Iran gia nhập SCO - một công đôi việc?

Ngọc Linh
19:55, ngày 02-07-2012
TCCSĐT- Mâu thuẫn giữa Mỹ và Iran ngày càng trở nên căng thẳng, khó vượt qua. Nếu được kết nạp vào Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Iran như gặp được phao cứu sinh, bởi từ đó có thể sẽ giải quyết nhiều vấn đề phức tạp, khó xử.
Hố sâu khó vượt qua

Mỹ và Iran bất đồng về mọi vấn đề chiến lược tại Trung Đông và thế giới Hồi giáo. Đây là sự đối đầu diễn ra ở cấp lịch sử, tư tưởng và chính trị. Suốt từ những năm cuối thập kỷ 70 của thế kỷ trước cho đến nay, quan hệ giữa Mỹ và Iran là hiện tượng chưa từng thấy trong quan hệ quốc tế thời hiện đại. 

Cuộc cách mạng Iran năm 1979 là điểm khởi đầu của sự xung đột giữa Mỹ và Iran. Sự nghi ngại của chế độ mới tại Iran, do Đại giáo chủ Ruhollah Khomeini lãnh đạo, đối với Mỹ, thực chất có liên quan tới lịch sử và xoay quanh vai trò đáng ngờ của Washington trong đời sống chính trị hiện đại ở Iran, từ việc tổ chức cuộc đảo chính năm 1953 chống lại chính phủ dân tộc chủ nghĩa của Mohammad Mossadegh, cho tới việc ủng hộ chế độ độc tài Pahlavi. Tuy nhiên, việc Mỹ từ chối công nhận chế độ mới tại Iran đã biến những nghi ngại của các nhà cách mạng Iran thành niềm hận thù sâu sắc.

Mặt khác, phải thấy rằng, ngay từ đầu các nhà lãnh đạo cách mạng Iran đã chĩa những lời công kích mạnh mẽ nhất của họ vào chính quyền Washington. Nhà lãnh đạo tối cao R. Khomeini đã gọi Mỹ là “Đại Satan”. Các nhà lãnh đạo cách mạng Iran coi quyền lực và tham vọng của Mỹ là mối đe dọa lớn nhất, nghiêm trọng nhất đối với an ninh và thịnh vượng của cộng đồng Hồi giáo trên toàn cầu.

Có thể thấy, dù cuộc khủng hoảng về chương trình hạt nhân của Iran đang gây tranh cãi và chi phối quan hệ Mỹ - Iran, song vấn đề này không phải là sự chia rẽ chủ yếu nhất giữa hai bên. Chính cuộc xung đột Palestine - Israel là mối chia rẽ sâu sắc nhất giữa Mỹ và Iran tại Trung Đông. Trong khi mục tiêu chính và dài hạn của Mỹ tại Trung Đông là sự sống còn của Israel, thì mục tiêu của Iran lại đối lập hoàn toàn.

Xuất phát từ những mâu thuẫn căn bản và chủ yếu đó, Mỹ đã tìm mọi cách, lợi dụng mọi cơ hội để bao vây, cấm vận, cô lập Iran. Suốt mấy chục năm qua, Washington đã nhiều lần phát động các cuộc cấm vận chống Tehran, như cấm buôn bán với Iran; cấm bán vũ khí, kỹ thuật và công nghệ liên quan tới quân sự cho Iran; cấm mua dầu lửa của Iran… Đồng thời, Washington còn ra sức thao túng Liên hợp quốc và Cơ quan Năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) nhằm ép buộc Iran phải từ bỏ chương trình hạt nhân, mặc dù Tehran trước sau như một luôn khẳng định rằng, nước họ “không có ý định chế tạo vũ khí hạt nhân, mà chỉ sử dụng năng lượng hạt nhân vào mục đích hòa bình”.

Cùng với những tuyên bố công khai đe dọa, hoặc chơi trò “rò rỉ thông tin”, “tiết lộ bí mật” về việc Mỹ và Israel “đang lên kế hoạch”, hoặc “chuẩn bị tấn công quân sự” chống Iran, Nhà trắng cũng không ngần ngại sử dụng cả những thủ đoạn “chiến tranh tin học” để chống phá Tehran. Mới đây, tờ Le Figaro của Pháp đã tiết lộ về vai trò cá nhân của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong cuộc tấn công tin học nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran. Theo báo này, Tổng thống B. Obama đã trực tiếp chỉ đạo cuộc “chiến tranh mạng” bí mật chống phá Iran. Vài ngày trước khi chính thức nhậm chức tổng thống, ông B. Obama đã được người tiền nhiệm là ông G. Bush mời vào Nhà trắng để đề nghị duy trì hai chiến dịch đang được tiến hành, đó là sử dụng máy bay không người lái tại Pakistan chống mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda và cuộc chiến tranh tin học chống Iran.

Ý tưởng về cuộc chiến tranh tin học bắt đầu từ năm 2006, khi chính quyền của ông G. Bush nhận ra rằng, các cuộc không kích chỉ có tác động rất hạn chế đối với chương trình hạt nhân của Iran vì các địa điểm chế tạo hạt nhân của nước này nằm sâu dưới lòng đất và rải rác trong sa mạc. Virut Stuxnet do các chuyên gia tin học Mỹ và Israel phối hợp triển khai dưới cái tên “Thế vận hội” đã mang lại thành công ngoài mong đợi. Virut này đã được thử nghiệm thành công với các máy ly tâm có kiểu mẫu tương tự các máy ly tâm mà họ thu được của Libya năm 2003. Điều quan trọng lúc này là bí mật đưa virut đó xâm nhập vào hệ thống tin học chương trình hạt nhân của Iran. 

Họ đã tuyển chọn được một kỹ sư để “đánh vào” trung tâm hạt nhân dưới lòng đất Natanz của Iran. Virut “Thế vận hội” đã xâm nhập được vào “thâm cung” của Natanz, gây ra những trục trặc, đặc biệt là ở bộ phận các máy ly tâm. Đến năm 2010, virut vượt khỏi tầm kiểm soát khi một kỹ sư Iran vô tình giải phóng nó trên mạng Internet. Ông B. Obama đành phải chấm dứt chương trình và cho phép tiến hành hai cuộc tấn công tin học mới với phiên bản hoàn thiện hơn virut “Thế vận hội”, được đặt tên là “Ngọn lửa”. Loại virut mới này đã phá hủy hơn 1.000 máy ly tâm siêu hiện đại loại Ir-2 của Iran. Quan trọng hơn nữa, nó đã làm Tehran mất niềm tin đối với kỹ thuật và đội ngũ kỹ sư của mình; nhiều kỹ sư và kỹ thuật viên giỏi đã bị sa thải. Tình hình tại trung tâm hạt nhân dưới lòng đất Natanz trở nên rối loạn. Theo đánh giá của báo Le Figaro, Virut “Ngọn lửa” đã khiến chương trình chế tạo bom hạt nhân của Iran bị chậm trễ từ một năm rưỡi đến hai năm. 

Gần đây, Washington lại vừa tuyên bố các biện pháp mới trừng phạt Iran, theo đó, từ ngày 1-7-2012, các nước châu Âu sẽ khởi động lệnh cấm vận đối với các ngân hàng và các hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của Iran. Trong khi đó, Nhà trắng còn đưa ra một “vũ khí kinh tế” có uy lực nhất, đó là lệnh cấm vận đối với máy bay và tàu thuyền tới các cảng của Iran. Theo lệnh này, bất kỳ hãng hàng không quốc gia hay hãng hàng không quốc tế nào hạ cánh xuống Iran sẽ bị cấm đến các sân bay của Mỹ và các nước Tây Âu. Luật tương tự cũng sẽ được áp dụng đối với các tàu thuyền tư nhân và thuộc sở hữu chính phủ, trong đó có các tàu chở dầu. Nếu tàu thuyền nào vào một cảng của Iran thì sẽ tự động bị loại khỏi danh sách vào các cảng của Mỹ hoặc châu Âu. Biện pháp trừng phạt này nhằm tăng cường bao vây đường không và đường biển đối với Iran mà không phải tốn kém một viên đạn nào! 

Tìm kiếm điểm tựa

Năm 2005, Iran cùng Ấn Độ, Pakistan và Mông Cổ được SCO cấp “Quy chế quan sát viên” của tổ chức này. Năm 2008, Iran nộp đơn chính thức xin gia nhập SCO. Tuy nhiên, 3 năm trước đây Nga vẫn tỏ ra lạnh nhạt đối với nguyện vọng gia nhập SCO của Iran. Thế nhưng giờ đây, Iran đang có một đồng minh hùng mạnh là Nga. Chính phủ Nga đang thúc đẩy những công việc để có thể kết nạp cả Iran và Ấn Độ vào SCO. 

Cũng cần nhắc lại rằng, SCO hình thành trên cơ sở “Nhóm Thượng Hải 5”, được thành lập năm 1996, gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan. Sau khi kết nạp thêm Uzbekistan năm 2001, nhóm này đổi tên thành “Tổ chức Hợp tác Thượng Hải” như hiện nay (The Shanghai Cooperation Organisation - SCO).

Như vậy, SCO được thành lập theo sáng kiến của Bắc Kinh với nhiệm vụ ban đầu chỉ là giải quyết những vấn đề biên giới giữa Trung Quốc với các nước láng giềng thuộc Liên Xô (cũ). Khi kết nạp thêm Uzbekistan, SCO có thêm nhiệm vụ mới là chống ma túy, chống chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai trong khu vực. Từ năm 2003, SCO còn bổ sung các hoạt động nhằm hỗ trợ và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước thành viên. Năm 2005, bằng việc cấp “Quy chế quan sát viên” cho các nước Ấn Độ, Pakistan, Iran và Mông Cổ, trên thực tế SCO đã mở rộng ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi khu vực Trung Á, mà còn lan sang cả các nước Nam Á. Hiện nay, cả Iran, Ấn Độ và Pakistan đều mong muốn trở thành thành viên đầy đủ của SCO. Ngay cả Thổ Nhĩ Kỳ là nước thành viên NATO, hay Afghanistan là một đồng minh thân thiết của NATO cũng bày tỏ nguyện vọng gia nhập SCO, nhưng cho đến nay hai nước này mới chỉ được công nhận là “Quốc gia đối tác, đối thoại của SCO”. Thậm chí, một nguồn tin giấu tên còn tiết lộ rằng, Mỹ cũng mong muốn làm quan sát viên của tổ chức này, nhưng không được chấp nhận.

SCO là một tổ chức quốc tế với những thành viên có thể chế chính trị khá đa dạng. Vả lại, SCO còn rất non trẻ, được tập hợp lại trong buổi ban đầu với những mục tiêu đơn giản, hạn chế, chỉ mang tính khu vực và chủ yếu là hướng nội. Đến nay, sau hơn mười năm phát triển, tự thân nó cũng phải nhìn nhận lại, các nước thành viên có những ý tưởng và hoài bão về nó rất khác nhau. Trong khi Nga hy vọng xây dựng SCO trở thành một tổ chức đối trọng với NATO, thì Trung Quốc lại coi SCO chủ yếu như một liên minh kinh tế. Trên cơ sở tư tưởng và những mục tiêu đó, đương nhiên, việc xem xét kết nạp những thành viên mới cũng sẽ khác nhau. Chính vì vậy, cho đến Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 12, vừa được tiến hành ở Bắc Kinh, số thành viên chính thức của SCO vẫn dừng lại ở con số 6, như cách đây 11 năm.

Riêng đối với Iran, mặc dù Tehran rất tha thiết, đã nộp đơn chính thức xin gia nhập SCO từ cách đây 4 năm, song tổ chức này vẫn chưa thể kết nạp Iran làm một thành viên đầy đủ của SCO vì Iran đang bị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cấm vận. Chỉ khi nào Liên hợp quốc tháo dỡ lệnh cấm đó, Iran mới có cơ hội trở thành thành viên đầy đủ của SCO.

Mặc dù Iran hiện nay chỉ là một nước được hưởng quy chế “Quốc gia quan sát viên của SCO”, song tổ chức này vẫn rất quan tâm và có lập trường kiên quyết, cứng rắn để bảo vệ lợi ích của Iran. Trong một tuyên bố chung của Hội nghị Thượng đỉnh tại Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo các nước thành viên SCO đã khẳng định: “Bất kỳ nỗ lực nào nhằm giải quyết vấn đề Iran bằng vũ lực là không thể chấp nhận và có thể dẫn đến những tình huống không thể dự đoán”. 

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh SCO-12, Tổng thống Nga V. Putin và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã có các cuộc gặp song phương với Tổng thống Iran M. Amadinejad để trao đổi những vấn đề xung quanh tình hình Iran, đồng thời bày tỏ SCO có thể hỗ trợ Iran. Điều này cho thấy trong một tương lai gần, SCO sẽ có vai trò to lớn hơn đối với cuộc khủng hoảng chương trình hạt nhân của Iran. 

Mặt khác, cũng phải thấy rằng, trong khi Mỹ và các nước EU đang tiến hành bao vây, cấm vận dầu lửa chống Iran, thì Trung Quốc hiện đang là một trong những khách hàng nhập khẩu dầu lửa lớn nhất của Iran và kiên định phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran. Trung Quốc đang tiếp tục đầu tư ngày càng nhiều hơn vào Iran. Để bảo vệ nguồn đầu tư to lớn và thị trường đầy tiềm năng này của mình, rõ ràng là Trung Quốc - một trong 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, không thể ngồi yên mặc cho Mỹ và phương Tây o ép và càng không thể làm ngơ một khi họ liều lĩnh mở cuộc tấn công quân sự đánh phá Iran.

Hội nghị Thượng đỉnh - 2012 còn cho thấy, SCO ngày càng có tiếng nói mạnh mẽ và cứng rắn, tập trung chủ yếu vào các vấn đề an ninh khu vực và thế giới. Đặc biệt, các nước thành viên tổ chức này đã đạt được sự đồng thuận về hàng loạt vấn đề nhạy cảm nhất của thế giới, như phòng thủ tên lửa, chống phổ biến hạt nhân, ngăn chặn vũ trang hóa không gian, an ninh thông tin mạng, vấn đề Iran, Afghanistan, Syria, tình hình Trung Á… SCO đã ra tuyên bố, trong đó kiên quyết phản đối việc sử dụng kỹ thuật thông tin và kỹ thuật mạng vào các mục đích gây nguy hại cho chính trị, kinh tế, xã hội và an ninh của các nước thành viên SCO; phản đối việc can thiệp vũ lực hoặc bạo lực nhằm thúc đẩy “thay đổi chính quyền”, không tán thành việc đơn phương áp đặt chế tài, cho dù nhằm chống lại một nước thành viên nào của SCO; bất kỳ ý đồ nào định dùng vũ lực để giải quyết vấn đề Iran đều không thể chấp nhận; tuyệt đối không cho phép để Trung Á xảy ra biến loạn giống như ở Tây Á hay Bắc Phi. 

Trong bối cảnh đó, việc Iran mong muốn gia nhập SCO là điều hoàn toàn chính đáng và hợp logic. Cho dù hiện nay tổ chức này chưa thể kết nạp Iran làm thành viên chính thức của mình, song những tuyên bố của nguyên thủ các nước SCO và hoạt động thương mại giữa Bắc Kinh và Moxkva với Tehran chính là những biểu hiện rõ ràng về sự ủng hộ của SCO đối với Iran. Quốc gia Hồi giáo Trung Đông này có thể hy vọng SCO như là một chiếc “phao cứu sinh” để họ có thể vượt qua muôn vàn sóng gió giữa đại dương./.