Ngành thủy sản Cà Mau trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Tỉnh Cà Mau 3 bề giáp biển, có nguồn lợi thủy sản phong phú. Thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, trong đó tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Để đạt được mục tiêu khai thác thủy sản đến năm 2010 là 390 ngàn tấn, xuất khẩu 100 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1 tỉ USD, chiếm 25% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tỉnh Cà Mau hướng mạnh vào đầu tư phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản.
Cà Mau là tỉnh cực Nam của Tổ quốc, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long, có diện tích 5.329,5 km2, dân số khoảng 1.250.000 người. Đây là tỉnh duy nhất của cả nước có 3 mặt giáp biển trải dài 254 km từ đông sang tây. Ngư trường rộng trên 80.000 km2, có nhiều loài thủy sản quý hiếm, trữ lượng lớn. Đất mũi Cà Mau có khu vực bãi bồi rộng gần 3.000 km2, hằng năm được phù sa bồi đắp, tiến dần ra biển gần 100m. Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi, Cà Mau có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế thủy sản cả về nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, xuất khẩu; được xem là vùng trọng điểm thủy sản của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Phát triển thủy sản - thành tựu và triển vọng
Về nuôi trồng, năm 2005 toàn tỉnh có 277.000 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó 240 ngàn ha nuôi tôm. Đến nay, tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản là 279.715 ha, trong đó có 248.808 ha nuôi tôm (chiếm khoảng 42% diện tích nuôi thủy sản toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long và 27% diện tích nuôi thủy sản cả nước) với năng suất tôm nuôi bình quân đạt 382 kg/ha, tăng 47 kg/ha so với năm 2005, trong đó diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến năng suất cao tăng lên 2.173 ha, với năng suất tôm nuôi bình quân 500 kg - 600 kg/ha/vụ.
Về khai thác thủy sản, tỉnh đầu tư, sắp xếp lại theo hướng khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên biển, gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển. Hiện nay, toàn tỉnh có 3.642 tàu cá, tổng công suất 353.411CV (tăng 99 tàu, 28.400 CV so năm 2005); trong đó có 2.040 tàu được trang bị máy thông tin liên lạc, 1.193 tàu có công suất từ 90CV trở lên (tăng hơn năm 2005 gần 200 tàu). Sản lượng khai thác năm 2007 đạt 134.000 tấn, tăng 1,5% so năm 2005. Cơ cấu ngành nghề đã có bước chuyển tích cực, các phương tiện nghề te khai thác ven bờ giảm còn 13,8%, các nghề lưới rê, lưới vây, câu mồi, câu mực, khai thác xa bờ... tăng lên 74% và tàu dịch vụ trên biển tăng lên 92 tàu. Việc áp dụng công nghệ mới như chụp mực 4 tăng gông, sử dụng máy dò ngang đã đem lại hiệu quả. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho khai thác biển được đầu tư xây dựng. Các cảng cá Sông Đốc, Hòn Khoai, khu neo đậu trú bão Sông Đốc, khu dịch vụ hậu cần Hòn Chuối đang chuẩn bị hoàn thành, tạo điều kiện cho khai thác biển ngày càng phát triển.
Về chế biến xuất khẩu thủy sản, năng lực công nghiệp chế biến thủy sản được đầu tư cả chiều rộng và chiều sâu, các doanh nghiệp đã tập trung đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cấp trang thiết bị, đa dạng mặt hàng, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ. Toàn tỉnh có 23 doanh nghiệp chế biến thủy sản với 32 nhà máy, tăng 5 doanh nghiệp, 6 nhà máy so với năm 2005, tổng công suất chế biến đạt 147.589 tấn, tăng 16% so năm 2005, trong đó có 27 nhà máy chế biến xuất khẩu công suất 123.589 tấn, tăng 5 nhà máy, công suất tăng hơn 21%. Tỷ trọng hàng giá trị gia tăng và các sản phẩm ngoài tôm tăng mạnh. Các doanh nghiệp đã chủ động xây dựng chiến lược về thị trường, nguyên liệu, sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm; gắn kết với vùng nguyên liệu nhằm tạo ra nguồn hàng sạch, ổn định cho chế biến - xuất khẩu. Nhờ vậy, Cà Mau có sản lượng chế biến xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu thủy sản đứng đầu cả nước.
Kết quả trên là tiền đề quan trọng cho kinh tế thủy sản của tỉnh phát triển trong thời gian tới, góp phần vào sự phát triển chung của khu vực đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất có lúc, có nơi diễn ra ồ ạt, tự phát, làm suy giảm môi trường sinh thái, tăng độ rủi ro trong sản xuất. Mặt khác, một số yếu tố quan trọng phục vụ sản xuất như thủy lợi, giống, kỹ thuật... chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Vốn đầu tư cho nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn, nhất là đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi. Công nghệ khai thác chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, nhất là về kỹ thuật đánh bắt, dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác biển và ngành công nghiệp sửa chữa, đóng mới tàu còn nhỏ bé. Ngành công nghiệp chế biến thủy sản đã được đầu tư tương đối hiện đại so với cả nước, nhưng so với trình độ chung của thế giới thì vẫn còn hạn chế. Tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng còn thấp, chưa có nhiều mặt hàng tinh chế. Nguyên nhân chủ yếu là do trình độ dân trí thấp, tập quán sản xuất lạc hậu, chưa kịp thời ứng dụng khoa học - công nghệ, kết cấu hạ tầng yếu kém và thiếu vốn đầu tư...
Giải pháp và hướng đi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản
Thực hiện chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa X về “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, Đảng bộ tỉnh Cà Mau xác định thủy sản là ngành kinh tế mũi nhọn, con tôm là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Phấn đấu đến năm 2010, sản lượng thủy sản đạt 390.000 tấn (gần 10% chỉ tiêu phấn đấu của cả nước), sản lượng chế biến và xuất khẩu thủy sản đạt trên 100.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên 1 tỉ USD (chiếm 25% chỉ tiêu phấn đấu của cả nước). Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu và thị trường nội địa, đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái; chuyển đổi cơ cấu khai thác theo hướng xa bờ và chuyển đổi ngành nghề khai thác phù hợp với từng ngư trường để nâng cao giá trị hàng hóa, sử dụng hợp lý nguồn lợi, giảm chi phí. Nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm tăng trưởng bền vững trong sản xuất và xuất khẩu thủy sản. Để đạt được mục tiêu đó, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo Nghị quyết Đại hội X của Đảng, tỉnh Cà Mau đã đề ra những giải pháp chủ yếu để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành thủy sản của tỉnh:
- Phát triển nuôi trồng thủy sản ở tất cả các loại mặt nước với nhiều loại hình như nuôi chuyên canh, nuôi luân canh tôm - lúa, tôm - vườn, nuôi kết hợp nhiều loài thủy sản có giá trị cao, khuyến khích nuôi trồng hải sản trên vùng biển ven bờ; lấy hình thức nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh đúng quy trình kỹ thuật là chủ yếu để tăng năng suất và phát triển bền vững. Khuyến khích phát triển nuôi tôm công nghiệp ở những nơi có điều kiện, phát triển kinh tế trang trại trong các vùng nuôi, áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến, nâng cao năng suất, bảo vệ môi trường tạo nguồn cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu. Gắn kết các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu với các vùng nuôi thông qua các hợp đồng kinh tế. Tăng cường khuyến ngư, hiện đại hóa hệ thống sản xuất giống thủy sản, đầu tư chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất các giống thủy sản có chất lượng và giá trị kinh tế, đáp ứng đủ giống tốt.
- Tổ chức sản xuất gắn với quản lý cộng đồng, hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi thủy sản để thống nhất quản lý môi trường, nguồn nước. Phân công hợp tác trong thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ nhau về vốn. Nâng cao chất lượng sản phẩm với việc thực hiện quy trình nông nghiệp an toàn (GAP), không sử dụng các hóa chất, kháng sinh bị cấm trong nuôi trồng thủy sản, chống bơm chích tạp chất vào nguyên liệu thủy sản. Tiếp tục đổi mới công nghệ, tăng cường chế biến các sản phẩm giá trị gia tăng, hàng tinh chế.
- Tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, tạo được những vùng sản xuất tập trung để áp dụng công nghệ tiên tiến, tạo sản lượng hàng hóa lớn và ổn định, đồng thời bảo đảm môi trường sinh thái. Xây dựng và nhân rộng các mô hình tốt trong sản xuất. Có chính sách khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất, góp phần thúc đẩy sản xuất đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao.
- Chuyển dịch nhanh cơ cấu ngành nghề khai thác theo hướng ổn định sản lượng khai thác đánh bắt, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giảm thiểu các nghề sát hại nguồn lợi thủy sản gắn với đầu tư hạ tầng nghề cá, chuyển từ nghề khai thác ven bờ sang nghề khai thác xa bờ, nghề nuôi trồng thủy sản hoặc dịch vụ, du lịch,... Phát triển ngành công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu; phát triển dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác biển.
- Đẩy mạnh đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thủy sản theo hướng tinh chế, đa dạng hóa mặt hàng, nhất là các sản phẩm chín, ăn liền chế biến từ thủy sản. Không ngừng nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu, bảo đảm đầu ra cho sản xuất phát triển bền vững và hiệu quả. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chế biến các sản phẩm mới như mực, cua,... Đẩy mạnh xuất khẩu đi đôi với việc khai thác đúng mức thị trường trong nước để tiêu thụ hàng hóa của tỉnh. Bố trí vốn đầu tư xây dựng hệ thống giao thông các vùng sản xuất nguyên liệu, kết cấu hạ tầng kinh tế kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư.
- Đổi mới công tác khuyến ngư, phát triển kinh tế hợp tác, trang trại, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến vào sản xuất để tăng năng suất, tăng giá trị sản phẩm. Chọn lọc giống thủy sản sạch bệnh, năng suất cao áp dụng phù hợp với từng vùng sinh thái. Tiếp cận với công nghệ sinh học và công nghệ cao trong sản xuất. Phát triển nguồn nhân lực gắn với đầu tư ứng dụng khoa học - công nghệ. áp dụng các biện pháp cải tiến kỹ thuật, công nghệ và quản lý để hạ giá thành sản phẩm, tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên với sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh, tin tưởng rằng đến năm 2010, Cà Mau sẽ đạt sản lượng khai thác thủy sản như chỉ tiêu đặt ra, góp phần cùng cả nước hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu mà Đại hội X của Đảng đã đề ra./.
Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập và xây dựng nền kinh tế tri thức  (25/09/2008)
Đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng đầu năm 2008  (25/09/2008)
Tưng bừng “Ngày khuyến học Việt Nam”  (25/09/2008)
Thành phố Hồ Chí Minh kỷ niệm lần thứ 63 ngày Nam Bộ kháng chiến  (24/09/2008)
Bão số 6 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Bắc Bộ  (24/09/2008)
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
- An ninh nguồn nước ở Thái Lan và hàm ý cho Việt Nam
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên