Xuất khẩu lao động ở đồng bằng sông Cửu Long

Nguyễn Trọng Minh
15:53, ngày 24-08-2009

TCCS - Trên thực tế, nước nào cũng rơi vào tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu lao động. Những nước công nghiệp phát triển thường thiếu rất nhiều lao động phổ thông, lao động có giá nhân công rẻ. Trong khi đó, những nước chậm phát triển thường thiếu lao động trình độ và tay nghề cao, nhưng lại thừa lao động phổ thông và lao động chưa qua đào tạo. Trong phân công lao động quốc tế, xuất - nhập khẩu lao động là một hoạt động tất yếu và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực cả về kinh tế, xã hội và nhân văn cho các bên tham gia. Đây cũng là một vấn đề nóng bỏng đang đặt ra với khu vực đồng bằng sông Cửu Long...

1 - Thực trạng tình hình xuất khẩu lao động ở đồng bằng sông Cửu Long

Từ rất sớm, trong khuôn khổ Hội đồng Tương trợ kinh tế, Việt Nam đã tham gia tích cực vào việc xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang các nước Liên Xô (cũ) và Đông Âu. Giai đoạn 1980 - 1989, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thực hiện XKLĐ theo chỉ tiêu phân bổ của Trung ương nhưng số lượng không đáng kể.

Sang đầu thập niên 90 thế kỷ XX, bối cảnh chính trị thế giới đã thay đổi. Trước tình thế đó, năm 1998 Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 22-9-1998 “Về công tác xuất khẩu lao động và chuyên gia”, năm 1999 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 152/1999/NĐ-CP “Về việc quy định việc người lao động và chuyên gia của Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài”, và cho đến 2007 Việt Nam đã có nhiều văn bản pháp quy của Chính phủ, liên bộ... hướng dẫn thực hiện XKLĐ hay đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc có thời hạn.

Tác dụng tích cực nhiều mặt của hoạt động XKLĐ đối với nước ta đã được Chỉ thị số 41 của Bộ Chính trị khẳng định: “Xuất khẩu lao động và chuyên gia là một hoạt động kinh tế - xã hội góp phần phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, tạo thu nhập và nâng cao trình độ tay nghề cho người lao động, tăng nguồn thu cho đất nước và tăng cường quan hệ hợp tác quốc tế giữa nước ta với các nước”.

Đến những năm đầu thế kỷ XX các tỉnh ĐBSCL đã hoàn thành các chương trình, đề án XKLĐ cụ thể theo các giai đoạn 2003 - 2006, 2006 - 2010. Sau 6 năm (2003 - 2008) thực hiện XKLĐ một cách có kế hoạch và theo các đề án cụ thể do địa phương đề ra, các tỉnh trong vùng ĐBSCL đã có những thành công bước đầu. Giải quyết việc làm theo hướng XKLĐ đã mang lại những kết quả rất đáng khích lệ, thể hiện qua số liệu thống kê sau:

Bảng 1: Kết quả xuất khẩu lao động của các tỉnh ĐBSCL giai đoạn 2003 - 2008(1)

                                                                  (đvt: người)

Tỉnh, Thành

2001-2003(*)

2004

2005

2006

2007

2008

2003-2008

Long An

135

400

475

459

448

227

1.917

Cần Thơ

103

222

568

599

300

180

1.792

Kiên Giang

10

100

383

491

509

210

1.493

Tiền Giang

60

96

304

429

91

81

980

Trà Vinh

65

236

376

245

126

60

1.108

Đồng Tháp

854

1.521

1.559

1.070

686

310

5.690

Vĩnh Long

546

1.060

1.300

880

586

464

4.372

An Giang

30

808

1.497

609

130

139

3.074

Bến Tre

885

971

989

1.142

997

497

4.984

Bạc Liêu

89

428

340

89

64

79

1.010

Cà Mau

78

312

722

87

45

38

1.244

Sóc Trăng

09

207

554

650

670

205

2.090

Hậu Giang

#

105

365

207

120

80

877

ĐBSCL

2.864

6.466

9.432

6.957

4.772

2.570

30.631

Về số lượng XKLĐ, trong các năm 2003 - 2005, số lượng XKLĐ tăng trưởng theo hướng năm sau cao hơn năm trước, đã tạo ra những chuyển biến lớn cho thu nhập của người lao động, phản ánh được xu thế hội nhập của lao động trong vùng nói riêng, của Việt Nam nói chung. Điều đó cho thấy, các đề án và kế hoạch của các cấp chính quyền đã đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, kết quả thu được không đồng đều giữa các tỉnh, trong đó có một số ít địa phương phát triển rất mạnh, số còn lại gần như chưa phát huy được lợi thế so sánh về nguồn lao động dồi dào của mình. Năm 2006 - 2007, kết quả XKLĐ của ĐBSCL có dấu hiệu suy giảm rõ rệt về số lượng. Riêng năm 2008, số lượng XKLĐ ở ĐBSCL giảm sút đến mức hầu hết các tỉnh chỉ thực hiện được 1/3 chỉ tiêu kế hoạch.

Về cơ cấu thị trường, thị trường XKLĐ của các tỉnh ĐBSCL chủ yếu là Ma-lai-xi-a, chiếm tỷ lệ 72% - 90% trong cơ cấu thị trường XKLĐ của vùng, Đài Loan chiếm 10% - 15%. Từ 2003 - 2007, các tỉnh đã đưa lao động chủ yếu sang làm việc tại Ma-lai-xi-a cụ thể như sau: Đồng Tháp: 81%, Tiền Giang: 92%, An Giang: 86%, Cà Mau: 96%, Sóc Trăng: 95%, Cần Thơ: 72%, Bạc Liêu: 81%, Kiên Giang: 72,8%, Bến Tre: 76%(2). Các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc... chiếm tỷ lệ rất ít, khoảng 1% - 2%, và chỉ tập trung ở một số ít tỉnh, chủ yếu là Vĩnh Long, Long An, Bến Tre và Cần Thơ.

Về thu nhập, ngành nghề, điều kiện làm việc và chi phí ban đầu của LĐXK ở ĐBSCL có sự phân biệt cao hay thấp tùy thuộc vào các thị trường cụ thể.

- Thị trường Hàn Quốc đang được thực hiện theo chương trình cấp phép mới, người lao động có thu nhập ban đầu là 500 USD - 750 USD/tháng, chi phí ban đầu khoảng 25 triệu - 30 triệu đồng. Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi cao về tay nghề của người lao động và phụ thuộc vào số chỉ tiêu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao cho các tỉnh. Người lao động làm việc trong các nhà máy chuyên về sản xuất, lắp ráp điện tử,... có thu nhập khá ổn định nên ít xảy ra tình trạng tự bỏ hợp đồng.

- Thị trường Đài Loan có thu nhập khá 300 USD - 500 USD/ tháng, nhưng chi phí ban đầu lại cao (chủ yếu do chi phí môi giới phía Đài Loan cao, khoảng 5.000 USD - 6.000 USD), đòi hỏi người lao động có trình độ văn hóa tối thiểu trung học phổ thông, làm nhà máy, công xưởng và nghề giúp việc, kháng hộ...

- Thị trường Ma-lai-xi-a do cần nhiều lao động phổ thông, không đòi hỏi trình độ đào tạo tay nghề khắt khe nên đã thu hút được gần 90% số LĐXK của vùng. Thu nhập khoảng 2,5 triệu - 3,5 triệu đồng/tháng. Đây là thị trường khá phù hợp với nguồn lao động phổ thông của vùng ĐBSCL, nên có tác dụng tốt cho các địa phương thực hiện các chương trình xóa đói, giảm nghèo. Nhưng từ cuối 2006 đến nay, do nhiều nguyên nhân, thị trường này không còn hấp dẫn người dân trong vùng nữa.

Điều kiện sinh hoạt, ăn ở của người lao động tại thị trường có thu nhập cao thông thường tốt và ổn định hơn so với người lao động ở thị trường lao động Ma-lai-xi-a.

Có được những kết quả ban đầu như trên là do quá trình vận động tích cực và những đóng góp của các cấp chính quyền trong vùng, thể hiện qua những việc cụ thể sau:

- Nhiều địa phương đã hình thành, củng cố ban chỉ đạo giải quyết việc làm - XKLĐ ở các cấp phù hợp với tình hình thực tế địa phương, đồng thời có kế hoạch cụ thể cho từng năm, phân công từng thành viên trong ban chỉ đạo dự án. Một số tỉnh đã có chương trình, kế hoạch cụ thể tới mỗi địa phương (huyện, xã và các thôn, ấp) và kế hoạch phối hợp giữa các ngành và đoàn thể để đẩy nhanh hoạt động XKLĐ.

- Một số địa phương đã tiến hành khảo sát nhu cầu về học nghề, tìm việc làm và nhu cầu XKLĐ, lập danh sách quản lý lao động và phân công các ngành, đoàn thể tổ chức thực hiện, đáp ứng nhu cầu của người lao động để hội đủ các yêu cầu về XKLĐ.

- Các địa phương đã phát triển các cơ sở, trung tâm giới thiệu và xúc tiến việc làm để tổ chức cung cấp thông tin, tư vấn cho người lao động cũng như phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề giúp người lao động hoàn tất các thủ tục xuất cảnh...

- Các tỉnh đã cấp phép cho các doanh nghiệp và các công ty địa phương thực hiện hoạt động XKLĐ trực tiếp. Hầu hết các tỉnh đã có các doanh nghiệp tham gia XKLĐ như Sóc Trăng đến năm 2006 có 9 doanh nghiệp, Kiên Giang có 8, trong đó có 2 doanh nghiệp được xuất khẩu trực tiếp... và hình thành hệ thống trung tâm giới thiệu và dịch vụ việc làm.

2 - Thách thức đối với XKLĐ ở ĐBSCL

Trước những yêu cầu mới của xu thế hội nhập quốc tế ngày một sâu rộng của nền kinh tế nước ta, quá trình phân công lao động quốc tế ngày càng đi vào chiều sâu, thời cơ ngày càng xuất hiện nhiều, hoạt động XKLĐ của ĐBSCL cũng đang đối mặt với nhiều thách thức hơn, thể hiện trên mấy vấn đề sau:

a - Lực lượng lao động ở ĐBSCL dồi dào nhưng kỹ năng nghề nghiệp kém, trình độ văn hóa - giáo dục còn thấp

Lực lượng lao động được hiểu là dân số hoạt động kinh tế, bao gồm tất cả những người từ 15 tuổi trở lên(3) có việc làm và cả những người thất nghiệp trong thời gian quan sát. Tuy nhiên, trong nội dung này chúng tôi chỉ đề cập chủ yếu lực lượng lao động trong độ tuổi theo quy định của Bộ luật Lao động Việt Nam.

Số dân toàn vùng là 16,88 triệu người(4), trong đó số người ở độ tuổi lao động hơn 60%. Theo nguồn thống kê từ các sở lao động - thương binh và xã hội của các tỉnh, thành phố, hằng năm dân số trẻ của các tỉnh bước vào tuổi lao động khoảng 25.000 - 45.000 người. Số lao động dồi dào trong độ tuổi của vùng có ý nghĩa rất lớn để ĐBSCL vừa đẩy nhanh nền sản xuất, vừa tham gia XKLĐ. Song có một thực trạng (trong các báo cáo gần đây của Bộ Giáo dục và Đào tạo) là ở vùng này người lao động có trình độ học vấn, chuyên môn thấp nhất nước. Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỷ lệ bình quân dân số được đi học mới đạt 51%(5), tới năm 2000 số người mù chữ vẫn còn chiếm gần 40%. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chỉ số HDI của vùng thấp hơn bình quân cả nước (0,696); ĐBSCL có số lượng giáo viên đạt chuẩn thuộc loại thấp nhất nước(6), tình trạng học sinh “ngồi nhầm lớp” vẫn còn xảy ra...

b - Về tình hình đào tạo nghề

Năm 2003, hoạt động dạy nghề ở các tỉnh trong vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế về số lượng cơ sở cũng như chất lượng đào tạo nghề. Nhưng đến năm 2007, toàn vùng đã có 340 cơ sở dạy nghề(7), trong đó có 190 cơ sở công lập, chiếm 43,6%.

Các cơ sở đào tạo nghề chủ yếu tập trung vào các chương trình dạy nghề có hàm lượng công nghệ thấp, như nghề chăn nuôi, trồng trọt, phụ hồ, may vá... Các nghề đào tạo chủ yếu tập trung phục vụ cho xóa đói, giảm nghèo với các khóa đào tạo ngắn hạn nhằm giúp người lao động nông thôn giải quyết thất nghiệp tạm thời. Các chương trình và các khóa đào tạo, hướng nghiệp phục vụ XKLĐ còn quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Thói quen, tập tục ít quan tâm và không học nghề của lao động thuần nông vùng ĐBSCL đã làm cho ý thức học nghề kém, khả năng chuyển đổi sang công việc khác ở các lĩnh vực phi nông nghiệp đã rất khó khăn, lại càng khó khăn hơn đối với việc đi lao động ở nước ngoài. Tỷ lệ trúng tuyển xuất khẩu lao động trên thực tế chỉ đạt 35% - 55% so với số người đăng ký.

Năm 2007, Hội nghị "Dạy nghề, việc làm và giảm nghèo vùng ĐBSCL" do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ được tổ chức ở Cần Thơ đã kết luận: “Khu vực ĐBSCL là một trong những vùng có tỷ lệ học sinh theo học nghề thấp nhất cả nước, 156.000 học sinh học nghề ngắn hạn... Riêng đội ngũ giáo viên dạy nghề chỉ có trên 2.400 người, vẫn còn thiếu khoảng 900 giáo viên. Mặt khác, số giáo viên dạy nghề hiện còn khoảng 50% chưa đạt chuẩn cần được đào tạo, bồi dưỡng bổ sung kiến thức về sư phạm, chuyên môn”. Thực tế hiện nay, trong vùng mới chỉ có một cơ sở đào tạo giáo viên dạy nghề, đó là Trường Cao đẳng Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long với quy mô tuyển sinh mỗi năm chỉ khoảng 600 học sinh, chưa đáp ứng yêu cầu bổ sung giáo viên dạy nghề cho vùng...

Các chương trình giáo dục - đào tạo nghề hiện vẫn còn cứng nhắc, không cập nhật kỹ thuật, công nghệ mới, trình độ đào tạo không đồng đều, hoạt động dạy nghề chưa nắm bắt kịp nhu cầu thị trường lao động, nhất là các cơ sở dạy nghề công lập; chưa huy động được doanh nghiệp, khu công nghiệp, làng nghề tham gia các khâu đào tạo. Đây là một lỗ hổng lớn trong quy trình đào tạo nghề ở nước ta nói chung, ở ĐBSCL nói riêng.

Bảng 2: Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề của ĐBSCL giai đoạn 2003 - 2006

Năm

2000(8)

2003

2004

2006

ĐBSCL

8%

13,43%

14,63%

16,7%

Cả nước

15%

21,22%

24%

27,8%

Chỉ số người lao động được đào tạo nghề của vùng là rất thấp so với chỉ số chung của cả nước. Do vậy, khả năng đáp ứng về chất lượng của lao động để chuẩn bị cho hội nhập kinh tế cũng như giải quyết việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn trong vùng vẫn còn nhiều thách thức. Lao động chưa qua đào tạo còn quá đông sẽ gây cản trở việc thực hiện các kế hoạch, đề án XKLĐ của các địa phương.

c - Chăm sóc sức khỏe và sức khỏe người lao động

Theo số liệu thống kê, đến năm 2000 ĐBSCL cơ bản đã có trên 80% số trạm y tế cơ sở ở địa phương có bác sĩ, nhưng điều kiện về vật chất - kỹ thuật y tế vẫn chưa bảo đảm đủ số lượng, chất lượng để thường xuyên phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe của người lao động cũng như đại bộ phận dân cư trong vùng. Trong đó, công tác khám và kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động gần như bỏ ngỏ, phòng trị các loại bệnh nhiệt đới, bệnh xã hội, bệnh tim mạnh và răng hàm mặt thông thường rất ít được các ngành, các cấp chính quyền ở vùng nông thôn thực sự quan tâm. Do đó, sức khỏe người lao động chưa được theo dõi và người lao động thường xuyên lo lắng và e ngại khi các nhà tuyển dụng lao động yêu cầu người dự tuyển trình bày về trình trạng về sức khỏe của mình để đánh giá khả năng đáp ứng các công việc cụ thể.

Ngoài ra, thói quen, tập tục sinh hoạt và chăm sóc sức khỏe của dân cư ở ĐBSCL đã tác động không nhỏ đến chất lượng sức khỏe. Chẳng hạn, người lao động trong độ tuổi hầu như chưa có thói quen đến các cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe định kỳ và điều trị các bệnh thông thường. Thường khi bệnh đã nặng thì mới đến các cơ sở y tế. Thói quen này gây ra những hậu quả là nhiều bệnh đơn giản đã trở thành mãn tính, khó điều trị và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe, cũng như khả năng làm việc. Đây là thách thức đối với người lao động và do vậy họ sẽ không đáp ứng được các hợp đồng lao động trong và ngoài nước trong xu thế phát triển mới của đất nước.

Những đặc điểm về trình độ học vấn, đào tạo tay nghề và chăm sóc sức khỏe, cũng như tình trạng sức khỏe chung của người lao động ĐBSCL, như phân tích ở trên, đã tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn lao động. Vì XKLĐ là xuất khẩu một loại hàng hóa đặc biệt- hàng hóa sức lao động, lao động phải bảo đảm các yêu cầu đặc biệt liên quan đến con người: sức khỏe, trình độ học vấn, đào tạo về chuyên môn nghề nghiệp, kỹ năng lao động, kỷ luật lao động,... nên nếu chất lượng nguồn nhân lực ở ĐBSCL không sớm được cải thiện thì đó là một thách thức rất lớn.

Từ cuối năm 2008 và đầu năm 2009, do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới, việc một số nước, trong đó có Ma-lai-xi-a hạn chế nhập khẩu lao động của Việt Nam đã tác động tới thị trường XKLĐ của ĐBSCL. Trước thực tế đó ĐBSCL cần phải có các bước chuẩn bị để hoạt động XKLĐ đón bắt những cơ hội mới khi kinh tế thế giới bắt đầu phục hồi trong tương lai gần, trong đó, đặc biệt phải chú ý tới cải thiện chất lượng lao động, nhất là phải tập trung đào tạo nguồn lao động có kỹ năng, lành nghề cụ thể để sẵn sàng tham gia hoạt động XKLĐ.

Theo chúng tôi, để hoạt động kinh tế này tiếp tục phát triển, chính quyền các tỉnh vùng ĐBSCL cần gấp rút tập trung giải quyết các vấn đề: Nâng cao tay nghề và kỹ năng nghề của lao động thông qua đào tạo nghề với quan niệm mới về đào tạo nghề; chăm sóc sức khỏe định kỳ cho nhân dân nói chung và lao động trẻ nói riêng; tăng cường sự phối hợp giữa các ngành chức năng liên quan để thực hiện các chủ trương về XKLĐ; tổ chức tuyên truyền sâu rộng về tác dụng nhiều mặt của XKLĐ với đầy đủ nội dung và quy mô, môi trường đa dạng; làm tốt khâu tiếp nhận lao động về nước do hết thời hạn hợp đồng hoặc rủi ro, cần quan tâm cụ thể hơn nhằm khuyến khích người lao động trở về nước có cơ hội phát huy được kinh nghiệm và vốn đầu tư để hành nghề một cách chính đáng, góp phần làm giàu cho bản thân và cho đất nước./.
 
-----------------------------------------

(1) Số liệu tổng hợp từ các sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh trong vùng ĐBSCL, năm 2008

(*) Chủ yếu là thực hiện trong năm 2003

(2) Nguồn từ các sở lao động - thương binh và xã hội các tỉnh trong vùng ĐBSCL, năm 2008

(3) Tổng cục Thống kê: Niên giám thống kê 2006, tr 32

(4) Tính đến 2003, theo Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê 2005

(5) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội các tỉnh ĐBSCL 5 năm 2001 - 2005

(6) Số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2004

(7) Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Báo cáo kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2008, ngày 26-07-2008

(8) Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kế hoạch phát triển - kinh tế xã hội các tỉnh ĐBSCL 5 năm 2001 - 2005, số 4562 BKH/ ĐP, Hà Nội 06-07-2001