Mặc dù những kết quả đạt được không thực sự như kỳ vọng ban đầu và đã đến lúc thế giới tìm kiếm một thỏa thuận mới thay thế Nghị định thư Kyoto, nhưng văn kiện này đã thể hiện vai trò lịch sử trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu những năm qua.

Ngày 11-12-1997 đã đi vào lịch sử, khi Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ ba, Hội nghị COP 3 tại Kyoto (Nhật Bản), đạt được thỏa thuận cho ra đời Nghị định thư Kyoto nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.

 

Nghị định thư Kyoto đặt mục tiêu cắt giảm 5,2% lượng khí thải so với năm 1990 trong giai đoạn 5 năm 2008 - 2012, và trách nhiệm thuộc về 37 nước công nghiệp phát triển, trên cơ sở lập luận rằng, tình trạng khí thải tăng cao là hệ quả của quá trình công nghiệp hóa diễn ra tại các nước này trong suốt 200 năm trước. Tính đến hết thời kỳ cam kết đầu tiên này, Nghị định thư Kyoto đã đạt một số kết quả nhất định.

 

Đồng chí Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu đánh giá: “Nghị định thư Kyoto đã đặt ra khuôn khổ pháp lý về cắt giảm khí thải…”.

 

Tuy nhiên, cũng chính điều khoản chỉ ràng buộc các nước phát triển của Nghị định thư Kyoto đã khiến các cuộc đàm phán biến đổi khí hậu của thế giới đi vào bế tắc trong những năm gần đây, trong bối cảnh tỷ lệ khí nhà kính mà các nước phát thải vào bầu khí quyển đã có sự thay đổi, khí thải từ các nước đang phát triển ngày càng tăng cao do quá trình phát triển kinh tế, đặc biệt tại các nền kinh tế đang nổi. Thực tế đó dẫn đến việc các nước phát triển yêu cầu tìm kiếm một văn kiện mới thay thế Nghị định thư Kyoto, mà sự thay đổi lớn nhất là ràng buộc tất cả các nước trong trách nhiệm cắt giảm khí thải.

 

Tại Hội nghị COP 18 vừa qua ở Doha, Qatar, Hội nghị COP cuối cùng trước khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào cuối năm nay, một thỏa thuận đã được cứu vãn vào phút chót nhằm kéo dài Nghị định thư Kyoto thêm 8 năm, từ năm 2013 đến năm 2020. Một ưu tiên hàng đầu hiện nay là duy trì các nỗ lực cắt giảm khí thải trong giai đoạn chuyển tiếp này.

 

Bà Rachel Kyte, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về Phát triển bền vững nêu ý kiến: “Các cuộc đàm phán chính trị luôn trong tình trạng không khoan nhượng. Nhưng trong khi chờ đợi, điều được quan tâm hiện nay là làm sao để duy trì các dự án biến đổi khí hậu trong nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, làm sao để chúng ta đạt được tăng trưởng xanh và sạch”.

 

Kỷ niệm sinh nhật Nghị định thư Kyoto, thế giới còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng hướng tới một thế giới sạch hơn là lợi ích chung toàn cầu, không phân biệt là nước phát triển hay đang phát triển. Và đó cũng là mục tiêu cho bất cứ thỏa thuận quốc tế nào của Nghị định thư Kyoto giai đoạn một trong 15 năm qua, Nghị định thư Kyoto giai đoạn hai trong 8 năm tới và các cam kết cho những giai đoạn tiếp theo./.