COP-17 nỗ lực “giải cứu” Trái Đất

Thu Phương
16:39, ngày 14-12-2011

TCCSĐT - Sau 14 ngày thảo luận căng thẳng (từ ngày 28-11 đến 11-12-2011) tại thành phố Durban (Nam Phi), Hội nghị lần thứ 17 của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP-17) đã đạt được nhất trí về quá trình thương lượng một thỏa thuận mới. Theo đó, tất cả các nước thực hiện cam kết kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý.

Tại Hội nghị này, Nghị định thư Kyoto - văn bản pháp lý lớn nhất thế giới hiện nay về biến đổi khí hậu, đã được gia hạn thêm 5 năm kể từ thời hạn chót vào năm 2012.

Từ những bất đồng tồn tại…

Đại biểu từ hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ đã quy tụ tại hội nghị các bên của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) ở Durban (Nam Phi). Nội dung bàn thảo lần này xoay quanh các vấn đề, như thông qua viện trợ cho những nước nghèo, dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu; thúc đẩy Quỹ "Khí hậu Xanh" với mục tiêu đến năm 2020 đạt mức tài trợ 100 tỉ USD mỗi năm cho các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ thiên tai; đạt bước tiến cho giai đoạn cam kết mới của Nghị định thư Kyoto sẽ hết hạn vào cuối năm 2012.

Kết thúc tuần đầu tiên của COP-17, các bên gần như vẫn ở vạch xuất phát khi thảo luận về tương lai của Nghị định thư Kyoto. Tranh cãi xoay quanh mâu thuẫn dằng dai nhiều năm nay về trách nhiệm cắt giảm khí thải của các bên sau khi Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012. Bất đồng về mức độ cắt giảm khí thải và trách nhiệm của các nước liên quan đến Nghị định thư Kyoto xuất phát từ nguyên nhân chủ yếu là trong Nghị định, đối tượng bị ràng buộc trong cắt giảm khí thải toàn cầu là 37 quốc gia công nghiệp phát triển. Mỹ nằm ngoài thỏa thuận này, còn Trung Quốc là nước đang phát triển, không nằm trong diện ràng buộc của Nghị định thư, còn hầu hết các quốc gia chủ chốt liên quan tới mức khí phát thải đều không mặn mà với giai đoạn cam kết tiếp theo của Nghị định.

Nghị định thư Kyoto ký năm 1997 được coi là thắng lợi đối với các nước đang phát triển lúc đó vì trách nhiệm giảm khí thải được ràng buộc vào các nước phát triển là những nước gây ra nhiều khí phát thải nhất. Tuy nhiên, đến nay, các nước công nghiệp phát triển cho rằng, sau 14 năm, tình thế đã thay đổi, mức độ khí thải từ các nước đang phát triển tăng lên nhanh chóng, vì thế các nước này hối thúc thiết lập một sự ràng buộc mới. Bên nào cũng có lý lẽ của riêng mình và điều đó khiến cho hội nghị lần này cũng như các hội nghị về biến đổi khí hậu trước đó thường rơi vào bế tắc. Vấn đề càng khó khăn hơn khi hiện nay, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang là mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia.

Do sẽ hết hiệu lực vào năm 2012, nên COP-17 tại Durban được coi là hội nghị hoặc quyết định khai sinh một thời kỳ cam kết mới, hoặc là nơi khai tử Nghị định thư Kyoto.

… đến “thảm họa” Trái Đất

Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thông báo, năm 2011 là một trong 10 năm nóng kỷ lục kể từ năm 1850. Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud cho biết, nồng độ khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển đạt mức kỷ lục. Nhiệt độ trái đất đang tiếp cận nhanh với mức tăng 2-2,4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.


Trong khi các cuộc tranh cãi vẫn kéo dài triền miên trong các cuộc họp thì khí hậu trái đất vẫn tiếp tục nóng lên. Theo cảnh báo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, biến đổi khí hậu đang dẫn đến những hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan, mưa dữ dội hơn, lụt lội cũng nghiêm trọng hơn và hạn hán cũng khốc liệt hơn. Một điều gần như chắc chắn là sự gia tăng tần suất cũng như cường độ của những hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra ngay trong thế kỷ XXI và trên quy mô toàn cầu. Cụ thể là, nếu phát thải khí nhà kính cao thì số ngày nóng nhất tăng gấp 4 lần trong vòng từ 30 đến 40 năm tới. Hệ quả tất yếu của biến đổi khí hậu là nước biển dâng và chịu tác động mạnh nhất là các quốc gia nhỏ nằm lọt giữa biển, một số hòn đảo nhỏ có khả năng bị biến mất.

Theo nhận định của nhóm chuyên viên Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu, trong thế kỷ XXI, số lượng thảm họa thiên nhiên có thể sẽ tăng gấp 10 lần và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người cũng như gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Báo cáo của nhóm trên cho rằng, nếu như hiện nay, một số thảm họa thiên nhiên hiện tái diễn theo khoảng cách 20 năm thì đến những năm 2040 và năm 2060, những hiện tượng đó có thể sẽ xuất hiện thường xuyên hơn, thậm chí khoảng cách thời gian rút ngắn xuống chỉ còn 2-3 năm.

Ông Aleksei Kokorin, phụ trách chương trình “Khí hậu và Năng lượng” thuộc Quỹ Bảo tồn thiên nhiên hoang dã (WWF) nhấn mạnh, cùng với sự biến đổi nhanh chóng của thời tiết, thế giới sẽ phải đương đầu với không chỉ tình trạng khí hậu ấm lên mà cả thực trạng bão lũ và sóng thần nhiều hơn. Dự báo, khu vực châu Âu và vùng Địa Trung Hải, Trung và Bắc Mỹ, Brazin và Nam Phi có nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với thảm họa hạn hán.

Không những thế, theo báo cáo "Tình trạng các nguồn đất đai và nước trên thế giới dành cho lương thực và nông nghiệp" của FAO vừa công bố, có tới 25% diện tích đất trên thế giới hiện bị "thoái hóa cao"; 44% "bị thoái hóa ở mức vừa phải", trong khi chỉ 10% đất đai được xem là "cải thiện”. Hiện tượng biến đổi khí hậu làm thay đổi nhiệt độ, lượng mưa, gây ra hạn hán kéo dài khiến nguồn nước cung cấp cho nông nghiệp ngày càng trở nên khan hiếm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần làm đất đai suy thoái nhanh và khiến nhiều hệ thống tài nguyên đất và nước tại nhiều khu vực trên thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ mất khả năng sản xuất.

Còn Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) António Guterres cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu và hậu quả của nó là nạn di cư ồ ạt, ngày càng đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế. Theo ông, sản xuất nông nghiệp bị giảm ở các nước đang phát triển, công dân các quốc đảo nhỏ buộc phải từ bỏ quê hương do nước biển dâng cao, quan hệ hữu cơ giữa biến đổi khí hậu và các thảm họa thiên nhiên làm hơn 40 triệu người trên thế giới phải di cư, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt các nguồn tài nguyên khan hiếm…. là những nguy cơ tiềm ẩn gây ra nạn di cư ồ ạt và tình trạng xung đột trên thế giới.

Quan điểm của các nước lớn

Trước thực trạng biến đổi khí hậu đang ngày càng gây ra những hệ quả nghiêm trọng đối với đời sống con người trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, xã hội, quan điểm của các nước lớn - những tác nhân quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu là điều khiến cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm.

Trước tiên là Mỹ - quốc gia có lượng khí thải lớn nhất thế giới, hiện vẫn đứng ngoài Nghị định thư Kyoto. Trong tuần đầu tháng 12-2011, nhiều tờ báo quốc tế đã có những bài phân tích nhằm tìm hiểu thái độ của Mỹ trong vấn đề này. Tờ New York Time đưa ra quan điểm của Mỹ, đó là thế giới cần tính toán lại sự công bằng trong trách nhiệm giữa các nước công nghiệp cũ với các nền kinh tế mới nổi trước khi tính đến việc mở ra giai đoạn cam kết thứ 2 của Nghị định thư Kyoto. Khí hậu là vấn đề toàn cầu, để mỗi quốc gia hành động cần sự tin tưởng rằng, các quốc gia khác cùng hành động trong hệ thống chung. Trong bối cảnh hiện nay, hành động hiệu quả nhất là tập trung vào nỗ lực trong nước. Tờ The Gardian có bài viết với tiêu đề “Tổng thống Barack Obama kêu gọi sự thay đổi quan điểm của Mỹ tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu”. Theo đó, bài báo đã đề cập đến cuộc điều tra dư luận Mỹ rất đáng lưu ý được tiến hành hồi đầu năm 2011 cho thấy sự quan tâm của người dân Mỹ đối với sự biến đổi khí hậu ngày càng thấp đi, thậm chí, trong danh sách 25 ưu tiên chính trị của nước Mỹ thì vấn đề biến đổi khí hậu đứng ở vị trí cuối cùng. Tờ Le Monde của Pháp nói về một thực tế mà không nhiều người biết qua bài viết “Người Mỹ, Chúa Trời, Khoa học và Durban”. Đó là sự hoài nghi về vấn đề biến đổi khí hậu bao trùm Đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ. Những đề xuất liên quan đến đánh thuế khí thải đã bị bác bỏ tại Hạ viện và các chính sách về biến đổi khí hậu chưa khi nào được chào đón tại đây. Các ứng cử viên nhiệm kỳ tổng thống sắp tới đều tuyên bố không nhượng bộ với vấn đề nóng lên của Trái Đất, họ từ chối cơ sở khoa học mà cả thế giới thừa nhận về sự nóng lên của Trái Đất là do con người.

Quan điểm thứ hai thuộc về Liên minh châu Âu (EU) - một liên minh kinh tế lớn mạnh, có thành viên là nhiều nước công nghiệp phát triển. EU muốn xây dựng một khuôn khổ pháp lý mới, mang tính toàn diện và bắt đầu thực hiện từ năm 2015, trong đó đề nghị tất cả các nước, kể cả các nước đang phát triển, cần thực hiện những cam kết về cắt giảm khí thải. Theo các nhà lãnh đạo của EU, thách thức lớn nhất hiện nay chính là việc mở rộng trách nhiệm của Trung Quốc trong nỗ lực cắt giảm khí thải.

Trung Quốc đã tỏ ra không đồng tình với quan điểm của các nước phát triển khi cho rằng không có sự công bằng trong vấn đề này. Nghị định đặt mục tiêu về tính ràng buộc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính đối với các quốc gia phát triển, nhưng đến nay những mục tiêu đó lại không thể thực hiện được. Các nước phát triển đã tự đề ra các con số cắt giảm của mình, mà nhìn qua có vẻ lớn, nhưng thực chất không phải vậy. Thực tế cho thấy, các nước phát triển không những không đạt được mục tiêu đề ra, mà một số nước còn có lượng khí thải nhà kính tăng hơn nhiều so với mức của năm 1990. Trong bối cảnh đó, các nước phát triển đã tìm cách né tránh bàn về mục tiêu cắt giảm khí thải giai đoạn 1, nhưng lại đưa ra mục tiêu trung hạn đến năm 2020 nhằm đánh lạc hướng sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Trung Quốc cho rằng không công bằng khi đánh giá về lượng khí phát thải của nước này. Bởi cần phải xét trên quy mô dân số và quá trình phát triển kinh tế của nước này hoàn toàn khác biệt. Các nước phát triển thiếu quyết tâm chính trị, trong khi Trung Quốc chủ động, tích cực trong đàm phán với tư cách nước lớn nhất trong các quốc gia đang phát triển. Trung Quốc đồng ý sẽ thảo luận về cắt giảm khí thải sau năm 2020.

Nói tóm lại, các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ, Brazin, Nam Phi và Trung Quốc… khẳng định một hiệp ước toàn cầu về biến đổi khí hậu trước hết phải thừa nhận trách nhiệm lịch sử của các nước công nghiệp phát triển và kiên quyết đòi những nước đầu tiên gây ra biến đổi khí hậu phải là những nước đầu tiên cắt giảm khí thải. Còn các nước công nghiệp phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Canada và Nga đề nghị các nước đều phải có nghĩa vụ cắt giảm khí thải, đặc biệt là Trung Quốc.

Và những nỗ lực của COP-17

Các nhà lãnh đạo và người dân thế giới hy vọng COP-17 sẽ trở thành con tàu phá tan những tảng băng lớn đang ngăn cản nỗ lực chung chống tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Các phiên thảo luận cấp cao của COP-17 tập trung đàm phán nhằm thu hẹp bất đồng về một số vấn đề quan trọng của COP-17 giữa các nhóm nước như Nhóm các nước đang phát triển và Trung Quốc (G77 và Trung Quốc), EU, Nhóm các quốc gia châu Phi (GAF), Liên minh các quốc gia đảo nhỏ (AOSIS) và Nhóm các nước kém phát triển (LCDs)... Đặc biệt là xây dựng và cam kết về giai đoạn 2 của Nghị định thư Kyoto, triển khai Quỹ Khí hậu Xanh và cơ chế hoạt động cụ thể của các Ủy ban chuyển đổi, Ủy ban thích ứng về biến đổi khí hậu, Ủy ban tài chính, Ủy ban các dự án chính về biến đổi khí hậu đã được Hội nghị COP-16 nhất trí.

Mười hai ngày trôi qua, mọi nỗ lực dường như chạm đáy. Nam Phi, nước chủ nhà đã quyết định kéo dài hội nghị thêm 1 ngày, 1 đêm để đi tới một thỏa thuận nhằm cứu vãn hội nghị khỏi thất bại.

Kết quả là, quan điểm của các bên tại các cuộc thương lượng vẫn còn nhiều khác biệt, song đã có dấu hiệu khả quan. Hội nghị đã thông qua một gói thỏa thuận hợp tác nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, bao gồm một cam kết về việc gia hạn cho Nghị định thư Kyoto, cam kết giữa các nước về việc thực hiện kiểm soát khí thải theo cùng một khuôn khổ pháp lý với hiệu lực muộn nhất là vào năm 2020. Theo giới quan sát, đây là gói thỏa thuận cân bằng mặc dù thiếu vắng sự cam kết mạnh mẽ về cắt giảm khí thải.

Vậy là, Durban đã “gồng mình” lên để phá tan tảng băng vốn tồn tại quá lâu do mâu thuẫn sâu sắc về lợi ích giữa các bên. Các nước đã nỗ lực để đi tới giải pháp “giải cứu” Trái Đất. Tuy nhiên, hiện các nhà đàm phán vẫn còn tranh luận về câu chữ của nhiều mục thuộc lĩnh vực công nghệ cao nằm trong gói thỏa thuận bao gồm các mục tiêu giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính, những quy định về thống kê rừng, chuyển đổi công nghệ xanh và khoản tiền dành hỗ trợ các nước nghèo ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu.

Ngoài các cuộc tranh cãi về các chi tiết kỹ thuật, các cuộc đàm phán cũng chưa thoát khỏi những bất đồng sâu sắc giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ. Mỹ muốn tất cả các nước có lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường đều được hỗ trợ theo cùng một chuẩn mực pháp lý về cắt giảm lượng khí thải. Trung Quốc và Ấn Độ cũng muốn bảo đảm gói thỏa thuận không cản trở sự phát triển kinh tế nhanh chóng của hai nước này.

Thành công lớn nhất của Hội nghị Durban lần này là đã mở ra triển vọng mới cho Nghị định thư Kyoto khi mà các bên tham gia nghị định đã nhất trí gia hạn thêm 5 năm. Theo đó, dự thảo của hội nghị quy định giai đoạn hai của Nghị định thư Kyoto sẽ kết thúc vào năm 2017.

Khép lại hội nghị về môi trường lớn nhất hành tinh này, Chủ tịch Hội nghị Durban, bà Mkoana Mashabane nêu rõ: "Tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta đều nhận thấy, các quyết định trên mặc dù chưa hoàn hảo, nhưng không nên để cho sự hoàn hảo làm mất đi những điều tốt đẹp và hy vọng. Chúng ta phải tiếp tục nỗ lực và chung sức hơn nữa trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu”./.