Diễn đàn Đối tác Phát triển Việt Nam
TCCSĐT - Ngày 05-12-2015, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam (VDPF) với chủ đề “Hướng tới cạnh tranh, tăng trưởng toàn diện và bền vững”. Đây là diễn đàn đối thoại chính sách cao cấp giữa Chính phủ Việt Nam và các đối tác phát triển về những chính sách quan trọng mà các bên cùng quan tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân Việt Nam.
Tham dự Diễn đàn có nhiều quan chức cấp cao của các bộ, ngành của Việt Nam và các tổ chức quốc tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự và phát biểu chỉ đạo.
Thành tích đạt được trong 5 năm 2011 - 2015
Trong 5 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 6%, trong khi các nước trong khu vực đạt 5,6%, làm cho quy mô nền kinh tế tăng gấp đôi; và hiện nay đạt khoảng 200 tỷ USD. Thu nhập bình quân đầu người tăng 4,8% hằng năm, hiện đạt khoảng 2.200 USD.
Tỷ lệ nghèo giảm mạnh, từ 20,7% năm 2010 xuống còn 13,5% năm 2014, nghĩa là trong 5 năm qua đã có 6 triệu người thoát nghèo. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh và trẻ em liên tục giảm, tỷ lệ trẻ còi xương giảm từ 29,3% xuống còn 24,9%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng từ 60% năm 2010 lên 71% năm 2015. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi đi học mầm non đạt 95%. Học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong kỳ thi trắc nghiệm học sinh quốc tế (PISA) năm 2012.
Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu về xây dựng hạ tầng, như xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường cao tốc, tăng công suất phát điện từ 19GW lên 32,7GW, trên 820 nghìn hộ gia đình (trên 3 triệu người) sống tại vùng nông thôn đã được kết nối điện lưới.
Trên lĩnh vực thể chế thị trường, Hiến pháp 2013 và một loạt các luật quan trọng khác đã được thông qua, trong đó có thể kể đến Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Phá sản, Luật Đấu thầu, Luật Ngân sách nhà nước… đã góp phần củng cố bộ khung pháp lý giúp nền kinh tế thị trường vận hành tốt.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: Những bước phát triển vượt bậc của Việt Nam trên chặng đường 30 năm qua đều gắn với những đổi mới có tính chất quyết định về thể chế. Thủ tướng cho biết, chỉ tính từ thời điểm sau khi ban hành Hiến pháp 2013, Việt Nam đã ban hành mới, sửa đổi 40 luật, góp phần quan trọng vào công cuộc cải cách thể chế thị trường nhằm luật hóa nguyên tắc hiến định về quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Những nỗ lực xây dựng luật đó đã thể chế hóa những cam kết quốc tế của Việt Nam.
Về phát triển trong thời gian tới, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, theo đó sẽ xây dựng nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, đa dạng hóa hình thức sở hữu nhiều thành phần kinh tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ, hiệu quả theo quy luật kinh tế thị trường.
Về các thách thức Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, hiện nay kinh tế vĩ mô của Việt Nam ổn định nhưng chưa vững chắc. Thứ nhất, cân đối ngân sách còn khó khăn, bội chi ngân sách còn cao, chưa đạt được mục tiêu giảm xuống còn 4,5% GDP. Nợ công đang tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, sử dụng vốn vay của một số dự án còn kém hiệu quả, gây thất thoát. Chất lượng tín dụng chưa cao, xử lý nợ xấu còn gặp nhiều khó khăn. Thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa đồng bộ, thiếu bền vững và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thứ hai, kinh tế Việt Nam phục hồi còn chậm. Tăng trưởng GDP bình quân đạt 5,88%, thấp hơn 5 năm trước và chưa đạt được mục tiêu đề ra. Thứ ba, chất lượng tăng trưởng còn thấp, năng suất nhiều ngành, lĩnh vực chưa cao. Năng lực quốc gia chưa được cải thiện nhiều, nhất là thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng và đổi mới công nghệ. Thứ tư, thể chế kinh tế thị trường chưa thực sự là động lực tạo đột phá để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Nhiều quy định của pháp luật chưa tuân thủ kinh tế thị trường, nhất là trong quản lý giá hàng hóa, dịch vụ công thiết yếu. Thứ năm, phát triển nguồn nhân lực và ứng dụng khoa học - công nghệ còn chậm. Chất lượng giáo dục - đào tạo cải thiện còn chậm, thiếu lao động chất lượng cao. Thứ sáu, hệ thống kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. Quy hoạch kết cấu hạ tầng, nhất là các đô thị lớn chưa đáp ứng được yêu cầu. Hiệu quả ngành điện còn thấp, chất lượng cung cấp chưa ổn định.
Những khuyến nghị chính sách
Trong bài phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015 và chuẩn bị bước sang một kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mới giai đoạn 2016 - 2020 trong điều kiện kinh tế thế giới có nhiều biến động và Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng hơn, toàn diện hơn với khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, tại Diễn đàn này, Chính phủ Việt Nam mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các đối tác phát triển về kết quả thực hiện các mục tiêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011- 2015 và những mục tiêu, định hướng cho Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, đặc biệt là những giải pháp đột phá mang tính chiến lược trong thời gian tới. Những ý kiến đóng góp này sẽ được nghiên cứu cập nhật, bổ sung vào các văn kiện của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, trình Quốc hội thông qua vào tháng 3-2016.
Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, bà V. Ka-oa (Victoria Kwakwa) sau khi khẳng định những thành tựu Việt Nam đạt được trong 5 năm qua, đã nêu ra 4 thách thức lớn mà Việt Nam phải đối diện trong thời gian tới. Đó là, thách thức về năng suất lao động, môi trường trong tăng trưởng của Việt Nam, tình trạng nghèo và phúc lợi xã hội, và, năng lực và trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Câu hỏi được đặt ra là, Việt Nam sẽ lấy nguồn ở đâu để tài trợ cho chương trình phát triển đầy tham vọng trong 5 năm tới?. Trong khi các nguồn vốn ưu đãi thu hẹp dần, nguồn thu trong nước sẽ phải đóng vai trò chính thì tỷ lệ thu ngân sách nhà nước trên GDP lại thể hiện xu hướng giảm trong 5 năm qua, từ 27% xuống còn 21%. Tăng cường huy động nguồn thu nội địa, tiết kiệm chi tiêu sẽ là yếu tố quan trọng giúp hoàn thành các mục tiêu phát triển mà không chịu rủi ro mất bền vững nợ. Ngoài ra, nguồn vốn ODA cũng phải được sử dụng hiệu quả hơn nhằm thu hút vốn tư nhân.
Khuyến nghị của ông G. Đăn (Jonathan Dunn) Đại diện thường trú Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô trong đó có các vấn đề về chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái, chính sách tài khóa, thúc đẩy cải cách cơ cấu (trong đó, cải cách khu vực tài chính vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu và tăng cường cải cách doanh nghiệp nhà nước). Theo ông, kế hoạch cải cách doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 sắp tới là một cơ hội tốt để đề ra các mục tiêu cụ thể cho việc cải cách doanh nghiệp nhà nước. Ngoài việc đặt ra các mục tiêu cổ phần hóa nên chú trọng đến tính minh bạch, quản trị, quản lý nhằm tăng năng suất, cải cách hoạt động và sự phối hợp giữa các bộ ngành trong cải cách doanh nghiệp nhà nước,… giúp các doanh nghiệp được tiếp cận một cách bình đẳng các thị trường và nguồn lực, bao gồm cả đất đai và vốn.
Ông E. Xít-uých (Eric Sidgwick), Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho rằng, vì nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục phát triển, đất nước đang ngày càng giàu hơn nên Việt Nam bắt đầu phải đối mặt với những thách thức về nguồn tài chính để xây dựng kết cấu hạ tầng. Theo ông, để giải quyết thách thức này, Việt Nam cần tận dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA sẵn có. Hiện nay, khả năng tận dụng tối đa nguồn lực ODA của Việt Nam khá hạn chế bởi các chính sách phức tạp không cần thiết làm kéo dài quá trình chuẩn bị và phê duyệt của các dự án do bên ngoài tài trợ, làm giảm hiệu suất và hiệu quả của nguồn tài chính bên ngoài đối với việc hỗ trợ kết cấu hạ tầng… Để giúp chính phủ và các đối tác phát triển nâng cao việc lập kế hoạch và huy động nguồn hỗ trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính cần phối hợp trong việc đưa ra kế hoạch huy động vốn vay trung hạn từ bên ngoài.
Bà P. Mê-ta (Pratibha Mehta) Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam nhấn mạnh đến thách thức trong quá trình thức hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), đồng thời khuyến nghị: Trong khi vẫn phải duy trì nền giáo dục cơ bản và y tế, cần mở rộng cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng cao và những chương trình đào tạo nghề và kỹ thuật để tạo thêm nhiều cơ hội cho thị trường lao động đang ngày càng phát triển. Bảo hiểm y tế cần phải tiến một bước thật dài để mang lại sự bảo đảm toàn diện có ý nghĩa cho người dân. Mở rộng chương trình bảo trợ xã hội dựa trên vòng đời của con người là yếu tố thiết yếu cho mô hình phát triển mang tính cải tiến toàn diện và công bằng./.
Phát triển mạnh kinh tế biển gắn chủ quyền quốc gia  (05/12/2015)
Nhật Bản-Trung Quốc lên kế hoạch đàm phán cấp cao về hàng hải  (05/12/2015)
Bầu cử Venezuela: Cách mạng Bolivar trước thử thách đầy cam go  (05/12/2015)
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm Đại thi hào Nguyễn Du  (05/12/2015)
Thủ tướng phát lệnh thông xe cao tốc Hà Nội-Hải Phòng  (05/12/2015)
Trung Quốc cải tạo đảo ở Biển Đông gây xói mòn lòng tin trong khu vực  (05/12/2015)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam