Các hoạt động Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam
Đây là năm thứ 7 Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức sự kiện này. Sự hưởng ứng của các cấp, các ngành, các địa phương trong Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam là việc làm ý nghĩa và cần thiết nhằm góp phần phát huy sức mạnh tổng hợp cho sự phát triển bền vững biển và hải đảo Việt Nam, phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển nước ta đóng góp khoảng 53 - 55% tổng GDP của cả nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa X đã đề ra.
Nghệ An: Khai thác tiềm năng, phát triển du lịch biển đảo
Nghệ An là tỉnh có tài nguyên du lịch biển đảo phong phú, ưu thế hơn so với nhiều tỉnh, thành phố có biển ở nước ta. Với những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, môi trường trong lành, Nghệ An đã và đang khai thác để phát triển thành các điểm du lịch hấp dẫn.
Nghệ An có 82km bờ biển trải dài từ Quỳnh Lưu đến Cửa Hội với nhiều bãi tắm đẹp như bãi biển Cửa Hội, Cửa Lò (Cửa Lò), Nghi Thiết, Bãi Lữ (Nghi Lộc), Diễn Thành (Diễn Châu), Quỳnh Phương, Quỳnh Bảng, Quỳnh Liên (Quỳnh Lưu)… cùng nhiều di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, lễ hội, phong tục tập quán, làng nghề có khả năng phát triển thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn. Biển Nghệ An còn có đảo Mắt, đảo Ngư, đảo Lan Châu với môi trường biển trong lành, cảnh quan thiên nhiên đẹp, hệ động thực vật biển phong phú, với nhiều loài thủy sinh đặc hữu… là nguồn tài nguyên tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch biển. Các bãi biển và các hòn đảo này từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng, được du khách trong và ngoài nước lựa chọn làm điểm đến trong hành trình du lịch biển đảo Việt Nam.
Trong nhiều năm qua, du lịch biển đảo đã được tỉnh Nghệ An quan tâm phát triển, xem đây là mũi nhọn kinh tế của địa phương. Dù tài nguyên nhiều nhưng khả năng khai thác của Nghệ An còn hạn chế; hệ thống đường giao thông đến các điểm du lịch chưa đồng bộ, ảnh hưởng đến việc tổ chức các chương trình du lịch. Một số di tích lịch sử văn hóa bị xuống cấp nhưng chưa được trùng tu tôn tạo…
Định hướng phát triển du lịch từ nay đến năm 2020, tỉnh Nghệ An xác định tập trung phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch biển đảo làm hướng chủ đạo. Cụ thể, Nghệ An phấn đấu đón 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 235.000 lượt người, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng; hoàn thiện kết cấu hạ tầng vùng ven biển đáp ứng yêu cầu phục vụ du lịch; thu hút trên 30.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch và tạo việc làm cho 70.000 lao động gián tiếp ngoài xã hội.
Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh Nghệ An đã đề ra hướng đi cho du lịch biển đảo là phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển kết hợp tham quan các di tích lịch sử - văn hóa trong vùng. Đây vừa là loại hình, vừa là sản phẩm được đông đảo du khách lựa chọn. Bên cạnh đó, tỉnh Nghệ An còn đầu tư một số loại hình, sản phẩm du lịch biển đảo mới như trò giải trí gắn liền với biển như mô tô nước, tàu lượn, dù lượn, lướt sóng, thuyền buồm, lặn biển, câu cá, câu mực trên biển, chợ hải sản… để giữ chân du khách lâu hơn.
Tỉnh Nghệ An cũng mở các tour du lịch đảo như đưa du khách ra thăm đảo Lan Châu, đảo Song Ngư thăm các di tích, khám phá hệ thủy sinh, khu sinh thái gắn với thiên nhiên, nuôi thả động vật... Tại vùng biển Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Cửa Lò phát triển các loại hình du lịch tham quan di tích lịch sử văn hóa, tham quan làng nghề để du khách cùng trải nghiệm. Để phát triển loại hình này, các địa phương vùng biển của Nghệ An luôn chú trọng bảo tồn không gian cư trú của cư dân ven biển, nhiều di sản vật thể liên quan đến văn hóa biển vẫn được lưu giữ, lễ tục truyền thống, làng nghề của cư dân miền biển vẫn được bảo tồn, duy trì và phát huy.
Để có thể tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, bên cạnh sử dụng nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, Nghệ An còn huy động thêm nguồn vốn từ các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cũng tăng cường hỗ trợ cộng đồng cư dân biển thông qua nhiều hình thức như tạo việc làm, hướng dẫn nghiệp vụ, cách ứng xử, đặc biệt là chia sẻ quyền lợi trên tinh thần công bằng và bình đẳng.
Xu thế du lịch của du khách hiện nay không chỉ là đi để khám phá vùng đất mới mà còn là để thưởng thức ẩm thực, tham quan chiêm bái lễ hội, khám phá đời sống của cư dân và tự thân trải nghiệm trong không gian cư trú, văn hóa, tâm linh của cộng đồng dân cư ở điểm đến. Nắm bắt xu thế đó, cộng đồng cư dân vùng biển Nghệ An nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo, bảo tồn các di sản văn hóa và giá trị văn hóa biển đảo. Chính quyền địa phương vùng biển cũng tiếp tục trang bị cho cộng đồng kiến thức pháp lý về chủ quyền biển đảo, nâng cao năng lực tham gia hoạt động du lịch biển đảo của người dân, quan tâm hỗ trợ sinh kế cho người dân, khuyến khích họ tham gia vào hoạt động du lịch biển đảo, để người dân trở thành một trong những trụ cột chính phát triển du lịch biển đảo bền vững.
Huyện đảo Cô Tô phát huy tiềm năng mũi nhọn ngư nghiệp
Cô Tô (Quảng Ninh) là một huyện đảo tiền tiên vùng Đông Bắc. Thiên nhiên đã ban tặng cho huyện đảo này một vị trí địa lý thuận lợi với nhiều hải sản quý hiếm. Bà con nơi đây từ lâu đã tận dụng những ưu thế này để khai thác thuỷ sản phục vụ nhu cầu người dân toàn tỉnh và các tỉnh lân cận.
Nghề mưu sinh chủ yếu của người dân nơi đây là đi biển. Biển Cô Tô được thiên nhiên ưu đãi với nhiều sản vật quý như: ngọc trai, tôm rồng, cầu gai, bào ngư… và gần 1.000 loài cá. Trong đó khoảng 60 loài có giá trị kinh tế cao, có trữ lượng lớn, là đối tượng đánh bắt thường xuyên như: cá hồng, song, mú, thu, chim… Hiện nay, Cô Tô có khoảng 2.000 lao động ngư nghiệp, hàng năm huyện đảo đã tổ chức đánh bắt và nuôi trồng khối lượng thuỷ sản lớn cung cấp cho đất liền. Tổng sản lượng thuỷ sản khai thác và đánh bắt hàng năm là 14.150 tấn.
Đặc biệt trong vài năm gần đây, huyện đảo có nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả như: các mô hình nuôi trồng thủy sản bãi triều, mặt nước, nhiều hộ gia đình có thu nhập 50-100 triệu đồng/năm, có hộ thu nhập hàng tỷ đồng/năm nhờ khai thác và chế biến sứa biển; kinh tế thủy sản vượt kế hoạch cả năm (432% kế hoạch).
Mặc dù vùng biển Cô Tô có thế mạnh về khai thác thuỷ sản nhưng những năm qua hoạt động đánh bắt thủy sản ở Cô Tô vẫn chưa khai thác được hết tiềm năng thế mạnh, do khó khăn về khoảng cách, lương thực, thực phẩm, xăng dầu, công tác bảo quản, sơ chế. Việc đánh bắt thuỷ sản ở Cô Tô chủ yếu vẫn ở gần bờ, khiến cho nguồn lợi thuỷ sản của địa phương đang phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn.
Chính vì vậy, năm 2009, dự án Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Vịnh Bắc Bộ được khởi công xây dựng tại Cô Tô với mức đầu tư trên 400 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình Biển Đông - Hải đảo, chương trình hỗ trợ mục tiêu đầu tư các khu neo đậu tránh trú bão, ngân sách tỉnh, ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác.
Dự án này được kỳ vọng sẽ là chìa khóa để tháo gỡ những khó khăn trên, trở thành điểm tựa cho tàu thuyền đánh bắt xa bờ, sẽ góp phần đưa Cô Tô thực sự trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá của cả khu vực Vịnh Bắc Bộ, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản của huyện. Đây cũng là nơi trú bão cho các phương tiện đánh bắt thủy sản, các phương tiện kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng chức năng. Ngoài ra, Trung tâm sẽ là nơi cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho ngư dân như dầu diezel, nước ngọt, hàng đông lạnh, lương thực, vật tư ngư nghiệp… cho khoảng 2.000 tàu đánh bắt hải sản, bám biển dài ngày. Đồng thời đây cũng sẽ là đầu mối vận tải hàng hoá lớn nhất, đặt nền tảng phát triển cho ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản của huyện đảo.
Hiện tại, dự án đã hoàn thành giai đoạn 1 và đi vào hoạt động, giai đoạn 2 đang triển khai.
Tuyên truyền nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, tài nguyên biển, đảo tại Khánh Hòa
Sáng ngày 06-6, tại Trường Đại học Nha Trang, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Lễ mít tinh và hưởng ứng Ngày Môi trường, Ngày Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2015, với sự tham dự của hơn 1.000 sinh viên.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, thời gian tới toàn ngành giáo dục cần tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, giảng viên, giáo viên, sinh viên và học sinh đối với công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, hải đảo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đẩy mạnh việc đưa nội dung bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giáo dục tài nguyên, môi trường biển, hải đảo và chủ quyền biển đảo của Việt Nam vào chương trình giáo dục, đào tạo trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Các thầy cô giáo, học sinh, sinh viên và bậc phụ huynh tích cực tham gia hoạt động bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như thăm hỏi, động viên cán bộ, người dân đang sinh sống tại vùng bãi ngang, hải đảo và chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, với hơn một triệu cán bộ, giáo viên, giảng viên và gần 23 triệu học sinh, sinh viên, ngành giáo dục là lực lượng hùng hậu, xung kích về công tác tuyên truyền, vận động cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên biển đảo và chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định và phát triển đất nước.
Nam Định: Trồng rừng ngập mặn giảm thiểu rủi ro thảm họa
Được triển khai từ năm 1997 đến nay tại các xã ven biển tỉnh Nam Định, Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” đã góp phần quan trọng ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng suy thoái môi trường ven biển, chống lại các tác động của biến đổi khí hậu. Nhờ dự án này, cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân , trong đó có nhiều hộ nghèo đã được cải thiện, góp phần xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” được Hội Chữ thập đỏ Vương quốc Đan Mạch tài trợ. Từ năm 2006 đến nay, dự án được tài trợ bởi Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản. Các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ giống cây, hướng dẫn cách trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng ngập mặn.
Dự án đã hỗ trợ trồng được 6.510 ha rừng ngập mặn ở 15 xã của 3 huyện ven biển tỉnh Nam Định là: Hải Hậu, Giao Thủy và Nghĩa Hưng, góp phần ngăn chặn, từng bước đ ẩy lùi tình trạng suy thoái môi trường, bảo tồn đa dạng sinh vật và cải thiện môi trường tại các huyện ven biển của tỉnh. Dự án có vai trò quan trọng trong việc hạn chế các tác động rủi ro trong xu thế biến đổi khí hậu, tạo thêm thu nhập cho người dân, giúp các hộ nghèo ven biển cải thiện cuộc sống, xoá đói giảm nghèo.
Dự án đã phát huy hiệu quả trong việc hạn chế thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra, làm chậm dòng chảy, giảm độ cao của sóng, bảo vệ đê biển. Dự án cũng đã làm thay đổi thói quen, hành vi của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường. Nhận thức của người dân các xã ven biển ngày càng nâng lên. Nhân dân tích cực tham gia trồng, bảo vệ rừng, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Để bảo vệ bền vững môi trường ven biển tỉnh Nam Định, năm 2015, bên cạnh việc duy trì hiệu quả của Dự án, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Nam Định sẽ triển khai hoạt động trồng rừng ngập mặn nằm trong Dự án “Rừng và Đồng bằng” do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Winrock International (một tổ chức phi Chính phủ của Mỹ) tài trợ.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Giao An Vũ Đức Phương cho biết: Sau hơn 18 năm triển khai, dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp bảo vệ đê biển, chống biển đổi khí hậu, phòng ngừa thảm họa, thiên tai. Người dân trong xã sinh sống ở khu vực ven biển đã cảm nhận rõ sự thay đổi của cường độ sóng biển, sức gió vào mùa mưa bão theo chiều hướng tích cực. Đặc biệt, diện tích rừng ngập mặn đã trồng có tác dụng bồi cao nền đất bảo vệ vững chắc cho tuyến đê biển trên địa bàn. Thực tế cho thấy, ở các đoạn đê biển có rừng ngập mặn che chắn đã hạn chế tình trạng sạt lở, xói mòn, triều cường giảm nên không xảy ra tình trạng vỡ đê. Chi phí tu bổ đê biển hàng năm cũng giảm đáng kể. Các chủ đầm tôm cũng không còn lo lắng đến tình trạng tràn nước làm vỡ nuôi tôm. Hoạt động nuôi trồng thủy sản dần đi vào ổn định, người dân yên tâm phát triển kinh tế gắn với biển. Không những vậy, diện tích rừng ngập mặn được trồng phát triển tốt đã tích tụ đất phù sa, tạo môi trường sống làm cho sinh vật biển ở đây sinh trưởng, phát triển ngày càng phong phú, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong vùng thụ hưởng dự án, nhất là người nghèo có thêm thu nhập từ hoạt động khai thác thủy hải sản, nuôi ong lấy mật...../.
Mở ra chân trời hợp tác mới với các nước châu Âu, Bắc Phi  (07/06/2015)
Ngành Y tế chủ động, tích cực phòng chống MERS-CoV tại Việt Nam  (07/06/2015)
Xây Bộ luật Dân sự thành luật chung của hệ thống pháp luật  (07/06/2015)
Xây Bộ luật Dân sự thành luật chung của hệ thống pháp luật  (07/06/2015)
Chia sẻ cách tiếp cận của châu Âu-châu Á về tranh chấp lãnh thổ  (07/06/2015)
Chia sẻ cách tiếp cận của châu Âu-châu Á về tranh chấp lãnh thổ  (07/06/2015)
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay