Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú
Sáng 29-4, tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Hà Tĩnh, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng (01-5-1904 – 01-5-2014).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã tới dự. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh đã gửi lẵng hoa chúc mừng.
Tham dự buổi lễ còn có đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và nhiều địa phương trong cả nước, các lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, cùng đông đảo đại diện các tầng lớp nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và thân nhân, gia đình đồng chí Trần Phú.
Lễ kỷ niệm bắt đầu với chương trình nghệ thuật đặc sắc, tái hiện cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng, người chiến sĩ kiên cường của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Diễn văn tại Lễ kỷ niệm do Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thanh Bình, thể hiện đã khái quát những nét nổi bật về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú, bày tỏ lòng thành kính biết ơn vô hạn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trần Phú và các nhà lãnh đạo tiền bối, các Anh hùng Liệt sĩ đã có nhiều cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, mang lại hòa bình, độc lập, tự do, no ấm, hạnh phúc cho nhân dân ta.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 01-5-1904, trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Quê hương của đồng chí là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh - vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng.
Sớm giác ngộ và tham gia hoạt động cách mạng trên cương vị là người tham gia sáng lập và hoạt động tích cực trong tổ chức yêu nước nổi tiếng: Hội Phục Việt (sau đổi tên là Hưng Nam, Việt Nam cách mạng Đảng rồi Tân Việt cách mạng Đảng).
Sau khi hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, từ một thanh niên trí thức yêu nước, Trần Phú trở thành một chiến sĩ cộng sản chân chính.
Tháng 7-1930, đồng chí Trần Phú được bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương lâm thời và được phân công trực tiếp khởi thảo Luận cương chính trị của Đảng.
Tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 10-1930, Luận cương chính trị được thông qua, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng.
Giữa lúc phong trào cách mạng Việt Nam đang đòi hỏi sự lãnh đạo tập trung của Đảng và vai trò của đồng chí Tổng Bí thư, ngày 19-4-1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt.
Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn xảo quyệt dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng chúng không thể làm lung lay chí khí người chiến sĩ Cộng sản. Trong ngục tù đen tối, đồng chí Trần Phú tiếp tục tuyên truyền chủ nghĩa cộng sản, nêu cao tấm gương sáng trong đấu tranh, căn dặn đồng chí, đồng đội giữ vững tinh thần chiến đấu, đặt niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Ngày 06-9-1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 27, để lại niềm cảm phục, tiếc thương vô hạn của đồng chí, đồng bào.
Đồng chí Trần Phú đã hy sinh cách đây 83 năm nhưng tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương đất nước sâu nặng, niềm tin tưởng, lạc quan cách mạng và lời nhắn nhủ đầy nghĩa khí: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” không bao giờ nhạt phai trong trái tim của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Những cống hiến to lớn và sự hy sinh anh dũng của đồng chí Trần Phú là biểu hiện sinh động của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú tuy ngắn ngủi nhưng đồng chí đã hoàn thành một khối lượng công việc to lớn, để lại cho Đảng ta, dân tộc ta những di sản vô cùng quý báu.
Bản Luận cương chính trị năm 1930 do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng ta trong thời kỳ đồng chí làm Tổng Bí thư đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ đạo cách mạng Việt Nam vượt qua mọi gian lao, thử thách, giành được nhiều thắng lợi vẻ vang.
Đó là kết quả của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo những nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân và vai trò của nhân dân lao động, về đường lối cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, sự vận dụng linh hoạt đường lối của Quốc tế Cộng sản vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Khi đánh giá về ý nghĩa của Luận cương chính trị năm 1930, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong bản Cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, thực hiện dân tộc độc lập, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn xung quanh giai cấp mình. Quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân, không ngừng được củng cố và tăng cường”.
Kể từ khi có Luận cương chính trị năm 1930, đường lối cách mạng Việt Nam được định hình rõ, tiếp tục được các kỳ Đại hội và các Hội nghị Trung ương bổ sung, phát triển. Luận cương chính là lý luận dẫn đường, sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ tiến trình lịch sử cách mạng nước ta.
Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú đã có công lao to lớn đối với công tác xây dựng Đảng trong buổi đầu Đảng ta mới ra đời. Đồng chí đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng, công tác tổ chức; luôn chú ý nắm bắt thực tiễn, giúp cơ sở nắm vững đường lối của Đảng và kịp thời uốn nắn những lệch lạc của tổ chức, của phong trào cách mạng.
Sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong những năm 1930 - 1931 và việc Đảng ta được công nhận là Chi bộ độc lập trực thuộc Quốc tế Cộng sản không những khẳng định công lao to lớn của đồng chí Trần Phú đối với cách mạng Việt Nam mà còn khẳng định uy tín của đồng chí đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí Trần Phú rất quan tâm đến công tác xây dựng các tổ chức quần chúng, đã cùng Ban Chấp hành Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng tổ chức Mặt trận, Công hội, Nông hội, Hội Phụ nữ, Hội Cứu tế, Đoàn Thanh niên Cộng sản.
Đồng chí luôn nêu cao tấm gương mẫu mực về phẩm chất, đạo đức; tình thương yêu đồng chí, đồng bào; lòng trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng; ý chí kiên cường, bất khuất trước kẻ thù.
Phẩm chất cao đẹp của đồng chí Trần Phú chính là động lực sống để cổ vũ các thế hệ cách mạng vững bước tiến lên, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng Việt Nam giành được những thành quả to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay.
Thay mặt Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thanh Bình nêu rõ, Hà Tĩnh tự hào là quê hương của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, luôn khắc sâu lời căn dặn của đồng chí, giữ vững chí khí cách mạng, vững bước đi theo con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn.
Trong hơn 84 năm qua, kể từ ngày có Đảng dẫn đường, Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc; đã hoàn thành và công bố Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Kinh tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Thay mặt thế hệ trẻ cả nước nói chung và quê hương Hà Tĩnh nói riêng, ông Nguyễn Xuân Hùng, Bí thư Tỉnh đoàn Hà Tĩnh bày tỏ niềm vinh dự, tự hào và lòng biết ơn vô hạn đối với đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, không ngừng phấn đấu, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, xây dựng giá trị hình mẫu thanh niên trong thời kỳ mới, góp sức trẻ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quê hương, đất nước; bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc./.
Các đại biểu Quốc hội tiếp tục tiến hành tiếp xúc cử tri  (29/04/2014)
Kỷ niệm 20 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Nam Phi  (29/04/2014)
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể lần thứ 10  (29/04/2014)
Việt Nam - Hàn Quốc tăng cường trao đổi kinh nghiệm phát triển  (29/04/2014)
Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Việt Nam - Mông Cổ  (29/04/2014)
Phủ nhận, xuyên tạc sự thật lịch sử là tội ác  (29/04/2014)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên