Chiều 23-8, tại Trung tâm Thanh thiếu niên quận Marzahn-Hellersdorf ở Berlin, CHLB Đức, Hội Trống cơm (Reistrommel e.V) - tổ chức hỗ trợ hội nhập và bảo vệ các quyền cho người Việt Nam nhập cư, đã tổ chức 20 năm thành lập.

Đại diện ban lãnh đạo quận Marzahn-Hellersdorf, đặc trách ngoại kiều, một số đại diện các đảng, đoàn trong quận cùng đông đảo bạn bè Đức, bà con người Việt Nam đã tới tham dự.

Phát biểu khai mạc, người sáng lập đồng thời là Chủ tịch Hội, bà Tamara Hentschel, đã xúc động nhắc lại quá trình hình thành và phát triển hội, từ ý tưởng ban đầu là cùng những người bạn tập hợp nhau lại để đòi sự công bằng quyền lợi cho các lao động người Việt Nam sau thời kỳ hai miền nước Đức tái thống nhất, cho tới cách thức giúp đỡ những người Việt Nam hội nhập, định cư hợp pháp và phát triển ở Đức. Sau một thời gian hoạt động, Hội đã chính thức được thành lập vào tháng 9-1993. Tới nay, Hội đã mở rộng với hàng chục thành viên, nhiều chương trình, dự án thiết thực dành cho người nhập cư hội nhập xã hội Đức. Đặc biệt, Hội cũng chú trọng giới thiệu văn hóa Việt Nam cho bạn bè Đức và dạy tiếng Việt cho con em người Việt Nam sinh ra ở Đức.

Đại diện chính quyền quận, bà Dagmar Pohle, Quận phó quận Marzahn-Hellersdorf phụ trách vấn đề xã hội, đã đánh giá cao những thành quả mà Hội đã làm được cho người Việt Nam nhập cư, góp phần rất lớn vào việc ổn định, hội nhập và phát triển của một bộ phận người Việt Nam ở Đức. Phát biểu nhân dịp này, ông Nguyễn Phúc Hiền, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán nước ta tại Đức, cũng mong muốn Hội sẽ tiếp tục phát triển và giúp người Việt Nam hội nhập tốt hơn nữa, ghi nhận những nỗ lực của hội trong việc giúp đỡ, hỗ trợ người Việt Nam hội nhập xã hội Đức trong suốt 20 năm qua.

Trong khuôn khổ buổi lễ, những người tham dự có dịp ôn lại kỷ niệm những ngày đầu khó khăn hội nhập ở Đức. Ngoài ra, còn có nhiều hình ảnh, tư liệu nói về quá trình hội nhập của người Việt Nam ở Đức được đem ra trưng bày. Tại buổi lễ cũng đã diễn ra nhiều tiết mục văn nghệ, thể thao đặc sắc mang đậm truyền thống do chính các anh chị em, các cháu thế hệ người Việt Nam thứ hai biểu diễn./.