AFP đưa tin, các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn trong năm tới, từ khủng hoảng kinh tế kéo dài cho đến bạo loạn đẫm máu ở Trung Đông.

Về vấn đề khủng hoảng kinh tế ở Mỹ và châu Âu, Jessica Mathews, Chủ tịch Viện Carnegie Endowment vì hòa bình thế giới cho rằng, trong năm 2013, việc Mỹ và châu Âu có thể giải quyết các cuộc khủng hoảng kinh tế của họ sẽ có tác động lớn tới các điều kiện kinh tế, chính trị và cuối cùng là an ninh toàn cầu chứ không phải là các vấn đề chính sách đối ngoại.

 

Trừ khi Tổng thống Obama và những đối thủ của ông thuộc Đảng Cộng hòa đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2012, Mỹ sẽ rơi khỏi “vách đá tài chính” - điều sẽ dẫn đến việc vừa tăng thuế đột ngột và vừa cắt giảm chi tiêu có thể sẽ dẫn tới một cuộc suy thoái mới đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.

 

Đối với châu Âu, bà Mathews nhận định: “Thách thức vẫn là đưa ra một kỉ luật để ổn định kinh tế và ý chí chính trị. Trong năm nay, cuộc khủng hoảng trong khu vực đồng euro đã từ một mối đe dọa sự sống còn của khu vực đồng tiền chung biến thành căn bệnh mãn tính còn có thể kéo dài nhiều năm nữa”.

 

Về tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, các chuyên gia ngày càng lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang hay thậm chí là xung đột vũ trang ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tranh chấp lãnh thổ liên quan tới các quần đảo xa có vẻ như vô hại này có thể làm bùng phát xung đột quân sự giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Mỹ thiết lập liên minh quân sự với Nhật Bản nhưng cho đến lúc này vẫn không nghiêng về phía nào.

 

Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Harold Brown - Cố vấn Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và quốc tế (CSIS), các nước láng giềng của Trung Quốc đang trông cậy vào Mỹ như một đối trọng từ xa, quốc gia có một số đối trọng với sức mạnh về quân sự - chính trị của Trung Quốc, nếu không, Trung Quốc sẽ dễ dàng hoàn tất việc chi phối khu vực này.

 

Về vấn đề Iran, cuộc khủng hoảng hạt nhân của Iran vẫn sẽ là một “vấn đề nóng” trong năm 2013, với “khả năng khá cao xảy ra xung đột nghiêm trọng trong khu vực”.

 

Trong khi về vấn đề Syria, giới chuyên gia cho rằng, Thủ đô Damacus nằm dưới quyền của Tổng thống Bashar al-Assad có thể rơi vào tay quân nổi dậy vào khoảng thời gian Giáng sinh và dự báo sự khởi đầu của một “đồng thuận quốc tế” nhờ lập trường mềm mỏng hơn của Nga./.