Bình Định với những thành tựu và bài học sau nửa nhiệm kỳ đại hội
TCCS - Sau gần 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh, tuy phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với tinh thần đoàn kết một lòng, sự nỗ lực phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh, nền kinh tế của tỉnh Bình Định tiếp tục tăng trưởng; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không ngừng được đầu tư xây dựng tiến kịp với yêu cầu phát triển. Hoạt động trên các lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến đồng bộ; đời sống mọi mặt của nhân dân ổn định; quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội cơ bản được giữ vững...
Gần 3 năm qua, nền kinh tế của tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Giá trị tổng sản phẩm điạ phương năm 2006 tăng 12,1%, năm 2007 tăng 12,5%, 6 tháng đầu năm 2008 tăng 10,8%; tốc độ tăng bình quân 3 năm (2006 - 2008) là 12,2% (mục tiêu đề ra trong 5 năm là 13%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2008 ước đạt 807 USD, gấp 1,93 lần so với năm 2005. Về cơ cấu kinh tế, tỷ trọng nông, lâm, ngư nghiệp ước tính đến cuối năm 2008 chiếm 36,3%; công nghiệp - xây dựng: 31,7%, dịch vụ: 32% (mục tiêu đến năm 2010 lần lượt là 27% - 28%; 37% - 38%; 34% - 35%). Điều đáng chú ý là công nghiệp- tiểu, thủ công nghiệp, đặc biệt là giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh bình quân 3 năm ước tăng 22,2% (mục tiêu bình quân cho cả nhiệm kỳ là 24,5%). Tỉnh đã tập trung phát triển một số ngành công nghiệp có giá trị sản xuất và kim ngạch xuất khẩu lớn; nhiều doanh nghiệp tiếp tục mạnh dạn đầu tư chiều sâu, mở rộng quy mô, tăng năng lực sản xuất, phát triển sản phẩm mới. Công tác khuyến công thường xuyên được chú trọng đẩy mạnh, nhất là trong đào tạo nghề, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, khôi phục các ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp truyền thống, từng bước đưa một số ngành nghề mới vào khu vực nông thôn. Trong phát triển khu công nghiệp, bằng các chính sách khuyến khích kịp thời và thiết thực, hai khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh là Phú Tài và Long Mỹ (giai đoạn 1) đã lấp đầy 83% diện tích với 451 ha đất cho thuê; đã hoàn thành quy hoạch chi tiết và tiếp tục triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Long Mỹ giai đoạn 2 (100 ha); triển khai quy hoạch khu công nghiệp Nhơn Hòa (huyện An Nhơn), khu công nghiệp Hòa Hội (huyện Phù Cát), cụm công nghiệp Cát Khánh và Cát Trinh - Phù Cát. Đến nay, đã có 19 cụm công nghiệp trên điạ bàn tỉnh đi vào hoạt động, trong đó 11 cụm đã lấp đầy 90% - 100% diện tích mặt bằng cho thuê. Riêng tại khu kinh tế Nhơn Hội đã cơ bản hoàn thành công tác lập quy hoạch chi tiết một số khu chức năng, đã có 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 11.580 tỉ đồng; trong đó có 2 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký 284 triệu USD.
Cùng với phát triển công nghiệp, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản (giá cố định năm 1994) bình quân 3 năm (2006 - 2008) ước tăng 6,6%. Sản lượng lương thực có hạt năm 2006 đạt 644.500 tấn, năm 2007 đạt 617.900 tấn, năm 2008 đạt 655.600 tấn; tăng 16,8% so với năm 2005 (mục tiêu đến năm 2010 đạt mức ổn định là 600.000 tấn).
Về hoạt động xuất khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh là 781 triệu USD, đạt 52% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ tỉnh đề ra trong 5 năm là 1,5 tỉ USD. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 108 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu (tăng 18 doanh nghiệp so với năm 2005). Một số nhóm hàng xuất khẩu có lợi thế của tỉnh như nông sản, lâm sản, khoáng sản, công nghiệp chế biến và hàng tiêu dùng được tập trung đầu tư phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng với các sản phẩm xuất khẩu có chất lượng cao hơn, sản phẩm mới và đa dạng hơn; trong đó tỷ trọng giá trị hàng xuất khẩu đã qua chế biến đạt trên 90%; thị trường xuất khẩu đã được mở rộng tới 83 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Công tác huy động vốn và đầu tư xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng và mở rộng quy mô đầu tư với mức tăng trưởng khá mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 3 năm (2006 - 2008) ước đạt 19.472 tỉ đồng, tăng bình quân 25%/năm, đạt 43,3% GDP. Phần lớn các công trình kết cấu hạ tầng đề ra đều đã và đang được triển khai và phát huy hiệu quả. Đến nay, 100% số xã, 98% số thôn trong toàn tỉnh đã có điện. Hệ thống cấp nước thành phố Quy Nhơn được đầu tư nâng cấp từ 20.000m3 lên 45.000 m3/ngày; dự án cấp thoát nước tại 9 thị trấn có quy mô bình quân 21.300 m3/ngày đã được triển khai; trong đó tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 75% (chỉ tiêu đề ra đến năm 2010 là 85%). Công tác quy hoạch phát triển các thị trấn Bình Định, Bồng Sơn, Phú Phong theo hướng nâng cấp lên thị xã đã hoàn chỉnh quy hoạch và đang tích cực được triển khai; hàng loạt các công trình hạ tầng trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, du lịch, dạy nghề... trên địa bàn toàn tỉnh được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.
Về giáo dục - y tế, hệ thống mạng lưới trường, lớp; các ngành học, cấp học từ mầm non đến đại học tiếp tục được củng cố và mở rộng theo hướng đa dạng về loại hình đào tạo, không ngừng nâng cao chất lượng và chuẩn hóa về đội ngũ. Các chương trình y tế quốc gia, công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh và vệ sinh môi trường thường xuyên được chú trọng. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân từng bước được cải thiện.
Các hoạt động văn hóa - thông tin, thể dục- thể thao của tỉnh cũng đạt được những kết quả tích cực. Một số công trình kiến trúc Chăm, các di tích lịch sử, di tích cách mạng và kháng chiến trên địa bàn tỉnh được ưu tiên trùng tu, tôn tạo. Các chính sách nhằm khuyến khích hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật; hoạt động báo chí và truyền thông được triển khai và từng bước đổi mới cả về nội dung và hình thức. Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, cơ quan, đơn vị, trường học" được duy trì và đẩy mạnh. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo tổ chức Festival TâySơn - Bình Định lần thứ nhất thành công nhằm phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống yêu nước cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, đồng thời tạo cơ hội để quảng bá rộng rãi hình ảnh quê hương - con người Bình Định đến bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phục vụ công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.
Về thực hiện các chính sách xã hội, gần 3 năm qua, tỉnh đã tạo việc làm mới cho 25.000 lao động, đạt 100% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra, góp phần giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống còn 4,91% (Nghị quyết đề ra đến cuối năm 2010 giảm còn dưới 5%). Đã có 51.554 lao động của tỉnh được đào tạo, tập huấn nghề; đưa tỷ lệ lao động được đào tạo, tập huấn nghề liên tục tăng qua các năm: năm 2006 đạt 27%, năm 2007 đạt 29,5%, năm 2008 đạt khoảng 32%.
Về quốc phòng - an ninh, cùng với tập trung chỉ đạo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng Bình Định thành khu vực phòng thủ "cơ bản, liên hoàn, vững chắc", tỉnh đã chỉ đạo và phát huy hiệu quả công tác xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, xây dựng cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang trên toàn địa bàn vững mạnh, toàndiện.
Công tác lãnh đạo của Đảng và điều hành của chính quyền cũng đã có bước chuyển biến mới. Việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của các cấp ủy đi vào nền nếp đã góp phần tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, phát huy tốt hơn hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị. Hệ thống chính quyền các cấp trong tỉnh tiếp tục được củng cố và kiện toàn; hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp có nhiều chuyển biến tiến bộ; không ngừng phát huy vai trò giám sát của Hội đồng nhân dân đối với hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp trên nhiều lĩnh vực v.v..
Từ những thành tựu đã đạt được trong gần 3 năm qua, Đảng bộ Bình Định đã tiến hành sơ kết và thống nhất rút ra nguyên nhân thành công cùng những bài học kinh nghiệm sau đây:
Một là, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng lãnh đạo tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng đã tạo niềm tin và không khí phấn khởi, thực sự là nguồn lực động viên toàn Đảng, toàn dân không ngừng vượt lên mọi khó khăn, hoàn thành các chỉ tiêu đã xây dựng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Chính phủ và sự giúp đỡ, phối hợp thường xuyên và đồng bộ của các bộ, ban, ngành Trung ương; sự hỗ trợ, hợp tác của các nhà doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với tỉnh đã góp phần quan trọng vào những thành quả mà Bình Định đã đạt được trong nửa nhiệm kỳ qua.
Hai là, nhờ Đảng bộ và chính quyền các cấp của tỉnh đã quán triệt và vận dụng đúng đắn, sáng tạo, linh hoạt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào điều kiện cụ thể của địa phương; trong đó có đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, tỉnh một mặt ra sức huy động tối đa nội lực của mình; mặt khác, hết sức tranh thủ mọi ngoại lực, tạo nên nguồn lực mạnh mẽ, vững chắc cho quá trình xây dựng và phát triển.
Ba là, truyền thống yêu nước, đoàn kết, tinh thần tự lực, tự cường của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh tiếp tục được duy trì và không ngừng được phát huy trong điều kiện mới.
Bốn là, gắn phát triển kinh tế với giải quyết tốt và kịp thời các vấn đề về xã hội, coi trọng bảo vệ môi trường sinh thái, chăm lo nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đối với miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng căn cứ cách mạng.
Năm là, trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, phải quán triệt và nắm vững nguyên tắc xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tăng cường đoàn kết nội bộ và tạo được sự đồng thuận trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân là vấn đề cần thiết.
Sáu là, thường xuyên coi trọng công tác kiểm tra, sơ kết, tổng kết đánh giá việc thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và nghị quyết của cấp ủy; kịp thời rút kinh nghiệm để chỉ đạo và điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm đúng định hướng và không ngừng phát huy hiệu lực, hiệu quả của từng lĩnh vực, từng vấn đề cũng như trên tổng thể các lĩnh vực của đời sống.
Phát huy những thành tựu đã đạt được, với tinh thần nhìn thẳng vào những khuyết điểm và yếu kém, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Bình Định xác định: trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo, toàn Đảng bộ, toàn dân và toàn quân trong tỉnh tranh thủ tận dụng mọi thời cơ, thuận lợi; khắc phục mọi khó khăn, thử thách, đồng sức đồng lòng thực hiện tốt những nhiệm vụ và giải pháp sau đây:
Thứ nhất, tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chương trình hành động của Tỉnh ủy về xây dựng và phát triển toàn diện kinh tế, văn hóa, xã hội; trong đó chú trọng đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu và nâng cao hiệu quả các hoạt động thương mại, dịch vụ; tăng cường các biện pháp tạo nguồn thu cho ngân sách và thu hút vốn cho đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống hạ tầng theo quy hoạch đã được phê duyệt đến năm 2010.
Thứ hai, coi trọng phát triển giáo dục - đào tạo, đẩy mạnh các hoạt động khoa học - công nghệ; tạo bước phát triển mới về chất sự nghiệp văn hóa - thông tin, thể dục - thể thao; y tế; giải quyết tốt các vấn đề xã hội; tiếp tục triển khai có hiệu quả Nghị quyết Trung ương8 (khóa IX) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, đảng viên và nhân dân; củng cố và kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất, trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, bảo đảm tính đồng bộ, tính kế thừa, phát triển.
Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh và coi trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng nghề; gắn đào tạo với nhu cầu lao động cho các cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế và nhu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Triển khai thực hiện tốt các chính sách xã hội hiện hành, đẩy mạnh phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", quan tâm chăm sóc đời sống cho những người có công, phấn đấu nâng cao mức sống cho những người có công bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư trên địa bàn. Đẩy mạnh thực hiện các chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, phấn đấu giảm hộ nghèo xuống dưới 10% vào năm 2010.
Thứ năm, đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; hướng về cơ sở, bám địa bàn, sát đối tượng để phát triển tổ chức và hoạt động có hiệu quả, thiết thực. Đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng, chú trọng phát triển hội, đoàn viên, xây dựng các tổ chức đoàn thể trong các doanh nghiệp, tại các địa bàn có đồng bào là người dân tộc, địa bàn miền núi, tôn giáo. Chỉ đạo xây dựng, thực hiện quy chế phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhằm phát huy vai trò trong kiểm tra việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt các vấn đề phức tạp nảy sinh, các "điểm nóng", tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Phấn khởi, tự tin trước những thành tựu đã đạt được, nhìn rõ yếu kém cùng những bài học kinh nghiệm qua nửa đầu nhiệm kỳ, đồng thời xác định rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cần làm trong nửa nhiệm kỳ tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Bình Định quyết tâm đạt được những thành tựu mới đồng bộ, toàn diện và vững chắc hơn nữa với tinh thần Tây Sơn - Nguyễn Huệ; hòa mình cùng khu vực và cả nước, góp phần quan trọng, xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
Câu chuyện về thắng - thua hay bồ câu - diều hâu  (09/04/2009)
Thấy gì từ một xã bị mất nhiều đất cho công nghiệp  (09/04/2009)
Thấy gì từ một xã bị mất nhiều đất cho công nghiệp  (09/04/2009)
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu  (09/04/2009)
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bạc Liêu  (09/04/2009)
Họp báo Bộ Ngoại giao ngày 9-4-2009  (09/04/2009)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển