Nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS
“Áo nâu” phòng chống HIV/AIDS
Hơn 3 năm qua, nhiều người dân khu vực quận Gò Vấp, Phú Nhuận, nhất là đối với những người nhiễm H đã không xa lạ gì với hình ảnh của một nhà sư, Đại đức Thích Đồng Nguyện thường xuyên tham gia các buổi tuyên tuyền, tư vấn về các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn. Kể về cơ duyên tham gia hoạt động phòng chống HIV/AIDS, Đại đức Thích Đồng Nguyện (hiện đang tu tập tại chùa Pháp Bảo, quận Gò Vấp) cho biết: Trong khoảng thời gian theo học ở Học viện Phật giáo tại Thành phố Hồ Chí Minh, Học viện và Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) đã phối hợp cùng thực hiện một chương trình phòng chống HIV/AIDS và khuyến khích các tăng ni sinh tham gia. Từ đây, thầy Nguyện dần tiếp cận với kiến thức về HIV/AIDS và bắt đầu tham gia công tác xã hội, cùng các tình nguyện viên đã tổ chức nhiều đợt truyền thông phòng chống HIV/AIDS tại khu dân cư, nhà trọ, các chùa… và trở thành Trưởng nhóm truyền thông về HIV/AIDS tại Học viện.
Năm 2011, với sự đồng thuận và hỗ trợ của sư thầy trụ trì, thầy Thích Đồng Nguyện đã thành lập phòng tham vấn và hỗ trợ cộng đồng tại chùa Pháp Bảo. Để những người có H dễ dàng nhận được sự tham vấn, thầy Thích Đồng Nguyện đã đưa số điện thoại của mình lên một số diễn đàn dành cho những người có nguy cơ cao để thuận tiện cho việc tư vấn "mọi lúc, mọi nơi". Đối tượng cần thầy Thích Đồng Nguyện tư vấn cũng rất đa dạng, người người đang trong tình trạng lo lắng do nghi nhiễm H, có khi là người đã nhiễm H muốn kiểm tra tình trạng sức khỏe hoặc đơn giản chỉ là chia sẻ nỗi buồn lúc chịu sự kỳ thị của cộng đồng. Cũng có trường hợp chưa biết thầy Nguyện là ai, nhưng vẫn gọi điện để nhờ thầy trực tiếp hỗ trợ đưa đi Bệnh viện Nhân Ái (nơi chăm sóc và điều trị cho những người mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối tại tỉnh Bình Phước) chữa bệnh khi xung quanh họ không còn ai…
“Bản thân những người có H chịu sự thiệt thòi rất nhiều, họ chịu sự kỳ thị của cộng đồng và thiếu sự hỗ trợ về tinh thần từ người thân và xã hội. Thậm chí, có trường hợp khi gặp, tôi hỏi nguyện vọng của họ là gì thì họ trả lời: “cho con một lon nước ngọt”, bởi đơn giản là đã rất lâu rồi người đó không được ăn uống tử tế. Đôi khi nguyện vọng cuối cùng của người mắc bệnh AIDS giai đoạn cuối không có gì là cao siêu cả, chỉ là bữa ăn no, đôi dép mới... Vì vậy, những gì chúng tôi có thể làm được thì chúng tôi làm để họ an lòng trước khi nhắm mắt.”, thầy Thích Đồng Nguyện chia sẻ.
Sự tận tâm phục vụ vì cộng đồng của sư thầy Thích Đồng Nguyện cũng đã thu hút nhiều người tham gia công tác xã hội. Để có tư cách pháp nhân cho các hoạt động liên quan đến vấn đề tài trợ, tháng 2-2014, Trung tâm tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo trực thuộc Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam do thầy Thích Đồng Nguyện làm Giám đốc được thành lập. Tuy chỉ có 5 thành viên chủ chốt và 9 tiếp cận viên, nhưng Trung tâm Pháp Bảo đã tổ chức, xây dựng được rất nhiều hoạt động hỗ trợ trường hợp có H. Chỉ trong một thời gian ngắn, Trung tâm đã tiếp cận để tư vấn cho khoảng 700 người có vợ hoặc chồng là người nhiễm H, tổ chức khám và phát thuốc cho người có H, tư vấn cắt cơn cho người nghiện, tổ chức các khóa tu cho người nghiện, người có H, chuyển 20 trường hợp nhiễm H đến các bệnh viện… Thầy Nguyện còn liên hệ được với một công ty cung cấp thực phẩm chức năng cho 15 người có H được uống thường xuyên để tăng sức đề kháng, chống lại các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Hầu hết các tiếp cận viên của trung tâm đều là người có H và có hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nhận được sự hỗ trợ từ thầy Thích Đồng Nguyện, họ đã tình nguyện tham gia vào lực lượng tiếp cận viên Trung tâm Pháp Bảo để giúp đỡ cho những người đồng cảnh ngộ.
Để người nhiễm H, có thể ổn định được cuộc sống, xóa đi mặc cảm và hòa nhập cộng đồng, thầy Thích Đồng Nguyện đã tìm cách tạo việc làm cho người nhiễm H như làm nhang, bán nhang... Thầy Thích Đồng Nguyện cho biết: Sẽ tiếp tục tìm kiếm nhiều công việc hơn nữa cho người có H, trong đó tập trung vào những việc họ có thể làm ở nhà, phù hợp với sức khỏe của họ. Đồng thời, thành lập một nhóm nòng cốt để hỗ trợ, chăm sóc cho những người mắc bệnh AIDS những ngày cuối đời vô gia cư và huy động nguồn lực xã hội để lo ma chay cho những trường hợp này.
Đánh giá cao mô hình hoạt động ở Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo, bà Nguyễn Thị Huệ, Trưởng phòng Truyền thông và Huy động cộng đồng của Văn phòng Ủy ban Phòng chống HIV/AIDS Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, thông thường những người khi biết bản thân mình nhiễm H sẽ bị khủng hoảng tâm lý, buông xuôi, không muốn hợp tác điều trị bệnh… Khi đó, các tổ chức dựa vào cộng đồng thuộc tôn giáo như Trung tâm Tham vấn và hỗ trợ cộng đồng Pháp Bảo của thầy Thích Đồng Nguyện là một điểm tựa cho người nhiễm H. Từ đó, các chính sách hỗ trợ, chăm sóc cho người có H sẽ đạt hiệu quả cao hơn, góp phần xoá được mảng trống trong công tác dự phòng bệnh này. Trong điều kiện kinh phí cho hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên cả nước đang ngày càng giảm thì mô hình hoạt động dựa vào cộng đồng, xã hội hóa trong đó có các tổ chức tôn giáo được xem là mô hình phòng chống HIV/AIDS bền vững và cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Mở rộng điều trị bằng thuốc ARV cho người nhiễm HIV/AIDS
Điều trị bằng ARV - thuốc kháng vi rút HIV cho người nhiễm HIV/AIDS mang lại nhiều lợi ích cho người nhiễm và cả xã hội. Vì vậy, Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị mở rộng điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS bằng ARV hướng đến mục tiêu thanh toán HIV/AIDS vào năm 2030.
Theo UBND thành phố, hiện thành phố có 35 phòng khám ngoại trú, chăm sóc và điều trị cho 26.500 bệnh nhân, trong đó điều trị thuốc ARV cho 23.800 bệnh nhân. Bà Trương Ngọc Nhu - Chi Hội trưởng Chi hội Phát Tâm (thuộc hội phòng chống HIV/AIDS quận Bình Thạnh) cho biết: Tôi từng tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS, người họ đầy những vết lở loét, đi phải khúm núm vì đau… nhưng sau một thời gian được điều trị bằng thuốc ARV họ như được “hồi sinh” . Anh T.V.Hiếu - một trong số những bệnh nhân đang được điều trị bằng ARV, ngụ tại Tân Bình chia sẻ: Cách đây 3 năm khi chưa được điều trị bằng ARV tôi chỉ nặng 29 kg, cả người nổi đầy hạch như mụn cóc. Gia đình cũng đã chuẩn bị hậu sự vì nghĩ tôi chỉ còn sống vài tuần. Thế nhưng, khi được thành phố hỗ trợ điều trị miễn phí ARV, sau hơn ba tháng sức khỏe của tôi dần được cải thiện. Khi có thể lao động trở lại, tôi nhận gia công giày bỏ mối cho các cửa hàng bán giày dép, cuộc sống vì thế đã ổn định hơn.
Không chỉ giúp người nhiễm HIV/AIDS nâng cao chất lượng cuộc sống, việc điều trị bằng ARV còn mang lại lợi ích cho cả cộng đồng. Theo Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Trường Giang - Chủ tịch Hội Y tế cộng đồng, cố vấn chương trình AIDS của thành phố: Một nghiên cứu gần đây của thành phố trong 596 bệnh nhân AIDS được điều trị bằng ARV, cứ 10 người được điều trị có tới 9 người không còn là nguồn lây HIV/AIDS cho người khác. Bởi khi điều trị ARV tốt, tải lượng vi rút HIV của người nhiễm sẽ được giảm xuống chỉ còn 400 con/ml máu - đây là ngưỡng không thể lây HIV.
Việc phát hiện sớm và điều trị sớm cho người nhiễm HIV mang ý nghĩa rất lớn cho xã hội như giúp ngăn chặn được đại dịch này. Bác sĩ Lê Trường Giang cho biết: Mỗi năm có 10 người nhiễm mới mà chúng ta phát hiện chỉ 1 người thì vẫn còn nhiều nguồn lây nhiễm HIV/AIDS. Muốn việc điều trị ARV có ý nghĩ dự phòng cho xã hội thì số người nhiễm mới được phát hiện phải chiếm tỷ lệ cao từ 80 - 90%. Một người chịu đi xét nghiệm chỉ khi nào họ hiểu rõ lợi ích của việc đi xét nghiệm và điều trị ARV. Điều này phụ thuộc vào công tác truyền thông nhưng bên cạnh đó cũng cần thay đổi các phương thức tư vấn và xét nghiệm. Cách tư vấn của chúng ta chỉ là đề cập đến những tác hại của HIV/AIDS để người được tư vấn tự quyết định có đồng ý xét nghiệm hay không. Thay vào đó, chúng ta vừa tư vấn vừa thuyết phục họ xét nghiệm có như vậy mới không bỏ sót những trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS. Không chỉ thế, chúng ta cũng cần thay đổi hình thức xét nghiệm. Quy trình xét nghiệm vẫn còn lâu và rắc rối như: phải thực hiện 3 lần xét nghiệm trong đó lần cuối cùng phải do cơ sở xét nghiệm được phép kết luận người đó có bị HIV/AIDS hay không. Chúng ta nên tiến hành song song các hình thức xét nghiệm nhanh được Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo. Tức là cũng vẫn thực hiện xét nghiệm ba lần nhưng ba lần này diễn ra cùng một thời điểm và với những mẫu xét nghiệm khác nhau như nước bọt, máu… Bên cạnh đó, thành phố cần mở rộng mạng lưới xét nghiệm và thêm các cơ sở được khẳng định người được tư vấn có nhiễm HIV/AIDS hay không (thành phố chỉ có 6 cơ sở được quyền khẳng định).
Sau khi phát hiện người bị nhiễm HIV/AIDS bệnh nhân sẽ được đưa vào các cơ sở quản lý, điều trị nhưng không phải ai cũng được điều trị bằng ARV ngay. Theo ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS: Do còn nhiều hạn chế về kinh phí, nguồn thuốc nên người nhiễm HIV/AIDS ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác chỉ được điều trị khi CD4<350 (CD4 còn gọi là là tế bào T- heper cell để tiêu diệt các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể, số lượng tế bào thấp, sức đề kháng của cơ thể càng thấp). Do vậy, khi điều kiện cho phép thành phố nên mở rộng việc điều trị chẳng hạn từ CD4<500 là đã được điều trị bằng ARV. Riêng các bệnh nhân nằm trong nhóm nguy cơ cao (phụ nữ có thai, gái mại dâm…) và các bệnh nhân ở vùng sâu vùng xa có thể được điều trị ARV ngay mà không cần quan tâm đến CD4.
Sắp tới Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiến hành Đề án điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV/AIDS theo phương thức xã hội hóa. Theo đó những bệnh nhân có CD4<350 vẫn tiếp tục được điều trị sớm miễn phí còn những người có CD4>350 sẽ được cung ứng đầy đủ các dịch vụ nhưng bỏ tiền mua thuốc với chi phí chỉ hơn một triệu mỗi năm.
Vĩnh Phúc tăng cường các biện pháp phòng chống HIV/AIDS
Theo báo cáo mới nhất của ngành y tế tỉnh Vĩnh Phúc, từ đầu năm đến nay tỉnh phát hiện mới 388 trường hợp nhiễm HIV, ngoài ra còn có 171 trường hợp nhiễm HIV đã chuyển qua giai đoạn AIDS và 90 trường hợp đã tử vong do AIDS. Như vậy, đến thời điểm này số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 3.382 trường hợp, trong đó số chết do AIDS là 548 trường hợp.
Trước thực trạng trên, ngành y tế Vĩnh Phúc đã chủ động, tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng chống, giảm thiểu tác hại HIV/AIDS trong cộng đồng. Tỉnh xây dựng hệ thống cộng tác viên tại các xã, phường, thị trấn trọng điểm để tuyên truyền, tư vấn phòng, chống HIV/AIDS; thành lập 120 câu lạc bộ, đội, nhóm thanh niên thu hút hơn 4.000 đoàn viên thanh niên... tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tỉnh Vĩnh Phúc đã nhân rộng mô hình "Phòng, chống ma tuý ", mô hình "Dòng họ tự quản về an ninh, trật tự, phòng chống ma tuý"; Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh tiếp tục triển khai sâu rộng Nghị quyết liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội’’... Mạng lưới cộng tác viên và các nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng được duy trì để truyền thông trực tiếp, giới thiệu các dịch vụ y tế, xã hội cung cấp bơm kim tiêm sạch, bao cao su, giúp các đối tượng, đặc biệt là nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhằm thay đổi hành vi dự phòng lây nhiễm HIV.
Vĩnh Phúc đã triển khai và duy trì 2 phòng tư vấn xét nghiệm của Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS và Bệnh viện đa khoa huyện Sông Lô. Đến nay 2 Trung tâm này đã tư vấn xét nghiệm cho 2.219 trường hợp, phát hiện 105 trường hợp HIV dương tính.
Cùng với các biện pháp can thiệp giảm tác hại lây truyền HIV/AIDS, ngành y tế Vĩnh Phúc triển khai các hoạt động hỗ trợ điều trị HIV/AIDS và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế cơ sở về dự phòng lây truyền từ mẹ sang con và tư vấn, chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng. Tỉnh Vĩnh Phúc cũng quan tâm thực hiện hỗ trợ, chăm sóc, điều trị nhiễm trùng cơ hội, điều trị bằng thuốc kháng vi rút (ARV) cho các bệnh nhân HIV/AIDS. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện dự án “Đánh giá hiệu quả can thiệp cộng đồng trong phòng chống HIV và ma túy”, dự án “Phòng chống HIV /AIDS, ma túy và buôn bán người trái phép dọc tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai” tại Vĩnh Phúc..../.
Bế mạc Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch Khmer đồng bào Nam Bộ  (30/11/2014)
Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị ASEAN về bảo vệ người tiêu dùng  (30/11/2014)
Campuchia khánh thành đài phát thanh do Việt Nam viện trợ  (30/11/2014)
Mỹ chú ý hơn đến Nga, Trung Quốc trong học thuyết quân sự  (30/11/2014)
Nga tiếp tục gửi đoàn xe cứu trợ nhân đạo tới Đông Ukraine  (30/11/2014)
Phó Chủ tịch nước tiếp các lãnh đạo Mauritius, Tunisia, Haiti  (30/11/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên