Bộ trưởng Xây dựng nói về thị trường bất động sản và nhà ở xã hội
Tín hiệu lạc quan
Thưa Bộ trưởng, một độc giả gửi câu hỏi về chương trình: "Tôi có dành dụm được một khoản tiền để mua một căn nhà nhỏ. Nhưng khi nghe một số chuyên gia khẳng định là thị trường BĐS sẽ còn rơi xuống vực thẳm và năm 2013 hoặc 2014, giá nhà sẽ còn giảm sâu. Tôi cứ định mua nhà nhưng lại thôi, bây giờ giá nhà đã lên rồi. Thậm chí với số tiền đó tôi không còn đủ để sở hữu một căn nhà nữa. Tôi mới thấy mình thật là dại khi nghe mấy ông chuyên gia ấy.
Vậy Bộ trưởng có thể cho tôi biết là liệu giá nhà có còn lên không? Tôi có nên vay mượn để mua nhà không? Với xu hướng của thị trường như hiện nay, Bộ trưởng đã yên tâm với thị trường BĐS chưa"?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Khi thị trường BĐS trầm lắng, đóng băng, nhiều chuyên gia quan tâm và lo ngại cho thị trường này, cũng như bày tỏ những cách đánh giá khác nhau, quan điểm khác nhau là cứu, hay không cứu thị trường BĐS.
Được Quốc hội, Chính phủ giao và với trách nhiệm là một cơ quan của Chính phủ quản lý lĩnh vực BĐS và nhà ở, Bộ Xây dựng đã căn cứ và tình hình thực tế của nền kinh tế Việt Nam, cũng như đánh giá một cách sâu sắc các nguyên nhân gây ra những khó khăn của thị trường BĐS. Từ đó, Bộ kiến nghị với Chính phủ đề ra một hệ thống giải pháp đồng bộ, tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Trong đó phải tôn trọng nguyên tắc là khắc phục “lệch pha” về cung - cầu về BĐS.
Một nguyên tắc hết sức quan trọng khác là phải gắn việc tháo gỡ khó khăn của thị trường BĐS với việc thực hiện chiến lược quốc gia về nhà ở, tức là BĐS, nhà ở làm ra phải đến được với người dân, để người dân nghèo cũng có nhà.
Trên cơ sở đó, các hệ thống giải pháp đã được đưa ra. Đặc biệt là Nghị quyết 02 năm 2013 của Chính phủ với các giải pháp như: Cơ cấu lại các dự án; các chính sách về tài khóa, thuế, tín dụng cũng như những yêu cầu đối với các chủ thể tham gia thị trường BĐS… Đến nay chúng ta thấy rằng thị trường BĐS đã ấm lên từ cuối 2013. Đặc biệt, trong quý I và nửa đầu tháng 4-2014, giao dịch BĐS đã tăng lên gấp 2 lần cùng kỳ năm trước.
Giá BĐS nói chung là không giảm và có nhiều nơi còn tăng lên, tồn kho BĐS giảm. Tính đến 15-4 tồn kho BĐS giảm 34,4%. Như vậy thị trường BĐS có nhiều dấu hiệu phấn khởi và chúng ta có thể lạc quan về tương lai của thị trường BĐS trong thời gian tới.
Tuy nhiên, đây là thị trường có diễn biến phức tạp và còn nhiều khó khăn do còn nhiều dự án mà các chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện. Cho nên chúng ta không chủ quan mà cần tiếp tục theo dõi để có những giải pháp phù hợp, điều chỉnh kịp thời, làm cho thị trường phát triển đồng bộ, lành mạnh.
Để thị trường phát triển lành mạnh
Bộ Xây dựng vừa đề xuất với Chính phủ dừng cấp phép đầu tư mới đối với dự án phát triển nhà ở thương mại. Một số chuyên gia gửi thư tới chương trình cho rằng đây là biện pháp “phi thị trường”. Như Bộ trưởng đã nói thị trường BĐS đã ấm lên, vậy tại sao lại phải dừng? Bộ trưởng nghĩ sao về phản ứng này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Chúng ta đang phát triển một nền kinh tế thị trường nhưng có sự quản lý của Nhà nước. Nghĩa là cùng một lúc, chúng ta phải tôn trọng các yếu tố của kinh tế thị trường, nhưng không thể né tránh sự quản lý của Nhà nước để làm cho thị trường này phát triển lành mạnh.
Trong một thời gian dài, chúng ta đã quá tôn trọng thị trường. Tư tưởng thị trường hóa ở trong quá trình quản lý, nên thị trường phát triển tự phát, theo phong trào, dẫn tới những khó khăn của thị trường BĐS trong thời gian vừa qua và đến hôm nay chúng ta đang phải tháo gỡ khó khăn cho nó.
Hiện nay, cả nước có trên 4.000 dự án nhà ở, sử dụng tới 102.000 ha đất. Nếu đầu tư tất cả các dự án này phải mất khoảng 4,5 triệu tỷ đồng, tạo ra gần 3 triệu căn hộ. Với khả năng của nền kinh tế hiện nay thì không thể nào trong trung hạn chúng ta có thể giải quyết được khối lượng các dự án như vậy.
Thực tế, nhiều dự án đã được cấp phép nhưng đã dừng. Chẳng hạn, TP. Hồ Chí Minh có tới 689 dự án, tương đương hơn 7.000 ha đất; Hà Nội cũng có gần 100 dự án dừng… Như vậy, trong khi chúng ta đang phải dừng các dự án đã cấp phép rồi, không có lý do gì chúng ta lại cấp phép mới.
Nhưng tôi nói thêm, đề nghị này là đề nghị trong năm 2014.
Nhà nước không bao cấp
Thưa Bộ trưởng, chính sách nhà ở xã hội được đa số người dân đồng tình, đặc biệt là những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng chương trình này tốn nhiều tiền, “đè nặng” lên ngân sách nhà nước. Bộ trưởng nghĩ thế nào về ý kiến này?
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Năm 2011, Chính phủ đã xây dựng chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Có thể nói đây là một điểm đột phá trong việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Trong đó yêu cầu cùng lúc chúng ta phải phát triển 2 loại nhà ở, là nhà ở thị trường để đáp ứng, thỏa mãn khả năng thanh toán của những người dân có tiền, theo cơ chế thị trường. Nhưng mặt khác chúng ta cũng phải tập trung phát triển nhà ở xã hội - loại nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước, để những người dân không có đủ điều kiện tiếp cận được với nhà ở thị trường sẽ có chỗ ở.
Những năm vừa qua chúng ta phát triển rất mạnh về nhà ở, nhà ở nông thôn chúng ta đã có nhiều chính sách tốt để người nghèo nông thôn, người có công với nước được cải thiện nhà ở.
Trong khi đó nhà ở đô thị cũng phát triển mạnh mẽ với nhà ở thương mại, tạo ra bộ mặt mới của đô thị. Song mâu thuẫn lớn nhất là có những người có nhiều nhà ở, nhưng một bộ phận lớn người dân lao động, người làm công ăn lương, công nhân viên chức, sỹ quan quân nhân chuyên nghiệp, công nhân ở khu công nghiệp… còn thiếu nhà ở hoặc ở rất chật chội, không đảm bảo những điều kiện tối thiểu.
Cho nên chiến lược nhà ở là một bước để cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về phát triển một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thực hiện mục tiêu tăng trưởng đi đôi với phát triển, phát triển đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội.
Đây không phải bao cấp như ngày trước, lần này Nhà nước xây dựng một chính sách để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư và Nhà nước hỗ trợ người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở, được mua nhà với giá thấp hơn giá thị trường, do Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng đất, hỗ trợ thuế VAT đầu ra, hỗ trợ vay tín dụng với lãi suất thấp…
Nhà ở xã hội lần này là thị trường “phi hàng hóa”- tức là các giao dịch theo cơ chế thị trường, có cung thì có cầu nhưng giá nhà thì thấp hơn giá thị trường do có sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các hoạt động của doanh nghiệp./.
Tưng bừng Ngày Văn hóa Việt Nam tại thủ đô Cộng hòa Séc  (27/04/2014)
Festival quốc gia tôn vinh Đờn ca tài tử Nam bộ  (26/04/2014)
Chủ tịch Hồ Chí Minh với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ  (26/04/2014)
Bàn thêm về nghệ thuật chuyển hướng phương châm tác chiến chiến lược trong Chiến dịch Điện Biên Phủ  (26/04/2014)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển