Diễn ra trong ba ngày (từ ngày 20 đến ngày 22-11-2013) tại tỉnh bang Nova Scotia (Canada), Diễn đàn An ninh quốc tế Halifax lần thứ 7 với sự tham gia của khoảng 300 đại biểu từ 60 nước đã chia sẻ nhiều ý kiến, kinh nghiệm về các vấn đề an ninh, cũng như bàn thảo sâu rộng về những cách thức đối phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh nổi lên hiện nay.

Cung cấp thông tin hữu ích

Trong bối cảnh an ninh thế giới hiện nay có những diễn biến phức tạp, khó lường, các nước đang phải đối mặt với không ít những thách thức an ninh nghiêm trọng đang nổi lên. Do vậy, Halifax 7 được coi là diễn đàn cung cấp những nguồn thông tin đầu vào quan trọng, giúp các chính phủ, giới hoạch định chính sách, quân đội, giới học giả và truyền thông có cái nhìn tổng quan và đa chiều về những vấn đề an ninh lớn của thế giới, cũng như các thách thức đang đặt ra, để qua đó, xây dựng chiến lược hợp tác và ngăn chặn hiệu quả trong thời gian tới.

Nhấn mạnh tới sự phức tạp và nguy hiểm của các mối đe dọa an ninh toàn cầu vượt quá khả năng tự giải quyết của từng quốc gia đơn lẻ, Bộ trưởng Quốc phòng Canada Harjit Sajjan cho rằng, Diễn đàn này là nơi để các bên tìm kiếm cơ hội hợp tác đối phó với các thách thức an ninh. Theo đó, chia sẻ những ý tưởng sáng tạo mới và quan trọng nhất là thiết lập và làm mới các mối quan hệ hữu ích nhằm trang bị tốt hơn để đối phó với những thách thức trong tương lai.

Nắm bắt cơ hội này, các quan chức quốc phòng trên toàn thế giới đã tham gia các cuộc thảo luận thẳng thắn và sâu rộng về những lợi ích chung của việc thúc đẩy an ninh và dân chủ trên toàn cầu. Từ đó, có tầm nhìn bao quát và rõ ràng hơn về những thách thức an ninh hiện hữu sau các phiên thảo luận liên tiếp trên mọi lĩnh vực.

Hợp tác chống khủng bố

Trước các diễn biến kinh hoàng từ khi các vụ tấn công khủng bố xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau, ở nhiều nơi và nhằm vào những người vô tội thời gian gần đây, thế giới đang phải trải qua một kỷ nguyên đầy bất ổn. Thách thức an ninh toàn cầu dường như trở nên khó kiểm soát hơn bao giờ hết và không một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự đối phó với các mối đe dọa này. Nhất là khi, mới đây, thế giới phải chứng kiến hàng trăm nạn nhân vô tội bị thiệt mạng trong các vụ tấn công khủng bố ở Paris, vụ máy bay của Nga rơi trên bán đảo Sinai (Ai Cập), các vụ đặt bom tại Beirut (Liban), và vụ tấn công ở Mali.... đã mang lại một màu xám cho bức tranh an ninh toàn cầu với làn sóng tấn công khủng bố nguy hiểm nhất từ trước tới nay. Việc sớm nhận diện sớm các mối đe dọa an ninh, sự hợp tác giữa các nước là điều cần thiết thông qua các cuộc nhóm họp trao đổi thực chất, thẳng thắn, toàn diện. Chủ tịch Halifax Peter Van Praagh kêu gọi các quốc gia hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và IS. Ông V. Praagh nhấn mạnh, chủ nghĩa khủng bố đang tấn công các nước theo nhiều cách khác nhau và IS không phải là mối đe dọa duy nhất của thế giới. Do đó, các nước cần nhận thức rõ về các mối đe dọa để có những cách thức đối phó thích hợp.

Là một trong những hội nghị an ninh lớn nhất ở khu vực Bắc Mỹ và được coi là Shangri-La của Bắc Mỹ - nơi để các nhà hoạch định chính sách từ các chính phủ, quân đội, giới kinh doanh, học giả, truyền thông và các tổ chức quốc tế lớn gặp gỡ, thảo luận về những vấn đề an ninh quốc tế quan trọng, nhận diện các thách thức đặt ra và tìm cách ứng phó với những mối đe dọa ngày càng tăng trong thế giới nhiều biến động, một trong những nội dung quan trọng được Halifax 7 đề cập đến là việc ngăn chặn các nguồn cung cấp tài chính cho lực lượng khủng bố.

Với chủ đề này, Diễn đàn nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa các nhóm khủng bố với các băng đảng tội phạm thông qua các hình thức buôn bán vũ khí, buôn người, thuốc phiện, bắt cóc con tin đòi tiền chuộc, bán dầu mỏ ở các vùng chiếm đóng, rút trộm tiền từ các tài khoản ngân hàng. Khi có nguồn lực tài chính dồi dào, các nhóm khủng bố sẽ có nhiều khả năng tiếp cận với các công nghệ hiện đại, mua chuộc những người có thẩm quyền, tuyển mộ nhân viên, mua vũ khí… để tăng cường các cuộc tấn công. Thực tế này đang đặt ra những thách thức ngày càng lớn cho các chính phủ. Để có thể cắt nguồn cung tài chính cho lực lượng khủng bố và băng đảng tội phạm, bên cạnh các giải pháp quân sự, các chính phủ cần kiểm soát tốt hệ thống ngân hàng, ngăn chặn các thương vụ mua bán dầu của IS và các nhóm khủng bố khác, bảo vệ phụ nữ và trẻ em ở các vùng chiến sự, xây dựng chế tài trừng phạt nghiêm khắc đối với các đối tượng hỗ trợ hay tiếp tay cho khủng bố. Ở cấp độ toàn cầu, các nước phát triển cần hỗ trợ các nước đang phát triển nâng cao năng lực trong các lĩnh vực trên, đồng thời xây dựng chiến lược toàn cầu về cắt nguồn cung tài chính của lực lượng khủng bố.

Mặt trái của công nghệ cao và công nghệ sinh học

Ngoài chủ đề “nóng” về chống khủng bố, Halifax 7 bàn về vấn đề liên quan tới công nghệ cao và công nghệ sinh học, khi cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, sinh học, hóa học, quân sự,… đang tạo ra những thay đổi lớn trong mọi mặt đời sống xã hội, như làm thay đổi suy nghĩ và cách hành xử của con người, tạo ra những tiện ích lớn, thay đổi cách thức tiến hành các cuộc chiến tranh,… Tuy nhiên, theo các diễn giả, bên cạnh những lợi ích, sự phát triển của công nghệ cao và công nghệ sinh học cũng đang đặt ra những thách thức lớn cho thế giới và gây ra những hậu quả không mong muốn, như việc sử dụng các loại vũ khí tiên tiến tự động, máy bay không người lái, robot chiến trường, vũ khí hạt nhân, vũ khí sinh học, vũ khí hóa học,… Chính vì vậy, trước những tác động hai mặt của công nghệ cao và công nghệ sinh học, cần có các biện pháp quản lý hiệu quả những sáng kiến và ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học, nhất là trong lĩnh vực quân sự. Bên cạnh đó, thế giới cũng cần chú trọng nâng cao nhận thức của các chính phủ và giới hoạch định chính sách trong việc ứng dụng các sáng kiến công nghệ cao, đồng thời tăng cường giáo dục về công nghệ cho những đối tượng dễ bị ảnh hưởng nhất là giới trẻ và phụ nữ.

Đối phó với thách thức an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương

Thảo luận về những thách thức an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ, Đô đốc Harry Harris nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có tới 3 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 8 nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh nhất. Theo Đô đốc Harris, an ninh là “dưỡng khí” của thế giới vì thiếu an ninh, các nước sẽ không thể hợp tác phát triển. Để bảo đảm an ninh ở châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ sẽ tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong khu vực thông qua việc tiến hành các cuộc tập trận đa phương và thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương với các nước, như Australia, Nhật Bản, Philippines, Indonesia, Singapore, Việt Nam,… Đô đốc H. Harris nêu rõ, không cho phép bất kỳ quốc gia nào trong khu vực đe dọa môi trường và cấu trúc an ninh trong khu vực này. Mọi hoạt động phải được tiến hành trong khuôn khổ luật pháp quốc tế và các quy định đã được công nhận.

Ngoài các chủ đề về chống khủng bố, những thách thức an ninh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mặt trái của công nghệ cao và công nghệ sinh học, Diễn đàn cũng đã thảo luận về cuộc khủng hoảng di cư lớn nhất ở Liên minh châu Âu (EU) trong nhiều năm trở lại đây; những thay đổi trật tự thế giới liên quan đến các nước lớn; vai trò của Mỹ trên thế giới sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016; những vấn đề nội tại của thế giới Hồi giáo,… Diễn đàn đã giúp các nước định hình rõ hơn những thách thức an ninh đang nổi lên và đưa ra các cơ chế hợp tác hiệu quả nhằm đẩy lùi các thách thức này, vì một thế giới an ninh và hòa bình trong tương lai./.