Chia sẻ cách tiếp cận của châu Âu-châu Á về tranh chấp lãnh thổ
Hội thảo lần này do Học viện Ngoại giao tổ chức với sự hỗ trợ của Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Tham dự Hội thảo có hơn 140 đại biểu, trong đó có gần 30 chuyên gia luật quốc tế trong và ngoài nước, một thành viên Tòa án Trọng tài thường trực quốc tế, một cựu thẩm phán, phó chánh án Tòa án Luật biển quốc tế, cùng nhiều học giả và chuyên gia phân tích chính sách đến từ châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á.
Hội thảo cũng có sự tham dự của đại biểu từ nhiều bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương, đại diện các phái đoàn ngoại giao và các cơ quan nghiên cứu học thuật.
Với 20 tham luận và gần 60 ý kiến thảo luận, các đại biểu trong nước và quốc tế đã thảo luận nhiều khía cạnh liên quan đến giải thích và áp dụng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển quốc tế 1982.
Các học giả đã diễn giải về quy chế pháp lý đối với các vùng biển và thực thể trên biển (đảo, đá, bãi cạn, đảo nhân tạo…) từ góc độ luật học và thực tiễn quốc gia. Các đại biểu cũng đánh giá về thực trạng và các biện pháp hợp tác nhằm tăng cường an ninh biển tại châu Á trong các lĩnh vực như chống va chạm trên biển, chống cướp biển, cướp có vũ trang trên biển, tìm kiếm cứu nạn, tăng cường nhận thức về lĩnh vực hàng hải và hợp tác chia sẻ thông tin.
Bên cạnh đó, các đại biểu đã tìm hiểu và chia sẻ kinh nghiệm về phát triển hợp tác và nâng cao năng lực quản lý biển của châu Âu như kinh nghiệm xây dựng chính sách hợp tác biển, xây dựng mô hình hợp tác quản lý nghề cá, khai thác chung, bảo vệ môi trường. Các đại biểu cũng dành thời gian trao đổi kinh nghiệm về giải quyết tranh chấp biển thông qua các biện pháp ngoại giao và cơ quan tài phán.
Về quy chế pháp lý đối với các vùng biển và thực thể trên biển, nhiều ý kiến cho rằng mặc dù hiện nay vẫn tồn tại một số khác biệt trong cách lý giải của các quốc gia về các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982, Công ước Luật biển 1982 đã tạo khung pháp lý tương đối rõ ràng cho việc xác định tính chất và khả năng tạo ra các vùng biển của các thực thể trên biển.
Theo đó, một thực thể chỉ được công nhận là “đảo” và có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa khi là các đảo hình thành tự nhiên, có thể duy trì sự cư trú của con người hoặc có đời sống kinh tế riêng. Trong đó, đặc điểm hình thành tự nhiên được coi là điều kiện tiên quyết để xác định quy chế pháp lý đối với các đảo.
Các đại biểu đều nhấn mạnh rằng việc xây dựng, bồi đắp mở rộng các thực thể trên biển thành các đảo nhân tạo không thể giúp nâng cấp các thực thể này thành đảo.
Bên cạnh đó, các đại biểu đều thống nhất cho rằng một quốc gia xây dựng và mở rộng biến các bãi ngầm hoặc bãn cạn nửa nổi nửa chìm thành các đảo nhân tạo chỉ có thể tiến hành trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của quốc gia đó hoặc tại các vùng biển nằm ngoài quyền tài phán của tất cả các nước.
Về tình hình an ninh biển tại châu Á, các học giả cho rằng các vùng biển tại khu vực Đông Nam Á là những tuyến đường biển trọng yếu bởi tiếp giáp với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời là đầu mối kết nối truyền thông và thương mại quốc tế.
Các mối đe doạ an ninh phi truyền thống từ cướp biển và cướp có vũ trang đã gây ra các tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến các tuyến đường chiến lược này. Trong hơn một thập kỷ qua, nhiều nỗ lực của các quốc gia đã được thiết lập để giúp các quốc gia cùng giải quyết thách thức đối với an ninh biển.
Tuy nhiên, các nỗ lực hợp tác đó đang gặp nhiều thách thức do nhiều tranh chấp, bất đồng còn tồn tại khiến lòng tin giữa các bên bị suy giảm. Bên cạnh đó, hạn chế về kỹ thuật, công nghệ cũng tạo khó khăn cho việc chia sẻ thông tin và phối hợp hành động giữa các quốc gia trong khu vực.
Trong bối cảnh này, các nước EU có thể đóng vai trò cầu nối hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm hợp tác biển, giúp các quốc gia châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng cùng hành động để đảm bảo an toàn hàng hải, an ninh môi trường biển.
Về kinh nghiệm hợp tác quản lý biển, các đại biểu cho rằng trong bối cảnh giữa các quốc gia trong khu vực vẫn còn một số khác biệt trong nhận thức về lợi ích, cách tiếp cận tối ưu đối với các vấn đề quản lý đánh bắt hải sản, bảo vệ môi trường, quản lý biển cần dựa vào việc tuân thủ nghiêm túc luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS.
Đặc biệt, để có thể thiết lập các mô hình phát triển chung và phối hợp khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, các bên liên quan cần đạt đồng thuận và xác định rõ khu vực tranh chấp phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế. Ngoài ra, các bên nên thúc đẩy hợp tác xây dựng lòng tin trong một số lĩnh vực chuyên môn như nghiên cứu khoa học biển, tìm kiếm cứu nạn và bảo vệ môi trường biển.
Về giải quyết tranh chấp biển, các đại biểu nhấn mạnh việc giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trong đó bao gồm cả các biện pháp đàm phán trực tiếp và giải quyết thông qua tòa án hoặc trọng tài.
Đặc biệt, với các tranh chấp chủ quyền có lịch sử lâu dài và không thể đàm phán, các bên nên cùng giải quyết thông qua tòa án hoặc trọng tài; còn với các tranh chấp biển, các bên nên đàm phán trực tiếp để đạt được thoả thuận một cách phù hợp nhất, biện pháp đưa ra phân xử ở tòa án hay trọng tài là biện pháp cuối cùng.
Luật quốc tế về phân định biển qua thực tiễn các quốc gia đã được thiết lập rõ ràng theo hướng mang lại công bằng cho các bên. Tuy nhiên, triển vọng áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp vào tranh chấp Biển Đông hiện nay đang bế tắc do nguy cơ leo thang tranh chấp và xung đột vũ trang từ hàng loạt các vụ việc về nghề cá, thăm dò khai thác dầu khí, sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực và xâm phạm đến quyền tự do hàng hải và hàng không.
Trong bối cảnh này, một mặt các bên cần tích cực áp dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp quốc tế, trong đó có cơ chế của UNCLOS, và mặt khác cần xây dựng các quy tắc để quản lý tranh chấp, kiểm soát xung đột, trong đó có việc sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử có hiệu lực ràng buộc (COC).
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Đại sứ Franz Jessen, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận định, Hội thảo đã diễn ra trong bầu không khí rất cởi mở, thẳng thắn, tạo cơ hội cho nhiều chia sẻ chân thành và khuyến nghị mang tính tích cực, xây dựng nhằm thúc đẩy hợp tác an ninh và quản lý biển giữa hai khu vực châu Á và châu Âu.
Đại sứ bày tỏ sự vui mừng nhận thấy EU có thể đóng vai trò tích cực hỗ trợ các quốc gia châu Á tăng cường hợp tác trong các vấn đề biển và khẳng định EU sẵn sàng phối hợp với Việt Nam để tổ chức các hội thảo tương tự để tạo diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm thường xuyên về các vấn đề mà cả hai bên cùng quan tâm.
Đại sứ, tiến sỹ Đặng Đình Quý, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam nhận định đây là Hội thảo quốc tế đầu tiên có thời gian chia sẻ sâu về luật pháp quốc tế, tạo cơ hội cho các bên liên quan hiểu hơn về vai trò của luật quốc tế trong quản lý và giải quyết tranh chấp biển.
Trong hội thảo, tất cả các bên đều nhất trí về vai trò của việc tuân thủ và áp dụng luật pháp quốc tế để đạt được giải pháp lâu dài và toàn diện ở Biển Đông. Hội thảo cũng là cơ hội giúp các bên liên quan và cộng đồng quốc tế hiểu hơn về những lo ngại, quan tâm của các nước trong khu vực với các vấn đề trên biển.
Đại sứ nhận định các nước EU với bề dày kinh nghiệm về xây dựng và thực thi luật pháp quốc tế, giải quyết hòa bình tranh chấp có thể cung cấp tiếng nói có giá trị tham khảo lớn và bày tỏ hy vọng các nước EU tiếp tục hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm để các quốc gia trong khu vực có cùng nhận thức chung trong việc giải thích và vận dụng luật pháp quốc tế nhằm quản lý các xung đột và xây dựng các mô hình hợp tác biển hiệu quả tại Biển Đông./.
Lãnh đạo G7 thảo luận về tình hình căng thẳng ở Biển Đông  (07/06/2015)
Lãnh đạo G7 thảo luận về tình hình căng thẳng ở Biển Đông  (07/06/2015)
Lãnh đạo của Đức và Pháp sắp thảo luận về nợ với Hy Lạp  (07/06/2015)
Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới  (07/06/2015)
Tăng cường tin cậy chính trị và mở ra triển vọng hợp tác mới  (07/06/2015)
Hà Nội và thành phố Ulan Bator chia sẻ kinh nghiệm phát triển  (07/06/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Tỉnh Quảng Trị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo một số nhiệm vụ trọng tâm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên