Tiến sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, cho rằng, việc mở rộng Thủ đô đã đem lại nhiều thuận lợi song cũng không ít thách thức trong việc lập quy hoạch và thực thi quy hoạch đô thị.

Thông tin trên được ông Hải chia sẻ tại Hội nghị toàn thể mạng lưới các thành phố lớn châu Á thế kỷ 21 (ANMC21) lần thứ 12 vào sáng 18-11 tại Hà Nội.

Theo ông Hải, những thách thức này bao gồm việc phải triển khai khối lượng lớn công tác lập các quy hoạch chuyên ngành và cấp dưới vừa bảo đảm với Quy hoạch chung, vừa kế thừa các quy hoạch đã triển khai. Trong khi đó, lực lượng đội ngũ tư vấn cũng như chất lượng, kinh nghiệm và năng lực triển khai còn hạn chế.

Việc mở rộng Hà Nội cũng đồng nghĩa với việc tiếp quản khoảng 700 dự án, đồ án quy hoạch trước đây. Điều này tạo ra một khối lượng công việc lớn cần giải quyết, phân loại, xử lý cho phù hợp với quy hoạch chung, đặc biệt là các dự án nằm trong khu vực vành đai xanh.

Bên cạnh đó, ông Hải cho rằng năng lực của hệ thống quản lý quy hoạch các cấp chưa đồng đều, sự phối hợp giữa các đơn vị chưa đồng bộ, việc phân cấp quản lý khó do lực lượng mỏng và năng lực hạn chế.

Thêm nữa, việc giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong quá trình kiểm soát phát triển bền vững giữa nhu cầu đầu tư phát triển với việc giữ bản sắc riêng, bảo tồn di sản kiến trúc, cảnh quan… nhằm duy trì bản sắc văn hóa truyền thống trong cấu trúc và không gian đô thị cũng là một thách thức không nhỏ. Việc di dời các cơ sở y tế, trụ sở Bộ, ngành, các trường đại học, cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong nội thành để dành quỹ đất cho hạ tầng đô thị đòi hỏi nguồn lực lớn…

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng người đứng đầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cũng cho rằng việc mở rộng diện tích là “cơ hội vàng” cho Hà Nội phát triển. Đây là thời cơ giải quyết các vấn đề tồn tại của đô thị trong những năm qua từ việc tạo thêm nhiều quỹ đất để phát triển các chức năng quan trọng còn thiếu.

Từ đó, ông Hải đưa ra một số giải pháp cơ bản để giải quyết các vấn đề còn tồn đọng như phải đổi mới phương pháp lập quy hoạch; huy động mọi thành phần tham gia vào công tác quy hoạch; xây dựng hệ thống quản lý, phối hợp đa chiều trong công tác quản lý, triển khai thực hiện quy hoạch; điều chỉnh cơ chế chính sách và tạo nguồn tài chính để thực hiện quy hoạch.

“Mỗi thành phố với đặc điểm khác biệt của mình về tự nhiên, văn hóa, lịch sử, kinh tế xã hội, trong quá trình thực thi quy hoạch đều gặp phải những vấn đề riêng. Việc xác định thực hiện quy hoạch để có môi trường sống tốt, tạo ra hình ảnh đặc trưng cho mỗi đô thị là điều không dễ nhưng việc quản lý, kiểm soát và tạo mọi cơ chế, chính sách để khuyến khích, huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng theo quy hoạch... lại là vấn đề khó và phức tạp hơn”, ông Hải chốt lại./.

Chia sẻ về việc tạo nguồn tài chính, ông Hải cho hay, những năm vừa qua Hà Nội chủ động rà soát và cho phép điều chỉnh các quy hoạch không khả thi, tăng quy mô và bổ sung các chức năng có khả năng sinh lợi, tạo nguồn lực giải phóng mặt bằng, đầu tư quỹ sàn, quỹ đất phục vụ cộng đồng. 

Theo đó, nhà đầu tư được khai thác các không gian phía trên để cân đối tài chính, còn thành phố triển khai được quy hoạch và có thêm nguồn thu từ giá trị đất đai để hoang hóa do quy hoạch không khả thi…