Trong hai ngày 28 và 29-10-2008, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2008; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng chủ trì; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên chủ trì điều khiển nội dung. Đã có 196 lượt đại biểu phát biểu tại tổ, 92 ý kiến phát biểu tại hội trường và 20 đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản cho Quốc hội qua đoàn thư ký của Kỳ họp.

Các ý kiến tuy còn có những điểm khác nhau nhưng đều thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của các đại biểu mong mỏi đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng cao và phát triển bền vững

Ngày 28-10, các ý kiến tập trung vào các nội dung sau:

1- Đánh giá kết quả áp dụng hệ thống 8 nhóm giải pháp do Chính phủ trình Quốc hội thông qua trước diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và trong nước năm 2008. Những bài học kinh nghiệm rút ra trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành nền kinh tế trong tình hình mới.

2- Việc chọn lựa mục tiêu tổng quát về kinh tế - xã hội năm 2009. Đề xuất các biện pháp cuối năm để thực hiện có hiệu quả hơn mục tiêu đã điều chỉnh của kế hoạch năm 2008.

3- Đánh giá dự kiến mức độ đạt và đề xuất các biện pháp để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội đã được điều chỉnh của kế hoạch năm 2008.

4- Công tác dự báo và cảnh báo về phát triển kinh tế - xã hội nước ta trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới.

5- Chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

6- Sản xuất nông nghiệp, chính sách phát triển nông thôn và đầu ra cho nông sản.

7- Phát triển giáo dục mầm non ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

8- Đẩy mạnh cải cách hành chính.

9- Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

10 - Công tác điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài chính.

11 - Quản lý nhà nước về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đảm bảo phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tăng cường an sinh xã hội.

12 - Chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, ổn định đời sống, sản xuất.

13 - Chính sách phát triển kinh tế biển.

14 - Chính sách chăm sóc sức khoẻ nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế…

Ngày 29-10, các đại biểu thảo luận tập trung vào những vấn đề:

1- Công tác dự báo và cảnh báo sớm những tác động không thuận của kinh tế toàn cầu đối với nền kinh tế trong nước;

2- Công tác xã hội hoá giáo dục và chăm sóc sức khoẻ nhân dân;

3- Tình trạng lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao và các giải pháp kiềm chế;

4- Cơ cấu đầu tư gắn với quản lý vốn tại các doanh nghiệp nhà nước;

5- Cơ chế thu hút đầu tư tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn;

6- Chính sách đào tạo, dạy nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân ở vùng sâu, vùng xa;

7- Chính sách đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư;

8- Các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ đầu tư cho nông dân;

9- Các mục tiêu chiến lược đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; tạo bước chuyển cho sản xuất nông nghiệp bền vững; nâng cao đời sống nông dân gắn với xây dựng nông thôn mới;

10 - Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

11 - Chính sách an sinh xã hội và công tác xoá đói, giảm nghèo;

12 - Công tác cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý điều hành xã hội của bộ máy Nhà nước;

13 - Tình trạng ô nhiễm môi trường và vi phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm;

14 - Về đầu tư phát triển khoa học công nghệ nói chung và tập trung nguồn lực cho phát triển năng lượng quốc gia nói riêng…

Thay mặt Chủ tịch đoàn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã tổng kết và nhấn mạnh những nội dung quan trọng, được khái quát từ ý kiến phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội:

1. Về báo cáo của Chính phủ
 
Các báo cáo của Chính phủ, của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan được chuẩn bị kỹ lưỡng, toàn diện, sâu sắc, khách quan, nhìn thẳng vào sự thật, nêu đậm nét những trọng tâm trước tình hình mới của năm 2008 và nhiệm vụ của năm 2009.
 
2. Về các nhóm giải pháp của Chính phủ
 
Chính phủ đã kịp thời đưa ra 8 nhóm giải pháp được coi là không bình thường trong điều kiện kinh tế không bình thường để tổ chức theo thẩm quyền hoặc trình Quốc hội và cơ quan có thẩm quyền quyết định. Trong quá trình Chính phủ nghiên cứu đề ra các nhóm giải pháp, nhiều cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội không ngồi chờ mà với kinh nghiệm, trách nhiệm cao đã chủ động tổ chức nghiên cứu dưới nhiều hình thức kịp thời, đề xuất các giải pháp, kiến nghị với Chính phủ và báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền.

Chính phủ cũng sớm có các hoạt động phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều đơn vị thành viên của Mặt trận, khẩn trương họp và chỉ đạo kiên quyết các bộ, ngành, các địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước để vừa tranh thủ sự tham gia hoàn chỉnh các giải pháp và cùng sắn tay góp sức với Nhà nước tổ chức triển khai thực hiện.

Các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan chức năng về tuyên truyền đã nhận rõ trách nhiệm, tính cấp thiết của tình hình, đã tăng cường các hoạt động tuyên truyền với định hướng đúng. Lực lượng vũ trang và các cơ quan tư pháp hoạt động tích cực, ráo riết, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Các tầng lớp nhân dân sau một thời gian ngắn có lo âu đã sớm ổn định tư tưởng, cùng hành động và chia sẻ, ủng hộ Nhà nước để vượt qua khó khăn trước mắt. Trên diễn đàn Quốc hội, chúng ta khẳng định cả hệ thống chính trị và toàn dân đều vào cuộc với sự thống nhất, quyết tâm và trách nhiệm cao trước yêu cầu ổn định và tiếp tục đổi mới, phát triển đất nước.

3.  Tình hình kinh tế - xã hội năm 2008
 
Quốc hội đã khẳng định một số điểm sau:

Thứ nhất, tốc độ lạm phát, giá tiêu dùng đã được kiềm giữ, càng về tháng sau tốc độ càng chậm lại trong điều kiện cuộc khủng hoảng tài chính thế giới ngày càng trầm trọng và kinh tế toàn cầu giảm sút nhanh và rõ rệt.

Thứ hai, kinh tế vĩ mô thể hiện qua các cân đối lớn, về cơ bản, được kiểm soát một cách chủ động, không có biến động lớn.

Thứ ba, bằng nỗ lực của toàn xã hội, từng hộ gia đình, từng người cùng với sự cố gắng rất lớn của Đảng và Nhà nước trong việc đề ra và áp dụng các biện pháp an sinh xã hội đạt kết quả rõ rệt, hàng chục ngàn tỷ đồng đã được chi để cấp không thu tiền hàng chục ngàn tấn lương thực v.v.. hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động lớn của lạm phát, giá cả tăng cao.

Thứ tư, cả nước vẫn duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức cần thiết, tuy có giảm so với năm 2007 và chỉ tiêu, kế hoạch đề ra đầu năm 2008.

Thứ năm, tâm lý lo âu trong nhân dân, trong xã hội đã được cân bằng lại một cách cơ bản, thông cảm và chia sẻ khó khăn với Đảng và Nhà nước.

Thứ sáu, chính trị ổn định, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, môi trường đầu tư và phát triển về trung hạn và dài hạn vẫn có nhiều hứa hẹn.

Thứ bảy, những tháng cuối năm 2008, Quốc hội lưu ý Chính phủ nhiều vấn đề, nhưng tập trung vào một số vấn đề rất bức thiết như tập trung tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong sản xuất, trong đó lưu tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ; chấn chỉnh hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cho đúng hướng. Tiếp tục áp dụng các biện pháp kiên quyết hơn để không làm đời sống của những đối tượng nghèo, người có thu nhập thấp khó khăn thêm, cố gắng cải thiện, giảm bớt khó khăn cho đối tượng này. Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng lúc tình hình kinh tế khó khăn để trục lợi; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; phấn đấu trong thời gian ngắn lấy lại thế ổn định bình thường để tiếp tục phát triển đi lên, hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2006- 2010.

4. Nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009

Ý kiến chung của Quốc hội nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, tuy nhiên, trong lãnh đạo điều hành phải bảo đảm sự hợp lý giữa kiềm chế lạm phát và tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Quốc hội đồng ý với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, vó coi đây là những chỉ tiêu mang tính định hướng. Tuy nhiên, Quốc hội lưu ý, phải đảm bảo tính chính xác, khả thi của một số chỉ tiêu như tốc độ tăng trưởng kinh tế; tốc độ giảm lạm phát; tạo việc làm mới phải gắn với việc xem xét tình hình để mất việc làm, hạn chế việc làm do sản xuất tăng chậm lại; tỷ lệ hộ nghèo; một số chỉ tiêu về môi trường và vấn đề biến đổi khí hậu v.v...

Ý kiến chung của Quốc hội đồng tình với các vấn đề thuộc các nhóm giải pháp nêu trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các biện pháp này phải được tổ chức đồng bộ, không cứng nhắc, có sự điều chỉnh bổ sung cần thiết về liều lượng, uyển chuyển trong từng thời kỳ để mở gỡ những điểm còn nghẽn tắc, phát sinh trong thực tế. Quốc hội lưu ý nhấn mạnh một số điểm trong chỉ đạo, điều hành.

Thứ nhất, coi trọng việc làm tốt công tác dự báo, nhất là dự báo tình hình thế giới. Tình hình khủng hoảng tài chính trên thế giới diễn biến phức tạp, khó lường chắc chắn sẽ tác động đến nước ta, Quốc hội lưu ý Chính phủ cần tổ chức cập nhật kịp thời tình hình, đánh giá sâu sắc mối liên hệ giữa kinh tế Việt Nam với nền kinh tế thế giới, nhất là các nền kinh tế lớn, để xác định rõ mức độ ràng buộc, kịp thời có các giải pháp hạn chế tác động không thuận từ khách quan bên ngoài.

Thứ hai, phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị của toàn xã hội, chung sức chung lòng đề cao trách nhiệm và kỷ cương, cùng hành động và chia sẻ vượt qua khó khăn tạm thời trước mắt.

Thứ ba, đồng ý cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước, dành nhiều cho an sinh xã hội, coi trọng việc huy động các nguồn lực xã hội; nguồn lực nhà nước phải được đầu tư tập trung hơn vào các dự án công trình bức thiết, có hiệu quả.

Thứ tư, triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng vốn của Nhà nước ở mọi cấp, mọi ngành, mọi khâu trong các cơ quan đơn vị, và phải thể hiện trong các chương trình, việc làm cụ thể; trong tiêu dùng dân cư cũng cần tính toán tiết kiệm dành vốn cho sản xuất kinh doanh.

Thứ năm, chủ động bảo đảm an toàn cho cả hệ thống tài chính ngân hàng, tăng khả năng thanh khoản và hạn chế nợ xấu trong các tổ chức tín dụng.

Thứ sáu, thực tế cải thiện tình hình nông nghiệp nông thôn và nông dân theo tinh thần Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 7 Khóa X.

Thứ bảy, áp dụng các biện pháp đồng bộ, đủ sức nặng để ngăn chặn và chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội bức xúc mà trên nhiều diễn đàn của nhiều kỳ họp Quốc hội và đông đảo cử tri nhân dân quan tâm. Đặc biệt là việc thực hiện pháp luật về quan hệ lao động, vấn đề ô nhiễm môi trường, an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, ma túy, bạo lực gia đình, tăng dân số v.v...

Thứ tám, các cơ quan chức năng và các cá nhân có trọng trách nói đi đôi với làm, tổ chức thực hiện đến nơi, đến chốn, gắn liền với kiểm tra, thanh tra; làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm vi phạm không hoàn thành nhiệm vụ của từng tổ chức, cá nhân.

Thứ chín, điều hành nền kinh tế theo nguyên tắc thị trường trong điều kiện có sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa để đạt hiệu quả cao nhất. Không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền kinh doanh.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn thư ký kỳ họp tổng hợp đầy đủ ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận, cho ý kiến tại tổ và tại hội trường để vừa chuẩn bị dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kinh tế - xã hội, vừa chuyển đến các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ, tiếp thu nghiêm túc các ý kiến xác đáng để tổ chức thực hiện.

Ý chí chung của Quốc hội sẽ được thể hiện khi thông qua Nghị quyết của Quốc hội về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội năm 2008 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2009./.