Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV
1 – Tình hình HIV/AIDS ở Việt Nam hiện nay
Tháng 6-2011, tại Hội nghị cấp cao về HIV/AIDS ở Niu- Oóc (New York), Mỹ, Việt Nam tiếp tục khẳng định quyết tâm của mình trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS và cam kết thực hiện những mục tiêu mới thông qua việc ký Tuyên bố Chính trị năm 2011 về HIV/AIDS. Việt Nam đã xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Các mục tiêu của Chiến lược thể hiện cam kết của nước ta trong việc hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, không còn phân biệt đối xử và không còn tử vong do AIDS. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, tình hình dịch HIV/AIDS ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn tập trung, nghĩa là số người nhiễm mới HIV được phát hiện vẫn chủ yếu thuộc các nhóm người có hành vi nguy cơ cao như tiêm chích ma túy, bán dâm,... Theo các số liệu ước tính và nghiên cứu dự báo tình hình lây nhiễm HIV ở Việt Nam đến năm 2015, thì tiêm chích ma túy và quan hệ tình dục không an toàn vẫn là đường lây nhiễm HIV chủ yếu. Kết quả giám sát trọng điểm năm 2010 cho thấy, tỷ lệ nhiễm HIV của nhóm tiêm chích ma túy tuy đã giảm nhưng vẫn ở mức cao 17,2%, tỷ lệ này trong nhóm phụ nữ bán dâm là 4,6%, trong nhóm quan hệ tình dục đồng giới nam tại các thành phố lớn là 14-16%: Hà Nội (18%), Cần Thơ, Lạng Sơn (13,3%), Đồng Nai (10%), Thành phố Hồ Chí Minh (8,8%). Đây là một trong những nguồn có nguy cơ làm lây nhiễm HIV rất cao trong chính những nhóm đối tượng này và từ họ ra cộng đồng.
Dù vậy, nhưng công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS ở một số cấp, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp,… chưa thật sự được chú trọng, chưa được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, vừa cấp bách vừa lâu dài, và chưa được đưa vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội như quy định của Chính phủ.
Về chuyên môn nghiệp vụ, chúng ta đã áp dụng các thực hành tốt nhất trên thế giới và khu vực về cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, nhưng do thiếu nguồn lực nên độ bao phủ còn hạn chế. Trong đó, một số hoạt động chỉ mới qua giai đoạn thí điểm (như điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện), mặt khác chất lượng của các dịch vụ cũng chưa được nâng cao,…
Mức đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu của công tác phòng, chống HIV/AIDS do nhiều nội dung và phải bảo đảm các chỉ tiêu pháp lệnh như truyền máu, giám sát, phòng chống HIV/AIDS; kinh phí bị dàn trải ảnh hưởng không nhỏ tới công tác phòng, chống HIV/AIDS. Khi Việt Nam thoát khỏi nhóm các nước nghèo, nguồn kinh phí tài trợ quốc tế sẽ bị cắt giảm, đòi hỏi phải có giải pháp đầu tư để bảo đảm tính ổn định, bền vững của Chương trình. Bên cạnh đó, chúng ta còn gặp nhiều khó khăn về nhân lực, trang thiết bị, trụ sở làm việc, nhất là cần phải đầu tư nhiều thời gian và kinh phí để kiện toàn hệ thống đủ mạnh, đáp ứng với yêu cầu đặt ra.
2 – Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV
Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đã chính thức chọn chủ đề chung cho các chiến dịch phòng, chống AIDS toàn cầu trong giai đoạn 2011 - 2015 là Getting to zero nghĩa là “Hướng tới mục tiêu 3 không: không còn người nhiễm mới HIV, không còn người tử vong do AIDS và không còn kỳ thị, phân biệt đối xử liên quan đến HIV/AIDS”.
Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV: Mục tiêu đề ra vào năm 2015 là: giảm 50% số ca nhiễm mới HIV do quan hệ tình dục không an toàn vào năm 2015, nhất là trong nhóm thanh niên, người quan hệ tình dục đồng giới nam, người bán dâm; loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con và giảm 50% số ca tử vong ở bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS; giảm 50% số ca nhiễm mới HIV trong nhóm những người tiêm chích ma túy, tất cả những người mới nghiện ma túy đều được dự phòng lây nhiễm HIV đúng cách.
Hướng tới không còn người tử vong do AIDS: Tất cả người nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị đều được tiếp cận thuốc kháng vi-rút (ARV); giảm 50% số ca tử vong do lao ở những người nhiễm HIV/AIDS vào năm 2015; những người bị nhiễm HIV và gia đình của họ đều được quan tâm đề cập trong các chiến lược quốc gia về bảo vệ con người và có thể tiếp cận được các dịch vụ chăm sóc và hỗ trợ thiết yếu.
Hướng tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử: Đến năm 2015 sẽ giảm 50% số quốc gia có quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú; không còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS.
Theo báo cáo của Liên hợp quốc tại Phiên họp cấp cao của Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS tháng 6-2011, xu hướng nhiễm mới HIV trên toàn cầu có giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên, ở một số vùng vẫn có xu hướng gia tăng; hiểu biết của người dân về HIV còn rất hạn chế. Hiểu biết về HIV thấp tiếp tục là thách thức toàn cầu trong những năm tới trong việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV. Các báo cáo cũng cho thấy, số ca nhiễm mới HIV trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn tập trung trong các nhóm chính có nguy cơ lây nhiễm cao; tiêm chích ma túy, người mua bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới nam và những người chuyển giới.
Trên thế giới cũng như trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, số người được tiếp cận điều trị kháng vi-rút (ARV) để tiếp tục sống đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2006. Tuy vậy, vẫn còn hơn 60% số người đủ tiêu chuẩn điều trị ARV trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn chưa tiếp cận được với các loại thuốc có ý nghĩa sống còn này. Ở Việt Nam, số người được điều trị ARV đã tăng 18 lần và số người chết liên quan đến AIDS đã giảm nhanh trong vòng 5 năm qua. Vì nhiều lý do khác nhau nên vẫn còn hơn một nửa số người lớn nhiễm HIV/AIDS có nhu cầu nhưng chưa được tiếp cận điều trị kháng vi-rút. Để thực hiện được mục tiêu không còn người chết liên quan đến AIDS, ngoài các giải pháp mang tính đồng bộ, các giải pháp tăng cường sự tiếp cận của người nhiễm HIV/AIDS với các dịch vụ chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS cũng đóng vai trò quan trọng.
Qua 30 năm đương đầu với đại dịch thế giới HIV/AIDS, nhiều thành tựu đã đạt được, tuy nhiên, tình trạng kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến nhiễm HIV/AIDS vẫn còn tồn tại khá phổ biến tại tất cả các quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia vẫn còn những quy định cấm những người nhiễm HIV nhập cảnh và cư trú. Vẫn còn tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo hành giới liên quan đến HIV/AIDS,... Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, kỳ thị và phân biệt đối xử tiếp tục là nguyên nhân hạn chế những người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV/AIDS tiếp cận các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị nhiễm HIV/AIDS. Đó cũng là những rào cản đối với việc thực hiện đầy đủ các quyền của người nhiễm HIV/AIDS, bao gồm quyền học hành, quyền lao động,... đã được pháp luật các quốc gia quy định.
Ở Việt Nam, số người mới phát hiện nhiễm HIV đã giảm liên tục trong 3 năm gần đây nhưng xu hướng này chưa bền vững. HIV/AIDS vẫn tiếp tục lây lan theo một số xu hướng đáng lưu ý như: gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai,… Một bộ phận dân cư vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS. Hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức độ cao,… Điều đó cắt nghĩa là, mặc dù chúng ta đã làm giảm được tốc độ lây lan của HIV, nhưng HIV/AIDS vẫn diễn biến khó lường và tiềm ẩn các yếu tố có thể gây bùng nổ dịch nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó toàn diện và quyết liệt hơn. Do đó, kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng được coi là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam đến năm 2015 và tiếp tục cho giai đoạn 2015 - 2020.
Công cuộc phòng, chống HIV/AIDS sẽ còn lâu dài và đầy thách thức, vì vậy, việc tiếp tục củng cố và nâng cao nhận thức trong cộng đồng, kêu gọi sự quan tâm hơn nữa của các nhà lãnh đạo, các cấp, các ngành và cả cộng đồng là việc làm thiết thực và cấp bách. Cần tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc quan tâm đầu tư và tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn chuyên môn như: xây dựng Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2015 - 2020, tầm nhìn 2030; thực hiện tốt Nghị định điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone và các văn bản hướng dẫn có liên quan. Tập trung triển khai các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, can thiệp giảm tác hại, tăng cường phối hợp liên ngành và mở rộng độ bao phủ địa bàn phòng, chống và nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn kỹ thuật điều trị, dự phòng; tiếp tục triển khai mạnh mẽ phong trào “Toàn dân tham gia phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng dân cư” gắn với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa để thực hiện đồng bộ các kế hoạch./.
Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp Đại diện Bộ Nội vụ Cuba tại Việt Nam  (30/11/2012)
Ý nghĩa tượng trưng mang giá trị lịch sử  (30/11/2012)
Những vấn đề đặt ra trong xây dựng chính quyền đô thị Việt Nam  (30/11/2012)
IAEA: Iran đang tiếp tục làm giàu urani cấp độ cao  (30/11/2012)
Thúc đẩy hợp tác sâu rộng Việt Nam và Myanmar  (30/11/2012)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay