Chiến thắng Điện Biên Phủ và sự ảnh hưởng đến Hội nghị Giơ-ne-vơ

Nguyễn Thị Mai Hoa PGS, TS. Đại học Quốc gia Hà Nội
22:59, ngày 26-04-2014

TCCSĐT - Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ đi vào lịch sử như một mốc son trong chặng đường giải phóng, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, mà còn trở thành biểu tượng chiến thắng của các dân tộc bị áp bức trước chủ nghĩa thực dân cũ. Trên những ý nghĩa đó, sự kiện “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” đã có ảnh hưởng quan trọng đối với Hội nghị Giơ-ne-vơ - hội nghị sắp xếp lại thế giới nửa sau thế kỷ XX.

1. Cho đến mùa xuân năm 1953, cục diện chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương ngày càng chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng bất lợi cho nước Pháp. Những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương đã đẩy Pháp vào đường hầm không lối thoát, ngày càng lệ thuộc vào Mỹ. Bên cạnh đó, nước Pháp vừa phải căng mình “chống lại chủ nghĩa cộng sản” bảo vệ châu Âu, vừa phải gồng mình níu giữ hệ thống thuộc địa châu Á. Tình hình trong và ngoài nước đặt Chính phủ Rê-nơ May-ơ (chính phủ thứ 18 của nước Pháp) trước tình thế “lửa cháy hai đầu”: hoặc bị thất bại trong cuộc chiến Đông Dương, hoặc bị Mỹ thế chân. Bối cảnh đó đòi hỏi nước Pháp phải nhanh chóng tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột - một giải pháp như nhà sử học Mỹ gốc Pháp Béc-na Phôn nhận xét: “nếu không giành được chiến thắng thì cũng tạo ra một tình thế cho phép quân đội quốc gia các nước liên kết với Việt Nam, như Cam-pu-chia, Lào thanh toán được chiến tranh du kích, một khi quân đội chính quy Pháp đã tiêu diệt được đội quân chủ lực của Việt Minh sau một loạt những trận giao chiến lớn”(1).

Nhằm cứu vãn tình hình, hy vọng tìm “một lối thoát danh dự”, Tổng Chỉ huy quân Pháp ở Đông Dương được thay thế bằng Tướng Na-va - viên tướng sáng giá nhất nước Pháp thời bấy giờ. Tờ Thời báo, (số ra ngày 28-01-1953) đã không tiếc lời ca ngợi Na-va, ví vị tướng này như “một viên ngọc thạch của Vua Lu-i XV”- một tài năng sẽ đưa nước Pháp thoát khỏi sự bùng nhùng của cuộc chiến.

Sang Đông Dương nhậm chức, Na-va nhanh chóng vạch ra một kế hoạch quân sự với quan điểm làm nền: “Chứng minh cho Việt Minh thấy rằng, nếu như chúng ta (tức phía Pháp) không thắng trong cuộc chiến tranh thì họ cũng không có hy vọng gì thắng ta bằng quân sự và do đó cần phải thương lượng”(2). Dựa vào sự ủng hộ của Chính phủ và viện trợ của Mỹ, Na-va đề ra một kế hoạch kết hợp giữa chiến lược phòng ngự ở phía Bắc, tránh giao chiến toàn diện, thực hiện tiến công ở phía Nam vĩ tuyến 18, sau đó dần chuyển sang tấn công, tạo nên một cục diện quân sự có lợi cho Pháp. Kế hoạch Na-va được Mỹ tán thưởng, đánh giá cao, hậu thuẫn và ủng hộ tích cực, tin tưởng rằng, kế hoạch đó “nếu không phải là một thắng lợi hoàn toàn, thì ít nhất cũng thu được kết quả nhất định về quân sự”(3).

Để thực hiện kế hoạch chiến lược quan trọng này, Pháp tăng thêm viện binh, phát triển quân đội, xây dựng khối cơ động chiến lược. Sau cuộc tiến quân của bộ đội chủ lực Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lên Tây Bắc, Bộ Chỉ huy Pháp vội vã điều lực lượng cơ động nhảy dù xuống chiếm Điện Biên Phủ, biến nơi đây thành pháo đài, thành “cột mốc của thế giới tự do mà cộng sản không thể vượt qua”, thành “Véc-đun” của Đông Nam Á, nhằm bảo vệ Tây Bắc, Thượng Lào,... Điện Biên Phủ được bố trí 49 cứ điểm liên hoàn, có thể hỗ trợ nhau khi bị tiến công, có 17 tiểu đoàn bộ binh, đa số là lính Âu - Phi thiện chiến, lính dù tinh nhuệ và 116 khẩu pháo, cối các loại, 10 xe tăng cùng các loại vũ khí, khí tài hiện đại khác như súng phun lửa, súng đại liên nhiều nòng, mìn đĩa, mìn na-pan, máy ngắm hồng ngoại... Với vị trí đắc địa và tiềm lực quân sự to lớn, Điện Biên Phủ trở thành pháo đài bất khả xâm phạm, được Na-va coi như thứ thuốc trị bách bệnh giải quyết những khó khăn của chiến tranh Đông Dương và quyết bảo vệ Điện Biên Phủ bằng mọi giá. Điện Biên Phủ trở thành nơi đọ sức cuối cùng, cuộc chạy đua nước rút quyết liệt không chỉ giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nước Pháp trên con đường đi tới bàn đàm phán của Hội nghị Giơ-ne-vơ, mà đằng sau là hàng loạt quốc gia liên quan.

2. Ngày 25-01-1954, Hội nghị Tứ cường khai mạc tại Béc-lin (Đức), quyết định sẽ triệu tập một Hội nghị quốc tế ở Giơ-ne-vơ để giải quyết chiến tranh Triều Tiên và vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Nắm chắc diễn biến trên chiến trường, nhận thức rõ ý nghĩa của Điện Biên Phủ đối với cục diện chiến tranh và đàm phán, đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Lao động Việt Nam quyết định tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, nhấn mạnh: “chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế”(4). Ngày 13-3-1954, cuộc tiến công Điện Biên Phủ bắt đầu. Điện Biên Phủ trở thành “điểm hẹn lịch sử”, cuộc so găng sống còn, mà nếu như về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nó phải trở thành một thảm họa bất ngờ, đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp, buộc Pháp phải cuốn cờ, rút quân, thì đối với phía Pháp - đó là “một trò cá cược”, mà “cái được đem ra đặt cược không phải chỉ là số phận của quân đội Pháp tại Đông Dương, vai trò của nước Pháp ở Đông Nam Á, mà còn là sự duy trì thuộc địa Việt Nam và trên một chừng mực nào đó cả nước Lào và Cam-pu-chia trong phe những nước không cộng sản”(5).

Ngày 26-4-1954, Hội nghị Giơ-ne-vơ chính thức khai mạc, trùng với thời khắc Quân đội nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi chiến dịch tiến công đợt 02 ở Điện Biên Phủ. Lúc này, địa danh Điện Biên Phủ với khói lửa ác liệt đang là tâm điểm chú ý của thế giới. Muốn giành lợi thế tại Giơ-ne-vơ, cần phải có những hành động quyết liệt - cả phía Pháp và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều quá thuộc bài học vỡ lòng đó. Mục tiêu trên bàn đàm phán Hội nghị Giơ-ne-vơ đã biến Điện Biên Phủ thành một đấu trường khốc liệt, khi cả hai bên tham chiến đặt lên bàn cờ tất cả lực lượng dự trữ của mình. Với Việt Nam, hoạt động quân sự tại Điện Biên Phủ không còn đơn thuần là hoạt động quân sự, mà mang một ý nghĩa rộng lớn hơn: ý nghĩa chính trị - quân sự. Nhà báo Pháp Giăng Phe-ran nhận xét: “chiến lược của những người Mác-xít là không tách rời chính trị với quân sự như người Pháp”(6).

Một ngày, sau khi Hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, ngày 27-4-1953, Thủ tướng Anh Uyn-xtơn Sớc-sin hội kiến Đại sứ Pháp R. Mát-xi-li. R.Mát-xi-li thỉnh cầu Anh ủng hộ đề nghị của Mỹ giải vây cho Điện Biên Phủ và nhấn mạnh: “chỉ cần Điện Biên Phủ còn ở trong tay quân Pháp, cục diện trên bàn đàm phán ở Giơ-ne-vơ của phe phương Tây không khốn đốn đến mức không thể thu xếp”. Điều này lý giải rõ hơn vì sao ngay từ những ngày đầu của Hội nghị, về vấn đề Đông Dương, các thành viên của hai phe Đông - Tây đều không có ý kiến gì nhiều, có ý chờ kết quả của Chiến dịch Điện Biên Phủ. Từ ngày 01-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đẩy mạnh tổng tiến công, tiêu diệt dứt điểm các vị trí còn lại. Lực lượng của Pháp lúc này đã trở nên tuyệt vọng, suy kiệt không còn đủ sức để duy trì chiến đấu. Đến đêm ngày 03-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục chiếm thêm một số vị trí quan trọng, tiến công và bao vây thắt chặt, có nơi chỉ cách Sở Chỉ huy tập đoàn cứ điểm 300m. Tướng Đờ-cát liên tiếp gọi điện xin cứu viện.

Ngày 04-5-1954, Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu tới Giơ-ne-vơ. Tình hình nguy cấp tại Điện Biên Phủ khiến Chính phủ của Thủ tướng La-ni-en lúc đó ngày càng thêm khốn khó. Các đại biểu Quốc hội Pháp liên tiếp chỉ trích Chính phủ chưa chịu cố gắng dồn sức cho việc tìm kiếm hòa bình. Về phía Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chúng ta thừa thắng xốc tới. Vào lúc 18 giờ 45 phút ngày 06-5-1954, bộ đội Việt Nam mở cuộc tiến công vào đồi A1, đánh chiếm điểm cao cuối cùng, chuyển toàn lực sang tổng công kích. Cuối cùng, thời khắc định mệnh đã đến: 17 giờ 30 phút ngày 07-5-1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đánh chiếm Sở Chỉ huy của cứ điểm, Tướng Đờ-cát và toàn bộ Bộ Tham mưu bị bắt sống - cuộc chiến tranh Đông Dương rơi vào “điểm trắng” của lịch sử. Cả nước Pháp chết lặng, bàng hoàng. Tin chiến thắng dội tới Giơ-ne-vơ làm thay đổi hẳn không khí Hội nghị. Nhà báo Ô-xtrây-li-a Uyn-phrét Bớc-xét bình luận: “người đồng chí thân thiết của ông Phạm Văn Đồng là ông Võ Nguyên Giáp đã trao lại cho ông một vũ khí hiệu nghiệm nhất, mà không phải bất kỳ nhà thương lượng nào cũng dám nghĩ khi bắt đầu một hội nghị như vậy - Điện Biên Phủ thắng lợi hoàn toàn một ngày trước khi Hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc. Nhờ thời điểm tuyệt diệu của ông Giáp, kế hoạch Đa-lét nhằm quốc tế hóa cuộc chiến tranh đã thất bại”(7).

3. Thảm bại tại Điện Biên Phủ làm cho hy vọng thương lượng trên thế mạnh của Pháp tan vỡ, song nước Pháp vẫn luôn tỏ ra cứng rắn. Những nước còn lại tham dự Hội nghị đều có những động cơ riêng đặt trong bối cảnh cùng tồn tại hòa bình đang trở thành một xu thế lớn chi phối quan hệ quốc tế. Các nước lớn (kể cả Liên Xô, Trung Quốc) đều muốn chấm dứt các cuộc xung đột khu vực.

Sự mâu thuẫn lập trường và lợi ích của các bên tham gia làm cuộc đấu tranh tại Hội nghị trở nên căng thẳng, gay go, quyết liệt trong suốt 08 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp (từ ngày 08-5 đến ngày 21-7-1954). Trong Hội nghị, Liên Xô duy trì quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc làm đối trọng, thúc đẩy đàm phán theo những tính toán được sắp đặt trước. Hoạt động phối hợp của Liên Xô, Trung Quốc khá ăn ý trong tiến trình Hội nghị. Trung Quốc hầu như đồng ý hoàn toàn với Liên Xô trong các vấn đề thương lượng. Liên quan đến Việt Nam, cả hai nước cùng chung quan điểm chia Việt Nam thành hai miền với vĩ tuyến 16 là ranh giới. Liên Xô tránh tuyên bố trực tiếp về lập trường, quan điểm nói trên, song luôn tìm cách để phía Việt Nam, hiểu đó là con đường duy nhất giải quyết vấn đề Đông Dương. Tình hình cho thấy, dường như mọi vấn đề về Đông Dương đã được các nước lớn sắp đặt và quyết định. Lúc này, mặc dù Việt Nam mong muốn độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng tương quan lực lượng thay đổi tuy có lợi cho cách mạng Việt Nam, song chưa căn bản, “cần một thời gian để quân đội, đất nước củng cố, xốc lại lực lượng”. Trong điều kiện đó, nếu Mỹ trực tiếp tham gia chiến tranh, cuộc chiến đấu sẽ hết sức bất lợi.

Sau nhiều tranh cãi, thảo luận, thỏa thuận, ngày 21-7-1954, các bên tham gia Hội nghị Giơ-ne-vơ đạt được những nhất trí mang tính then chốt, thể hiện sự hòa hoãn và tư tưởng “chung sống hòa bình” giữa các nước lớn trong thương lượng. Nội dung bản Hiệp định bảo đảm lợi ích cho mọi bên tham gia, song mang lại lợi ích hạn chế đối với người chiến thắng. Việt Nam tuy thắng lớn trên chiến trường, song do thiếu kinh nghiệm đàm phán, do thực lực chưa mạnh, nên “chỉ có được một nửa nước Việt Nam trên bản đồ thế giới”.

Tuy kết quả của Hiệp định không được như mong muốn, song đã góp phần kết thúc chiến tranh ở Đông Dương. Việt Nam giành được sự công nhận và cam kết tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản, một nửa đất nước hoàn toàn giải phóng. Dù chưa phản ánh đầy đủ thắng lợi quân sự của Việt Nam, không bịt được kẽ hở tạo khả năng cho Mỹ vào Đông Dương, song Hiệp định Giơ-ne-vơ vẫn là một giải pháp tình thế, một khoảng nghỉ cần thiết trong một “giai đoạn quá độ”, một phương thức giải quyết các xung đột quốc tế cho phép bảo đảm hòa bình để Việt Nam có thể bước tiếp những năm tháng đầy khó khăn, thách thức sau này./.

----------------------------------

(1), (5) Béc-na Phôn: Địa ngục trong một nơi rất nhỏ: cuộc vây hãm ở Điện Biên Phủ, tr. 3, 5

(2), (3) Hăng-ri Na-va: Thời điểm của những sự thật, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 90, 91

(4) Hồ Chí Minh: Thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngày 22-12-1953, tài liệu lưu tại Bảo tàng Hồ Chí Minh

(6) Jean Pouget: Tướng H. Na-va với trận Điện Biên Phủ, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2005, tr. 200

(7) Burchett, George và Shimmin, Nick: Biên bản của A. Rebel báo: Tiểu sử của Wilfred Burchett, Đại học New South Wales, Sydney, New South Wales, 2005, tr. 190