Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu vấn đề Biển Đông bên lề cuộc họp Liên hợp quốc
Ngày 26-9, bên lề khóa họp lần thứ 69 của Đại hội đồng Liên hợp quốc tại thành phố New York, Mỹ đã diễn ra Hội nghị cấp cao về các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc do Tổng Thư ký Ban Ki-moon và Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chủ trì.
Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả cũng như các thách thức đặt ra đối với các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã phát biểu, nhấn mạnh tầm quan trọng và đánh giá cao đóng góp của các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong việc ngăn ngừa chiến tranh, xung đột, góp phần bảo vệ hòa bình, an ninh quốc tế; đồng thời khẳng định cam kết của Việt Nam đóng góp vào các hoạt động này.
Phó Thủ tướng nêu rõ từ năm 1996, Việt Nam đã liên tục đóng góp tài chính cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và tháng 6-2014 đã gửi các sĩ quan liên lạc tham gia Phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan.
Phó Thủ tướng đề nghị các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong thời gian tới cần tập trung giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ra các cuộc xung đột, sử dụng các biện pháp hòa bình để khuyến khích tất cả các bên liên quan tham gia, qua đó góp phần giải quyết xung đột một cách toàn diện và bền vững.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã tham dự 3 cuộc họp quan trọng của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), gồm Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức (IAMM); cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN với Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc; cuộc họp giữa các Ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Jonh Kerry.
Tại Hội nghị IAMM, các Ngoại trưởng ASEAN đã trao đổi về việc tăng cường phối hợp giữa các nước ASEAN tại các diễn đàn quốc tế, nhất là Liên hợp quốc; ủng hộ lẫn nhau tranh cử vào các cơ quan Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế; trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đã phát biểu hoan nghênh các thành quả mà ASEAN đạt được, đặc biệt trong việc duy trì sự thống nhất, đoàn kết của ASEAN trong các vấn đề quan trọng của khu vực; đánh giá cao các kết quả tích cực của Diễn đàn biển ASEAN và Diễn đàn biển ASEAN mở rộng tháng 8-2014 tại thành phố Đà Nẵng, cuộc họp SOM đặc biệt ASEAN - Trung Quốc về Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đầu tháng 9 tại Trung Quốc.
Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN cần nỗ lực ngăn chặn việc làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông, thúc đẩy thực hiện đầy đủ DOC và tiếp tục đối thoại nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Tại cuộc họp với Tổng Thư ký và Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc, hai bên đã trao đổi về các biện pháp hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa ASEAN và Liên hợp quốc, về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Hai bên nhất trí rằng việc tăng cường quan hệ đối tác toàn diện ASEAN - Liên hợp quốc sẽ đóng góp duy trì hòa bình, an ninh, phát triển ở khu vực và trên thế giới cũng như giúp giải quyết nhiều thách thức toàn cầu, nhất là khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, dịch bệnh, thiên tai.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam đã phát biểu đánh giá cao sự ủng hộ của Liên hợp quốc đối với việc xây dựng Cộng đồng ASEAN; nhấn mạnh ASEAN và Liên hợp quốc cần thúc đẩy thực hiện tốt các kế hoạch trong khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện giữa hai bên nhằm xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường kết nối, ứng phó với các thách thức toàn cầu, đặc biệt là ứng phó với biến đổi khí hậu và thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh năng lượng.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh ASEAN và Liên hợp quốc cần tăng cường hợp tác nhằm bảo vệ hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Tại cuộc họp với Ngoại trưởng Hoa Kỳ, hai bên đã kiểm điểm quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ trong thời gian qua; trao đổi về việc triển khai hợp tác an ninh biển; ứng phó với biến đổi khí hậu và giao lưu nhân dân... Ngoại trưởng Hoa Kỳ cam kết sẽ thúc đẩy triển khai các sáng kiến hợp tác như Sáng kiến Gắn kết kinh tế mở rộng (E3), Thỏa thuận khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA); khẳng định Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm thúc đẩy quan hệ với ASEAN và khu vực châu Á - Thái Bình Dương và vấn đề hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải ở khu vực.
Phó Thủ tướng phát biểu đánh giá cao quan hệ đối tác ASEAN - Hoa Kỳ; hoan nghênh việc Hoa Kỳ hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN và sự quan tâm của Hoa Kỳ đối với biến đổi khí hậu, một vấn đề Việt Nam hết sức quan tâm; đề nghị Hoa Kỳ có sự hỗ trợ thiết thực nhằm góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển; tăng cường kết nối trong ASEAN, bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển ở khu vực.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hoa Kỳ đầu tư thêm nguồn lực cho các chương trình hợp tác trong khuôn khổ Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI) và dành cho Việt Nam các ưu đãi trong đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tại các cuộc họp trên, hầu hết các Ngoại trưởng ASEAN bày tỏ lo ngại về tình hình bất ổn, căng thẳng vừa qua trên Biển Đông; kêu gọi các bên kiềm chế, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế; nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tự do, an ninh, an toàn hàng hải trong khu vực.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao các nước Nga và Vanuatu. Tại cuộc gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần tăng cường trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước; khẳng định Việt Nam sẵn sàng cung cấp nông sản, thủy sản và hàng tiêu dùng chất lượng cao sang Nga, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước lên 7 tỷ USD vào năm 2015 như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thỏa thuận.
Đánh giá cao việc Chính phủ Nga cho phép một số doanh nghiệp Việt Nam được xuất khẩu trở lại cá tra và các sản phẩm thủy sản, hải sản khác vào thị trường Nga, Phó Thủ tướng đề nghị bạn tạo điều kiện tương tự cho các doanh nghiệp khác đủ tiêu chuẩn của Việt Nam; đề nghị Nga tích cực phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để đàm phán Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan được hoàn thành đúng tiến độ.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Lavrov đã ghi nhận và hứa sẽ xem xét thuận lợi các đề nghị của Việt Nam.
Với Vanuatu, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Vanuatu; hoan nghênh việc Thủ tướng Vanuatu sắp thăm chính thức Việt Nam; đề nghị Chính phủ Vanuatu tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc sống của cộng đồng Việt Nam tại Vanuatu.
Phó Thủ tướng vận động Vanuatu ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Kinh tế - Xã hội Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016 - 2018, Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020 - 2021, Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2015 - 2019.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng đã tiếp ông Brian Miller, Phó Chủ tịch điều hành Tập đoàn AES, một trong những nhà cung cấp năng lượng hàng đầu của Hoa Kỳ hiện đang triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 tại tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ Việt Nam rất coi trọng chiến lược phát triển ngành điện lực; bày tỏ mong muốn Tập đoàn AES bảo đảm tiến độ thi công của dự án Nhà máy nhiệt điện Mông Dương 2 tại Quảng Ninh để đưa vào vận hành năm 2015 theo đúng kế hoạch; đề nghị phía Hoa Kỳ bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường và an toàn trong quá trình xây dựng và vận hành nhà máy./.
Công bố cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2015  (27/09/2014)
Triển lãm ảnh “Hà Nội trong tôi” giới thệu 60 năm phát triển Thủ đô  (27/09/2014)
Phải có giám sát về phòng chống ma túy  (27/09/2014)
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để tình trạng số vụ bắt giữ nhiều mà buôn lậu không giảm  (27/09/2014)
Slovakia - Việt Nam nối lại quan hệ hợp tác tư pháp sau 25 năm  (27/09/2014)
Lễ trao Giải thưởng Lương Định Của lần thứ IX, năm 2014  (27/09/2014)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên