông Cổ đã lần lượt sang thăm hữu nghị chính thức Việt Nam, đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị anh em giữa nhân dân hai nước.
Trong những năm Việt Nam kháng chiến chống Mỹ xâm lược, Mông Cổ là một trong những nước có phong trào ủng hộ Việt Nam mạnh mẽ và sâu rộng nhất. Ủy ban liên chính phủ hai nước về hợp tác kinh tế, khoa học - kỹ thuật được thành lập tháng 12-1979, đến nay đã tiến hành được 12 kỳ họp, đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển hợp tác kinh tế - thương mại song phương. Các hội hữu nghị: Mông Cổ - Việt Nam (thành lập năm 1960) và Việt Nam - Mông Cổ (thành lập năm 1961) tích cực hoạt động, góp phần to lớn vào việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được tiếp nối và phát triển bằng nhiều chuyến thăm chính thức của lãnh đạo và trao đổi đoàn cấp cao, với mục tiêu coi trọng củng cố phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, từng bước đưa quan hệ song phương về kinh tế - thương mại lên tầm tương xứng với quan hệ chính trị.
Tháng 4-2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương thăm và ký Hiệp ước hữu nghị và hợp tác, đưa quan hệ Việt Nam - Mông Cổ bước vào giai đoạn phát triển mới. Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải cũng đã hai lần tới thăm Mông Cổ vào tháng 10-1999 và tháng 5-2004. Về phía bạn, từ tháng 3-1994, Tổng thống Mông Cổ P.Ochi-rơ-bát đã thăm và ký Tuyên bố chung Việt Nam - Mông Cổ, trong đó nêu rõ những nguyên tắc cơ bản cho việc phát triển quan hệ hai nước phù hợp với tình hình mới. Tiếp đó vào tháng 10-2002, Thủ tướng Mông Cổ N.Ên-khơ-bay-a thăm chính thức Việt Nam; tháng 1-2005 là chuyến thăm của Tổng thống Mông Cổ N.Ba-ga-ban-di.
Cho đến nay, hai nước đã 3 lần ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác (1961, 1979, 2000) và khoảng 20 hiệp định về hợp tác kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Hiệp định thương mại đầu tiên giữa Việt Nam và Mông Cổ được ký vào năm 1958. Tuy nhiên, do giao thông vận chuyển hàng hóa không thuận lợi nên kim ngạch mậu dịch Việt Nam và Mông Cổ mới chỉ đạt khoảng 1,5 đến 2 triệu USD. Hiện hai nước đang bàn biện pháp nhằm đưa kim ngạch thương mại lên 5 đến 10 triệu USD trong những năm tới.
Các lĩnh vực khác như hợp tác trao đổi sinh viên, giao lưu, hợp tác văn hóa..., đã được thực hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước, theo hiệp định ký giữa hai chính phủ. Tính đến trước năm 1990, Mông Cổ đã đào tạo trên 100 cán bộ Việt Nam về khoa học - kỹ thuật bậc đại học và trên đại học. Hiện nay, hợp tác giáo dục đào tạo hai nước được thực hiện trên cơ sở Hiệp định mới ký năm 2006. Theo đó, hằng năm có 15 đến 20 sinh viên, thực tập sinh Mông Cổ sang học và thực tập tại Mông Cổ.
Đất nước của thảo nguyên
Mông Cổ là đất nước có phần lớn lãnh thổ là thảo nguyên, đồng cỏ và đồi núi. Diện tích rừng tuy chiếm 10% diện tích cả nước song khí hậu khắc nghiệt, ít mưa, lạnh giá, mùa đông đến -300C, -400C nên không thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Ngành chủ đạo của quốc gia này là chăn nuôi đồng cỏ với khoảng 30 triệu con gia súc, chủ yếu là dê, cừu, ngựa và bò, còn lại là lạc đà. Tính bình quân mỗi nhân khẩu có hơn 10 đầu đại gia súc. Ở Mông Cổ, Tết hằng năm trùng với ngày hội của người chăn nuôi. Vì vậy người ta tổ chức nhiều cuộc thi tài, sức, lòng dũng cảm. Người dân Mông Cổ cũng vui Tết quanh cây thông với ông già Băng Giá mặc quần áo người chăn nuôi đến vui chung (như người Nga).
Diện tích rừng nhiều nên Mông Cổ có thế mạnh về tài nguyên gỗ. Tuy nhiên, nhưng do dân số “thưa”, đi lại chủ yếu là đường bộ, đường sắt không có hệ thống liên thông với các quốc gia khác, không có biên giới giáp biển nên giao thông chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Một thế mạnh nữa của Mông Cổ là khoáng sản dồi dào (mỗi năm khai thác trên 35.000 tấn đồng, trên 10.000 tấn vàng, 13.000 tấn dầu thô); bên cạnh đó là sản xuất, chế biến lông dê mịn (chiếm 30% thị trường thế giới). Ngành có giá trị kinh tế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong GDP của Mông Cổ là khai khoáng (khoảng trên 27%). Song, khai thác quặng ở Mông Cổ rất tốn kém vì một năm tới hơn 6 tháng là mùa đông, nhiệt độ thường ở mức -200C, thậm chí -400C nên thời gian có thể khai thác quặng còn lại 6 tháng trong năm.
Ngành du lịch trong nước của Mông Cổ đặc biệt phát triển, với số lượt khách hằng năm cũng xấp xỉ số dân cả nước (trên dưới 2,5 triệu lượt/năm). Ngoài ra còn gần nửa triệu du khách nước ngoài, chủ yếu là du khách đến từ Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.
Từ năm 1990, Mông Cổ thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, đa phương và không liên kết. Trong đó, ưu tiên phát triển toàn diện quan hệ với 2 cường quốc láng giềng là Nga và Trung Quốc; coi trọng quan hệ với Mỹ, coi đây là sự bảo đảm cho việc củng cố nền dân chủ, cơ chế thị trường ở Mông Cổ; phát triển quan hệ bình đẳng, cùng có lợi với Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và với các nước khác. Mông Cổ phát triển quan hệ nhiều mặt với Liên hợp quốc, Phong trào Không liên kết... Hiện Mông Cổ là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Diễn đàn Hợp tác Á-Âu (ASEM), và đang phấn đấu để gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Mông Cổ rất quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài. Mỗi năm, nước này nhận khoảng 350 triệu USD tài trợ của quốc tế.
Quyết tâm vun đắp tài sản chung
Đến nay, quan hệ Việt Nam-Mông Cổ đang đứng trước nhu cầu cần được thúc đẩy hơn nữa cho phù hợp với những biến đổi của thế giới và khu vực, cũng như sự phát triển của mỗi quốc gia. Mối quan hệ này đã diễn ra tốt đẹp và có cơ sở vững chắc từ thời kỳ hai nước cùng xây dựng con đường xã hội chủ nghĩa, song vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có của hai nước. Đó chính là cơ sở cho quyết tâm chung của lãnh đạo hai nước gần đây trong việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mông Cổ phát triển mạnh hơn, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, đầu tư.
Tại cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Tổng thống Mông Cổ N. Ên-khơ-bai-a bên lề Thế vận hội Ô-lym-píc Bắc Kinh hồi tháng 8 vừa qua, Tổng thống Ên-khơ-bai-a bày tỏ mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Ủy ban hợp tác liên chính phủ hai nước trong việc đưa ra các sáng kiến nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương.
Một tháng trước chuyến thăm Mông Cổ lần này của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tân Đại sứ Mông Cổ đã tới nhận công tác ở Việt Nam. Trong buổi tiếp Đại sứ Pa-lam Sun-đép trình quốc thư ngày 30-9, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh: tình hữu nghị giữa hai dân tộc sẽ không bao giờ thay đổi; và đặt nội dung trọng tâm của chuyến thăm là phát triển hợp tác kinh tế. Chia sẻ điều này, Đại sứ Pa-lam Sun-đép đánh giá thành tựu hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước gần đây có nhiều bước phát triển đáng mừng, trong đó, các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng mở rộng đầu tư vào Mông Cổ.
Trải qua hơn 50 năm, quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Mông Cổ là tài sản chung quan trọng cần được tiếp tục vun đắp và củng cố. Đã đến lúc tài sản chung này cần được làm giàu thêm trong bối cảnh mới, với các bước đi thiết thực và cụ thể, nhằm phát triển mạnh mẽ hơn nữa quan hệ hợp tác trên mọi lĩnh vực mà hai nước có thế mạnh./.
Làm giàu quan hệ truyền thống Việt Nam - Mông Cổ  (29/10/2008)
Quốc hội thảo luận kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008  (29/10/2008)
Thông cáo số 11 Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XII  (29/10/2008)
Nước Mỹ đã gặp may!  (29/10/2008)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay