TCCSĐT - Trong hai ngày 29 và 30-12-2012 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hội Điện lực Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2012, với mục tiêu định hướng và thúc đẩy hơn nữa các hoạt động khoa học - công nghệ trong lĩnh vực điện lực.

Dự hội nghị có ông Cao Quốc Hưng - Phó Tổng cục trưởng, Tổng Cục Năng lượng (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Vũ Quang - Phó Cục trưởng, Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), ông Trần Kỳ Phúc - Phó Viện trưởng Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Tấn Lộc - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam cùng đại diện các sở, ban, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh và hơn 250 đại biểu là các lãnh đạo, cán bộ quản lý công tác khoa học - công nghệ, các diễn giả.

Hội nghị Khoa học và Công nghệ Điện lực toàn quốc năm 2012 là một nội dung trong Chương trình hợp tác về khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2012 - 2013 được ký kết giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Hội Điện lực Việt Nam (VEEA). Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết hoạt động KH&CN của ngành điện Việt Nam trong thời gian qua; giới thiệu các kết quả nghiên cứu, những thành tựu mới về KH&CN Điện lực trong nước và quốc tế; định hướng hoạt động KH&CN điện lực trong thời gian tới. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Hùng - Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò của KH&CN trong ngành điện: “Khoa học và công nghệ luôn là nhiệm vụ hàng đầu, giữ vai trò then chốt, là nền tảng và động lực cho phát triển nhanh, bền vững không chỉ cho các ngành công nghiệp nói chung mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành điện”.

Từ năm 1954 đến nay, năng lực nguồn phát của hệ thống điện Việt Nam tăng trưởng cao, trình độ KH&CN trong lĩnh vực phát điện cũng không ngừng được nâng cao. Về nhiệt điện than, EVN đã tự chủ động trong thiết kế và tiếp tục xây dựng phát triển các tổ máy 300 - 330 MW tại Uông Bí 2 (năm 2007, 2011), Quảng Ninh, Hải Phòng (năm 2009). Hiện EVN đang đầu tư xây dựng tại Nghi Sơn 1, Thái Bình 1 (dự kiến năm 2014 - 2015).

Về nhiệt điện khí, năm 1997 EVN đã hoàn thành đầu tư vận hành 2 tổ máy tua - bin khí có công suất tổ máy tăng lên là 145 MW/ tổ tại Nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ 2.1. Đây là bước đánh dấu chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển công nghệ điện lực của EVN. Năm 2007, EVN đã thực hiện nâng công suất tổ máy tua - bin khí bằng công nghệ phun sương tại Phú Mỹ 2.1, nâng công suất chu trình hỗn hợp thêm 42 MW (2 X 21 MW). Hiện nay EVN đang tiếp tục triển khai công nghệ phun sương tại các tổ máy tua - bin khí khác.

Trong lĩnh vực thủy điện, từ năm 2000 Tập đoàn Điện lực Việt Nam không ngừng nâng cao năng lực và tiến tới dần làm chủ trong việc thiết kế, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình thủy điện lớn như: Sông Hinh 70 MW ( 2 tổ máy); Yaly 720 MW (4 tổ máy); Hàm Thuận 300 MW (2 tổ máy); Đa Mi 175 MW (2 tổ máy)… Đặc biệt là công trình thủy điện Sơn La, có tổng công suất lên đến 2.400 MW.

Về công nghệ đập thủy điện, EVN xây dựng nhiều đập thủy điện áp dụng công nghệ đập bê tông đầm lăn RCC tại nhiều công trình như: Plei - krông, A Vương, Bản Vẽ, Sơn La…là những công nghệ mới được tiếp cận tại Việt Nam. Ngoài ra, EVN còn áp dụng công nghệ đập đá đổ với bê - tông bản mặt xây dựng tại một số công trình thủy điện với nhiều thiết bị chính công nghệ mới, tiên tiến. Việc này đã minh chứng cho sự trưởng thành, vững mạnh về trình độ khoa học và công nghệ của EVN trong phát triển nguồn điện.

Đối với điện hạt nhân, EVN đã và đang tích cực chuẩn bị đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam (tại tỉnh Ninh Thuận, dự kiến 2020). Đây là công trình trọng điểm của quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.

Ngoài ra, việc phát triển KH&CN của Tập đoàn Điện lực Việt Nam còn được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực điện khác như trong lưới điện truyền tải và phân phối, tự động hóa, cơ khí điện lực, trong kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng.

Theo định hướng phát triển KH&CN, phục vụ mục tiêu phát triển sản xuất - kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, EVN sẽ tập trung vào những mục tiêu chính như: Xác định tiêu chí lựa chọn các nhóm công nghệ điện lực, tính khả thi trong áp dụng và phát triển công nghệ tại EVN; ưu tiên lựa chọn và ứng dụng công nghệ tiên tiến theo phương thức đi tắt đón đầu, phù hợp với trình độ phát triển của EVN và điều kiện phát triển kinhh tế xã hội; kế thừa, triển khai tiếp các mục tiêu trên cơ sở giai đoạn trước và thực hiện mới…

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Cao Quốc Hưng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), đánh giá cao và hoan nghênh EVN và Hội Điện lực Việt Nam đã tổ chức Hội nghị Khoa học Công nghệ Điện lực năm 2012, đây là một hoạt động quan trọng và cần thiết, qua đó khẳng định vai trò của khoa học công nghệ đối với sự phát triển ngành điện lực Việt Nam.

Đồng chí Cao Quốc Hưng khẳng định, trong giai đoạn tới các hoạt động KH&CN ngành điện cần tạo nên sự gắn kết giữa nghiên cứu và nhu cầu phát triển sản xuất - kinh doanh, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, gắn kết hoạt động KH&CN ở các cấp, từ Bộ Công Thương đến Tập đoàn Điện lực Việt Nam với kế hoạch phát triển của ngành; gắn kết chặt chẽ hơn nữa hoạt động KH&CN với yêu cầu phát triển của ngành điện.

Với phiên họp toàn thể trong ngày thứ nhất và phiên họp các phân ban (gồm: nguồn điện, truyền tải điện, phân phối và kinh doanh điện năng, đào tạo nguồn nhân lực ngành điện) trong ngày thứ hai, với 36 báo cáo, tham luận do các chuyên gia, nhà khoa học, kỹ sư điện lực trình bày. Trong đó có những vấn đề quan trọng như: tiến trình phát triển nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Việt Nam; nghiên cứu thiết kế công nghệ chế tạo máy biến áp 220kV và 500kV; ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ mới trong công tác thu hộ tiền điện qua ngân hàng; xây dựng và vận hành thị trường phát điện cạnh tranh Việt Nam; phát triển điện gió ở Việt Nam; phát triển lưới điện thông minh tại Việt Nam; nội địa hóa công tác sửa chữa định kỳ trong các nhà máy nhiệt điện khí; công tác đào tạo nhân lực cho ngành điện Việt Nam…

Thông qua Hội nghị Khoa học và Công nghệ Điện lực toàn quốc, các đơn vị ngành điện có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm, cũng như các nguồn lực của mình trong sản xuất - kinh doanh, đào tạo nguồn nhân lực cho ngành điện, tạo động lực thúc đẩy và phát triển hơn nữa các hoạt động khoa học và công nghệ trên toàn quốc./.