Tiền mất tật mang

Giang Sơn
16:50, ngày 24-05-2013
TCCSĐT - Quân đội Mỹ và NATO sẽ rút khỏi Áp-ga-ni-xtan vào cuối năm 2014. Đến thời hạn đó, họ phải chuyển giao cho Chính quyền Ca-bun cả ba mảng kiến tạo lớn là an ninh, quản lý kinh tế và điều hành chính trị. Thời gian không còn nhiều, cả ba mảng này đều còn rất ngổn ngang. Hơn chục năm cuộc chiến đã khiến hàng chục nghìn binh sĩ NATO bị thương vong, tốn kém thiệt hại cũng hơn 4 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, cuối cùng tiền mất tật mang. Mọi thứ đều đổ lên đầu người dân.
Ta-li-ban tăng cường tấn công

Bước vào tháng 5, từ Áp-ga-ni-xtan liên tục phát đi nhiều tin dữ về những vụ đánh bom tự sát và các cuộc “tấn công nội bộ”. Phiến quân luôn đe dọa và cảnh báo sẽ tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm vào các căn cứ quân sự quốc tế, văn phòng cơ quan đại diện ngoại giao. Bộ Chỉ huy Ta-li-ban cũng đã công khai tuyên bố sẽ bắt đầu “Chiến dịch mùa Xuân” tấn công chống chính quyền và quân đội nước ngoài.

An ninh ở xứ sở này rõ ràng chưa có gì bảo đảm. Những ngày đầu tháng 5 vừa qua được coi là ngày đẫm máu với Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO đứng đầu tại Áp-ga-ni-xtan. Một chiếc xe của ISAF bị trúng mìn, làm 7 binh sĩ thiệt mạng. Một vụ “tấn công nội bộ”, binh sĩ người địa phương nổ súng giết chết 2 binh sĩ NATO. Trước đó ngày 29-4, một máy bay vận tải của Mỹ đã rơi ngay sau khi cất cánh từ căn cứ không quân Bác-ram (Bagram) của Mỹ ở phía Bắc thủ đô Ca-bun, toàn bộ 7 người trong đội bay tử nạn. Ngay lập tức Ta-li-ban “nhận trách nhiệm” bắn rơi chiếc máy bay này. Tuy nhiên, ISAF đã bác bỏ tuyên bố đó.

Theo một báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc, chỉ trong quý I/2013, các vụ tấn công của Ta-li-ban và các thế lực Hồi giáo cực đoan khác đã giết hại 475 người bao gồm binh sĩ và dân thường Áp-ga-ni-xtan, làm 872 người khác bị thương, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo số liệu của một tổ chức phi chính phủ ở Áp-ga-ni-xtan, số vụ Ta-li-ban và các nhóm phiến quân khác tấn công quân chính phủ và các lực lượng NATO trong 3 tháng đầu năm 2013 đã tăng gần gấp đôi. Trước tình hình nhộn nhạo, bất ổn, không bảo đảm an ninh, các tướng lĩnh NATO rất sốt ruột, mong muốn đưa binh sĩ về nước càng sớm càng tốt, bởi ở lại thêm ngày nào sẽ đồng nghĩa với con số thương vong gia tăng thêm ngày đó.

Cũng phải nói thêm rằng, trong hơn chục năm qua, Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã chuyển hàng trăm triệu USD tới Phủ Tổng thống Áp-ga-ni-xtan. Những kiện lớn, kiện nhỏ Mỹ kim được chuyển đến liên tục, hầu như hằng tháng. Chúng được chuyển đến, rồi lại nhanh chóng chuyển đi theo những con đường bí ẩn. Có nguồn tin cho rằng, đó là khoản tiền hối lộ Tổng thống Ha-mít Ca-dai (Hamid Karzai). Thế nhưng, cho đến nay không có bằng chứng nào xác nhận ông H. Ca-dai đã nhận số tiền đó. Tất cả các túi ni-lông, va-li tiền đều được xử lý ngay tại Hội đồng An ninh quốc gia. Tổng thống Ha-mít Ca-dai giải thích số tiền này giống như một hình thức viện trợ minh bạch, dùng cho “các khoản chi tiêu của Văn phòng Tổng thống”.

Trên thực tế các khoản tài trợ bí mật đó được chi cho các lãnh chúa, các chính trị gia, mà nhiều người trong số này có liên quan tới ma túy, thậm chí trong nhiều trường hợp, đích đến cuối cùng của những khoản Mỹ kim ấy chính là các chỉ huy của Ta-li-ban. Thực chất, đây là cái được gọi là “vũ khí bí mật” của Mỹ ở Áp-ga-ni-xtan, là “tiền bảo lãnh” để đối phương bớt “hướng nòng súng vào binh sĩ Mỹ”. Chuyện thật như đùa! Hai bên dàn trận đánh nhau, mà bên mạnh lại phải “hối lộ” bên yếu, để “bị đấm nhẹ hơn”.

Giàu tài nguyên, nhưng chưa được khai thác


Áp-ga-ni-xtan là một trong những quốc gia nghèo và kém phát triển nhất thế giới. Hơn 70% trong số 30 triệu dân nước này sống dưới mức 2 USD/ngày. Hiện kinh tế Áp-ga-ni-xtan chủ yếu dựa vào nông nghiệp, tiểu thủ công và du lịch. Một phần ba GDP của Áp-ga-ni-xtan thu được từ cây thuốc phiện và buôn bán trái phép các loại chất có nguồn gốc từ loại cây này như moóc-phin hay hê-rô-in. Áp-ga-ni-xtan hiện là nơi sản xuất ma túy lớn nhất thế giới. Những vấn đề nổi cộm như sản xuất và buôn bán ma túy đang ảnh hưởng hết sức tiêu cực đến toàn bộ khu vực Trung - Nam Á.

Trong 10 năm gần đây, khối lượng sản xuất ma túy tại Áp-ga-ni-xtan đã tăng 40 lần. Trong khoảng thời gian đó, hơn một triệu người trên khắp thế giới đã tử vong vì ma túy của nước này. Các khu vực trồng cây thuốc phiện luôn gắn liền với những cuộc nổi dậy của phiến quân Ta-li-ban. Chúng dùng chính lợi nhuận thu được từ ma túy để tổ chức các hoạt động chống phá Chính phủ Áp-ga-ni-xtan, cũng như lực lượng liên quân quốc tế. Phần lớn các sản phẩm ma túy được tuồn lậu ra khắp thế giới, nhất là Mỹ và châu Âu. Và cũng thật trớ trêu, chính một số sĩ quan Mỹ và NATO đóng quân tại xứ sở này đã tiếp tay cho các đường dây vận chuyển lậu thứ hàng độc hại này.

Đương nhiên, cộng đồng quốc tế không thể khoanh tay đứng nhìn, mặc cho “cái chết trắng” gieo rắc khắp nơi. Nhiều hội nghị các nhà tài trợ tái thiết Áp-ga-ni-xtan đã cam kết đóng góp hàng chục tỷ USD. Những khoản tiền đó đã và đang được giải ngân. Nhờ vậy, mấy năm gần đây Áp-ga-ni-xtan đã phần nào khôi phục được sản xuất, tăng trưởng GDP đạt 6-8,5%/năm (không kể khu vực trồng anh túc). Chính quyền Ca-bun đã phát động chiến dịch phá hủy các cánh đồng này. Năm 2012, Chính phủ đã triệt phá được 10.000 ha. Năm 2013, Tổng thống H. Ca-dai cam kết sẽ triệt phá thêm 15.000 ha nữa. Tất nhiên, công việc này còn phải thực hiện lâu dài, không thể một vài năm có thể thay đổi được “tập quán canh tác” đã thấm sâu vào máu thịt của nông dân Áp-ga-ni-xtan.

Thật ra, người Áp-ga-ni-xtan đang sống trên “đống vàng” mà họ chưa có điều kiện khai thác. Theo các số liệu của các chuyên gia địa chất Mỹ, khoáng sản trong lòng đất nước này có giá trị không dưới 3.000 tỷ USD. Ngoài sắt, vàng, đồng, quốc gia Nam Á này rất giàu li-thi-um - một nguồn “năng lượng đặc biệt”, chủ yếu để sản xuất các loại pin máy tính xách tay và bút ghi điện não đồ. Trong xu thế toàn cầu đang gấp rút triển khai phát triển nguồn “năng lượng xanh”, chắc chắn nhu cầu về li-thi-um trong thế kỷ XXI sẽ tăng lên rất nhiều.

Với một đất nước giàu khoáng sản như thế, hoàn toàn dễ hiểu vì sao nhiều kẻ nhòm ngó tới Áp-ga-ni-xtan. Khi mới bắt đầu chiến dịch ở Áp-ga-ni-xtan, người Mỹ viện cớ tìm diệt mạng lưới khủng bố quốc tế An Kê-đa. Nhưng cũng không loại trừ họ đã có những tính toán riêng cho nguồn khoáng sản vô cùng giá trị ở đây. Ở thế hiện nay, trong khi đàm phán với Chính quyền của Tổng thống H. Ca-dai về việc sẽ lưu lại một số đơn vị ở Áp-ga-ni-xtan để tiếp tục giúp bảo vệ an ninh, sau khi đã rút hết 64.000 quân (riêng Mỹ) trong lực lượng ISAF về nước, Bộ Chỉ huy Mỹ đã tiến hành điều chỉnh, chuyển quân tới những khu vực có mỏ khoáng sản giá trị.

Nguồn tin từ Oa-sinh-tơn cho biết, ngày 9-5 vừa qua, Nhà Trắng đã nhận được lời mời của Tổng thống H. Ca-dai về việc cho phép quân đội Mỹ duy trì 9 căn cứ tại quốc gia Nam Á này sau năm 2014, khi binh sĩ nước ngoài đã rút hết về nước. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Áp-ga-ni-xtan đưa ra lời "chào mời" nhằm đổi lấy những bảo đảm về an ninh và viện trợ liên tục của Mỹ, cũng như của các nước NATO. Ông H. Ca-dai đã đưa ra lời mời trên với điều kiện Mỹ và NATO phải cam kết sau năm 2014 vẫn tiếp tục bảo đảm an ninh dài hạn và hợp tác chặt chẽ trong việc phát triển kinh tế ở Áp-ga-ni-xtan. Nếu hai bên đạt được thỏa thuận cuối cùng, thì 9 căn cứ quân sự của Mỹ sẽ tồn tại lâu dài ở Ca-bun (Kabul), Bác-ram (Bagram), Can-đa-ha (Kandahar), Ma-da (Mazar), Gia-la-la-bát (Jalalabad), Ga-đét (Gardez), Hen-man (Helmand), Hê-rát (Herat) và Sin-đan (Shindand).

Người phát ngôn Nhà Trắng Giây Ca-nây (Jay Carney) cũng đã tuyên bố, Mỹ không có ý định thiết lập căn cứ quân sự vĩnh viễn tại Áp-ga-ni-xtan. Bất cứ sự hiện diện quân sự nào của Mỹ tại quốc gia Nam Á này sau năm 2014 cũng sẽ dựa trên lời mời của Chính quyền Ca-bun với mục tiêu tăng cường huấn luyện cho các lực lượng an ninh sở tại và tiêu diệt các tàn dư của mạng lưới khủng bố An Kê-đa.

“Bóng ma Ta-li-ban” hiện hình trở lại

Theo Hiến pháp Áp-ga-ni-xtan, năm 2014 cử tri quốc gia Nam Á này sẽ bầu cử tổng thống mới, ông H. Ca-dai đã giữ chức tổng thống hai nhiệm kỳ, lần này sẽ không được phép ứng cử. Dù sao thì việc Chính quyền Tổng thống Áp-ga-ni-xtan nhận hối lộ của CIA trong nhiều năm qua chắc chắn đã phủ bóng đen lên danh tiếng của ông H. Ca-dai. Câu hỏi ai sẽ là người tiếp tục lãnh đạo quốc gia Nam Á này cũng đang bỏ ngỏ, thế mà năm 2015, Áp-ga-ni-xtan sẽ phải tiến hành bầu lại quốc hội. Chính giới Mỹ tỏ ra vô cùng lo ngại trước viễn cảnh đó. Cựu nghị sĩ Mỹ J. Mác-san (Jim Marshall) cảnh báo các nhà hoạch định chính sách Mỹ và các chuyên gia đang bàn về cuộc đàm phán với Ta-li-ban rằng, tất cả những lập luận, tranh cãi đó sẽ không còn ý nghĩa gì, nếu các cuộc bầu cử ở Áp-ga-ni-xtan, đặc biệt là cuộc bầu cử tổng thống “diễn ra không tốt đẹp”, nghĩa là không theo ý định của Mỹ. Bởi điều đó sẽ đẩy quốc gia này rơi vào nội chiến. Theo ông J. Mác-san, sau năm 2014, lực lượng Mỹ và NATO ở lại Áp-ga-ni-xtan sẽ là quá mỏng, không đủ sức ngăn Áp-ga-ni-xtan tan rã. Đương nhiên, “cái bóng ma Ta-li-ban” sẽ hiện nguyên hình trở lại và Chính quyền Ca-bun rất khó chống đỡ.

Thực tế cho thấy, lực lượng Ta-li-ban sau khi bị liên quân NATO đánh tan tác hồi đầu cuộc chiến đã nhanh chóng tập hợp lại xung quanh những viên chỉ huy chiến trường nổi tiếng. Mặt khác, các toán chiến binh Ta-li-ban cũng được các thế lực ở Pa-ki-xtan ngầm che chở, cung cấp lương thực, vũ khí, cho phép đồn trú và mở trại huấn luyện quân sự trên vùng biên giới giữa Pa-ki-xtan và Áp-ga-ni-xtan, thậm chí vào sâu nhiều vùng nội địa Pa-ki-xtan. Mặt khác, phần lớn các chiến binh Ta-li-ban là những nông dân, người lao động, ban ngày hoặc trong những thời điểm nào đó họ làm việc, lao động trên cánh đồng, trong các công xưởng, làm nhân viên cửa hàng, thậm chí dạy học hay làm hướng dẫn viên du lịch. Nhưng khi vào trận, họ là những chiến binh mưu trí, dày dạn kinh nghiệm, chiến đấu ngoan cường, bởi họ luôn ý thức chiến đấu với quân NATO là để đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương đất nước. Họ tự vũ trang bằng cách cướp vũ khí của các đoàn xe vận tải NATO, sử dụng chiến thuật du kích, thoắt hiện thoắt ẩn, tấn công chớp nhoáng, rút lui mau lẹ. Họ dùng những lực lượng nhỏ quấy đảo thường xuyên, làm cho lực lượng quân đội Mỹ và NATO mất ăn mất ngủ, gây tâm lý chán nản, chán ghét đánh nhau, mong chóng hồi hương.

Bộ Chỉ huy Ta-li-ban không coi trọng Chính quyền Ca-bun. Họ chỉ coi đó là công cụ của quân chiến đóng. Chính vì vậy họ từ chối mọi cuộc thương lượng hòa bình với Chính quyền này. Hằng năm, cứ độ tháng 4, Ta-li-ban lại phát động “Chiến dịch mùa Xuân” tấn công, đánh bom liều chết nhằm vào quân đội và cơ quan chính quyền của Tổng thống Ha-mít Ca-dai cũng như binh sĩ NATO. Thanh thế của Ta-li-ban ngày càng tăng, khi thời hạn rút quân NATO đang đến gần.

Hiện Oa-sinh-tơn và các đồng minh NATO đang tìm mọi cách bảo đảm an toàn cho binh sĩ ISAF rút về nước đúng hạn. Bây giờ không phải lúc tăng thêm bom đạn để tiêu diệt các toán quân Ta-li-ban đang rải ra khắp đất nước Áp-ga-ni-xtan. Các lực lượng an ninh của Chính quyền của Tổng thống Ha-mít Ca-dai cũng chưa đủ sức ngăn chặn, đẩy lùi Ta-li-ban sang bên kia biên giới Pa-ki-xtan. Bởi thế, Oa-sinh-tơn đang lựa chọn kênh đàm phán trực tiếp với phiến quân này. Có thể coi đây là “nước cờ bí” đành “dí tốt”. Và chính điều này đang gây ra sự nghi kỵ giữa Ca-bun và Oa-sinh-tơn.

Có thể thấy rõ, cả ba mảng vấn đề từ an ninh, kinh tế, đến chính trị ở Áp-ga-ni-xtan đều chưa có dấu hiệu gì sáng sủa. Để rút hết lực lượng ISAF về nước vào cuối năm 2014, Mỹ còn phải chi thêm ít nhất từ 5-6 tỷ USD và cũng không có gì bảo đảm lính Mỹ không bị thương vong thêm nữa. Đó là chưa nói tới triển vọng quân Mỹ sẽ đóng quân lâu dài tại 9 nơi trên lãnh thổ Áp-ga-ni-xtan, mà Ca-bun và Oa-sinh-tơn sắp đạt được thỏa thuận. Không khó để có thể dự đoán rằng, diễn biến chính trị - quân sự tại Áp-ga-ni-xtan, cũng như quan hệ giữa quốc gia Nam Á này với các nước NATO và nhiều cường quốc khác trên thế giới sẽ rất phức tạp./.