TCCSĐT - Chiều 28-5, tiếp tục Kỳ họp thứ ba, Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013.

Theo đánh giá chung, thời gian qua Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan đã tiếp tục có nhiều cố gắng với những bước cải tiến quan trọng trong quy trình xây dựng luật, pháp lệnh, góp phần nâng cao chất lượng, tiến độ chuẩn bị các dự án. Công tác xây dựng pháp luật ngày càng được chú trọng và đi vào chiều sâu; kịp thời đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cũng còn có những hạn chế. Cụ thể là vẫn còn tình trạng có dự án vừa mới được đưa vào Chương trình đã có đề nghị điều chỉnh tiến độ, ví dụ như dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Đô thị... Một số cơ quan được giao nhiệm vụ soạn thảo còn chậm triển khai việc thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập; chưa thực hiện tốt việc tổng kết, khảo sát thực tiễn, phân tích chính sách, đánh giá tác động… để xây dựng dự thảo văn bản. Trong quá trình soạn thảo, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan tham gia soạn thảo chưa dành thời gian hợp lý và chưa đề cao tinh thần trách nhiệm trong việc chuẩn bị dự án. Nội dung một số luật, pháp lệnh được ban hành vẫn còn nhiều quy định mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể phải chờ văn bản dưới luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành thì mới có thể thực hiện được, nhưng việc ban hành nhiều văn bản này không bảo đảm tiến độ. Theo số liệu do Văn phòng Chính phủ cung cấp, tính đến thời điểm 15-3-2012, còn 26 văn bản quy định chi tiết thi hành của 15 luật, 01 pháp lệnh có hiệu lực chưa được ban hành. Đây là những bất cập đã tồn tại nhiều năm vẫn chưa được khắc phục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, kịp thời khắc phục để thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, năm 2013 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII.

Về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2012. Theo đề nghị của Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung 03 dự án luật, điều chỉnh tiến độ 05 dự án luật khác trong Chương trình năm 2012. Cụ thể, bổ sung dự án Luật Việc làm và Luật Khoa học và công nghệ (sửa đổi) vào Chương trình năm 2012; lùi thời hạn trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế, Luật Đất đai (sửa đổi);  rút ra khỏi Chương trình các dự án Luật Đô thị, Luật Quy hoạch và Luật Thư viện.

Dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2013 là 80 dự án luật và 7 dự án pháp lệnh. Việc chuẩn bị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2013 quán triệt một số định hướng cơ bản:

- Ưu tiên đưa vào Chương trình năm 2013 các dự án nhằm tiếp tục thể chế hóa kịp thời các văn kiện của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đặc biệt là thực hiện ba đột phá chiến lược trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020; các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; các dự án liên quan trực tiếp đến việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992…

- Chỉ đưa vào Chương trình năm 2013 những dự án được thuyết minh rõ ràng về sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, các nội dung cơ bản; kiên quyết không đưa vào Chương trình những dự án chưa đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

- Việc đưa các dự án vào Chương trình năm 2013 phải tính đến quỹ thời gian, khả năng thực tế của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra để tránh dồn quá nhiều dự án vào một cơ quan nhằm bảo đảm chất lượng và tiến độ của dự án…

Tại phiên thảo luận tổ, các đại biểu tập trung vào một số vấn đề cần cải tiến, đổi mới trong hoạt động của Quốc hội bao gồm: hoạt động lập pháp; hoạt động giám sát; quyết định các vấn đề quan trọng; tổ chức kỳ họp Quốc hội; tổ chức phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội; công tác bảo đảm phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Về công tác giám sát, hoạt động tiếp xúc cử tri, chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn… nhiều ý kiến đại biểu cho rằng mặc dù có cố gắng nhưng những năm qua vẫn chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn. Các đại biểu đều tán thành tăng cường tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội để nhân dân, cử tri cả nước theo dõi trực tiếp./.