Chiến tranh Việt Nam từ một góc nhìn
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, quân đội Mỹ đã trút xuống hai miền Nam, Bắc Việt Nam một khối lượng bom lớn hơn bất cứ cuộc chiến tranh nào do Mỹ thực hiện trước đó. Cuộc khủng bố đẫm máu ở Mỹ Lai, B52 rải thảm ở Khâm Thiên và chiến dịch rải chất độc da cam trên một diện tích rộng trong chiến tranh chỉ là số ít trong hàng nghìn tội ác mà quân đội Mỹ đã gây ra cho dân tộc Việt Nam.
Trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai, lính Mỹ đã giết hại hơn 500 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Vụ việc đã từng bị cố tình che đậy gần hai năm trời, và chỉ sau khi báo chí điều tra ra, sự thật mới bị phơi bày. Nhiều tờ báo ở Mỹ lúc đó bình luận: "Nước Mỹ và người Mỹ không thể không gánh nặng cảm giác tội lỗi và sự day dứt của lương tâm trước những gì diễn ra ở Mỹ Lai”.
Chưa hết, có lẽ dã man nhất là việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc màu da cam/dioxin dội xuống các chiến trường miền Nam Việt Nam. Những hậu quả của chất dioxin đối với người Việt Nam đến nay vẫn còn hết sức nặng nề với khoảng 4,8 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng và 150.000 trẻ em bị dị dạng ngay từ khi mới sinh ra. Hậu quả bi thảm này không biết sẽ kéo dài đến bao giờ và qua bao nhiêu thế hệ. Trong tuyên bố phản đối Tòa án Tối cao Hoa Kỳ bác đơn thỉnh cầu của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam ngày 2-3-2009, Hội đồng Hòa bình Mỹ khẳng định: đây là sự vi phạm thô bạo của quân đội Mỹ về quyền con người, một tội ác nghiêm trọng chống lại loài người, đồng thời lên tiếng phê phán chính quyền và các công ty hóa chất Mỹ đã lẩn trốn trách nhiệm và che dấu sự thật trước dư luận.
Nhắc lại những ký ức đau thương trong chiến tranh, người viết bài này không nhằm khơi lại mối thù đã qua, mà chỉ nhằm khẳng định một điều: bạo lực và chiến tranh không phải là phương thức giải quyết các vấn đề của thế giới đương đại.
Chiến tranh đã thực sự kết thúc?
Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, có khoảng 58.000 lính Mỹ bị thiệt mạng, hơn 300.000 người lính khác bị tàn phế, mang trong mình thương tật và di chứng da cam/dioxin. Nước Mỹ đã tiêu tốn trên 900 tỉ USD cho cuộc chiến tranh (cả trực tiếp và gián tiếp), một cuộc chiến tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ mà không thu được một kết quả nào ngoài sự thất bại ê chề.
Điều đáng nói ở đây là, mặc dù chiến tranh đã đi qua hơn 30 năm, nhưng những mặc cảm tội lỗi, những lý giải về sự thất bại của quân đội Mỹ vẫn canh cánh trong lòng nước Mỹ.
Lần đầu tiên, vào năm 1988, chính phủ Mỹ buộc phải thừa nhận có khoảng 50.000, tức là 15% trong số lính Mỹ tham chiến tại Việt Nam trở về vẫn còn bị rối loạn tâm thần nghiêm trọng. Một số do mặc cảm về những tội ác gây ra cho người dân Việt Nam, khi họ cầm súng bắn giết những con người vô tội, trong tay không một tấc sắt để tự vệ. Số khác, cho đến nay vẫn không hiểu lý do vì sao mình lại phải cầm súng “chiến đấu” tại Việt Nam, chiến đấu với ai và chiến đấu vì cái gì?
Cựu binh Jim Doyle và David Curry chỉ là hai trong số hàng chục nghìn người bị dăn vặt trong cảm giác tội lỗi. Jim Doyle đã bị đẩy tới chiến trường Việt Nam khi mới 18 tuổi, mặc dù may mắn sống sót trở về, nhưng đến giờ người cựu binh này vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh: “Chiến tranh là địa ngục. Nó tác động ghê gớm đến con người như một vết thương không thể hàn gắn”, và, “Cuối cùng, tôi nhận ra rằng, chiến tranh không chỉ lấy cắp thời thanh niên của tôi mà còn đeo đuổi, ám ảnh suốt cuộc đời tôi”.
Cũng giống như Jim Doyle, cựu nhân viên tình báo Mỹ David Curry cũng không thể thoát khỏi những sợ hãi, căng thẳng về tâm lý khi hồi tưởng về quá khứ chiến tranh. Đến nay, ông vẫn không tin mình đã từng tham chiến tại Việt Nam. Nó như một giấc chiêm bao, chợt đến, chợt đi. Ông nói: “Tất cả những hồi tưởng của quá khứ vẫn còn nguyên vẹn trong tôi cho đến ngày nay và nó khiến tôi thực sự xúc động. Không một người nào ở thế hệ chúng tôi từng sống những ngày tháng đó lại không xúc động, dù có nhiều khi tôi không tin rằng chúng tôi từng có thời gian ở đó”.
Các nhà xã hội Mỹ xác nhận, kể từ sau năm 1973 đến nay, năm nào cũng có những cựu binh Mỹ trở về từ Việt Nam tự sát do mặc cảm tội lỗi bằng những cách thức ghê rợn.
Vết thương chiến tranh Việt Nam vẫn len lỏi tới từng gia đình Mỹ, che phủ hành lang quyền lực tại Oa-sinh-tơn và chia rẽ xã hội Mỹ. Cựu phóng viên chiến trường G.Gan-lô-guây (J.Galloway) nói: hãy hỏi chuyện các gia đình vừa đón hài cốt cha anh họ trở về, hãy gặp những người ngày đêm đến đứng trước bức tường tưởng niệm lính Mỹ tại Oa-sinh-tơn, hãy đến thăm những cựu binh bị thương tật, bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam để xem chiến tranh đã thực sự chấm dứt hay chưa?
Hình ảnh chiếc trực thăng đưa những người Mỹ cuối cùng rời khỏi nóc Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Sài Gòn buổi trưa ngày 30-4-1975 vẫn ám ảnh nước Mỹ cho đến hôm nay. Đối với họ, cuộc chiến tranh này vẫn còn chưa thực sự kết thúc vì những hậu quả nó để lại thật sâu sắc và dai dẳng.
Bài học nào rút ra từ sự thất bại của Mỹ trong cuộc chiến?
Một bài học quan trọng được rút từ cuộc chiến tranh Việt Nam là “văn hóa súng đạn” phương Tây không thể khuất phục được văn hóa truyền thống phương Đông.
Trong cuộc hội thảo về chiến tranh Việt Nam tháng 3-2007 tại tiểu bang Tếch-dát, các học giả Mỹ đã phân tích những nguyên nhân thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh này, trong đó nhấn mạnh đến yếu tố văn hóa. Cuộc hội thảo này đã đi đến kết luận: sự thiếu hiểu biết của Hoa Kỳ về văn hóa, lịch sử và con người Việt Nam chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thất bại của Mỹ trên chiến trường. Không ai phủ nhận sức mạnh số một về kinh tế, quân sự, kỹ thuật của Mỹ. Nhưng, đó không phải là sức mạnh vô địch.
Lịch sử chiến tranh đã chứng minh, sức mạnh của đồng đô-la và bom đạn Mỹ không khuất phục được tinh thần yêu nước và truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Học giả Giêm Bru-tơn phát biểu, những nỗ lực của Hoa Kỳ ở Việt Nam phản ánh sự thiếu chuẩn bị về văn hóa cho chiến trường. Đây chính là một phần của văn hóa Mỹ, vốn không chú trọng tới yếu tố văn hóa trong các cuộc xung đột quốc tế. Còn học giả Vê-rôn nhận xét, từ cuộc chiến Việt Nam, có thể rút ra một trong những bài học quí giá là cần phải hiểu rõ kẻ thù của mình… Điều đó người Mỹ đã không làm được ở Việt Nam nên phải gánh chịu nhiều thương tổn.
Thế giới đã bước sang giai đoạn mới của lịch sử, trong đó, hòa bình, hợp tác và phát triển đã trở thành xu thế chủ yếu của thời đại; tư duy sử dụng sức mạnh quân sự để giải quyết các vấn đề quốc tế đã trở nên lỗi thời. Lịch sử chiến tranh khẳng định với nhân loại một điều: chiến tranh và bạo lực cường quyền không giải quyết được vấn đề gì ngoài việc khoét sâu hận thù giữa các dân tộc và chia rẽ thế giới. Tuy nhiên, các thế lực hiếu chiến không nghĩ như vậy, họ vẫn đang xoay xở mọi cách để gây ra các cuộc chiến tranh nhằm trục lợi từ những cuộc chiến đó. Vì thế, những bài học lịch sử từ cuộc chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam vẫn còn giữ nguyên giá trị, bởi nó không chỉ lý giải về sự thất bại của cường bạo trước sức mạnh chính nghĩa mà còn cảnh tỉnh những người vẫn mơ hồ tin vào cái gọi là sứ mệnh “mở rộng dân chủ” như vẫn thường được tuyên truyền. Chống chiến tranh, bảo vệ hòa bình vẫn luôn là mục tiêu và khát vọng cháy bỏng của nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới./.
Tương lai đối thoại Mỹ - I-ran  (30/04/2009)
Tương lai đối thoại Mỹ - I-ran  (30/04/2009)
Chiến tranh Việt Nam từ một góc nhìn  (30/04/2009)
TP Hồ Chí Minh: Trao quyết định bổ nhiệm 24 chủ tịch UBND quận, huyện  (29/04/2009)
Giới thiệu chính sách mới số 176  (29/04/2009)
Chiến sĩ Điện Biên nơi giảng đường đại học  (29/04/2009)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên