Phát triển kinh tế đa tầng nấc ở châu Phi hiện nay
TCCS - So với các khu vực khác trên thế giới, châu Phi có mức độ đa dạng cao về văn hóa, hệ thống chính trị và mô hình phát triển kinh tế... Chính sự đa dạng khiến châu lục này chưa có được mô hình phát triển kinh tế thống nhất, đồng thời thiếu vắng những nền kinh tế đóng vai trò “cửa ngõ”, có mức độ quốc tế hóa cao, làm “cầu nối” cho sự phát triển kinh tế toàn châu lục. Hiện kinh tế nơi đây đang phát triển ở nhiều tầng nấc khác nhau.
Đa tầng nấc về phát triển kinh tế
Quy mô khác nhau. Với 54 quốc gia, châu Phi có quy mô phát triển rất đa dạng. Nếu tính theo diện tích lãnh thổ, châu lục này có những nước chiếm diện tích lớn như Xu-đăng (2.505.810 km2,, đứng thứ 10 trên thế giới), An-giê-ri (2.381.740 km2, thứ 11), Cộng hòa dân chủ Công-gô (2.345.410 km2,, thứ 12); lại có những quốc gia diện tích rất khiêm tốn như Xây-sen chỉ vẻn vẹn 453 km2, Mô-ri-xơ là 2.040 km2, Cô-mo 2.235 km2. Nếu tính theo quy mô dân số, 4 nước lớn nhất châu Phi thuộc về Ni-giê-ri-a (148 triệu người, đứng thứ 8 trên thế giới), Ê-ti-ô-pi-a (84,5 triệu, thứ 15), Cộng hòa dân chủ Công-gô (62,6 triệu, thứ 21) và Nam Phi (47,9 triệu, thứ 25). Bốn nước này chiếm tới 43% dân số toàn châu lục. Những nước có dân số nhỏ nhất châu Phi thuộc về Xây-sen (87.476 người), Cáp Ve (530.000 người), Xao Tô-mê và Prin-xi-pê (157.000 người). Tính theo quy mô GDP, hai nền kinh tế lớn nhất là Nam Phi và Ni-giê-ri-a đã chiếm tới 56% GDP của châu Phi cận Xa-ha-ra. Hai nền kinh tế này đạt tổng GDP là 282,6 tỉ USD (Nam Phi) và 166,7 tỉ USD (Ni-giê-ri-a) vào năm 2008. Ngoài ra, các nước châu Phi có GDP đạt trên 100 tỉ USD thuộc về Ai Cập, Tuy-ni-di, Ma-rốc; dưới 1 tỉ USD là Găm-bi-a, Gi-bu-ti, Li-bê-ri-a, Ghi-nê Bít-xao, Xây-sen, Cô-mo, Xao Tô-mê và Prin-xi-pê. Như vậy, GDP của những nước lớn như Nam Phi, Ni-giê-ri-a gấp 9 - 15 lần các nước nhỏ, trong khi GDP của những nước đạt dưới 1 tỉ USD chỉ bằng 1/18 mức GDP trung bình của toàn khu vực trong năm 2008(1).
Sự khác biệt lớn về tốc độ tăng trưởng kinh tế. Khác với khu vực châu Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế của châu Phi được chia thành 4 mức: tăng trưởng cao (trên 7%), tăng trưởng nhanh (4% - 7%), tăng trưởng dương và tăng trưởng âm. Nếu như nhìn lại năm 2003, có tới 7 nước châu Phi đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế âm, thì giai đoạn tiếp theo ngày càng có nhiều nước châu Phi đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (Ăng-gô-la, Ghi-nê xích đạo, Ma-đa-ga-xca, U-gan-đa, Ma-la-uy, Tan-da-ni-a), tăng trưởng nhanh (Ca-mơ-run, Ga-bông, Ni-giê-ri-a, Bốt-xoa-na, Cáp Ve, Mô-ri-xơ, Na-mi-bi-a, Xây-sen, Bê-nanh, Buốc-ki-na Pha-xô, Ma-li, Mô-dăm-bích, Ni-giê, Xê-nê-gan, Nam Phi). Đặc biệt đến năm 2008 chỉ còn Dim-ba-bu-ê có mức tăng trưởng âm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay đang tác động nghiêm trọng đến kinh tế châu Phi, trong đó một số nước tăng trưởng cao và nhanh trong thời gian vừa qua được dự báo sẽ lâm vào tăng trưởng âm (Ăng-gô-la sẽ chỉ đạt -3,6% vào năm 2009 so với mức tăng trưởng cao 14,8% năm 2008, Ghi-nê xích đạo là -5,4%). Không những thế, sự phân tầng về tốc độ tăng trưởng kinh tế ở châu Phi có chiều hướng giãn rộng hơn.
Trình độ phát triển kinh tế đa dạng. Đánh giá về các giai đoạn phát triển của một nền kinh tế, IMF phân chia thành 3 cấp độ. ở cấp độ 1, trình độ phát triển kinh tế bao gồm sự tăng trưởng kinh tế đồng thời với sự hoàn chỉnh về thể chế, kết cấu hạ tầng, môi trường kinh tế vĩ mô, bảo đảm giáo dục tiểu học và y tế. Cấp độ 2 lấy yếu tố hiệu quả, chất lượng làm chủ đạo, trong đó nền kinh tế đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề cao, thị trường vận hành hiệu quả, ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong sản xuất. Tại cấp độ 3, yếu tố đổi mới làm động lực chính. Phân theo các cấp độ này, các nước châu Phi hiện nay đang ở trình độ phát triển rất khác nhau. Theo báo cáo của IMF, tính đến thời điểm tháng 4-2009, chưa có một quốc gia châu Phi nào đạt cấp độ 3. Có hai nước châu Phi hiện đạt cấp độ 2 là Nam Phi và Mô-ri-xơ. Chỉ số cạnh tranh toàn cầu (GCI) của Nam Phi năm 2008 là 4,42, đứng thứ 46 trên thế giới; và của Mô-ri-xơ là 4,22, đứng thứ 58. Có 5 nước châu Phi đang trong giai đoạn chuyển đổi tích cực từ cấp độ 1 sang cấp độ 2, đó là An-giê-ri, Bốt-xoa-na, Li-bi, Na-mi-bi-a, Tuy-ni-di. Bên cạnh đó, 22 nước ở cấp độ 1 và hầu hết đều là những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh, GCI đạt từ 3,5 - 4, đứng thứ hạng dưới 100 trên thế giới.
Ngoài ra, có tới 25 nước đang ở dưới cấp độ 1, vẫn trong tình trạng nghèo nàn, lạc hậu. Đây là những quốc gia lấy nông nghiệp làm “xương sống” của nền kinh tế, song sự phát triển của ngành này không ổn định do chủ yếu dựa vào lượng mưa tự nhiên. Không những thế, nhiều nước đã phải trải qua nội chiến và chiến tranh trong một thời gian dài khiến nền kinh tế bị kiệt quệ. Dịch bệnh, đói nghèo trở thành những căn bệnh kinh niên tại đây. Chẳng hạn tại Cộng hòa Trung Phi, 14% dân số của nước này bị nhiễm HIV/AIDS; tại Ghi-nê Bít-xao con số đó là 10%. Tỷ lệ biết chữ của người dân Ma-li và Buốc-ki-na Pha-xô chỉ là 24%. Do bất lợi về điều kiện tự nhiên cùng môi trường chính sách kém hấp dẫn, khoảng cách tụt hậu của các nước châu Phi thuộc cấp độ 1 so với các nước khác trong khu vực và trên toàn thế giới đang có nguy cơ ngày càng bị nới rộng.
Theo IMF, 10 nước nghèo nhất hiện nay trên thế giới đều thuộc về châu Phi; và dự báo năm 2009, GDP bình quân đầu người của 10 nước này chỉ đạt dưới 200 USD/năm, trong đó có những nước rất thấp như Cộng hòa dân chủ Công-gô (111 USD/năm), Cộng hòa Trung Phi (116 USD/năm), Ghi-nê Bít-xao (132 USD/năm).
Đa dạng về chính sách và lựa chọn mô hình phát triển kinh tế
Sự đa dạng về tài nguyên, tôn giáo, sắc tộc, chế độ chính trị... khiến chính sách và sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế của mỗi quốc gia châu Phi có sự khác nhau cơ bản. Trong những năm gần đây, những nước tăng trưởng kinh tế nhanh và cao ở châu Phi đã lựa chọn các mô hình phát triển dựa chủ yếu vào các yếu tố sau: một là, khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên; hai là, cải cách kinh tế; ba là, lợi thế về quy mô.
Những nước lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên hầu hết đều có nguồn tài nguyên phong phú. Tuy nhiên, sự lựa chọn mô hình này cũng mang lại những kết quả khác nhau ở mỗi nước. Như trường hợp của Ăng-gô-la, Ghi-nê xích đạo, nhờ những lợi thế về giá dầu mỏ, đã trở thành những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 7% trong các năm 2005 - 2008.
Dựa chủ yếu vào xuất khẩu tài nguyên khai khoáng (chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu) với doanh thu chiếm 35% GDP, Bốt-xoa-na đã đạt được một số thành tựu như: cải thiện chất lượng lao động, xây dựng kết cấu hạ tầng, hội nhập kinh tế khu vực (là thành viên của Liên minh Hải quan miền Nam châu Phi - SACU), cải thiện năng lực nhà nước; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 6.382 USD vào năm 2009. Trong khi đó, Dăm-bi-a lại lựa chọn con đường khác để quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có của mình. Không hướng mạnh về xuất khẩu, Dăm-bi-a đề cao vai trò can thiệp của nhà nước, không khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển, thực hiện chính sách độc quyền trong khai thác khoáng sản, quốc hữu hóa các mỏ tài nguyên; từ đó thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Chính sách này của Dăm-bi-a cũng gặt hái được nhiều thành công, khiến nền kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng nhanh tương đương với Bốt-xoa-na, song GDP bình quân đầu người chỉ ước đạt 408 USD vào năm 2009.
Những nước lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa vào cải cách kinh tế điển hình nhất hiện nay là Ga-na, Ê-ti-ô-pi-a, Bê-nanh, Ma-li, Ma-la-uy, Mô-dăm-bích, Xê-nê-gan, Nam Phi, Tan-da-ni-a, Mô-ri-xơ, Cốt-đi-voa... Đây hầu hết là những quốc gia nghèo tài nguyên thiên nhiên, buộc phải tận dụng các cơ hội khác nhau để cải cách kinh tế, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sự lựa chọn cũng rất đa dạng. Đều là những nước ven biển, nghèo tài nguyên, nhưng chính sách phát triển của Cốt-đi-voa và Mô-ri-ta-ni hoàn toàn khác nhau. Mô-ri-ta-ni thực hiện cải cách kinh tế bằng việc từ bỏ chiến lược thay thế nhập khẩu, chuyển mạnh sang thúc đẩy đa dạng hóa xuất khẩu hàng hóa chế tạo, thu hút FDI, xây dựng các ngành công nghiệp chiến lược như dệt may, sản xuất đường, là thành viên tích cực của khối Thị trường chung Đông và Nam Phi (COMESA). Trong khi đó, Cốt-đi-voa thực hiện cải cách kinh tế bằng chính sách đa dạng hóa xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, thu hút FDI, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chiến lược như cô-ca, cà-phê, hội nhập kinh tế khu vực (là thành viên của Liên minh Kinh tế tiền tệ Tây Phi - WAEMU). Sự lựa chọn này của Cốt-đi-voa dường như không đem lại hiệu quả như mong muốn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 1,6% năm 2007, 2,3% năm 2008 và dự báo là 3,7% trong năm 2009. Những biến động bất lợi về giá nông sản trên thị trường thế giới khiến doanh thu xuất khẩu hàng hóa nông sản của Cốt-đi-voa liên tục giảm sút. Hiện nay, nước này tụt hạng xuống những nước nghèo nhất châu Phi với thu nhập bình quân đầu người ước đạt 598 USD vào năm 2009, thấp hơn nhiều so với mức 1.606 USD/người của năm 1960.
Cũng theo mô hình này, Mô-ri-xơ đã trở thành một trong những nước có mô hình phát triển kinh tế thành công nhất châu Phi; là một trong những địa điểm kinh doanh lý tưởng nhất hiện nay, có hệ thống tài chính và kết cấu hạ tầng tương đối phát triển, môi trường pháp lý thuận lợi. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay của Mô-ri-xơ là 5.000 USD/năm, cao thứ 3 ở châu Phi sau Xây-sen, Bốt-xoa-na. Mô-ri-xơ là nước có tuổi thọ cao nhất châu Phi (73,2 tuổi), tỷ lệ sinh thuộc diện thấp nhất (trung bình 2 con/1phụ nữ). Hiện nước này đã bước sang cấp độ 2 về trình độ phát triển kinh tế.
Trong số những nước lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa vào lợi thế về quy mô, Nam Phi và Cáp Ve là những trường hợp điển hình mặc dù quy mô nền kinh tế của hai nước này có sự đối lập. Là nước lớn thuộc miền Nam châu Phi tính cả về diện tích, dân số và GDP, Nam Phi lấy công nghiệp và dịch vụ làm chủ đạo, chiếm khoảng 90% GDP năm 2008; tích cực gây ảnh hưởng trong khu vực, trở thành đầu tàu trong phát triển kinh tế của Cộng đồng Phát triển miền Nam châu Phi (SADC), là nước dẫn đầu trong việc hoạch định và thực hiện chính sách tiền tệ và tỷ giá hối đoái trong SACU, và có tiếng nói quan trọng trong Liên minh châu Phi (AU). Những biện pháp cải cách kinh tế của Nam Phi kể từ năm 1994 cho đến nay được nhiều nước châu Phi học tập.
Trong khi đó, tận dụng lợi thế là một nước nhỏ, có vị trí địa lý thuận lợi, Cáp Ve đã khắc phục được sự nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên và sự khắc nghiệt của khí hậu bằng cách phát triển kinh tế thông qua thương mại và dịch vụ. Hiện nay, thương mại và dịch vụ chiếm tới trên 70% GDP của nước này. Những chính sách của chính phủ Cáp Ve theo hướng phát triển kinh tế thị trường, tư nhân hóa kể từ năm 1991 đến nay tỏ ra rất hiệu quả, thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Với vị trí địa lý chiến lược về hàng không và đường biển tại khu vực, Cáp Ve đang hướng tới xây dựng những sân bay quốc tế, những cảng biển lớn nhỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho phát triển kinh tế. Cáp Ve hiện đang được đánh giá là nước có mức độ tự do kinh tế cao, đứng thứ 7 ở châu Phi cận Xa-ha-ra và có khả năng trở thành trung tâm kinh tế - thương mại của khu vực Tây Phi, là cầu nối Tây Phi với các nước khác trên thế giới. Thu nhập bình quân đầu người của Cáp Ve năm 2009 ước tính 1.813 USD/năm. Đây cũng là nước có tỷ lệ nhập học phổ thông trung học cao nhất châu Phi (80%).
(1) GDP trung bình của khu vực châu Phi là 18,559 tỉ USD/nước
Các dân tộc Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển  (21/07/2009)
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tập đoàn Điện lực Việt Nam  (21/07/2009)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 13-7-2009 đến 19-7-2009)  (20/07/2009)
Việt Nam giành nhiều huy chương tại các kỳ thi Ô-lim-pích quốc tế  (20/07/2009)
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức cơ sở  (20/07/2009)
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên