TCCSĐT - Ngày 18-12-2014, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Chiến lược phát triển và Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế và trong nước về ứng phó với các biến đổi nhân khẩu học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và các hàm ý chính sách đối với Việt Nam (lần thứ 2)”.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách và các nhà lập kế hoạch phát triển thông tin cập nhật về các vấn đề dân số nổi bật và những ảnh hưởng của biến đổi nhân khẩu học.

Đến dự Hội thảo có các đồng chí: Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển; ông A-thơ Ơ-ken (Arthur Erken), Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam; đại diện Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế, các học giả đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Vương quốc Anh, Việt Nam cùng các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho rằng, Việt Nam đang trong thời kỳ dân số vàng với đặc trưng là số người trong độ tuổi lao động lớn khoảng gấp đôi, nếu được chăm lo tốt, nhất là về vấn đề giáo dục và đào tạo, kinh tế và chăm sóc sức khỏe, lực lượng lao động này sẽ tạo nên nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Và ngược lại, nếu không có chính sách và đầu tư tốt thì đây sẽ trở thành gánh nặng đối với xã hội. Bên cạnh những cơ hội có được từ biến đổi nhân khẩu học, đó là vấn đề dân số, tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị, vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe, vấn đề giáo dục và đào tạo, giải quyết việc làm cho lực lượng lao động trẻ đang rất cần những giải pháp ứng phó với các biến đổi nhân khẩu học. Việt Nam hiện nay đang trong quá trình xây dựng các văn kiện để trình Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII và các văn bản mang tính chiến lược, định hướng phát triển đất nước trong thời kỳ từ nay đến năm 2020 và tầm nhìn 2035. Nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó bắt nguồn từ các vấn đề dân số, biến đổi nhân khẩu học. Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương tin tưởng rằng, với sự hỗ trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng như các tổ chức quốc tế và chính phủ các nước, Việt Nam sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020.

Hội thảo nhận được nhiều tham luận của các học giả Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Vương quốc Anh và Việt Nam. Các tham luận đều xoay quanh các vấn đề phát triển nguồn nhân lực và đào tạo nghề; thực trạng di cư; ứng phó về mặt chính sách với già hóa dân số; ứng phó với biến đổi nhân khẩu học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phát triển nguồn nhân lực và việc làm trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng; tác động của năng suất lao động theo tuổi và chuyển dịch lao động tới năng suất lao động; vấn đề bình đẳng giới và phát triển kinh tế - xã hội; một số kinh nghiệm của các nước và bài học cho Việt Nam,…

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam A-thơ Ơ-ken khẳng định, Hội thảo hôm nay là cơ hội quý giá để thảo luận về các vấn đề kinh tế - xã hội, dân số và phát triển nhằm cung cấp thông tin tốt hơn đến Ban Soạn thảo Báo cáo Việt Nam 2035. Đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam đã đưa ra kế hoạch chuẩn bị kỹ càng cho quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn tới, từ góc nhìn quốc tế ông A-thơ Ơ-ken nhận định, công việc này rất quan trọng trong bối cảnh chương trình nghị sự phát triển sau năm 2015.

Nhân khẩu là vấn đề có tầm quan trọng, liên quan chặt chẽ đến nguồn nhân lực và dân số nói chung của quốc gia, Việt Nam đang trải qua thời kỳ biến đổi nhân khẩu học to lớn trong vài thập kỷ vừa qua, mức sinh và mức chết đã giảm rõ rệt, di cư nội địa diễn ra trên diện rộng lớn dẫn tới đô thị hóa nhanh chóng, dân số đang già hóa nhanh chóng và mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn đang là những vấn đề dân số nổi bật. Thêm vào đó, Việt Nam đang bước vào thời kỳ dân số vàng, trong giai đoạn này chúng ta cần tăng cường tối đa lợi tức nhân khẩu học với lực lượng lao động lớn nhất từ trước tới nay, cũng như cần có những chính sách ứng phó đúng đắn với biến đổi nhân khẩu học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước./.